5 Xưởng nghệ thuật sáng tạo trẻ và chất ở Việt Nam

5 xưởng in, xưởng nghệ thuật dũng cảm "lội ngược dòng" đặt sự sáng tạo lên trên lợi nhuận
Nhi Nguyen
Nguồn: Justin cho Vietcetera

Nguồn: Justin cho Vietcetera

Sự kiện Sotheby’s lần đầu mở triển lãm tại Việt Nam đã khiến chúng ta nhìn lại về thị trường nghệ thuật tại Việt Nam và thừa nhận tiềm năng phát triển to lớn của nó, nhất là khi cộng đồng nhà sưu tập tranh nội địa đang phát triển mạnh mẽ, với niềm đam mê nghệ thuật và khát khao trau dồi kiến thức.

Tuy nhiên, từ trước khi xu hướng này thành hình, đã có những người “lội ngược dòng” để nghiên cứu, giới thiệu những loại hình nghệ thuật "độc, lạ" đến với chúng ta. Đơn cử như tranh in Risograph đã bắt đầu xuất hiện ở Nhật và phương Tây từ giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, nhưng mới du nhập vào Việt Nam từ mấy năm nay. Hay loại hình tranh in khắc gỗ mang hơi hướng thủ công và hoài cổ đã xuất hiện ở Trung Quốc từ thế kỷ thứ 7 sau Công Nguyên, nhưng đến nay vẫn là một khái niệm mới lạ ở Việt Nam.

Vietcetera giới thiệu cho bạn 5 xưởng in, xưởng nghệ thuật với sự sáng tạo miên man qua từng tác phẩm. Đặt sự sáng tạo lên trên lợi nhuận là hướng đi của những kẻ liều lĩnh nhưng nó cổ vũ tinh thần sáng tạo và sự độc đáo, nguyên bản cần có trong thị trường sản xuất hàng loạt này.

Khô Mực Studio

“Khô Mực không bán đồ nhắm, nhưng chúng tôi luôn chào đón bất kỳ ai muốn lai rai cùng vài ý tưởng sáng tạo hay ho”

  • Khô Mực là xưởng in độc lập tại Sài Gòn, được sáng lập bởi anh Đặng Thành Long và anh Simon Phan, cả hai đều có xuất phát điểm học thiết kế đồ hoạ. Xưởng tập trung vào hình thức in Risograph bắt nguồn từ Nhật Bản, kết hợp giữa in kéo trên bản lưới (in từng lớp màu) và photocopy (sao chép nhiều bản in cùng một lúc). Đặc điểm của hình thức in này là thân thiện với môi trường, thân thiện với hầu bao, lại còn tạo hiệu ứng đặc biệt cuốn hút cho từng sản phẩm!
  • 3 điều chỉ ở Khô Mực mới có:

Mực ăn bằng mắt

Đèn làm từ ống mực đã sử dụng

Sổ RIRI từ giấy tái chế (biết sao đây… Khô Mực thích nghịch… rác!)

  • Khô Mực hay tổ chức những cuộc thi vẽ để gắn kết cộng đồng sáng tạo, điển hình là cuộc thi vẽ online “Quả Báo” - lấy cảm hứng từ góc nhìn mới mẻ về “những “tội lỗi” trong thời đại 4.0 mà Diêm King chưa có hướng giải quyết”, với những gợi ý rất hay ho về chủ đề Tội - Phạt như:

Khạc nhổ bừa bãi – Chim ỉa lên đầu

Thả thính dạo – Lưỡi dài 8 mét

Bạo hành phụ nữ - Kiếp sau làm con bọ ngựa đực

Xài bao ni lông không gớm tay – Đầu thai thành bao cao su

  • Dù là “tay mơ" hay dân “chuyên nghiệp", bạn cũng có thể tham gia các workshop được tổ chức hàng tháng của Khô Mực. Những workshop gần nhất sắp được tổ chức là Storytelling Zine và Matisse Cut Out Poster vào tháng 7 và tháng 8. Sau 3 tiếng thoả sức sáng tạo xả stress, bạn còn có kha khá “thành phẩm" mang về. Đây là nơi lý tưởng để ghé thăm nếu bạn là nghệ sĩ, hoặc đơn giản muốn học thêm một hình thức nghệ thuật mới.

Wedogood

“Chúng tôi không hứa gì nhiều, chỉ hứa là sẽ luôn cố gắng “do good" (làm tốt).”

  • Wedogood là studio thiết kế đồ hoạ và in Risograph được điều hành bởi Jay Vũ, Tú Lê và Ngọc Võ. Tự miêu tả bản thân là “2 kẻ lập dị đam mê đồ hoạ", studio hoạt động với tôn chỉ luôn “làm tốt”.
  • Wedogood không chỉ “do good” một mình, mà trở thành wedobetter khi hợp tác với gần 30 nghệ sĩ trẻ độc lập, trong đó có thể kể đến Dương Giáp, Tất Sỹ, Orkaboi… cho ra những sản phẩm in độc đáo với cá tính riêng của từng nghệ sĩ. Wedogood tư vấn và hỗ trợ cho các bạn nghệ sĩ về loại hình in Risograph, tự thiết kế và bán các ấn phẩm như zine, poster và postcard.
  • Ngay từ đầu, Wedogood đã xác định mô hình sẽ là ‘peer-to-peer’: làm việc với nghệ sĩ, cho nghệ sĩ để đưa ra cộng đồng nghệ sĩ. Tinh thần không ngại thử nghiệm luôn hiện rõ trong các tác phẩm - sự kết hợp màu rất “lạ" và sử dụng những gam màu rất “chói", tuy nhiên thành phẩm cho ra lại rất “hợp lý" và cũng khá kén khán giả.
  • The Riso Club là nhánh nhỏ của Wedogood, nơi tổ chức những workshop về Risograph cho mọi trình độ, từ căn bản (workshop RISO BATTLEFIELD) cho đến nâng cao (workshop RISO EXPOSURE). Khi tham gia workshop của Wedogood, ngoài kiến thức, các bạn lúc nào cũng có quà mang về!

Saigon Print Shop

“Tôi thích thử nghiệm để tạo ra những pha trộn màu của riêng mình và sử dụng các phương pháp chạm khắc khác nhau để thoát khỏi thẩm mỹ truyền thống” - Jack Clayton, Nhà sáng lập Saigon Print Shop.

  • Saigon Print Shop là studio ở thành phố Hồ Chí Minh được Jack Clayton thành lập vào đầu năm 2020. Jack là một nghệ sĩ chuyên về tranh in khắc gỗ/ minh hoạ. Anh đã từng sống ở nhiều nơi và quyết định sẽ dừng chân ở Thành phố Hồ Chí Minh. Phong cách của anh lấy cảm hứng từ hình thức in ukiyo-e của Nhật, và tranh in theo chủ nghĩa biểu hiện của Đức.
  • Sản phẩm chủ đạo ở Saigon Print Shop chính là tranh in khắc gỗ! Đây có lẽ là nơi tiên phong (và duy nhất) tại Việt Nam theo đuổi hình thức nghệ thuật này. Saigon Print Shop là sự phối hợp “nhịp nhàng” giữa Jack và vợ. Cả hai người sẽ cùng lên ý tưởng, còn Jack sẽ là người thực hiện.
  • Tranh in khắc gỗ của Jack có những gam màu táo bạo và “chói" cùng những nét khá sắc với chất liệu là cảnh đường phố Việt Nam: hàng quán vỉa hè, trò chơi dân gian, những quán cà phê, văn hoá nhậu của người Việt.
  • Jack tổ chức những workshop về tranh in khắc gỗ cho cá nhân hoặc nhóm nhỏ. Anh đã từng được Change VN/ Wild Aid Vietnam mời làm workshop để tăng cường nhận thức trong việc bảo vệ động vật hoang dã.

Liulo Arts & Crafts

“Líu Lô rất hào hứng giúp hoạ sĩ trẻ mang các tác phẩm tới gần hơn với công chúng - những người bạn yêu quý Việt Nam!”

  • Liulo Arts & Crafts là xưởng đồ hoạ thực hành, được sáng lập và vận hành bởi nghệ sĩ đồ hoạ Nguyễn Thành Vinh. Líu Lô cũng là nơi kết nối và bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của nghệ sĩ, doanh nghiệp địa phương.
  • Líu Lô cung cấp rất nhiều sản phẩm đặc biệt như tranh in, tranh minh hoạ, khuyên tai, đồ gốm, túi đan, khăn lụa... Mượn lời của Líu Lô để nói về những tác phẩm nơi đây: "Mỗi tác phẩm đều đặc biệt vì nó mang tinh thần chân thành và ngây thơ của nghệ sĩ"
  • Sản phẩm ở Líu Lô rất màu sắc, nữ tính nhưng không kém phần cá tính, như sản phẩm khăn lụa “Hang Lớn" - tôn vinh “kỳ quan” của phái nữ khi đến kỳ kinh nguyệt, biến những chuyện tưởng như rất nhạy cảm thành những chuyện hết sức bình thường.
  • Líu Lô cũng tổ chức những workshop nghệ thuật thư giãn: vẽ lụa truyền thống, vẽ hoa dịp Tết, hay workshop rất “thời sự" như tập vẽ khẩu trang thời kỳ Covid còn đang hoành hành.

OH QUAO

“Oh wow!”

  • Simon Phan (nghệ sĩ minh hoạ) và Hoa Phạm (sáng tạo nội dung) - những người sáng lập nên Ohquao, là một cặp vợ chồng mê văn phòng phẩm.
  • Vì vậy nên ở OHQUAO gần như… cái gì cũng có: bưu thiếp, hình dán, sổ tay, tem làm theo yêu cầu, tranh in, board games, truyện, và cả những sản phẩm sữa tắm.
  • OHQUAO lấy cảm hứng từ những chất liệu đặc trưng truyền thống Việt Nam, và rồi nhìn nó theo lăng kính hiện đại. Một điểm đặc biệt là OHQUAO tập trung chủ yếu vào những sản phẩm làm từ giấy, mục đích muốn nuôi dưỡng kết nối cá nhân giữa con người và những sản phẩm này.

Cảm ơn Dentsu Redder đã đồng hành cùng chương trình, cùng góp sức thúc đẩy sự phát triển của thương hiệu Việt.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục