Một thập kỷ làm nội dung của các vlogger Việt Nam
Nếu có một ngành công nghiệp hưởng lợi từ Covid-19, đó ắt phải là ngành sản xuất nội dung, đặc biệt là các nội dung streaming như podcast, vlog, phát trực tiếp. Khi toàn thế giới ngồi yên và buộc phải rời xa đời sống văn hóa thường nhật, thì việc chuyển sang xem Độ Mixi chém gió hay xem Giang Ơi tắm cho chó là những lựa chọn phù hợp để vỗ về tinh thần chúng ta.
Trên thực tế, các vlogger hay streamer không cần phải đợi tới đại dịch để thành công, mà những nền tảng cho sự phát triển đã có từ trước. Tuy nhiên không phải ai cũng nhận ra những nền tảng đó, và quan trọng hơn là những người đã gây dựng nó, cũng như gây dựng cộng đồng trong giới blogger/vlogger và hoạt động làm vlog, xem vlog như một cách giải trí thường nhật.
Đó chính là dấu ấn của các vlogger nổi tiếng như JVevermind, Toàn Shinoda, Huyme, và cả những cái tên mà giới trẻ ngày nay chưa chắc đã hay như Lâm Việt Anh hay Duhocsinhmy. Chính họ là những cá nhân mà chúng ta hay gọi là “vlogger đời đầu” - tức buổi bình minh của hình thức nội dung vlog ở Việt Nam.
Thế hệ mở đường của các vlogger Việt
Tôi vẫn còn nhớ lần đầu tiên mình biết tới JVevermind. Khi ấy tôi còn là một đứa nhóc cấp 2, không đi học thì đọc truyện tranh hoặc chơi Liên Minh Huyền Thoại. Tới một ngày nọ, đứa bạn thân cho tôi xem một video trên YouTube, trong đó có một anh chàng đeo kính nói về việc “kiểm tra miệng.”
Vào thời điểm ấy, tôi chưa bao giờ xem loại nội dung gì như vậy. Một mình anh chàng đó vừa làm người dẫn chuyện thông qua những góc máy trực diện, anh nói về việc đã từng ghét kiểm tra miệng thế nào. Và cũng anh chàng đó đóng những “tiểu phẩm” nho nhỏ để minh họa cho những luận điểm của mình.
Khi thì anh đóng giáo viên: “Đức Việt nhảy dây ngu, 0 điểm.” Sang cảnh sau, tôi lại thấy anh đóng luôn anh học sinh mới được 0 điểm đó: “Ớ, thì cô vừa bảo kiểm tra miệng nên em vừa mới… há mồm ra mà.” Tới mấy cảnh tiếp, đã lại thấy anh biến thành một vai khác, rồi sau đó quay trở lại làm người dẫn chuyện để kết thúc video với sự châm biếm.
Nhưng thứ khiến tôi thích thú và trở thành một người hâm mộ của JV không chỉ là cách anh biến hóa khôn lường, mà còn bởi sự hài hước duyên dáng và sự tục tĩu đầy khôn ngoan. Anh biết khi nào thì gây cười bằng giọng nói châm biếm, khi nào thì sử dụng biểu cảm, khi nào thì chen vô một vài tiếng chửi thề bỗ bã. Tất cả những yếu tố ấy hòa quyện trong một video dài không quá 8 phút khiến tụi học sinh chúng tôi cười lăn cười bò.
Và thế là từ ấy, bên cạnh Liên Minh Huyền Thoại và truyện tranh, tôi có thêm một thú vui nữa là xem vlog JVevermind. Đều đặn một tuần một vlog, mỗi vlog là một chủ đề thân thiện với lứa học sinh, với hình thức đơn giản và gần gũi.
Đơn giản, gần gũi, pha trò duyên dáng, và vừa đủ bỗ bã - đó dường như là công thức của lứa vlogger đời đầu. Nếu như sự đơn giản trong một phần tới từ giới hạn của công nghệ thời đó, thì sự cân bằng giữa duyên dáng và bỗ bã như trong vlog của JV hay Toàn Shinoda là một điểm mới. Những nội dung gần giống vlog trước đó hoặc là quá nghiêm trang và nhàm chán, hoặc tục tĩu một cách quá đà dẫn tới phản cảm.
Bên cạnh đó, điểm cộng lớn nhất về mặt nội dung của những vlog thời ấy là tính “mở đường” của chúng với học sinh chúng tôi về một số chủ đề hoặc lạ lẫm, hoặc khó nói. Họ nói về chuyện giới tính, chuyện ứng xử trên mạng, chuyện các mối quan hệ bạn bè và trong gia đình.
Bên cạnh các chủ đề quen thuộc về thời học sinh như kiểm tra, thi cử, thì chính những video đó đã dạy tôi những điều mà phụ huynh và giáo viên quá bận hay ngại ngùng để nói.
Từ JVevermind tới Giang Ơi: Vlog xưa và vlog nay khác gì nhau?
Tất nhiên những thành công và sự phát triển của phong trào vlog thời kỳ đầu ở Việt Nam không chỉ có công của mỗi JVevermind hay Toàn Shinoda, mà là sự góp sức của một tập thể các cá nhân. Người khởi xướng là Duhocsinhmy, người phát triển và dẫn dắt là những Toàn Shinoda, Huyme, Phở Đặc Biệt, He Always Smiles, và người hoàn thiện phong trào chính là JVevermind.
Thành công của họ tạo ra những quy tắc về mặt thể loại vlog để những người đi sau học tập và làm theo. Ngoài ra, giá trị lớn nhất của những vlogger này là sự báo trước về những trào lưu nội dung đang thịnh hành vào thời điểm này, tức trên dưới 10 năm sau thời kỳ của họ.
Hãy nghĩ về những sản phẩm nội dung mà ta hay xem trên TikTok hay các thể loại Reels và Shorts, ta sẽ nhận ra rằng nhiều đặc điểm và kỹ thuật trong những video ngắn ngủi đó đã xuất hiện trong những vlog khi xưa. Đó là cách diễn xuất theo kiểu “một cho tất cả,” cách voice-over, cách chèn nhạc và tương tác với chính các hiệu ứng âm thanh mà tác giả video cho vào trong đó, v.v.
Nhưng cuộc vui nào rồi cũng tàn. Kể từ sự ra đi đột ngột của Toàn Shinoda, mọi thứ dần thoái trào, và các vlogger đời đầu hoặc mất đi sức hút, hoặc dần ít ra video rồi biến mất hẳn.
Sự xuất hiện của các vlogger thuộc thế hệ mới như Dino Vũ, Khoai Lang Thang, Giang Ơi, Hanna’s Lexis, hoặc thậm chí là những người làm nội dung thuộc thế hệ gần đây như Vừng hay Jenny Huynh đã đưa thế hệ đầu về dĩ vãng của một thời xa lắm.
So sánh các lứa vlogger và các sản phẩm của họ, ta sẽ thấy rằng đã có những sự biến chuyển rõ nét trong mọi mặt của việc làm vlog. Phổ nội dung vừa trải rộng theo bề ngang vừa có chiều sâu, thậm chí được mở rộng thành các tiểu thể loại: vlog du lịch, vlog học tập, vlog ăn uống, vlog trang điểm, vlog hướng nghiệp, vlog “chữa lành,” v.v. Các chủ đề lựa chọn đều mang tính thời sự, gắn với mối quan tâm của giới trẻ như hướng nghiệp, định hình căn tính cá nhân, lựa chọn trường học hay công việc, v.v.
Sự khác biệt lớn nhất nằm ở hình thức nội dung. Nếu như trước kia chúng ta cảm thấy thích thú với sự gần gũi, mộc mạc mang lại bởi máy quay độ phân giải thấp và những hiệu ứng chuyển cảnh nghèo nàn, thì thị hiếu thời nay chỉ chấp nhận những chiếc thumbnail cắt ghép nhiều màu sắc, những hình ảnh nét căng “đét đèn đẹt,” những bối cảnh phông nền mang tính sắp đặt, và ti tỉ những hiệu ứng chuyển cảnh khác nhau.
Ngay cả khi một vlogger có chủ ý cắt giảm những yếu tố đó và để tâm tới sự “chân thực,” thì đó cũng là sự chân thực đã trải qua, chuốt lại trong quá trình dựng video. Và đó là còn chưa kể tới các thể loại quảng cáo to nhỏ, cài cắm thông điệp và sản phẩm nhãn hàng - thứ không hề có trong những vlog thời đầu.
Tạm kết
Việc chỉ ra những sự khác nhau của các thế hệ vlog không phải là để phê phán ai tốt ai xấu, cũng không phải để mùi mẫn tiếc thương quá khứ theo kiểu “ôi ngày xưa tươi đẹp.” Tất cả những sự khác nhau ấy tới từ sự phát triển song hành của mạng xã hội và công nghệ thông tin.
Ngay cả việc quảng cáo và hợp tác với nhãn hàng cũng cho thấy mối liên hệ không thể tách rời của các sản phẩm nội dung mang tính đại chúng và sự tiêu dùng thường nhật. Nếu khi xưa trào lưu phát triển nhanh hơn, công nghệ tới sớm hơn, thì có lẽ những vlogger đời đầu cũng sẽ quảng cáo, cũng sẽ có hiệu ứng “bùm chíu” từ đầu tới cuối.
Nhưng điều đó không quan trọng nữa, và ta không nên thảo luận dựa trên những “nếu như.” Điều quan trọng ở thời điểm hiện tại là trân trọng công sức làm nội dung của các vlogger, trong khi nhìn ra được sự nối tiếp của họ với những người đi trước.
Với cá nhân tôi thì, từ khi lên đại học, tôi đã mất thói quen nghe và xem vlog. Những thói quen mới, niềm vui mới đã xuất hiện, nên ngay cả sự trở lại của JVevermind cách đây không lâu cũng chỉ là một gợn sóng nhỏ nhắc lại niềm vui thời cấp hai. Nhưng thật mừng khi thấy rằng anh vẫn chưa bị lãng quên, và người ta vẫn chào đón anh y như cách anh đã chào đón tôi vào thế giới mạng xã hội và YouTube cách đây một thập kỷ.