My Liberation Notes - Xã hội có đang thiên vị người hướng ngoại?

Những nhân vật hướng nội trong My Liberation Notes gợi câu hỏi rằng liệu chúng ta có đang sống trong một xã hội đề cao người hướng ngoại hơn?
Minh Trang
Nguồn: Kdramadiary

Nguồn: Kdramadiary

1. My Liberation Notes kể về câu chuyện gì?

My Liberation Notes xoay quanh cuộc sống của 3 anh chị em nhà họ Yeom, gồm Gi Jeong, Chang Hee và Mi Jeong, và một người đàn ông bí ẩn tên Mr. Goo - đến làm việc và sống cùng với gia đình họ.

Xuất thân từ thị trấn nhỏ Sanpo, 3 chị em đều phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống, từ công việc đến chuyện tình cảm.

Phim có tổng cộng 16 tập, hiện đang được chiếu trên kênh JTBC và phát hành song song trên Netflix.

2. Các nhân vật trong phim được thể hiện bởi ai?

Nhân tố sáng nhất của phim có thể kể đến nữ diễn viên Kim Ji Won (The Heirs, Descendants of the Sun) trong vai cô em út Mi Jeong. Mi Jeong là một cô gái hướng nội. Cô ít nói và ngại xã giao, nhưng lại làm việc ở môi trường công sở luôn đòi hỏi sự năng động.

Kim Ji Won đã có màn nhập vai khá tốt với vai diễn lần này trong việc thể hiện những sự vật lộn mà người hướng nội nói riêng và người trẻ nói chung phải đối mặt trong xã hội cạnh tranh hiện nay.

Đồng hành cùng Kim Ji Won là nữ diễn viên Lee El trong vai chị gái Gi Jeong, nam diễn viên Lee Min Ki trong vai Chang Hee và Son Seok Koo trong vai Mr.Goo.

3. Xã hội nhìn nhận như thế nào về người hướng nội?

Trong khi người hướng ngoại lấy năng lượng từ việc tương tác với xã hội, thì người hướng nội sẽ lấy năng lượng từ chính bản thân. Vì có xu hướng dành nhiều thời gian ở một mình và không có nhu cầu tham gia nhiều hoạt động xã hội, người hướng nội hay bị hiểu nhầm là rụt rè và thụ động.

Xu hướng yêu thích người hướng ngoại của xã hội hiện nay bị ảnh hưởng bởi thời kì Greco-Roman (Hy Lạp-La Mã). Cụ thể, thời đại ấy luôn đề cao những người có khả năng ăn nói lưu loát và cởi mở.

Susan Cain, cựu luật sư tại Wall Street và tác giả của cuốn sách Quiet: The Power of Introverts in a World That Can't Stop Talking , chia sẻ rằng bản chất của giáo dục là ủng hộ người hướng ngoại. Các học sinh bị đưa vào một lớp học lớn, được khuyến khích phải tham gia nhiều hoạt động tập thể dù không muốn, và nếu không năng nổ tương tác với người xung quanh sẽ dễ bị đánh giá không tốt.

Từ đó, xã hội có xu hướng kéo những người hướng nội tham gia vào các hoạt động cộng đồng. Tuy nhiên, điều này lại vô tình xâm phạm quyền riêng tư của những người hướng nội. Một người đàn ông tại Mỹ tên Kevin Berling đã hoảng loạn khi công ti tự ý tổ chức sinh nhật cho ông dù đã được ông yêu cầu không làm từ trước. Ông đã kiện công ti của mình và nhận được số tiền bồi thường 450,000 đô.

Susan Cain cũng cho biết rằng chúng ta đang sống trong một hệ giá trị mang tên “New Groupthink”, với niềm tin rằng sự sáng tạo và hiệu suất chỉ đến từ môi trường tập thể. Các không gian làm việc được dựng lên để nhân viên có thể tương tác và làm việc với nhau nhiều hơn. Những đặc tính hướng ngoại trong công sở vô tình khiến người hướng nội gặp phải nhiều khó khăn để thích nghi hơn.

Nghiên cứu của tiến sĩ Dana Stephens-Craig kết luận thêm rằng việc ép buộc những nhà lãnh đạo hướng nội phải dẫn dắt theo phong cách hướng ngoại (như luôn phải trông thật quyền lực, mạnh mẽ, cởi mở) cũng sẽ gây ra nhiều mâu thuẫn và họ sẽ không phát triển được hết tiềm năng của mình.

4. Vậy làm người hướng nội liệu có phải là một bất lợi?

Một nghiên cứu của 2 nhà tâm lí học Mihaly Csikszentmihalyi và Gregory Feist cho biết những người dẫn đầu trong các lĩnh vực về sáng tạo lại thường là người hướng nội. Bởi lẽ nghiên cứu cho thấy con người có xu hướng trở nên sáng tạo hơn khi được tận hưởng sự riêng tư và tự do của riêng mình.

Là một người hướng nội không đồng nghĩa với việc không có khả năng làm việc nhóm. Ngược lại, những người hướng nội lại có khả năng dẫn dắt và làm chỉ huy rất tốt. Nghiên cứu của Shahidul Islam cho thấy những người chỉ huy hướng nội thường suy nghĩ kĩ lưỡng trước khi nói và có khả năng lắng nghe tốt. Họ cũng có xu hướng xoáy sâu vào các vấn đề hiện tại trước khi chuyển sang những ý tưởng mới. Vì vậy, những nhà lãnh đạo hướng nội thường được xem như “những người thay đổi thế giới trong thầm lặng”.

Các nhà lãnh đạo có xu hướng hướng nội thường được biết có thể kể đến nhà sáng lập Microsoft Bill Gates, Cựu Tổng thống Barack Obama, hay nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg.

Ngoài ra, không phải tất cả chúng ta đều luôn luôn hướng ngoại hay hướng nội. Vì đây không phải là đặc điểm tính cách mà là xu hướng tương tác với xã hội, vậy nên tỉ lệ hướng nội hay hướng ngoại hơn sẽ còn thay đổi tuỳ theo thời gian và hoàn cảnh. Vậy nên việc cố gắng để trở nên hướng ngoại trong mọi trường hợp là không hề cần thiết.

5. Xem xong My Liberation Notes thì xem gì tiếp?

  • Misaeng: Cậu thanh niên Jang Geu-rae nhờ quan hệ mà được nhận vào thực tập tại một công ty thương mại lớn. Bước vào cuộc sống công sở với chỉ một tấm bằng tốt nghiệp cấp 3 và tính cách hướng nội, cậu phải đối mặt với rất nhiều trở ngại trong công việc.
  • Start-Up: Xoay quanh câu chuyện của những người trẻ trong thế giới của các công ty khởi nghiệp. Seo Dal Mi là một cô gái có ước mơ trở thành Steve Jobs của Hàn Quốc với những tham vọng thực hiện các kế hoạch lớn.
  • Lost: Những con người bình thường phải đối mặt với bóng tối của cuộc đời. Họ nhận ra cuộc sống thật trống rỗng và cố gắng khiến nó trở nên tốt đẹp hơn.
  • Fight For My Way: Những người trẻ với đam mê, ước mơ khác nhau nhưng đành từ bỏ vì những lý do riêng. Họ phải đối diện với những khó khăn, vật lộn với những công việc mà mình không thích hàng ngày để mưu sinh.

Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục