Nguyễn Văn Thái: Đừng gọi anh là người hùng
Thời gian qua, báo chí không ngớt lời ca ngợi “chiến công” của Nguyễn Văn Thái, một trong hai người Việt từng đạt giải Goldman Environmental Prize - giải thưởng môi trường được ví như “Nobel xanh”.
Tưởng như đây là cơ hội để trong những buổi phỏng vấn với cơ quan truyền thông, anh được giãi bày nhiều hơn về bản thân và cá tính của mình. Thế nhưng, khi ngồi lại với Vietcetera, anh hiếm khi đề cập đến thành tựu cá nhân. Nếu có, câu chuyện cuối cùng vẫn quay về sức mạnh tập thể, hoặc một thông điệp môi trường anh muốn lan tỏa đến cộng đồng.
Với anh Thái, giám đốc điều hành của Save Vietnam’s Wildlife (SVW), giá trị chung là nền tảng của giá trị cá nhân. Đây có lẽ là nguồn sức mạnh dìu anh bước qua những vật cản, trở thành người hùng môi trường, và được trao giải thưởng danh giá.
Trước khi nhận giải, anh không hề hay biết về “Nobel xanh”?
Nói về chuyện thành tích, anh nghĩ mình chưa bao giờ đặt nặng vấn đề giải thưởng. Năm 2016, nhờ sự giúp đỡ của mọi người, anh đạt giải Future For Nature, giải thưởng dành cho các lãnh đạo trẻ làm công tác bảo tồn động vật hoang dã. Thời điểm đó, tụi anh không hề muốn công khai thành tựu trên truyền thông mà chỉ lẳng lặng cất giải vào tủ, coi như đây là cột mốc khích lệ tinh thần cống hiến cho cộng đồng.
Đến năm nay, anh tiếp tục nhận được Goldman Environmental Prize. Hệ thống trao giải này hoạt động theo một cơ chế rất kín. Ban điều hành sẽ âm thầm tiếp cận đồng nghiệp, đối tác của anh để thu thập thông tin.
Chính vì vậy, lúc được xướng tên, anh bất ngờ vì không nghĩ mình có thể nhận được giải thưởng danh giá này. Nhưng điều anh trân trọng nhất là sức mạnh tinh thần và giá trị lan tỏa của giải thưởng.
Khi xuất hiện trên báo chí, anh không thấy vui vì được công chúng biết đến và tung hô, mà vui vì những thông điệp mình sắp nói sẽ được ghi lại, sẽ xuất hiện khắp nơi và tạo ra những ảnh hưởng có thật. Tạo dựng thông điệp tích cực mới là điều anh mong muốn.
Giải thưởng này chắc chắn không chỉ là sự ghi nhận đối với cá nhân mà còn là sự ghi nhận của tất cả những nhà hoạt động bảo tồn. Anh tin đó cũng là mục đích sau cùng của Goldman Environmental Prize.
Một số người nói anh nhận ra tình yêu dành cho tê tê từ hồi bé, vậy tình yêu này đã trưởng thành và thay đổi như thế nào?
Mẹ anh làm ở rừng quốc gia Cúc Phương, nhà ngay gần bìa rừng, từ lúc anh lọt lòng, mùi thơm của đất, của cây, và của tự nhiên đã trở thành một phần của mình. Lớn lên chút nữa, anh bắt đầu coi rừng như người bạn. Đến những năm 90, nạn tàn phá rừng và săn bắt động vật quý hiếm rộ lên. Ấn tượng đầu tiên của anh với tê tê cũng bắt đầu từ đây.
Anh vẫn kể với mọi người rằng lần đầu anh biết đến tê tê là khi chứng kiến cảnh 2 mẹ con tê tê ôm nhau, con mẹ cuộn tròn bảo vệ con con. Nhưng tâm trí của một đứa trẻ 10 tuổi khi đó chỉ xuất hiện những thương cảm rất mơ hồ, như một bản năng tự phát khi trông thấy một sinh vật bất kỳ bị làm đau.
Sau này anh học ở Đại học Lâm Nghiệp Việt Nam, ra trường thì xin vào làm điều phối viên cho chương trình bảo vệ tê tê châu Á. Chỉ đến khi anh tiếp xúc với loài sinh vật hiền lành và nhút nhát này, lòng thương cảm mới trở thành một thứ tình yêu có hình hài cụ thể.
Anh nghĩ từ tình thương biến thành hành động hay một sự cam kết là cả một quá trình vun đắp. Điều kiện cần là khả năng thấu cảm, để hiểu nỗi đau của những sinh vật cả đời chạy trốn khỏi thợ săn, còn điều kiện đủ là những tiếp xúc thân mật với chúng.
Giống như câu chuyện của SVW, không phải mỗi thành viên của SVW đều xuất phát điểm là một người có tình yêu thiên nhiên. Nhưng qua thời gian cùng nhau làm việc và lan tỏa giá trị tích cực, tình yêu đó cứ ngày một lớn dần.
Định nghĩa của anh về phép màu là?
Có nhiều phép màu xảy đến với anh nhưng anh sẽ kể về thời gian đầu thành lập Save Vietnam’s Wildlife. Thời điểm ấy, anh thậm chí không biết sẽ xin được bao nhiêu tiền tài trợ, tuyển dụng ra sao, ai làm gì, hay tổ chức có thể tồn tại lâu không. Thôi thì cứ bước từ từ rồi sẽ đến.
Phép màu đầu tiên là khi anh trình bày mô hình dự án với một người chị làm trong lĩnh vực bảo tồn, rồi thành công xin được tài trợ. Lúc đó anh cũng tiết kiệm được một khoản phí đủ để bước đầu duy trì tổ chức, nhưng 6 tháng đầu tiên không dám nhận lương vì có nhiều hạng mục quan trọng hơn phải đầu tư.
Phép màu thứ hai xảy đến khi một người bạn của anh hiểu được tình trạng này và giúp anh xin thêm tài trợ. “Thái ơi, mày không thể làm không lương mãi được, có gì tao giúp đỡ cho”. Anh vẫn nhớ mãi câu anh ấy nói.
Điều may mắn cuối cùng là khi anh bắt đầu tuyển dụng thêm 2 người đồng nghiệp. Tổ chức chỉ vỏn vẹn 3 nhân viên. Tụi anh lao vào làm đủ thứ, từ quản lý tài chính, truyền thông, tổ chức sự kiện cho đến dọn dẹp. Quy trình cứu hộ tê tê khi đó còn rất sơ khai, tất cả đều phải tự học, tự thử nghiệm, mắc sai lầm, rồi tiếp tục thử nghiệm.
Có lẽ phép màu là gặp được những người tin mình và tin vào hướng đi của tổ chức, nhất là khi mình chưa thực sự đạt được điều gì vẻ vang.
Anh và đoàn từng đối mặt với nhiều hiểm nguy đến từ thiên nhiên và cả con người. Khó khăn như vậy, đã bao giờ anh nghĩ đến việc bỏ cuộc, bỏ nghề?
Anh từng nghĩ thoáng qua trong tích tắc, nhưng tất cả đều biến mất khi anh nhìn từng loài động vật được tái thả vào rừng, nhìn ngắm gương mặt của những người đồng nghiệp xung quanh.
Tổ chức của anh thành lập “đội đặc nhiệm bảo vệ rừng” có tên là Anti-poaching với nhiệm vụ bảo vệ những khu vực tái thả động vật hoang dã. Có lần cả đoàn phải đi rất sâu vào rừng, lội qua nhiều dòng nước dữ. Đồ ăn mang theo phải ướp thật nhiều muối, vậy mà có lúc vẫn hỏng, buộc cả đoàn hái lá rừng để tạm bỏ bụng. Cứ thế nhiều ngày, mọi người phải sống trong cảnh không nhà cửa, không internet, chỉ biết nói chuyện, bầu bạn với nhau.
Anh nhìn họ, thấy bản thân mình nợ họ một lời cảm ơn mà không ngôn ngữ nào diễn đạt nổi. Mình làm sao dám nghĩ đến việc bỏ cuộc khi những người anh em của mình vẫn đầy nhiệt huyết như vậy. Báo chí có thể gọi anh là người hùng môi trường, nhưng người hùng thực sự là những người đồng nghiệp luôn kề vai sát cánh cùng anh.
Có phải anh rất trân trọng sức mạnh tập thể?
Trong xã hội, người ta có thể đánh giá nhau theo thứ bậc địa vị, hoặc số tiền kiếm được hằng tháng. Nhưng ở SVW, mỗi người đều nắm giữ một vị trí quan trọng và đáng quý như nhau, từ những người lái xe, người dọn dẹp, đầu bếp cho đến cán bộ nghiên cứu. Ngay cả anh dù mang danh giám đốc, nhưng anh luôn muốn được coi như một người bạn hơn là một người sếp, một người cấp trên.
Truyền thông thường tập trung đẩy mạnh hình ảnh của một người bằng nhiều câu chuyện bên lề, biến họ thành một cá nhân vĩ đại. Còn anh, anh tin rằng thành quả hôm nay là sức lao động của cả một tập thể vĩ đại.
Nếu không phải là tê tê, anh sẽ chọn loài nào để bảo vệ?
Mỗi một sinh vật trong hệ sinh thái đều có những vai trò riêng, tạo nên một sự vận động hoàn chỉnh. Sự tuyệt chủng của một loài sẽ ảnh hưởng đến nhiều loài khác, kéo theo những hậu quả môi trường thảm khốc.
Thực ra từ lúc thành lập, tổ chức SVW đã cứu hộ hơn 2000 cá thể động vật thuộc 40 loài khác nhau, không chỉ riêng tê tê. Sở dĩ anh tập trung bảo vệ tê tê vì đây là một cá thể quý hiếm, có nguy cơ biến mất nên cần được ưu tiên bảo vệ, chứ không phải vì sinh mạng của chúng đáng quý hơn loài động vật hoang dã khác.
Nếu không phải là tê tê, anh sẽ chọn bảo vệ bất kỳ loài động vật hoang dã nào đang nằm trong danh sách nguy cấp.
Truyền thông nói rất nhiều về tuyên truyền, nâng cao nhận thức nhưng không phải lúc nào cũng hiệu quả, theo anh đâu là cách hiệu quả nhất?
Để có đủ sức “chạm”, một thông điệp đó nên đánh trúng vào tâm lý cộng đồng. Người ta thường nói “hãy yêu động vật hoang dã”, “hãy kêu gọi mọi người tẩy chay sản phẩm từ tê tê”, những thông tin này đều có phần hiển nhiên và dễ bị phớt lờ.
Khi thực hiện một chiến dịch, SVW thường nghiên cứu trên diện rộng để hiểu về nhu cầu sử dụng động vật hoang dã. Thay vì hô hào một khẩu hiệu chung chung, anh nghĩ các chiến dịch nên đưa ra một thông điệp cụ thể, trực diện hơn.
Một trong những chiến dịch hiệu quả mà SVW từng chạy có tên là “ăn một con, giết nghìn con”. Chiến dịch này đánh vào tâm lý người tiêu thụ thịt tê tê. Người ta thường nghĩ ăn một chút thịt động vật hoang dã thì không sao, nhưng nếu tất cả mọi người cùng nghĩ vậy, Trái Đất sẽ sớm bị hút cạn tài nguyên và chẳng còn lại gì.
Anh có niềm tin về tương lai không?
Bức tranh bảo vệ động vật hoang dã tuy còn rất nhiều vùng xám, nhưng anh tin, trong viễn cảnh của 10-15 năm sau, mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn bây giờ. Thế hệ trẻ đã có ý thức hơn và học được cách hòa giải với thiên nhiên. Nhìn được sự hưởng ứng của các bạn, tất cả những nhà bảo tồn trên thế giới sẽ được tiếp thêm sức mạnh để lao động, cống hiến và cứu lấy tự nhiên.