Tất Sỹ: "Mình làm nghề cũng như cô bán hủ tiếu, cô bán xôi" | Vietcetera
Billboard banner

Tất Sỹ: "Mình làm nghề cũng như cô bán hủ tiếu, cô bán xôi"

"Mình thích vẽ chú xe ôm, cô bán sữa đậu nành."
Tất Sỹ: "Mình làm nghề cũng như cô bán hủ tiếu, cô bán xôi"

Tất Sỹ minh họa cho Vietcetera

Tất Sỹ là một cái tên quen thuộc với nhiều bạn đọc Vietcetera khi anh đã từng minh họa cho rất nhiều bài viết với đa dạng chủ đề. Tốt nghiệp tại Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, khoa Thiết kế Đồ họa, Sỹ rong ruổi trên con đường làm họa sĩ minh họa tới nay là (gần) 5 năm.

Với phong cách nghệ thuật phong phú và linh hoạt, Tất Sỹ thổi hồn sự mềm mại của nghệ thuật vào những bài viết từ học thuật cho tới những vấn đề xã hội nhức nhối.

Tất Sỹ tự họa

Sỹ cho rằng tư duy và cách vẽ sẽ thay đổi theo thời gian, dựa trên dòng suy nghĩ và những thông tin mình nạp vào. Vậy nên, Sỹ chọn thử nghiệm, đặt mình vào nhiều chất liệu và hình thức thể hiện khác nhau: "Cái quan trọng là mình chân thật với chính mình ở thời điểm đó."

Cái tâm làm nghề với Sỹ vẫn là thứ quan trọng nhất khi Sỹ luôn tâm niệm rằng mình luôn phải học làm người trước khi làm nghề.

1. Kỷ luật trong sáng tạo có quan trọng hay không?

Mình là một người theo chủ nghĩa phiên phiến, tại vì mình thuộc cung Ma Kết. Phiên phiến ở chỗ mình không cố gắng lên một kế hoạch hoàn hảo, mà mỗi ngày mình dành một ít thời gian cho nó rồi cũng xong. Bản chất nghề này khiến mình không có một khung giờ nhất định nữa, nhất là khi phải vẽ cho báo, thời gian rất gấp.

Theo nếp gia đình thì mỗi ngày từ 4 giờ 30 phút sáng mẹ đã “vả” cho mình dậy. Thói quen 18 năm trời đã tích tụ nên cứ 4 giờ sáng là mình tự mở mắt thao láo. Nhà mình đã luyện cho mình kỹ năng cứ tới 10 giờ là não tự kêu mình buông bút đi ngủ dù có đang chạy deadline. Và mình không thay đổi được điều đó.

Nên mỗi ngày mình đều dành đúng 8 tiếng để vẽ. Làm sáng tạo nhưng mình vẫn cần có sự kỷ luật. Dù cho đang làm freelance nhưng thời gian của mình không khác gì các bạn làm văn phòng. Làm freelance đòi hỏi kỷ luật rất cao nếu không mình cũng không đủ tiền để sống.

2. Bạn chọn nghe nhạc hay nghe tiếng người trong lúc vẽ?

Câu này hay ghê. Mình hay bật phim hoạt hình Conan lên rồi nghe. Nhiều khi mình còn nghe thuyết pháp, nghe sách nói và cả podcast như Have A Sip nữa. Tiếng người làm mình đỡ cô đơn. Hồi xưa mình còn thắc mắc sao mẹ lại bật TV khi làm việc khác. Tới giờ thì đã hiểu. Ngoài ra mình còn nghe chị Chi chọn tụ nữa, cảm giác rất là an ủi vỗ về.

Đặc trưng nghề nghiệp khiến mình ít giao tiếp, phần nhiều cũng chỉ qua mail, bạn bè thì cũng ít. Nghe tiếng người nó đảm bảo nhu cầu giao tiếp cơ bản của mình. Mình cũng cảm thấy dễ thở hơn khi làm việc một mình nữa.

Dream Boy @boysinmyeyes

3. Phong cách riêng có phải thứ khiến bạn chật vật tìm kiếm?

Mình nghĩ phong cách cá nhân là thứ mình cần phải định nghĩa rõ trước khi đi tìm. Theo mình, nó không phải chỉ là mảng màu, tạo hình, cái nét hay đề tài. Lỡ bạn chuyển sang một chất liệu khác, không lẽ mình không còn cái cá nhân sao?

Chú bảo vệ

Tuy nhiên đây chỉ là suy nghĩ cá nhân của mình. Trong ngành vẽ minh họa thì việc nhận diện được đâu là tác phẩm của ai sẽ trở thành điểm cộng cho một họa sĩ. Nhưng điều đó không có nghĩa họ phải vẽ một kiểu đó cả đời mà nên chọn một đề tài có chiều sâu để phát triển tính cá nhân.

Trong việc vẽ minh họa báo thì mình cũng tìm cách đưa ra sản phẩm phù hợp nội dung thay vì ép cái cá nhân của mình vào bài. Nếu phải làm vậy mình thấy rất thương cho bài báo đó.

4. Bạn định nghĩa như thế nào về phong cách cá nhân?

Mình nghĩ phong cách cá nhân tới từ nội lực của một người và được phát triển từ một góc nhìn.

Cách đại đa số định nghĩa về phong cách cá nhân bị ảnh hưởng bởi hướng Việt Nam làm truyền thông về nghệ thuật. Ví dụ như nhắc tới Bùi Xuân Phái người ta bỏ quên mất ông vẽ rất nhiều thể loại và chất liệu. Họ chỉ nhớ ông vẽ về con phố Hà Nội. Đó là cách danh tính (identity) của một họa sĩ hình thành trong mắt người xem.

Các tranh minh họa cho sách "LGBT Một quốc gia ẩn giấu" (Hà Trung Hiếu) xuất bản bởi Nhã Nam

Gần đây mình có vẽ một dự án buôn người ở Anh. Vậy nên khi vẽ mình cũng nghĩ tới gia đình những nạn nhân, những người sẽ đọc cuốn sách. Nếu mình cứ áp đặt cái “phong cách cá nhân" vào, lỡ sự cá nhân đó mang phần vui tươi hay quá bi luỵ, nhiều khi sẽ không phù hợp. Bởi trên tất cả thì tính người vẫn nên là cái ưu tiên. Mình nghĩ về cảm nhận của những người xem để vẽ.

Nhưng một phần thật ra có lẽ do mình còn trẻ, mình muốn thử nghiệm nhiều thứ vì nó cũng vui. Mình nghĩ nếu phong cách cá nhân của mình chưa rõ thì do mình làm chưa đủ nhiều, hoặc chưa đủ chiều sâu. Một phần mình nghĩ cũng do đề tài mình trải quá rộng. Và mình cũng chưa tìm được đề tài mình theo tới cùng.

5. Bạn nghĩ gì về việc cân bằng giữa cuộc sống và công việc?

Mình có nghe được một buổi nói chuyện của bác Giản Tư Trung, khi được hỏi câu tương tự thế này, bác hỏi lại rằng “Ủa, bộ lúc làm việc không sống hay sao? Bắt chọn giữa công việc hay gia đình thì nghe còn hợp lý hơn.”

Một ngày mình vẽ tới 8 tiếng. Vậy nên nếu lúc mình vẽ mà không cảm giác được sống thì đã mất ⅔ cuộc đời rồi. Mà nói thật ngành vẽ ở Việt Nam, nói làm ra tiền để giàu thì chắc chắn không. Nếu đã không vui, không có tiền, còn cực thân nữa thì sao mà trụ được với nghề.

6. Sỹ có thích tác giả truyện tranh nào không?

Đồ án tốt nghiệp của Sỹ cũng là truyện tranh. Hồi nhỏ Sỹ cũng là con nghiện truyện tranh vì ngày xưa nhà bác Sỹ mở cửa hàng truyện. Vậy nên đa phần mình thích những tác giả truyện tranh hồi xưa.

Sỹ đặc biệt thích Fujiko F. Fujio. Lúc đọc truyện giả tưởng của ông mình rất ngạc nhiên và bị cuốn vào. Nó rất là có chiều sâu và mang tính triết khiến mình suy nghĩ.

Ngoài ra thì có nhiều chi tiết hồi nhỏ mình đọc Doraemon thấy kỳ kỳ, tới lúc lớn thì mới hiểu ra những gì ông cài cắm. Cảm giác như mình tới một chân trời khác.

Lucid Dream cho Vietcetera

7. Nếu chọn vẽ một người, bạn chọn ai?

Mình thích vẽ chú xe ôm, cô bán sữa đậu nành và cả những người lao động ở Việt Nam. Đó là những người gắn bó với Sỹ nhất nên mình thấy họ đẹp lắm.

Ngoài ra còn có mấy cô tập dưỡng sinh ở Hồ Tây nữa. Mình cảm giác lứa của họ có cái gì khác cái sự bi quan của mình lắm. Như mẹ Sỹ vào viện ai cũng lo, còn mẹ thì vẫn vui vì hái được bông sen về cắm đẹp ơi là đẹp.

Mấy lúc gặp khó khăn, không có tiền, Sỹ cũng nghĩ tới mấy cô bán xôi, bán hủ tiếu như một tấm gương làm ăn chân thật tích góp cả đời rồi cũng giàu đó. Cô lúc nào cũng nấu một nồi đồ ăn ngon, chào mời khách vui vẻ. Sỹ nghĩ mình nhiều khi cũng như cô bán xôi, khách đặt mình vẽ tranh, mình vẽ thật lòng cho khách rồi mình và khách đều vui.

Mấy cô tập dưỡng sinh ở Hồ Tây

8. Bạn học được gì sau nhiều năm làm nghề?

Cái gì mình cũng có thể thương lượng được. Công việc vẽ minh họa với mình như giải đề toán khó khách hàng đưa ra.

Mình trao đổi với khách, giới hạn họ lại về số lần sửa tranh hay đưa ra quy trình rõ ràng họ lại càng thoải mái hơn khi số lựa chọn ít đi. Với lại khi người ta tìm đến mình nghĩa là họ tin mình có khả năng giải quyết vấn đề của họ.

Vừa làm nghệ sĩ, lại vừa làm kinh doanh nên mọi thứ càng cần phải rõ ràng. Khi mình biết mình muốn gì, kết hợp với hệ quy chiếu của bản thân giúp lọc bớt những yêu cầu, khách hàng cũng sẽ rõ hơn về cái họ muốn.

9. Lời khuyên tệ nhất từng nhận được là gì?

“Ngành này nó vậy đó em".

Câu này tới từ một người anh, người gần như thay đổi đời mình. Đây là câu chuyện cách đây 4 năm khi mình mới bắt đầu vẽ. Khi đó mình hoàn toàn tin vào điều này. Mình đã cố gắng cày cuốc vẽ tranh nhưng ngày càng u uất hơn mà không hiểu tại sao.

Minh họa cho Vietcetera

Tới tận sau này mình lại học được “Tất cả mọi thứ đều thỏa thuận được", mình nhận ra có thể thương lượng để tìm được điểm chung dung ở giữa. Công việc trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Mình nhận được nhiều hơn nhờ học cách thỏa thuận. Nhiều khi mình còn đóng cả vai account, giới thiệu bạn bè cho khách hàng khi mình thấy họ phù hợp hơn.

10. Tổ nghề vẽ minh họa là ai?

Mình không hình dung rõ ràng về ai, mà có lẽ cũng không cần. Đào sâu quá nó lại là câu chuyện khác.

Nhưng mình giữ hình ảnh một tổ nghề như một cái đức tin. Chỉ cần biết là có một người luôn bên mình, theo mình để giúp mình làm nghề cho đúng và tâm huyết. Nó giúp mình không cảm thấy cô độc trên hành trình làm nghề.

Minh họa Cúng cho Vietcetera

"Hí Hoáy" by Vietcetera là một dự án hợp tác cùng 12 hoạ sĩ minh hoạ để hiện thực hoá hình tượng Vietcetera trong trí tưởng tượng của độc giả. Bộ sưu tập - bao gồm lịch để bàn, postcards, sticker và bao lì xì - là một món quà khép lại năm cũ, chào đón năm mới mà Vietcetera và 12 hoạ sĩ thương gửi đến những độc giả thân yêu.

Đặt mua tại Vietcetera Store