Nghiện công việc không phải yêu công việc. Làm sao để ngừng lại?
Workaholism (nghiện công việc) không còn là một khái niệm xa lạ với người trẻ. Đặc biệt trong thời đại số, sự lên ngôi của các thiết bị công nghệ như máy tính xách tay, điện thoại, máy tính bảng cho phép chúng ta làm việc ở mọi nơi, mọi thời điểm.
Với khả năng đó, ranh giới giữa công việc và nghỉ ngơi bị lu mờ bởi cảm giác luôn phải tăng ca ở nhà. Đồng thời cảm giác "nghèo thời gian" (time famine) khiến nhiều người không thể ngừng vội vã. Vậy khi nào là lúc nên tạm dừng?
Dưới đây là 7 dấu hiệu cho thấy bạn là một người nghiện công việc (workaholic) và một số gợi ý để bạn cân bằng cuộc sống tốt hơn.
7 Dấu hiệu bạn là một người nghiện công việc (workaholic)
Các nhà khoa học người Na Uy đến từ Khoa Tâm lý - Xã hội tại trường Đại học Bergen đã xác định 7 dấu hiệu nhận biết người nghiện công việc:
- Bạn nghĩ cách dành nhiều thời gian hơn cho công việc.
- Bạn dành nhiều thời gian làm việc hơn dự tính ban đầu.
- Bạn làm việc để giảm cảm giác tội lỗi, lo âu, bất lực hoặc/và buồn bã.
- Người khác từng nói bạn hãy giảm bớt thời gian làm việc nhưng bạn không nghe.
- Bạn bị căng thẳng khi bị cấm làm việc.
- Bạn giảm bớt ưu tiên cho sở thích, hoạt động giải trí hoặc/và tập thể dục vì công việc.
- Bạn làm nhiều đến mức ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ.
Nếu hầu hết các câu trả lời của bạn là “thường xuyên” hoặc “luôn luôn” thì rất có thể bạn là một người nghiện công việc.
Bên cạnh đó, những người được xem là nghiện công việc thường có 3 đặc điểm sau:
- Dễ chấp nhận (Agreeableness): Người nghiện công việc thường vị tha, khiêm tốn, và có xu hướng dễ dãi.
- Tâm lý bất ổn (Neuroticism): Người nghiện công việc có xu hướng lo lắng, chống đối, và bốc đồng.
- Có trí tuệ/trí tưởng tượng (Intellect/Imagination): Người nghiện công việc thường sáng tạo và thiên hướng hành động.
Ngoài ra, nghiên cứu trên cũng chỉ ra những yếu tố như giới tính, trình độ học vấn và tình trạng hôn nhân lại không có tác động đáng kể.
Đừng nhầm lẫn nghiện công việc (workaholic) là gắn kết với công việc (work engagement)
Gắn kết với công việc (work engagement) là trạng thái tích cực và hài lòng được thể hiện qua sự hăng hái, chăm chỉ và cống hiến trong công việc.
"Nghiện công việc" và "gắn kết với công việc" dễ bị nhầm lẫn với nhau. Theo giáo sư Malissa Clark, chúng ta có thể phân biệt hai cảm giác trên dựa trên 3 yếu tố:
1. Động cơ làm việc
Những người thật sự gắn kết với công việc đến công ty vì họ cảm thấy thật sự thoải mái, trong khi những người nghiện công việc lại vì một tâm lý ép buộc sâu xa, khiến họ cảm thấy mình "nên" đi làm.
2. Cảm xúc
Hai kiểu người trên trải qua những cảm xúc khác nhau khi làm việc và trong cuộc sống thường nhật. Người nghiện công việc thường trải qua những cảm xúc tiêu cực như cảm giác tội lỗi, lo âu, giận dữ và thất vọng. Người gắn kết với công việc thì lại có cảm giác tích cực như vui vẻ, chú tâm và tự tin.
Ngoài ra, giáo sư cũng nhắc đến một nghiên cứu nhằm phân loại mức độ hạnh phúc liên quan đến công việc, qua đó họ phát hiện những người gắn kết thường trải qua cảm xúc hài lòng như hào hứng, hạnh phúc, hay hăng hái. Còn những người nghiện công việc lại trải qua cảm xúc khó chịu như căng thẳng hay chống đối.
3. Kết quả công việc
Nghiện công việc chủ yếu dẫn đến kết quả không như ý, trong khi cảm xúc gắn kết đem lại sự hài lòng trong công việc. Không chỉ vậy, người nghiện công việc thường trải qua những tranh cãi trong gia đình-công việc, còn người gắn kết với công việc có thể cân bằng hai khía cạnh trên.
Mặt hại của tình trạng nghiện công việc
Workaholic gặp khó khăn trong việc tách rời tâm trí khỏi công việc. Điều này đi kèm với sự gia tăng căng thẳng, lo âu, các vấn đề liên quan đến giấc ngủ và cản trở khả năng nghỉ ngơi và "sạc" lại năng lượng sau giờ làm.
Khi đối mặt với căng thẳng, cơ thể kích hoạt một số cơ chế nhất định. Ví dụ khi đối phó với một deadline quan trọng, hormones căng thẳng được tiết ra và huyết áp tăng lên. Hai cơ chế này sẽ trở về tình trạng ban đầu sau khi bạn hoàn thành công việc của mình.
Nhưng khi phải làm việc với cường độ cao trong thời gian dài, các cơ chế này bị đẩy lên mức cao hơn, khiến chúng tự thiết lập một mức giới hạn mới với cường độ cao hơn mức ban đầu. Về lâu dài điều này sẽ khiến sức khoẻ trở nên kém đi.
Làm thế nào để khắc phục?
1. Nhận thức tình trạng hiện tại
Dựa trên các dấu hiệu ở trên, cùng với quan sát và đánh giá về thời gian làm việc hằng tuần, bạn có thể tự nhận biết bản thân có phải là một người nghiện công việc hay không. Việc tự đánh giá bản thân đóng vai trò quan trọng vì điều này giúp bạn nhận ra những nguyên nhân sâu xa (root cause), từ đó tìm giải pháp dễ dàng hơn.
Ví dụ, chúng ta dễ dàng đánh lừa bản thân rằng mình nên cố hết sức (đôi khi quá sức) để vượt qua một dự án hay hoàn thành một deadline. Nhưng thực tế là chính sự nghi ngờ bản thân, nỗi sợ hãi thất bại hoặc chủ nghĩa hoàn hảo là điều khiến bạn trở thành một workaholic.
2. Lên kế hoạch cụ thể
Đặc điểm chung của những người nghiện công việc là không kiểm soát được thời gian và mong muốn làm việc liên tục. Thay vào đó, bạn có thể đặt ra thời gian cụ thể khi giải quyết vấn đề. Một thời gian biểu cụ thể giúp bạn phân bổ thời gian làm việc và thời gian cá nhân hợp lí hơn, tạo ra những khoảng nghỉ cần thiết để phục hồi năng lượng.
3. Ưu tiên làm việc đơn nhiệm
Làm việc đa nhiệm (multitasking) không thật sự hiệu quả như bạn nghĩ. Ngược lại, nó khiến công việc đơn giản trở nên phức tạp, làm suy giảm trí nhớ và cản trở sự sáng tạo và khiến não bộ kiệt sức.
Khi có nhiều việc cần được giải quyết, hãy tập trung sắp xếp thứ tự ưu tiên thay vì dồn nén công việc và giải quyết chúng cùng một lúc theo ma trận ưu tiên: “Gấp và quan trọng - Gấp và không quan trọng - Không gấp và quan trọng - Không gấp và không quan trọng.”
4. Tập dành thời gian cho bản thân
Công việc và trách nhiệm khiến bạn thấy tội lỗi khi phải dành thời gian cho mình. Thế là bạn luôn gạt đi hoặc dời lại, chờ đến một lúc nào đó "thong thả hơn", nhưng thường lại kiệt sức trước khi đợi được thời gian trống cho mình.
Thay vào đó, bạn nên học cách dành ra những khoảng nghỉ cho mình và chèn chúng vào lịch trình hàng ngày.
Tham khảo thêm: Thử Rồi Thích: Dành thời gian cho bản thân mà không thấy tội lỗi