Người Phán Xử phim như thế nào cho hợp lí?
Những ngày vừa qua, cộng đồng phim ảnh lần lượt dậy sóng vì phát ngôn của Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh:
“Điển hình, VTV1 chiếu Người phán xử, sau khi chiếu bộ phim đó thì tình hình các băng ổ nhóm tội phạm xã hội đen xảy ra rất nhiều… (trong phim) luật không giải quyết được mà đưa cho ông trùm làm người phán xử, kể cả phán xử cả lực lượng công an. Phán xử tất cả mà đưa vào đó mà chiếu trên giờ vàng thì ai chịu trách nhiệm về vấn đề này.”
Người Phán Xử, một bộ phim do nhà đài VTV sản xuất cách đây 4 năm được đưa vào như một dẫn chứng cho việc một số bộ phim cổ súy cho hành vi vi phạm pháp luật sẽ có ảnh hưởng đến thế giới thực.
Phát ngôn này của Thiếu tướng thật ra có bằng chứng khoa học nào hay không? Liệu điều này nói gì về thái độ của bộ phận kiểm duyệt đối với điện ảnh Việt? Và chúng ta, những người khán giả, nên xem xét câu nói này dưới góc độ nào?
Khác biệt của tương quan số liệu (correlation) và quan hệ nguyên nhân-kết quả (causation)
Nhìn qua những bài báo khoa học về chủ đề “Ảnh hưởng của phim xã hội đen lên tội phạm”, có khá nhiều báo cáo cho thấy sau thời điểm công chiếu của những bộ phim xã hội đen nổi tiếng như Colors (1988) hay New Jack City (1991), số lượng các hành vi phạm tội có tăng lên đáng kể.
Nhưng số liệu này không thể đưa ra kết luận rằng bởi vì những bộ phim xã hội đen mà số lượng tội phạm gia tăng. Trong phân tích dữ liệu, có 2 khái niệm cơ bản mà mỗi người phải hiểu đó là tương quan số liệu (correlation) và causation (tạm dịch là nguyên nhân-kết quả).
Khi bạn có 2 chỉ số cùng nhau biến đổi theo tỉ lệ thuận (số lượng phim băng đảng và số lượng tội phạm), ta chỉ có thể đưa ra kết luận rằng hai điều này liên quan tới nhau, nhưng không thể kết luận rằng 1 trong 2 thứ dẫn đến điều còn lại.
Vì thế, sự quan sát của Thiếu tướng Lê Tấn Tới là đúng, có một sự kết nối giữa việc trình chiếu Người Phán Xử và tỉ lệ tội phạm tăng cao.
Tuy nhiên, đưa ra kết luận rằng vì bộ phim mà tình hình xã hội đen xảy ra là còn thiếu cơ sở. Còn rất nhiều yếu tố ngoại vi khác như dịch Covid, người dân mất việc làm, hoặc thậm chí là một bộ phim nước ngoài được chiếu cùng thời điểm, có thể dẫn tới số lượng tội phạm tăng cao này.
Tuy nhiên, sẽ thật sự thiếu sót nếu chúng ta chỉ dừng sự quan sát tại đây. Việc chối bỏ rằng những gì điện ảnh thể hiện không hề ảnh hưởng tiêu cực đến thế giới thực là cực kì sai lầm.
Song song với các nghiên cứu trên, các báo cáo khác cũng chứng minh được rằng, những băng nhóm xã hội đen ngoài đời thực có lấy ý tưởng để hoạt động nhờ vào các bộ phim Hollywood.
Điển hình là bộ phim Clockwork Orange (1971). Một nghiên cứu của Hội Đồng Hoàng Gia về Bạo lực trong Truyền Thông (1976) đã báo cáo sự xuất hiện của những vụ hiếp dâm với tình tiết tương tự như trong phim ngay sau khi nó được công chiếu.
Bộ phim New Jack City (1991) được chứng minh là lí do trực tiếp dẫn đến hai vụ xả súng ở New York và Detroit làm 3 người thiệt mạng. Hàng chục các cuộc xả súng, thanh toán lẫn nhau của tội phạm khác cũng đã được chứng minh là bắt nguồn từ những bộ phim thuộc dạng này.
Không thể phủ nhận rằng điện ảnh mang trong mình một sức mạnh cực kì to lớn. Nhìn lại lịch sử, song song với rất nhiều điều thần kì mà điện ảnh đã mang tới, chúng ta cũng khó mà bỏ qua vài vết dơ mà nó để lại. Vậy, điện ảnh phải được kiểm soát, nhưng kiểm soát như thế nào cho hợp lí?
Điện ảnh - Tận hưởng những điều chúng ta biết không phải là đời thật
Có một khái niệm đứng đằng sau lí do bạn không bao giờ tự hỏi bản thân vì sao những chiếc xe lại biến thành robot trong Transformer, hay vì sao thằng nhóc với cái sẹo hình sấm sét này lại có phép thuật trong Harry Potter. Khái niệm đó là Suspension of Disbelief (tạm dịch là “Tạm dừng sự hoài nghi”)
Đây là khái niệm cho phép bạn có thể tận hưởng các tác phẩm nghệ thuật không thuộc về đời thực mà không bị khó chịu vì tính thiếu thực tế của nó. Một quyết định có nhận thức của bộ não rằng chúng ta có thể tin vào bộ phim này để tận hưởng nó, vì sau cùng, nó chỉ là một bộ phim và không phải đời thật.
Đó cũng là lí do vì sao ngay khi xem xong Spider-man, chúng ta không tìm một con nhện để nó cắn vào bản thân. Đa số chúng ta biết phân biệt giữa phim ảnh và đời thực, vậy câu hỏi đặt ra là, có đáng để loại bỏ những bộ phim đề cập đến hành động phi pháp chỉ vì một bộ phận nhỏ trong dân số quyết định “lấy cảm hứng” từ nó?
Sự không rõ ràng trong quy định tạo điều kiện cho bất công
Trong vòng 15 năm qua, gần như tất cả các quyết định được ra rạp hay không của các bộ phim đều được dựa trên dòng chữ này trong điều 11 của bộ luật Điện Ảnh được thông qua vào tháng 6 năm 2006:
“(nghiêm cấm) truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục.”
Sự không rõ ràng trong việc quy định điều gì là được và không được cho phép lên màn ảnh đã gây nên bao nhiêu đề tài nhức nhối cho đến tận ngày nay. Câu hỏi "như thế nào thì định nghĩa là truyền bá, hay cổ xúy?" qua 15 năm vẫn chưa được bổ sung và trả lời cụ thể.
Chính vì thế, bộ phận kiểm duyệt lẫn người làm phim luôn phải hiểu truyền bá hay cổ súy là “đề cập”. Bởi vì không hề có một định nghĩa rõ ràng cho việc truyền bá, những bộ phim có đề cập đến những yếu tố như bạo lực hay tâm linh đều nơm nớp lo sợ việc không được ra rạp.
Từ đó, dẫn đến việc những vấn đề này gần như không được đề cập đến trong điện ảnh. Sự mập mờ này của luật Điện Ảnh từ đó mà trở thành dụng cụ để sự thiếu minh bạch và bất công xảy ra.
Nếu đọc các phản ứng của cộng đồng làm phim về phát ngôn này của Thiếu tướng Lê Tấn Tới và Luật điện ảnh bổ sung, có một điều khá rõ để nhận ra là không ai muốn bỏ hàng chục tỷ và công sức hàng tháng, hàng năm trời chỉ để làm một bộ phim rồi bị cấm chiếu cả.
Đạo diễn Charlie Nguyễn nói về vấn đề này, “Nhà làm phim phải vất vả bao nhiêu năm trời về công sức, tiền bạc mà bộ phim không mang lại ý nghĩa tích cực cho bản thân, gia đình của mình thì không ai đi làm chuyện đó cả.”
Có lẽ cũng dễ hiểu khi mà những con người tham gia vào dự án Người Phán Xử, cộng đồng làm phim và cả khán giả thấy bức xúc vì câu nói của Thiếu tướng Lê Tấn Tới.
Một bộ phim đã được đi qua kiểm duyệt, mang trong mình thông điệp “cái ác sẽ bị trừng trị” lại trở thành cái cớ khiến tội phạm gia tăng. Khán giả thì bị đánh đồng như những cỗ máy vô tri, không thể nhìn ra thông điệp phía sau những hình ảnh bạo lực và không có khả năng phân biệt giữa phim ảnh và đời thật.
Từ đây, chúng ta đi đâu ?
Làm phim, vẽ, thiết kế, sáng tác,... chúng được gọi là sáng tạo vì chúng là những việc làm không có biên giới. Bản chất của nghệ thuật không phải là báo cáo sự thật, mà là truyền tải nó dưới một góc nhìn khác, khám phá và mở rộng cái sự thật ấy.
Việc rõ ràng quy định trong bộ luật Điện Ảnh chắc chắn là điều cần thiết, nên được thay đổi trong kì họp sắp tới vào cuối tháng 10. Tuy nhiên, nó cũng sẽ chỉ là một giải pháp nhất thời, vì sự sáng tạo sẽ luôn phát triển và luật sẽ luôn phải chạy đua với nó (nếu luật muốn chạy theo).
Có lẽ điều cần làm bây giờ là một cái nhìn cảm thông hơn từ nhà nước hay bộ phận kiểm duyệt. Một cái nhìn tin tưởng vào chính những người làm phim, rằng sẽ không ai bỏ công sức ra làm những bộ phim mang ý nghĩa tiêu cực. Một cái nhìn tin tưởng vào khán giả rằng phần lớn sẽ đủ thông minh để không bắt chước theo phim ảnh. Và cuối cùng là tin tưởng vào chính bản thân rằng họ sẽ không để lọt bất cứ thông điệp tiêu cực nào (để không phải cấm phim theo kiểu “giết nhầm hơn bỏ sót nữa.”)