Nguyễn Hồng Nhung, kẻ đánh thức âm thanh
Nguyễn Hồng Nhung (nghệ danh: Nhung Nguyễn) là một nghệ sĩ âm thanh tại Hà Nội, thử nghiệm nhiều thể loại khác nhau như nhạc drone, âm thanh điện tử, nhạc tiếng ồn, âm nhạc cụ thể (musique concrete) cùng các loại nhạc khác.
Nhạc và âm thanh của Nhung đã xuất hiện trong các dự án bao gồm Liberation Radio (2021, Hà Nội), Citizen Earth (2020), Nước Xanh Non Biếc của Lê Giang (2020, TP.HCM và Hà Nội), Quên Lãng Nên Thơ của Phan Thảo Nguyên (TP.HCM và Hà Nội, 2017) và các sáng kiến nghệ thuật đại chúng như Into Thin Air (2016) và Into Thin Air 2 (2018). Ngoài ra, cô cũng đã sáng tác nhạc cho các bộ phim ngắn.
Bên cạnh việc sáng tác cá nhân, Nhung thường xuyên cộng tác với các nghệ sĩ thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau trong việc kết hợp yếu tố âm nhạc với trải nghiệm thị giác. Tiếp xúc với piano từ rất sớm, nhưng dường như Nhung đã chọn cho mình một con đường khó đi hơn, đó là hành trình của cô với nhạc thể nghiệm.
Tự học, kiên trì và kết nối với những nghệ sĩ trên khắp thế giới, Nhung đang trên con đường khám phá bản thân thông qua những thanh âm, bên cạnh việc biểu đạt những tác phẩm của cô dưới các hình thái khác nhau.
Sự khác nhau giữa dự án Sound Awakener và dự án mang chính tên Nhung?
Sound Awakener là dự án cá nhân của mình, tập trung vào nhạc ambient thể nghiệm, nhạc drone, âm nhạc cụ thể (musique concrete), âm nhạc tiếng ồn (noise music) và các hình thức biểu đạt liên quan khác. Theo nghĩa đen nó có nghĩa là kẻ đánh thức âm thanh.
Trong quá trình làm việc và đặc biệt trong công việc của một nhà soạn nhạc phim, mình tìm thấy những track nhạc thiên về hướng giai điệu nhiều hơn và ít tính trừu tượng hơn các album đứng dưới tên Sound Awakener.
Thật khó xếp chúng vào chung một nhánh. Vậy chỉ có một cách đơn giản là bê những track mang tính giai điệu hơn này sang một cái tên khác, dễ nghĩ ra nhất chính là tên thật của mình.
Nhung đã cho ra mắt bao nhiêu album dưới cái tên Sound Awakener?
Cho đến giờ thì Sound Awakener đã có 6 album full-length và 2 tuyển tập phát hành qua các label nhạc thể nghiệm/ambient độc lập trên thế giới. Trong đó có thể kể đến các label sau: Fluid Radio (Vương quốc Anh), Flaming Pines (Vương quốc Anh), Syrphe (Đức), Time Released Sound (Mỹ), Unknown Tone Records (Mỹ).
Trong đó, album mình tâm đắc nhất chính là album vừa được Fluid Radio phát hành vào cuối năm ngoái - Departures. Đây là album hợp tác giữa mình và Dalot (một dự án của nghệ sĩ âm thanh người Hi Lạp tên là Maria Papadomanolaki), được làm trong quãng thời gian hơn một năm rưỡi tính từ đầu năm 2019. Album lấy cảm hứng từ đề tài di cư và những suy tưởng về nơi chốn. Departures cùng một lúc mang sắc thái u tối của sự cách biệt, chia cắt cũng như những tia hi vọng, lạc quan giữa một bối cảnh hỗn loạn của thế giới trong dịch bệnh - khoảng thời gian mà phần lớn album này được thực hiện.
Được biết Nhung đã học piano từ khi còn bé, đây có phải là bước đệm cho việc bạn thực hành nhạc thể nghiệm sau này?
Việc học piano cổ điển là việc thực sự đã và đang giúp ích rất nhiều cho mình. Vì nó cho mình một nền tảng cơ bản, vững chắc về lý thuyết âm nhạc. Và việc học những kỹ năng về piano cũng là việc hỗ trợ hiệu quả cho công việc sản xuất âm nhạc sau này.
Việc đọc và học về lịch sử nhạc cổ điển cũng truyền cảm hứng để mình tìm hiểu về phần tiếp sau đó của lịch sử âm nhạc thế giới. Nó bao gồm âm nhạc thế kỷ 20, âm nhạc thể nghiệm và nhạc đương đại tại thế kỷ 21.
Nhiều người thường đặt câu hỏi: Nếu bạn là một nghệ sĩ nhạc điện tử, bạn có cần biết nhạc lý hay học chơi một loại nhạc cụ mộc nào đó trước đây không ? Câu trả lời là cả có và không - bởi vì bạn không bắt buộc phải biết những kỹ năng này - nhưng việc biết nó có khả năng là lợi thế. Tất nhiên mình cũng biết rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp của mình không biết chút gì về nhạc lý và không chơi nhạc cụ nào ngoài các thiết bị/nhạc cụ điện tử nhưng vẫn làm rất tốt việc của họ. Nên một lần nữa điều này hoàn toàn thuộc vào lựa chọn và nguyện vọng cá nhân của mỗi người.
Nhung biết đến nhạc thể nghiệm và thực hành nó như thế nào?
Từ việc tìm tài liệu đọc về lịch sử âm nhạc hay lý thuyết, đến việc học hỏi các kĩ năng như thu âm, sản xuất hay làm hậu kỳ, hầu như mình lục lọi phần lớn các nguồn lực miễn phí trên mạng. Ngoài ra còn từ các diễn đàn đến các trang chia sẻ plugin, ebook. Quá trình này khá mất thời gian, nhưng cũng xứng đáng.
Bên cạnh đó, mình tìm hiểu và tiếp cận tới nhạc thể nghiệm YouTube và Bandcamp, qua các playlist ngẫu nhiên trên YouTube về nhạc thể nghiệm từ thời kì đầu đến các hashtag tên Bandcamp. Mình nghe rất nhiều, luôn coi mình là một người nghe nhiệt tình trước khi là một người làm âm thanh.
Nghệ sĩ nhạc thể nghiệm Việt Nam truyền cảm hứng tới bạn?
Có 2 người mình muốn nhắc đến ở đây: chị Cao Thanh Lan và anh Xinh Xô.
Chị Lan là một nghệ sĩ piano cũng như nghệ sĩ âm thanh mà mình rất ngưỡng mộ. Trong những dịp chị Lan về Việt Nam làm việc hay thăm gia đình (chị hiện đang định cư ở Áo), mình có dịp nói chuyện nhiều với chị về công việc làm âm thanh. Chị chia sẻ với mình nhiều về các tác phẩm sử dụng modular synth, các vật dụng được tìm thấy và cảm biến của chị.
Anh Xinh Xô cũng là một nhà soạn nhạc và nghệ sĩ nhạc điện tử mà mình đã và đang học hỏi rất nhiều từ anh. Bản thân anh cũng là một giảng viên ngành nhạc điện tử và công nghệ âm nhạc. Anh đã dạy cho mình rất nhiều về chuyên môn. Tình cờ, hai anh em cũng đang làm chung một dự án phim có tên là Dust And Metal (Cát Bụi Và Kim Loại).
Thời điểm biết đến nhạc thể nghiệm, khó khăn của bạn là gì?
Mình nghĩ việc thiếu kỹ năng và nguồn lực là hai vấn đề lớn hơn cả.
Không ai có thể thông thạo được những kỹ năng cần thiết trong ngày một, ngày hai. Điều này cần một quá trình dài với rất nhiều nỗ lực và khả năng học hỏi từ những tai nạn, sai lầm.
Nguồn lực nói chung cho nhạc thể nghiệm và nghệ thuật âm thanh (sound art) ở Việt Nam còn hạn chế. Và ngoài ra, mảng sound art chưa là mảng được chú ý nhiều trong nghệ thuật đương đại tại Việt Nam, đây cũng là một khó khăn riêng.
Đã bao giờ Nhung cảm thấy nản?
Không thiếu những khoảnh khắc mình thấy thực sự nản lòng.
Công việc làm nhạc và làm âm thanh là một công việc đơn độc và có phần khép kín. Mình có thể dành vài ngày liên tục không bước ra khỏi nhà, không ăn uống gì mấy, không thấy ánh sáng mặt trời và không giao tiếp với bất kỳ ai chỉ để làm xong một bài nhạc hay một phần hậu kỳ cho tác phầm triển lãm. Chắc những ai làm việc trong lĩnh vực sản xuất âm thanh hay video sẽ hoàn toàn hiểu điều này.
Việc tìm tư liệu cũng như đi thu âm thực địa cũng phần lớn là một công việc khép kín, lặng lẽ và đơn độc. Đôi khi nó cũng là một công việc nhàm chán, lặp đi lặp lại với những bước chi li tỉ mỉ kéo dài từ ngày này qua tháng khác, thậm chí từ năm này qua năm khác. Càng làm việc nhiều với tư liệu, đặc biệt là tư liệu lưu trữ trong mấy năm gần đây, mình càng dễ đồng cảm hơn với các bạn bè của mình là các nhà nghiên cứu.
Nhưng vượt qua những khó khăn đó, cũng có nhiều khoảnh khắc rất ấm áp và cho mình nhiều động lực để nỗ lực nhiều hơn mỗi ngày. Đó là lúc hoàn thành một tác phẩm mà mình đã đặt rất nhiều công sức vào đó. Lúc được nghe khán giả chia sẻ những trải nghiệm cá nhân của họ về tác phẩm. Lúc được bạn bè, các anh chị đồng nghiệp hỗ trợ nhiệt tình trong quá trình làm tác phẩm.
Sự hỗ trợ đáng trân trọng đó và lòng yêu quý công việc, yêu quý nghệ thuật của riêng mình đã cân bằng được lại cảm giác nản lòng trước khó khăn.
Sự việc nào có thể coi là một cột mốc trong hành trình với âm nhạc của Nhung?
Năm 16 tuổi, mình đến tham dự một buổi hòa nhạc, và nó đã thay đổi hoàn toàn hành trình phía sau đó của mình với âm nhạc.
Đó là buổi hòa nhạc của nghệ sĩ piano người Nga-Iceland Vladimir Ashkenazy, một trong những nghệ sĩ piano xuất sắc nhất của thế kỷ 20 còn sống đến bây giờ. Những chi tiết diệu kỳ từ buổi hòa nhạc đó đã lay động mãnh liệt tâm trí còn non nớt của một đứa trẻ 16 tuổi may mắn được học piano từ nhỏ. Từ khoảnh khắc đó, mình quyết định chọn âm nhạc như một hướng đi cho cuộc đời mình.
Mong muốn mạnh mẽ nhất của Nhung với âm nhạc là gì?
Có lẽ đó là mong muốn âm nhạc như một phương tiện cho việc biểu đạt cá nhân cũng như là nơi nương náu cho nội tâm. Điều này đến từ lòng yêu quý công việc mình làm cũng như nghệ thuật nói chung.
Nhung kết nối với những nghệ sĩ nước ngoài như thế nào?
Trong những năm đầu tiên, việc kết nối của mình phần lớn dựa vào internet, trong đó phải kể đến các nền tảng như: Twitter, Bandcamp, Soundcloud và Vimeo. Những năm sau đó, việc làm dự án và biểu diễn cho mình nhiều cơ hội để gặp trực tiếp các nghệ sĩ trong và ngoài nước hơn.
Trong hơn một năm nay, khi COVID hoành hành, thì mọi thứ lại quay về điểm xuất phát là những kết nối trực tuyến. Chúng mình kết nối qua các cuộc hội thảo trên Zoom, các chương trình trao đổi văn hóa hỗ trợ các dự án nghệ thuật trực tuyến, các nhóm hỗ trợ nghệ sĩ trên Facebook.
Chất liệu và cảm hứng sáng tác của Nhung là gì?
Chất liệu sáng tác của mình đến từ nhiều nguồn khác nhau: tiếng động hiện trường, tiếng động được thiết kế trong phòng thu, âm thanh điện tử, tiếng động từ các kho tư liệu và kho lưu trữ công cộng trên Internet. Mình quan tâm đến việc xử lý các chất liệu này bằng quá trình hậu kỳ để đạt được sắc thái như mình muốn. Đây cũng là một quá trình thử-sai và đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ.
Về cảm hứng sáng tác thì khá đa dạng, nhưng điểm cốt lõi ở đây là tiếng nói chân thật nhất từ nội tâm của mình. Hi vọng thông qua đó, người nghe tìm thấy một phần thế giới nội tâm của mình, hoặc tìm thấy một góc nhìn mới trong thế giới quan của họ.
Những dự án gần đây và sắp tới của Nhung là gì ?
Dự án đang diễn ra của mình là Liberation Radio - một sắp đặt âm thanh/hình ảnh tại Manzi Exhibition Space kéo dài từ 28/5 đến 13/6. Tác phẩm lấy cảm hứng từ tư liệu lưu trữ, phỏng vấn các cựu lính đào ngũ Mỹ và các ký giảViệt Nam vào thời kỳ 1960-1970. Với ý tưởng gợi nhớ về Đài Giải phóng miền Nam Việt Nam cũng như về phong trào phản chiến.
Dựa trên các chất liệu này, nhóm dự án gồm ba thành viên là mình, nhà sử học Matthew Sweet và nhà làm phim Esther Johnson tái hình dung lại các tư liệu lưu trữ. Đây cũng là một nghiên cứu về câu chuyện lịch sử ít được biết đến dưới góc nhìn của một tác phẩm nghệ thuật.
Một dự án sắp tới khác là dự án nghiên cứu và trình diễn nhạc điện tử Listening to what’s left... and more to come. Đây là dự án hợp tác giữa mình và nghệ sĩ nhạc điện tử/nhà nghiên cứu Cedrik Fermont, hiện đang làm việc tại Đức. Listening to what’s left... and more to come là một phần của dự án Reconnect do Viện Goethe tổ chức.
Listening to what’s left... and more to come được lấy tư liệu từ những cuộc phỏng vấn người dân ở Đức và Việt Nam về âm thanh (soundscape) trong thời gian đại dịch, bao gồm khoảng thời gian cách ly/phong tỏa ở hai quốc gia. Thông qua những tư liệu này, nhóm dự án xây dựng tác phẩm trình diễn dự kiến công bố vào tháng 7 và sau này có tiềm năng trở thành một kho lưu trữ ký ức về mặt âm thanh.