Mình cùng mẹ ra vào viện K
Mình nhận tin mẹ bị ung thư vào ngày 28 Tết năm 2021. Trước đó vài hôm, bố gọi mình về Thái Nguyên nói có chuyện quan trọng nhưng mình nghe để đó chứ cũng chẳng nhớ gì. Mình cố làm nốt việc ở công ty rồi mới bắt chuyến xe gần cuối cùng về nhà.
Nhiều ngày thức khuya liên tiếp, mình chỉ chờ đến khi về được ngủ thoải mái, được bố nấu cơm cho. Thế nhưng vừa đến nơi, đón mình ở cửa lại là bố đứng rưng rưng khóc. Cái đầu mình tê dại đi khi bố giải thích là mẹ bị ung thư cổ tử cung vì HPV, ung thư sang giai đoạn III đã di căn rồi.
Tết năm đó, cả căn nhà đang được bọc trong một cái túi nylon đen, tối tăm và ngột ngạt. Đêm giao thừa, mình nằm trong chăn gào lên khóc như một kẻ điên, câu hỏi cứ trở đi trở lại trong đầu mình là: "Tại sao? Tại sao chuyện này lại đến với mình? Tại sao lại đến với gia đình mình?"
Mẹ mình vốn không phải người tích cực, thậm chí bà có phần cay nghiệt. Nếu mình kể cho mẹ chuyện ai đó vào Nam lập nghiệp, ai đó ra nước ngoài kiếm tiền, mẹ sẽ gọi đó là kẻ đua đòi, ích kỷ, không biết lo cho gia đình. Thế nên suốt 28 năm lớn lên mình chẳng mấy khi tâm sự với mẹ.
Bệnh tật khiến mẹ còn tiêu cực hơn. Cả nhà giấu mẹ không nói rõ giai đoạn bệnh nhưng hai chữ "ung thư" đã đủ làm bà suy sụp. Mẹ nằm 16 tiếng trên giường một ngày, chẳng tha thiết bất kỳ điều gì.
Mẹ nói với mình: "Bây giờ mẹ sắp chết rồi mày mới thương mẹ đúng không?". Mình chẳng biết trả lời làm sao.
Theo nguyện vọng của mẹ, mình nghỉ việc để cùng bà đi chữa bệnh ở viện K 2 Tam Hiệp. Suốt một năm, hai mẹ con đi đi về trong 12 đợt truyền hóa chất, mỗi đợt 3-4 ngày rồi lại về Thái Nguyên. Chai hóa chất giống như chai nước biển vậy. Nhưng vì là hóa chất nguy hiểm nên phải truyền rất chậm, mẹ mình nằm đó chờ rất lâu.
Người ta hay nói ra vào bệnh viện khổ sở, bất tiện lắm. Nhưng mình vào rồi mới biết, thật ra ở trong bệnh viện rất lạc quan.
Ở viện K mỗi người một hoàn cảnh, ai cũng đứng trước cửa tử nhưng tinh thần lại lạc quan vô cùng. Có một từ "may" mà mọi người cứ nhắc đi nhắc lại với nhau: May là tìm được nơi chữa trị, may là bác sĩ quan tâm, mình bệnh tật mà được thế này là may lắm rồi. Những cái "may" lặp lại trong đầu khiến mình và mẹ không thể không tích cực lên.
Những ngày không phải truyền, mẹ mình lại về Thái Nguyên bán hàng. Cả làng cả xã đều biết mẹ bị ung thư. Ai cũng bất ngờ khi mẹ ra ngồi bán hàng mà trông béo tốt, hồng hào quá. Chỉ có tóc mẹ là rụng dần đi...
Những ngày tóc rụng, mình thấy mẹ đáng thương lắm. Đầu rối tung, mẹ cứ xin mình chai dầu dưỡng để vuốt cho tóc mượt nhưng chỉ cần gạt tay một cái là cả mảng rơi xuống. Đến khi còn lơ thơ vài sợi tóc, thấy rõ cả da đầu. Người phụ nữ 53 tuổi mạnh mẽ, lèo lái kinh tế cả gia đình giờ ngồi khóc tu tu như một đứa trẻ. Mẹ bảo trong suốt cuộc đời dù có đau đẻ, mẹ cũng chưa bao giờ khóc như lúc này.
Mấy hôm sau bố giúp mẹ cạo đầu đi. Mẹ tự ti vì thấy mình không đẹp, nhưng cũng cố gắng khi có cả nhà động viên.
Đến một năm trở lại đây, sức khỏe của mẹ mình dần ổn định trở lại. Mẹ không cần hóa trị nữa. Bác sĩ bảo khối u của mẹ sẽ dừng lại ở đó, nó không giảm đi cũng không to lên nữa, chỉ cần chú ý 3 tháng lên Hà Nội một lần để kiểm tra sức khỏe
Mẹ mình thì dường như trở thành một con người khác. Bà vui vẻ hơn, tập thể dục đều đặn, mấy ngày nay không biết ai dạy còn nghe nhạc trên TikTok rồi nhảy theo. Tóc mẹ mọc dài hơn tóc tém một chút, đã kịp đi nhuộm tóc rồi. Mình thấy mẹ bây giờ còn đẹp hơn tóc dài ngày xưa nữa. Mình nhìn kỹ mẹ hơn trong những ngày hai mẹ con ngồi nói chuyện với nhau.
Một cái Tết nữa lại đến để mình thấy rất nhiều thứ đã thay đổi trong vòng 2 năm qua. Dù thời gian là bao lâu, mình cũng không mong mỏi gì hơn ngoài được thấy mẹ vui vẻ như bây giờ.
(Câu chuyện được chia sẻ từ bạn N.A)
Mỗi người trưởng thành có xác suất nhiễm HPV ít nhất 1 lần trong đời, với tỉ lệ nam giới là 91% và nữ giới là 85% khi có ít nhất 1 bạn tình.
HPV là virus gây ung thư nguy hiểm, nhưng hoàn toàn có thể được phòng ngừa sớm nhờ các biện pháp dự phòng, xét nghiệm đảm bảo an toàn cho bản thân và người thân.
Dự phòng HPV sớm với 2 bước:
- Tham khảo thông tin chi tiết tại .
- Đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn.
(Nội dung này do Hội Y Học Dự Phòng Việt Nam cung cấp và được MSD tài trợ vì mục đích giáo dục) VN-GSL-00578 12012026.