Một Quả Tắc: Bí ý tưởng thì nựng thú cưng!
Một Quả Tắc, hay còn gọi là Tắc, sinh ra và lớn lên ở Bình Dương, hiện đang là sinh viên năm cuối chuyên ngành Tranh lụa tại Đại học Mỹ Thuật, TP HCM. Ngoài các bài vẽ tại trường, Tắc cũng thường xuyên thực hành vẽ tranh tự do bên ngoài.
Tắc tìm đến tranh lụa và phong cách vẽ rất tự nhiên, giống như tìm thấy một tấm gương soi chiếu nội tâm. Như bao hoạ sĩ khác, cô vẽ để thể hiện cách mình quan sát, nhìn nhận thế giới xung quanh. Khi được hỏi về phong cách, Tắc cho rằng tranh vẽ của mình là “một viên thuốc bọc đường.”
Sự ngọt ngào ấy có lẽ đến từ những nét vẽ mảnh và lớp màu nước nhẹ nhàng. Tranh của Một Quả Tắc dường như không tồn tại vẻ chua ngoa, thay vào đó là sự tĩnh lặng của những khoảnh khắc dung dị, thể hiện rõ nhất qua khuôn mặt điềm đạm trong những bức chân dung.
1. Thời tiết hoàn hảo để sáng tác?
Một ngày trời mưa cuộn mình trong chăn vẽ tranh rồi lim dim ngủ.
2. Cảm xúc nào giúp bạn sáng tác hiệu quả nhất?
Vài cảm xúc cáu bẩn, khó chịu không giải toả được và việc vẽ giúp tâm trạng mình thoải mái hơn. Đôi lúc cảm giác thoải mái dễ chịu cũng sẽ thôi thúc mình vẽ, lúc này việc vẽ là chân lí cuộc đời.
3. Bạn chọn nhân trần hay trà tắc?
Mình chọn... tự uống mình! *cười*
4. Các nhân vật bạn vẽ có câu chuyện riêng nào không?
Có, các nhân vật trong tranh có thể mang tính cách của mình, hoặc họ là những người xung quanh mình với những cá tính và câu chuyện rất riêng.
Mình nghĩ tính chân thật cũng là sự khác biệt ở chủ thể nhân vật trong tác phẩm hội hoạ và minh hoạ.
5. Bạn thường làm gì khi bí ý tưởng?
Mình nựng thú cưng!
6. Nếu chỉ được giữ lại 1 trong 5 giác quan, bạn sẽ giữ gì?
Không được đâu, mình phải có đủ cả năm nha.
Thị giác và xúc giác là hai thứ quan trọng nhất với người nghệ sĩ. Những giác quan khác thì giúp mình có nhiều trải nghiệm với cuộc sống hơn như được ngửi thấy mùi vị, được lắng nghe thanh âm. Tâm hồn được nuôi dưỡng phong phú thì mới có thể cho ra những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời.
7. Theo bạn, tính sáng tạo và tính nghệ thuật khác nhau thế nào?
Nghệ thuật nắm bắt những điều thân thuộc và bình dị rồi tôn vinh vẻ đẹp cốt lõi của nó. Sự sáng tạo cũng phải phát triển từ những chất liệu cuộc sống, nhưng có cách tiếp cận cấp tiến để tạo ra một thứ hoàn toàn mới.
Theo mình, có thể hiểu là tính nghệ thuật bám theo khuôn mẫu, còn tính sáng tạo phá vỡ khuôn mẫu. Nhưng khi đánh giá vẻ đẹp của tác phẩm, hai yếu tố này không thể đem ra so sánh được. Bởi vốn dĩ cả hai đều là điều kiện cần và đủ trong quá trình làm nghệ thuật.
8. Nếu có khả năng tàng hình, bạn sẽ đi đâu?
Chắc mình sẽ theo chân người mình thích và... tét mông một cái!
9. Một hoạ sĩ có cần biết cách giải thích tác phẩm của mình bằng lời không, hay chỉ cần để tác phẩm tự mang tiếng nói của nó?
Mình thích câu này quá!
Đối với mình mỗi tác phẩm sinh ra từ tiếng nói riêng của người nghệ sĩ - nó là cách để nghệ sĩ giao tiếp với thế giới. Lý tưởng nhất, người nghệ sĩ nên biết mình muốn truyền tải điều gì thông qua tác phẩm, vì không ai hiểu rõ một tác phẩm bằng người sinh ra nó.
Mình thích một bức tranh có nhiều tầng nghĩa và khiến người xem nghĩ ngợi. Tất nhiên là không phải lúc nào người xem cũng hiểu theo cái cách nó nên được hiểu. Khi để người xem một khoảng trống để cảm nhận, tư duy hoặc phản biện tác phẩm, ta sẽ nhận lại nhiều góc nhìn rất thú vị.
10. Nếu sáng mai thức dậy thấy mình bỗng trở thành một cụ già 80 tuổi, bạn sẽ làm gì đầu tiên?
Trời ơi không được đâu, mị còn trẻ mà! Nhưng nếu chuyện này xảy ra thì chắc mình sẽ kiểm tra xem có Howl trong cuộc đời mình không. *cười*