Mua hàng miễn thuế sân bay Thái sắp trở thành quá khứ?

Liệu hàng miễn thuế có còn là "thỏi nam châm" hút khách du lịch của Thái Lan như trước kia?
Hiền Lê
Nguồn: TravelBiz

Nguồn: TravelBiz

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Ngày 6/7, nội các Thái Lan xác nhận các cửa hàng miễn thuế ở khu vực khách đến (arrivals) tại 8 sân bay quốc tế nước này là Suvarnabhumi, Don Mueang, Chiang Mai, Phuket, Hat Yai, U-Tapao, Samui và Krabi sẽ đóng cửa. Các cửa hàng trên biên giới đất liền và ở nội đô (downtown duty-free) không bị ảnh hưởng.

Đây là chiến lược nhằm khuyến khích du khách quốc tế chi tiêu nhiều hơn cho các cửa hàng nội địa, thúc đẩy doanh nghiệp địa phương phát triển. Dự kiến chính sách mới sẽ tăng chi tiêu của du khách thêm 570,000 baht/người, tạo ra dòng tiền mới tối đa 3.46 tỷ baht (2500 tỷ VND)/năm trong lĩnh vực bán lẻ.

2. Cửa hàng miễn thuế có vai trò thế nào với du lịch Thái Lan?

Theo thống kê của Cục Hải quan Thái Lan, doanh thu từ các cửa hàng miễn thuế này đạt 3.02 tỷ baht (khoảng 2100 tỷ VND) năm 2023. Các mặt hàng được mua nhiều nhất bao gồm nước hoa, mỹ phẩm, thời trang hàng hiệu và đồ uống có cồn.

Đặc biệt theo thống kê của tập đoàn King Power International, hơn 50% khách mua hàng miễn thuế đến từ Trung Quốc. Cũng theo một khảo sát do đại học Dhurakji Pundit (Thái Lan) thực hiện, mua sắm là yếu tố hấp dẫn khách Trung Quốc đến với đất nước này.

Nhóm khách từ thị trường tỷ dân chiếm tới 27% trong tổng số du khách quốc tế, và sẵn sàng dành 40% chi phí chuyến đi cho việc mua sắm. Với mức giá thấp hơn đáng kể cùng nhiều lựa chọn mua sắm (như đặt online trước khi đến pick-up, thanh toán dễ dàng qua WeChat), cửa hàng miễn thuế đã “hút” về cho Thái Lan một lượng lớn du khách Trung Quốc.

3. Vậy vì sao chúng vẫn bị đóng cửa?

Theo bà Rudklao Intawong Suwankiri, phó phát ngôn viên chính phủ Thái, việc du khách dễ dàng mua sắm từ tiệm miễn thuế (đặc biệt ngay khi vừa xuống sân bay) sẽ làm giảm đáng kể khả năng họ chi tiêu cho các cửa hàng nội địa.

Nói cách khác, việc này dù đảm bảo doanh thu cho ngành du lịch, nhưng không mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp địa phương. Thậm chí Bộ Tài chính nước này còn cân nhắc thu hồi giấy phép miễn thuế với một số mặt hàng nhất định, từ đó “buộc” du khách mua sắm chúng ở các cửa hàng nội địa, tăng giá trị kinh tế tổng thể cho đất nước.

Theo Nikkei Asian Review, du lịch Thái Lan những năm gần đây chuyển dần sự tập trung vào chất lượng thay vì số lượng du khách. Cụ thể, đất nước này muốn tập trung thu hút nhóm khách cao cấp/độc lập, có thể ở lại lâu và chi tiêu nhiều hơn thay vì khách đoàn (khả năng chi tiêu ít hơn, chủ yếu tham quan ngắn ngày và mua sắm ở các cửa hàng được gói tour chỉ định sẵn).

Việc quyết tâm xóa sổ các “tour 0 đồng” (dạng tour miễn phí hoặc giá rẻ, nhưng bù lại phải ghé nhiều điểm mua sắm) là nỗ lực rõ nhất cho thấy sự chuyển hướng của du lịch Thái Lan. Mặt khác, sau khi lượng khách đoàn từ Trung Quốc giảm mạnh sau dịch COVID-19, Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan cũng nhận định không thể quá phụ thuộc vào nhóm khách này.

4. Thái Lan còn có chính sách nào khác để thúc đẩy du lịch?

Từ ngày 1/6, Thái Lan chính thức miễn visa cho thêm 12 quốc gia, nâng tổng số nước được miễn visa từ 19 lên 31. Công dân các nước này cũng được phép lưu lại Thái Lan trong vòng 60 ngày, thay vì 30 ngày như quy định cũ.

Với các nước khác, Thái Lan cũng “hào phóng” hơn hẳn khi giới thiệu một loại visa mới mang tên Destination Thailand Visa. Loại visa này có thời hạn 5 năm với số lần nhập cảnh không giới hạn, cho phép du khách lưu lại tới 180 ngày mỗi lần nhập cảnh. Đây là những điều kiện lý tưởng giúp thu hút các digital nomad vừa làm việc, vừa trải nghiệm cuộc sống Thái Lan.

Ngoài ra từ năm 2023, Thái Lan cũng cho phép các cửa hàng được mở cửa tới 4 giờ thay vì 2 giờ sáng. Các sân bay cũng được “đặc cách” cho phép bán đồ có cồn trong ngày lễ Phật Đản, điều vốn bị cấm ở quốc gia này. Theo Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan, các chính sách nới lỏng trên đã giúp tăng doanh thu ngành du lịch nước này tới 44% so với cùng kỳ năm 2022.

5. Việt Nam có thể làm điều tương tự hay không?

Hiện Việt Nam có chính sách visa khá hào phóng khi cho phép du khách lưu trú tới 45 ngày (với khách được miễn visa) và 90 ngày (với khách có visa du lịch). Đây là điểm hấp dẫn với nhóm khách du lịch độc lập, cũng như các “du mục kỹ thuật số” muốn trải nghiệm cuộc sống ở đây.

Tuy nhiên du lịch Việt Nam còn nhiều điểm “nghẽn” cần khắc phục. Vì vậy ở thời điểm này, chúng ta chưa thể “chọn” du khách như Thái Lan, mà vẫn cần tập trung thu hút đa dạng các nhóm khách khác nhau.

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Lương Hoài Nam - thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch nhận định, du lịch mua sắm và mô hình miễn thuế là “mảnh đất” màu mỡ mà Việt Nam còn đang bỏ ngỏ, đặc biệt khi khách Trung Quốc chiếm tới 30% tổng lượng du khách đến Việt Nam. Ông cũng ủng hộ đề xuất của tập đoàn IPPG về việc mở thêm cửa hàng miễn thuế nội đô tại các thành phố lớn.

Theo ông Lương Hoài Nam, ngành du lịch phải xác định dịch vụ, thương mại là sản phẩm mũi nhọn. Ngoài việc khai thác mô hình miễn thuế, ông Nam cũng đề xuất đơn giản hóa quá trình thanh toán, đồng thời tối ưu hóa các nền tảng mua sắm cho du khách.

“Chỉ khi xây dựng được hệ thống dịch vụ “thẩm thấu” vào người dân, ta mới thúc đẩy được các ngành nghề khác phát triển theo du lịch”, tiến sĩ Lương Hoài Nam nhận định.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục