Monét Ngo: “Hy vọng mấy đứa trẻ sẽ bớt cô đơn khi nghe nhạc của mình.”
Monét Ngo (tên đầy đủ: Monét Chánh Ngô) là một ca sĩ, nhạc sĩ người Mỹ gốc Việt. Anh đến với âm nhạc một cách chậm rãi và tự nhiên. Monét tự thú, hồi còn nhỏ rất ghét chơi piano nhưng lại khoái đánh guitar và hát rap. Sự giải phóng khi tạo ra âm thanh và niềm hạnh phúc khi viết ca khúc đã thúc đẩy Monét quyết theo đuổi âm nhạc.
Mới đây, Monét Ngo cho ra mắt đĩa đơn đầu tay có tên Lonestar. Bài hát là sự pha trộn giữa một chút punk và rock, cộng hưởng cả pop lẫn indie. Bên cạnh đó, ca khúc Lonestar còn gây ấn tượng bởi phần lời ca mộc mạc nhưng đầy ý nghĩa.
Vietcetera đã có cơ hội ngồi lại và trò chuyện độc quyền với Monét Ngo về âm nhạc, đam mê, giấc mơ tuổi trẻ và nỗi cô đơn. Trong hành trình sống và theo đuổi âm nhạc, Monét Ngo đã #Bỏ không ít điều để trưởng thành, và trở nên vững vàng hơn.
Nghệ danh của bạn khiến tôi nhớ ngay đến một danh họa nổi tiếng là Claude Monet. Liệu có sự liên quan gì ở đây không?
Monét Ngo thực ra là tên khai sinh của mình luôn. Bố mẹ đã đặt tên mình theo tên một danh họa nổi tiếng mà họ yêu thích chính là Claude Monet.
Mình cho rằng nhị vị phụ huynh đã bị thu hút bởi khung cách yên tĩnh trong rất nhiều bức tranh của Monet, theo mộ cách tự nhiên nhất.
Bạn có nghĩ âm nhạc của mình ảnh hưởng bởi chủ nghĩa ấn tượng của Claude Monet?
Theo một cách nào đó, mình có thể kết nối âm nhạc mà mình sáng tạo nên với chủ nghĩa ấn tượng. Nhưng đồng thời, mình cũng nghĩ rằng, rất nhiều nghệ sĩ âm nhạc chẳng phải đã ảnh hưởng bởi trường phái nghệ thuật này hay sao?
Trường phái ấn tượng chính là ghi lại cảm giác của một thời điểm hoặc địa điểm nhất định trong một khoảnh khắc ngắn ngủi. Đó cũng là điều mà mình đã không ngừng theo đuổi và cố gắng thực hiện trong âm nhạc của bản thân.
Mình cảm thấy được kết nối với điều này nhiều hơn khi sáng tác dựa trên những trải nghiệm thực tế. Ngoài ra, mình cũng cảm thấy thôi thúc biến các bài hát trở nên đặc biệt, gói gọn trong một khoảnh khắc xác định trong đời mình.
Bạn đến với âm nhạc như thế nào?
Bạn có tưởng tượng được không, mình lớn lên cùng với đàn piano nhưng mình luôn ghét bỏ nó. Có thể hồi nhỏ mình khá cứng đầu, chỉ nghịch là giỏi và chỉ muốn tạo ra những âm thanh vui tai mà thôi. Mình cũng đã nhiều lần đến bên cây đàn piano và sáng tác ra những bản nhạc rời rạc. Dù vậy, nó cực kỳ có ý nghĩa với mình.
Sau này mình bắt đầu chơi guitar và nhận ra những cảm xúc tương tự khi ứng biến và tạo ra âm thanh. Mình cũng có cảm giác như vậy khi bắt đầu tập hát rap và tạo ra các ca từ, giai điệu.
Sau này mình nhận ra, chính sự giải phóng khi ngẫu hứng tạo ra âm thanh là yếu tố thúc đẩy mình sáng tạo ra âm nhạc.
Khoảnh khắc nào khiến bạn chắc chắn mình phải trở thành một người làm nhạc thay vì một ngành nghề khác?
Với mình, âm nhạc đến một cách tự nhiên và chậm rãi. Mình không nghĩ có một khoảnh khắc nào đó xác định rằng mình phải làm cái này hay cái kia; thay vào đó là nhiều khoảnh khắc rải rác trong nhiều năm, khiến mình thấy âm nhạc rất quan trọng đối với cuộc đời mình.
Khi hoài nhớ lại thời thơ ấu, có khá nhiều dấu hiệu cho thấy mình sẽ theo đuổi âm nhạc. Nhưng mình cũng đã phải mất một khoảng thời gian để kết nối để rồi quyết định theo đuổi một cách nghiêm túc.
Có một người cụ thể nào đó đã ảnh hưởng khiến bạn quyết định trở thành một nhạc sĩ?
Mình có nhiều bạn bè và thực sự họ đã truyền cảm hứng không ít để mình theo đuổi nghệ thuật. Nhưng không thực sự có một ai ảnh hưởng lớn tới mức biến mình thành một nghệ sĩ ngoài chính bản thân.
Có khi bố mẹ đặt tên cho mình theo tên một nghệ sĩ vĩ đại là có lý do của nó cả. Có lẽ số phận buộc mình phải theo đuổi nghệ thuật.
Được biết bạn là 1 giáo viên tiểu học vào ban ngày và nghệ sĩ âm nhạc ban đêm. Bạn đã bỏ hẳn nghề giáo viên để theo đuổi âm nhạc?
Với mình, dạy học và âm nhạc là hai công việc không thể tách rời với nhau. Cả hai giúp mình hoàn thành mục tiêu để lại dấu ấn trên thế giới này. Thực tình, mình chưa bao giờ muốn chết với cảm giác không làm được bất cứ điều gì trên trái đất này cả.
Theo mình, dạy học và làm nhạc là những cách để lại nhiều tác động tích cực nhất. Lý tưởng nhất mà nói, mình muốn làm nhạc toàn thời gian và tập trung hoàn toàn vào nó. Nhưng mình cũng không dám tuyên bố thẳng thừng rằng mình sẽ từ bỏ ước mơ dạy học.
Có lẽ một ngày nào đó khi đã trưởng thành hơn, mình sẽ tiếp tục con đường giảng dạy. Nhưng giờ đây, trái tim đang mách bảo mình hãy tập trung làm nhạc.
Trong cuộc sống và trong âm nhạc, đối với bạn điều gì có thể từ bỏ?
Sợ hãi là thứ nên từ bỏ. Tất nhiên, nói vậy không có nghĩa là mình không còn sợ hãi nữa.
Đừng sợ hãi những thứ bạn đã làm và đừng sợ hãi thất bại. Sự thật là bạn luôn có thể gặp thất bại. Nhưng có vấn đề gì đâu nếu ta có thể học được từ những thất bại đó.
Bên cạnh đó, bạn nên dễ chịu và yêu với bản thân một chút. Đừng ôm khư khư sai lầm trong quá khứ rồi để chúng bám chặt cuộc sống của mình. Một điều quan trọng không kém khác là kiên định với bản thân để có thể chịu trách nhiệm và cải thiện mỗi ngày.
Có những ngày mình đặt quá nhiều áp lực lên bản thân để tạo ra một thứ gì đó thật nghệ thuật, thật hấp dẫn. Và mình đã kiệt sức. Những ngày đó, mình đã tự nhắc nhở và nhẹ nhàng với bản thân hơn. Nhưng cũng có những ngày mình không làm đủ việc để cải thiện bản thân, mình lại phải vững vàng và kiên định.
Sau một khoảng thời gian dài thì nhận ra, sống hay làm nghệ thuật là một hành trình cân bằng liên tục.
Vậy điều gì nhất định bạn sẽ giữ lại?
Những điều mình chắc chắn sẽ giữ lại đó chính là tình yêu và đam mê. Thế giới luôn cần những người đam mê và yêu thích công việc của mình. Chính những người đó sẽ truyền cảm hứng cho người khác, để kể những câu chuyện độc đáo của họ.
Bạn có nghĩ rằng sự #bỏ sẽ mang lại cho mình những điều mới mẻ với hành trình khám phá mới?
Mình khá chắc chắn rằng, điều quan trọng nhất khi nói về chữ bỏ chính là bỏ ngay những thứ khiến bạn cảm thấy tiêu cực. Ngoài ra, tính kỷ luật sẽ dạy cho ta rất nhiều điều về chính bản thân mình.
Trong single mới nhất, bạn tự họa nhân vật chính là một ngôi sao nhưng lại cô đơn. Bạn nghĩ gì về nỗi cô đơn của mình và thế hệ trẻ ngày nay?
Trưởng thành là một quá trình đầy cô đơn. Về mặt nào đó, nó bao trùm và rộng lớn hơn so với trước đây. Nhưng mình nghĩ, theo nhiều cách, thì nỗi cô đơn vẫn như vậy thôi. Truyền thông xã hội giúp chúng ta kết nối nhưng cũng là con dao hai lưỡi khiến những kết nối thực mất dần.
Và mình hy vọng "những đứa trẻ" cảm thấy bớt cô đơn đi phần nào khi nghe được bài hát của mình.
Cũng trong bài hát này, bạn viết đã phí hoài thời gian để đi tìm một câu trả lời nhưng mà lại chẳng có kết quả gì?
Những dòng này trong bài hát kể về sự bất an của bản thân mình khi nhìn về tương lai. Mình có cảm tưởng như đã quá già để làm âm nhạc hay theo đuổi giấc mơ, đam mê. Mình cũng lo lắng rằng mình đang lãng phí thời gian quá nhiều trong quá khứ và giờ đây mình phải đổi diện hậu quả của nó.
Ca từ bài hát cũng như là một lời tiên tri về hành trình tương lai của mình, chuyển đến Los Angeles và theo đuổi sự nghiệp âm nhạc một cách nghiêm túc.
Mình biết chắc bản thân đang tìm kiếm điều gì đó ở thành phố này nhưng đồng thời lại cũng không dám chắc sẽ hạnh phúc hay an lòng ở phía cuối của cuộc hành trình.
Ngoài trút bỏ bực tức và thất vọng bạn phải đối mặt, còn câu chuyện nào bạn muốn kể trong âm nhạc?
Thực tình mà nói, mình có rất nhiều chuyện cá nhân để kể trong âm nhạc phết đấy. Mình chỉ hy vọng bất cứ ai nghe nhạc của mình cũng có thể tự tạo nên câu chuyện riêng của họ; và đồng thời, có những kỷ niệm riêng khi lắng nghe những ca khúc của mình.
Thông điệp mà mình muốn truyền tải thông qua âm nhạc chính là mọi thứ đều ổn thôi và bạn không cô đơn một mình đâu.
Dự định của bạn trong thời gian tới là gì?
Mình sẽ phát hành MV cho ca khúc Lonestar. Ngay sau đó, mình sẽ ra mắt hai đĩa đơn mới và EP đầu tay bao gồm 8 bài hát.
Nếu mọi người nghĩ ca khúc tiếp theo của mình từa tựa như Lonestar thì nhầm to nhé. Bài hát mới sẽ là một thứ gì đó khác hẳn đấy. Nếu phải tự miêu tả thì mình nghĩ, ca khúc này sẽ tươi và mới và khó đoán, bất ngờ hơn nhiều.