Nghệ sĩ Bùi Công Khánh: Trăm sông rồi cũng về biển lớn

Cùng nhìn lại lần hợp tác đầu tiên của nghệ sĩ Bùi Công Khánh và Ngân hàng Quốc tế VIB trong bộ quà tặng "Trăm sông về biển lớn" dành cho khách hàng tiền gửi Tết 2025.
Rachel Võ
Nguồn: VIB

Nguồn: VIB

“Bạn bè bảo anh tên Khánh nên tiếng ngân vang như khánh, dù nhỏ thôi nhưng cũng đủ cho thế giới biết về độ nhạy cảm nhận, tầm sâu tâm hồn của một họa sĩ Việt trước lịch sử, văn hóa cho đến những câu chuyện thời sự nóng hổi của từng vùng đất mà anh đến” - nhà báo Hồ Trung Tú đã từng dành những lời nhận xét như thế cho nghệ sĩ Bùi Công Khánh.

Sinh ra từ ý tưởng và bàn tay tài hoa của nhà tiên phong trong lĩnh vực nghệ thuật ý niệm Việt Nam, tác phẩm của Bùi Công Khánh luôn có sức nặng lịch sử, văn hoá và kiến thức đã được tích lũy trong hàng chục năm bôn ba với nghệ thuật. Anh cùng nghệ thuật Việt Nam đem chuông đi đánh xứ người với hàng chục triển lãm lớn nhỏ tại Thái Lan, Hồng Kông, Pháp, Mỹ, Úc…

Vừa qua, Bùi Công Khánh còn có hợp tác với thương hiệu thời trang xa xỉ Dior trong triển lãm Lady Dior House với tác phẩm Những đám mây phiêu lãng.

Vietcetera có dịp ngồi lại cùng anh Khánh vào thời điểm bận rộn nhất trong năm, nhân dịp anh có cái bắt tay đầu tiên với một trong những ngân hàng bán lẻ hàng đầu để đem nghệ thuật xích gần lại với thương mại, thông qua bộ quà tặng gốm sứ Minh Long mang tên “Trăm sông về biển lớn”.

Chào anh Khánh, dạo gần đây anh đang làm gì?

Vừa qua, tôi vinh dự được là 1 trong 4 nghệ sĩ Việt Nam tham gia triển lãm PT11 - Asia Pacific Triennial tại bảo tàng nghệ thuật Queensland của Úc. Đây là buổi triển lãm trưng bày tác phẩm của hơn 70 nghệ sĩ đến từ 30 quốc gia Châu Á, Thái Bình Dương.

Tôi dành 2 năm để chuẩn bị cho buổi triển lãm này và thật vinh dự khi thấy thành quả lao động nghệ thuật của mình trong suốt 15 năm qua được bạn bè thế giới biết đến nhiều hơn. Bảo tàng cũng đã đồng ý chiếu đoạn phim ngắn tôi thực hiện nhằm tri ân làng gốm Bát Tràng, nơi đã “cưu mang” cậu sinh viên Bùi Công Khánh thời còn theo học tại trường Đại học Mỹ Thuật.

Cảm hứng sáng tác của anh thường đến từ đâu?

Tôi lớn lên ở một ngôi làng nhỏ ở Cẩm Thanh, Hội An nên từ bé, các di tích phố cổ như rạp Phi Anh, Phi Yến, nhà cổ Diệp Đồng Nguyên, hiệu ảnh Huỳnh Sau đều có dấu chân tôi đi qua.

Chính vùng đất có lịch sử giao thương bậc nhất này là nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận cho những tác phẩm của tôi, là “nguyên liệu” để kể nên những câu chuyện quê hương qua từng bức tranh, mảng gốm.

Những “nguyên liệu” này được anh thể hiện vào tác phẩm như thế nào?

Trước khi bắt tay vào chủ đề nào đó, như cây lúa chẳng hạn, tôi sẽ bắt đầu nghiên cứu về nền văn minh lúa nước, đọc rất nhiều tài liệu qua các thời kỳ. Với cây lúa thì tôi còn được dịp quan sát gần vì có cả một cánh đồng lúa ngay trước hiên nhà.

Ngày ngày, tôi cẩn thận ghi chép lại mọi thứ mình có thể thấy được, sự thay đổi của cánh đồng từ xuân sang hạ, giọt mồ hôi của người nông dân bán mặt cho đất, bán lưng cho trời.

Một loại “nguyên liệu” đặc biệt nữa mà chỉ ở gần với đồng ruộng mới cảm nhận được: Mùi. Đó là mùi ngọt ngào của lúa chín, của khuôn miệng cười no đủ, mùi của những con bọ vừa bay vụt lên trời và mùi của cơn nắng mùa hạ vừa tắt.

Hãy kể về dự án gần đây nhất của anh?

Tôi vừa hợp tác với VIB cho ra mắt bộ quà tặng gốm sứ “Trăm sông về biển lớn”. Đây cũng là lần đầu tiên tôi quyết định hợp tác với một thương hiệu tài chính, Ngân hàng Quốc tế (VIB).

Điều gì khiến anh gật đầu trước lời đề nghị này?

Hai năm Covid chứng kiến nhiều sự mất mát và chia ly, tôi tìm thấy được sợi chỉ đỏ gắn kết tôi và gia đình thông qua hai yếu tố: “hiểu” và “thông cảm”.

Dự án lần này với VIB có nhiều điểm tương đồng với những suy nghĩ trong tôi. Bộ quà tặng dịp Tết như một lời nhắc nhớ, rằng những buổi sum họp gia đình không chỉ là dịp để mọi người gặp gỡ, trò chuyện và chia sẻ, mà còn là thời khắc để ôn lại nguồn cội, nhắc nhở nhau về những giá trị đã tạo nên bản sắc gia đình.

Với chủ đề “Trăm sông về biển lớn”, ý tưởng đầu tiên của anh là gì?

Tôi nghĩ về dòng chảy của con sông, tất cả đều chảy về biển. Giống như con người ta dù đi xa đến đâu, cuối cùng cũng sẽ muốn quay về quê hương, cội nguồn.

Bản thân tôi cũng vào Sài Gòn lập nghiệp thời trẻ, rồi chọn quay về nơi chôn rau cắt rốn để được ở gần gia đình. Một điều nữa thôi thúc tôi về với cố hương là niềm tin rằng cộng đồng nghệ sĩ ở Hội An đang ngày càng phát triển. Tôi muốn là một phần của cộng đồng ấy.

Anh có thể chia sẻ thêm về quá trình lựa chọn chất liệu và màu sắc trong bộ sưu tập này?

Tôi và gốm đã trở thành hình với bóng hơn 15 năm nay. Nên khi có dịp hợp tác với gốm sứ Minh Long, tôi đã nghĩ ngay đến gốm trắng, một trong những sản phẩm đặc trưng của họ.

Để có được lớp màu men sứ trắng như mong muốn, nghệ nhân phải sử dụng cao lanh tinh khiết, không được lẫn tạp chất và nung trong lò ở 1380 độ C để đảm bảo thành phẩm có độ bền cơ học.

Nền men sứ sáng bóng, láng mịn thôi thúc tôi đưa ngòi cọ chấm phá những đường nét màu xanh lam, như những nhánh sông đang cuộn trào, tụ về biển lớn. Sông suối vốn là một biểu tượng quen thuộc trong văn hoá Á Đông, nhưng tôi chọn sử dụng nét vẽ tối giản để thêm tính hiện đại, đưa hình ảnh sông gần gũi với mọi người.

Cảm nhận của anh sau khi hoàn thành dự án này?

Ban đầu tôi còn chưa hình dung ra mình có thể đảm nhận công việc này vì thật sự, giữa nghệ thuật và thương mại là hai lĩnh vực rất khác nhau. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để nghệ thuật có thể đến gần hơn với công chúng.

Nếu vì lý do nào đó mà không thể đi đâu xa, hoặc đến các phòng triển lãm để tận mắt chiêm ngưỡng nghệ thuật, thì cái đẹp vẫn có thể hiện hữu ở ngay cả trong những cái ly, cái dĩa mà mọi gia đình đều sử dụng mỗi ngày.

Theo anh lần hợp tác này sẽ mở ra cơ hội nào cho những cú bắt tay giữa nghệ thuật và tài chính?

Nhìn ở phương diện nghệ thuật, đây là cách mà VIB thể hiện sự quan tâm đến địa hạt nghệ thuật Việt Nam. Dưới góc độ tài chính, bộ quà tặng “Trăm sông về biển lớn” có thể trở thành cầu nối để khuyến khích mọi người bắt đầu sưu tầm nghệ thuật như một hình thức đầu tư lâu dài.

Ngoài ra, bên trong mỗi tặng phẩm có đi kèm một tấm thiệp "hạt giống". Khi gieo thiệp vào đất và chăm sóc thường xuyên, từ tấm thiệp sẽ nảy mầm thành cây xanh. Sự sinh sôi nảy nở từ món đồ không mấy ai chú ý đến trong mỗi hộp quà có thể giúp phủ xanh không gian sống của bạn.

“Trăm sông về biển lớn”, gồm 3 tác phẩm “Xuôi dòng”, “Tụ hội”, “Sum vầy”, là quà tặng giới hạn trong chương trình “Tết đầy đủ - Trao quà như ý” của VIB dành cho khách hàng cá nhân sử dụng sản phẩm tiền gửi từ nay đến hết ngày 28/02/2025.

Theo đó, tác phẩm "Xuôi dòng" tặng khách hàng có số tiền gửi từ 300 triệu đến dưới 2 tỷ đồng hoặc số dư bình quân tài khoản thanh toán từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng.

Khách hàng nhận tác phẩm "Tụ hội" khi gửi từ 2 tỷ đến dưới 5 tỷ đồng hoặc số dư bình quân tài khoản thanh toán từ 1 tỷ đến dưới 2,5 tỷ đồng.

Tác phẩm "Sum vầy" cho số tiền gửi từ 5 tỷ đồng hoặc số dư bình quân tài khoản thanh toán từ 2,5 tỷ đồng trở lên.

Xem chi tiết tại đây.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục