“Nếu bọn mình không thành vợ chồng thì dành cả thanh xuân quen nhau để làm gì?”
Một người bạn cũ của mình hay hát: “Do you believe in love after love?” (Bạn còn tin vào tình yêu sau khi kết thúc một mối tình nào đó không?). Câu trả lời của mình là: Có!
Nghĩ cho cùng, yêu chỉ là một trạng thái cảm xúc. Ngay cả khi đang yêu, bạn có thể rất yêu một người nhưng cùng thời điểm, bạn cũng có thể giận người đó, ghét người đó, muốn người đó biến đi, rồi lại yêu, rồi lại không yêu, rồi lại yêu lại một lần nữa… Vì thế, không thể vì đã từng yêu hoặc đã từng thất bại khi yêu mà cho rằng mình không thể tiếp tục yêu hay tình yêu mới sẽ không đến nữa.
Yêu thực sự chỉ là một trạng thái cảm xúc.
Mình từng quen rất nhiều anh chị, bạn bè trải qua những cuộc chia tay rất tệ, nhiều người kết thúc tình yêu với con cái và nhiều mối liên hệ khó nói với gia đình người cũ.
Mình cũng biết cả những người đã quá lứa tuổi kết hôn nhưng chưa có được mối quan hệ nào thực sự nghiêm túc và cảm thấy càng ngày càng xa vời với tình yêu. Sau một thời gian, rất nhiều người trong số này đã có tình yêu mới và hiện đang sống rất hạnh phúc; số còn lại thì vẫn mãi “lẻ bóng”.
Quan sát và trò chuyện với những người này, mình nhận ra giữa họ có một điểm khác biệt vô cùng rõ nét. Không phải là hình thức, tiền bạc, danh vị, học vấn, hay hoàn cảnh… Sự khác biệt duy nhất giữa họ chỉ là niềm tin vào tình yêu.
Nếu bạn từng gặp những ai có niềm tin vào tình yêu, bạn sẽ thấy họ vui vẻ, ấm áp, và tích cực. Mỗi khi có ai hỏi dồn họ về yêu đương hay kết hôn, họ chỉ thường cười và nói rằng đợi chờ thời gian, và họ sẽ tiếp tục không ngừng tìm kiếm. Họ cũng không ngại đến những nơi mới, gặp những người mới, và mở cửa trái tim để đón lấy những cơ hội tình yêu mới.
Còn những người không tin vào tình yêu, họ thường tỏ ra chán nản, mất hy vọng, và tiêu cực. Mỗi khi bị hỏi về tình yêu, họ thường muốn gạt đi, thậm chí không muốn xuất hiện để tránh ai hỏi về vấn đề cá nhân này. Họ cũng thường ngại gặp người mới, có ai giới thiệu cũng không muốn đến gặp, hoàn toàn đóng cửa trái tim.
Điều khó nhất ở đây là, không ai có thể làm thay đổi niềm tin của ai, trừ chính mình. Bố mẹ, họ hàng, bạn bè dù có tác động đến đâu, niềm tin nếu đã héo hắt rồi thì chỉ muốn tắt ngấm đi mà thôi.
Nhưng nếu chính những người này, vì một lý do nào đó (có thể khi thấy các cặp đôi bên nhau và nghĩ mình cũng muốn được hạnh phúc, có thể khi gặp được đối tượng “hoàn hảo” của mình…) mà thay đổi, thì lúc đó, họ mới bắt đầu tích cực tìm kiếm hạnh phúc riêng cho mình.
Mình rất vui khi đến dự lễ thành hôn của các bạn trẻ (lần đầu) kết hôn. Nhưng mình cũng thực sự hạnh phúc khi được dự đám cưới của những người kết hôn khi đã lớn tuổi hoặc khi đã một lần lỡ dở, vì những người này bản thân câu chuyện của họ đã là nhân tố truyền cảm hứng và khiến mọi người tin thêm vào tình yêu, vào “cơ hội thứ hai”.
Đọc đến đây, bạn có thể nhận ra rằng khi nói về tình yêu, mình nói nhiều về kết hôn
Đó là bởi vì, mình tin rằng tình yêu nghiêm túc cần hướng mình hôn nhân. Oaaaa! Viết ra câu vừa rồi khiến mình cảm thấy mình như một bà cô già cổ hủ. Thật sự nếu quay lại chỉ 2-3 năm trước thôi, mình có thể không tin mình sẽ viết ra những điều như thế này.
Về mặt cảm xúc, mình hoàn toàn ủng hộ những mối quan hệ hiện đại; mình chưa bao giờ và sẽ không bao giờ phân biệt những ai quyết định độc thân mãi mãi, làm cha/mẹ đơn thân, hay có những mối quan hệ lâu dài không hướng đến hôn nhân.
Nhưng về mặt lý trí, mình không thể phủ nhận kết quả của hàng loạt các nghiên cứu, khảo sát về tình yêu khi số đông đều chỉ ra rằng tỷ lệ chia tay ở những người đã kết hôn và chưa kết hôn có khoảng cách vô cùng lớn.
Dù bạn có ở bên nhau 10 năm, 20 năm, 30 năm đi chăng nữa, nếu không kết hôn, khả năng chia tay vẫn cao hơn rất nhiều những cặp đã kết hôn. Đó là còn chưa kể những thiệt thòi về pháp lý và về kinh tế khi có tài sản chung, con cái chung, quan hệ làm ăn chung… mà chưa từng kết hôn. Thông thường trong những trường hợp như thế này, người phụ nữ vẫn chịu nhiều thiệt thòi nhiều nhất.
Kết hôn không phải là chỉ là hai chữ ký vào tờ giấy đăng ký, mà còn là lời cam kết trọn đời
Rằng cả hai sẽ ở bên nhau mãi mãi, sẽ yêu thương nhau dù trong hoàn cảnh khó khăn nhất, và sẽ cố gắng hết sức để không bao giờ phá đi cam kết chung. Kết hôn có lẽ là mức độ cao nhất của các loại cam kết. (Có lẽ vì thế mà mọi người hay đùa rằng kết hôn là “bản án chung thân”!).
Nhưng cũng vì cam kết này mà các cặp vợ chồng sẽ dành nhiều thời gian hơn để hoàn thiện mối quan hệ của mình, sẽ cùng cố gắng tìm ra giải pháp khi gặp khó khăn, chứ không dễ dàng “dứt áo ra đi” chỉ trong một lần cãi vã như như các cặp chưa kết hôn. Nếu bạn đã có một mối quan hệ lâu dài và nghiêm túc (từ 1-2 năm trở lên), hãy bắt đầu nghĩ đến hôn nhân.
(Điểm thú vị nhất ở Việt Nam có lẽ là khi hai người “trong cuộc” chưa kịp bàn đến hôn nhân thì “người lớn” đã đánh tiếng thúc giục rồi nên các bạn nữ không phải chờ đợi mỏi mòn các bạn nam cầu hôn như ở phương Tây. Tin mình đi, đây thực sự là một lợi thế!).
Đừng bao giờ tiến sâu vào một mối quan hệ mà ngay từ ban đầu hai người đã có quan điểm trái ngược về tình yêu và hôn nhân. Cũng đừng nghĩ rằng thời gian dài lâu, “mưa dầm thấm đất” ta có thể làm đối phương thay đổi và kết hôn với mình – trò chơi chờ đợi bao giờ cũng mệt mỏi và phung phí thời gian cho cả hai bên.
Thật sự, nếu đã là mối quan hệ lâu dài nghiêm túc, tại sao lại không tính đến hôn nhân? – “Nếu không thành vợ chồng thì dành cả tuổi thanh xuân quen nhau để làm gì?”
Ta buồn, ta tiếc, ta nhớ, rồi ta cũng sẽ vượt qua
Với những ai đang trải qua giai đoạn đau buồn của tình yêu, mình hứa với bạn rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn.
Với những ai chưa tìm thấy tình yêu của mình, mình tin rằng nếu trái tim bạn rộng mở, tình yêu ắt rồi sẽ gõ cửa.
Với những ai đang yêu, mình cầu mong rằng tình yêu sẽ ở lại với chúng ta mãi mãi.