Mình đã nghỉ việc để trở thành "indie hacker"

"Cách đây một hai năm mình chưa nghĩ nhiều đến mục đích kiếm tiền từ các dự án đó đâu. Chủ yếu vẫn là để chơi vui và gây ấn tượng với các công ty."
Techie Story
Anh Tony Dinh, Creator of DevUtils & Blackmagic.io (có mặt trên nền tảng Product Hunt). | Nguồn ảnh: NVCC

Anh Tony Dinh, Creator of DevUtils & Blackmagic.io (có mặt trên nền tảng Product Hunt). | Nguồn ảnh: NVCC

Indie hacker không phải là một loại hình nghề nghiệp gì quá mới mẻ ghê gớm. Bất kỳ ai làm ra một sản phẩm công nghệ riêng và kiếm tiền từ nó đều được gọi là indie hacker rồi.

Mình đã tập tành viết ứng dụng và làm các dự án cá nhân (side projects) từ hồi còn sinh viên. Tới khi đi làm toàn thời gian, mình vẫn giữ thói quen này. Cách đây một hai năm mình chưa nghĩ nhiều đến mục đích kiếm tiền từ các dự án đó đâu. Chủ yếu vẫn là để chơi vui và gây ấn tượng với các công ty.

Nhưng gần đây, mình vừa quyết định xin thôi việc hẳn.

Trong hơn 7 năm làm kỹ sư phần mềm, mình đã học được rất nhiều về kỹ thuật, cũng như tìm hiểu về cách vận hành của thị trường này. Và bây giờ, mình đã có thể chính thức tự bước đi độc lập.

Mình có gì trong tay? Doanh thu từ các dự án bên lề, rất nhiều ý tưởng, và tiền tiết kiệm!

Hành trình này đã và đang để lại cho mình khá nhiều bài học.

1. Phải chấp nhận học nhiều thứ mới nếu muốn tự mình làm một sản phẩm

Ở công ty thường mình chỉ được làm một khâu trong cả quy trình, đặc biệt là ở các công ty lớn. Ngược lại, dự án cá nhân là cơ hội để mình làm những thứ mới mẻ hơn. Thay vì học ngẫu nhiên một thứ gì đó, mình đầu tư tâm huyết vào một sản phẩm.

Ngoài đủ thứ về lập trình, thiết kế và đưa sản phẩm ra thị trường, một indie hacker phải học thêm rất nhiều thứ xung quanh. Chẳng hạn như marketing, giao tiếp với khách hàng, pháp luật, tài chính, thanh toán với khách hàng doanh nghiệp,... Quá trời quá đất.

Tư duy mình phải thật mở để sẵn sàng học những thứ đó. Hôm rồi có một người dùng bảo mình xuất giùm người ta cái invoice. Lúc này mình mới tá hoả nhận ra, mình không biết invoice là ghi gì trên đó, rồi invoice với receipt khác nhau như nào!

(Nếu bạn cũng chưa biết thì gợi ý cho bạn: một cái là hoá đơn, một cái là biên lai nhé.)

2. Vấn đề cá nhân chính là nguồn ý tưởng dồi dào để "khởi nghiệp"

Hầu hết các ứng dụng mình viết đều xuất phát từ những vấn đề cá nhân cả. Nhưng nhiều khi nó cũng là cái bất lợi.

Cái này giải quyết được khó khăn cho mình nhưng chưa chắc ngoài kia người ta cũng cảm thấy vậy. Nếu may mắn có một triệu người cùng cảm nhận thì mình có thị trường đó. Nếu chỉ có một trăm người, mà người ta cũng không thấy vấn đề này nghiêm trọng thì thôi, đành để mình tự dùng rồi sưu tầm thành thú vui trong nhà.

Với mình, đẹp nhất là mọi thứ thật là khớp với nhau. Sản phẩm giải quyết được vấn đề cho bản thân và cho nhiều người trên thị trường.

Có cách thứ hai là đi nghiên cứu vấn đề của người khác. Tuy nhiên, nó đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức để hiểu và nhìn nhận. Thành ra nếu đã xác định làm indie hacker thì khá khó để đi theo con đường này.

3. Làm "indie" nhưng cũng hãy biết quảng bá

Bắt đầu làm cái gì cũng từ chập chững mà đứng lên, đúng không. Bước chập chững của mình là đi quảng bá sản phẩm đến những người mình thân thuộc nhất, như bạn bè, đồng nghiệp, bằng cách cho họ dùng thử rồi xin nhận xét.

Nếu chưa có nhiều người biết đến thì đăng lên các diễn đàn, hay khoe lên kênh nào mình hay hoạt động hoặc có khách hàng trên đó. Mấy năm gần đây mình không dùng Facebook nữa, mình chuyển qua khoe trên Product Hunt, Indie Hacker hay Hacker News.

Mình từng thử tiếp cận tệp khách hàng ở Việt Nam, nhưng tỉ lệ chuyển sang mua bản quyền chắc chỉ tầm 1%. Mà 1% đó cũng đắn đo dữ lắm. Đó là lý do mình chuyển qua xây dựng cộng đồng trên Twitter, tiếp cận được nhiều người dùng ở quốc tế hơn.

Không nhất thiết phải viết hoa lá hẹ câu like đâu, cứ làm thêm được gì, sản phẩm mình có thêm gì mới thì chia sẻ ra thôi. Dần dần thì người ta sẽ nhận diện được giá trị mình mang lại.

Ngoài ra, nói về quảng bá thì phải nói đến việc xây dựng thương hiệu cá nhân. Bạn nghe người ta nói nhiều đến cái này rồi đúng không. Mình cũng vậy thôi, nghe nhiều đâm ra chán, nhưng phải công nhận rằng, nếu có kỹ năng đó mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn nhiều.

Với mình, nó còn như một chiến lược dài hạn. Ví dụ, mình viết được 10 ứng dụng khác nhau, nhưng chưa chắc có cái nào thành công. Lỡ như "tạch" hết 10 cái này thì ít nhất mình cũng giữ lại được "khán giả" để còn viết cái thứ 11.

Người ta theo dõi mình vì chính bản thân mình, chứ không chỉ riêng gì một sản phẩm nào đó mình làm ra. Với một indie hacker chưa có một sản phẩm nào quá nổi tiếng thì có thương hiệu cá nhân sẽ phần nào giúp bạn tạo và giữ động lực.

4. Nhìn lên-xuống để vượt qua áp lực đồng trang lứa

Bị áp lực từ bạn bè hả? Cái này mình cũng mắc hoài ấy mà. Đặc biệt khi dùng Twitter nhiều hoặc nghe bạn bè kể. Nhưng mãi cũng quen. Lúc nào cũng sẽ có khối người giỏi hơn mình hết.

Mình hay có cái trò, lúc nào tự ti thì nhìn xuống rồi thấy "Ồ, còn nhiều người chưa bằng mình."Lúc nào thấy tự tin thì nhìn lên "À, té ra mình chưa là gì cả."

Mình cứ xoay chuyển vậy rồi từ từ mà tiến lên thôi. Còn nếu cảm thấy cắm mặt đi làm mười mấy tiếng một ngày mà kiếm tiền không bằng người ta làm trò gì đó, thì là do quyết định của mình cả.

Nếu thấy áp lực về chuyện đó thì mình nên thay đổi. Chung quy lại thì đó là câu chuyện mình theo đuổi cái gì, hay mình hạnh phúc vì điều gì. Còn nếu đã không dám tiếp nhận rủi ro, rồi nhìn người ta xong cảm thấy áp lực thì thôi, phải chấp nhận sự thật rằng bạn chơi không lành mạnh rồi.

(Câu chuyện do anh Tony Dinh chia sẻ lần đầu tiên với Techie Story - the Untold.)


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục