Nhân ngày Nhà giáo, cùng đọc chuyện thời đi học của Vietcetera
Thời đi học, dù là "con ngoan trò giỏi" hay "thành phần phá hoại" của lớp, thầy cô sẽ là những người để lại cho bạn rất nhiều.
Họ để lại cho bạn những kiến thức quý báu, những lời răn đe kinh hãi, và đôi lúc là những bài học để đời. Hơn hết, họ là những người tạo ra ảnh hưởng lớn mà có khi, chúng kéo dài mãi đến khi ta trưởng thành.
Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, Vietcetera xin gửi tặng quý thầy cô cùng độc giả trẻ câu chuyện về những "người đưa đò" đã làm nên đội ngũ Vietcetera hiện tại.
Cô là “vùng an toàn” lớn nhất
Trà Nhữ — Nghệ sĩ minh hoạ
Cô Thư dạy môn Văn, đồng thời là giáo viên chủ nhiệm của mình suốt 4 năm cấp 2.
Vào lớp 6, mình học kém và hay giao du với các anh chị đầu gấu trong phường. Học kì 1, mình nhận hạnh kiểm trung bình vì quay cóp 2 lần lúc thi cuối kì. Học kì 2, mình kéo hội đến đánh bạn trong trường, chỉ vì tụi nó “nhìn đểu”.
Nếu là những giáo viên khác, chứng kiến một đứa trẻ ngỗ nghịch, có thể họ sẽ bỏ mặc, quy chụp là "hết thuốc chữa". Cô Thư thì không. Sau lần mình kiểm điểm ở phòng hiệu trưởng, cô gọi mình đến nhà. Trong cái se trời Hà Nội, cô pha cho mình một cốc trà rồi hỏi: "Ở nhà con có vấn đề gì không?"
Mình bật khóc. Cuộc hôn nhân của bố mẹ mình bắt đầu rạn nứt từ năm mình lên 8. Mình sống trong cãi vã và chiến tranh lạnh triền miên. Thời đấy, đổ vỡ hôn nhân là một điều cấm kỵ. Bố mẹ mình bị bủa vây bởi những lời khuyên can, "vì hạnh phúc của con trẻ". Nhưng những đứa “con trẻ” như mình lại chưa bao giờ nhận một lời thăm hỏi, đã vậy còn bị cấm không được kể ra.
Cô Thư là người đầu tiên cho mình một chỗ an toàn. 4 năm tiếp theo, khi các cuộc cãi vã trở nên tệ hơn, mình lúc nào cũng có thể tìm đến cô. Mình chỉ thổ lộ với cô và không một ai khác.
Hơn hết, cô Thư là người tìm ra và nuôi dưỡng niềm yêu thích của mình với văn học. Nhờ môn Văn, mình dần vượt qua được mặc cảm “học sinh cá biệt”. Ước mơ thơ bé làm nhà văn trở thành động lực giúp mình vượt qua những biến cố gia đình.
Đến nay, mẹ con mình vẫn rất thân thiết với cô. Cô luôn nói “Vạn sự tại thiên, tùy duyên mà định”. Và mình tin rằng, được gặp cô là một trong những cái duyên lớn nhất.
Có hai mặt trong một lời khen
Cao Miêu — Editor tá lả
Cô giáo tiểu học của mình rất thích khen ngợi học sinh, theo những cách sáng tạo và tưng bừng nhất có thể.
Khi thì điểm cộng vì chữ đẹp, khi thì một tràng vỗ tay trước lớp, khi thì cái bánh, hộp sữa, cục tẩy. Ai tiến bộ, dù chỉ một chút, cũng được khen. Nhưng cô cũng rất tinh tế và công bằng: tiến bộ nhiều thì khen nhiều.
Dần dần, mình quen với những lời khen của cô và cảm thấy một sự thiếu hụt khi không có nó. Học tốt, được khen, rồi lại tiếp tục cố gắng, dần trở thành một vòng lặp mà mình không thể dứt ra.
12 năm đi học, mình vật vã để vào trường chuyên lớp chọn, gồng gánh trước những kỳ thi, nhưng cũng vẻ vang với giải thưởng và học bổng. Mình lao vào những tiêu chuẩn vô hình đúc kết từ những lời khen năm xưa cô gửi gắm.
Lời khen là một con dao hai lưỡi. Một mặt, nó tạo động lực để bạn cố gắng. Mặt khác, nó như một chất gây nghiện khiến bạn luôn phải nỗ lực để có thêm. Khi nhận ra cơn nghiện muốn-được-khen, mình bắt đầu thiền để tập buông bỏ. Và giờ thì mình luôn thiền mỗi sáng thức dậy.
Người giáo viên hay khen mình 18 năm trước, hóa ra vẫn gây ảnh hưởng lên mình hằng ngày.
Một người thầy giỏi sẽ có thể chạm đến học trò từ những góc độ khác nhau.
Nghĩa Lê — Editor mục Sáng Tạo
Năm lớp 12, vì là thành phần quậy nhất lớp nên mình được cho làm lớp trưởng. Phương pháp “lấy độc trị độc” với một thằng 18 tuổi như mình, lúc đó không mấy hiệu quả.
Năm đó, thầy Hoàng Anh dạy lớp mình môn Toán. Với mình, thầy vừa nghiêm vừa tâm lý. Ông trời cũng cho thầy tài năng ghẹo mình rất thâm. Có lần, mình không chép bài rồi bao biện rằng do chữ xấu nên mình xé trang tập đi. Và thầy chỉ nói: “Nếu những thứ xấu mà đáng bỏ đi, thì chắc em không tồn tại trong đời.” Mặt mình xệ nhanh hơn cái bánh bao chiều, trong tiếng cười giòn của lớp.
Lần đó, mình không làm bài tập nên thầy bắt chép phạt 100 lần. Bản năng sinh tồn thôi thúc mình chép đủ... 10 lần, rồi chạy ra tiệm in để scan lẫn lộn 90 lần còn lại. Mình đã nghĩ, “Quả là một kế hoạch thiên tài.”
Lúc nộp bài chép phạt, thầy im lặng không nói gì. Vài hôm sau, mình nhận tin nhắn của đứa bạn đi học thêm thầy. Nó bảo “Thầy Hoàng Anh hiền lắm, có gì thì cứ nói thật đi.” Và mình ra đầu thú. Nhưng thầy vẫn im lặng, và chỉ nói rằng mình không cần chép thêm.
Sau lần đó, mình cảm thấy tôn trọng thầy hơn. Mình cố gắng học Toán, một phần vì không muốn thầy thất vọng. Sau lần đó, thầy cũng hỗ trợ mình rất nhiều. Sau lần đó, mình đậu đại học. Và mình đã không thể làm điều đó nếu không có thầy.
Một người thầy giỏi sẽ có thể chạm đến trò mình từ những góc độ khác nhau. Với những đứa trẻ ngoan, đó có thể là một điều dễ. Nhưng với những đứa bướng bỉnh như mình, chắc chỉ có bàn tay thầy Hoàng Anh mới trị nổi.
Trưởng thành và luôn có người dõi theo là một món quà
Minh Ng — Creative Shop Lead
Thầy Cường vừa là thầy dạy Anh văn, vừa là người cha thứ 2 của mình.
Thầy dạy Anh văn cho ba mình. Năm mình lên cấp 2, ba quyết định cho mình học thêm ở nhà Thầy. Thầy chỉ dạy anh văn cho cấp 3, nhưng vì nể ba, Thầy nhận dạy mình.
Tuần 3 lần, cứ đến 1 giờ chiều, mẹ lại thức mình dậy và chở đến nhà Thầy. Nhà Thầy to và rối như một cái mê cung, mình học một mình nên được chiếu cố cho vào phòng làm việc của Thầy ngồi, để lớp học cho các nhóm lớn.
Mình ngồi lọt thỏm trong căn phòng nhìn ra vườn cây xanh ngát, làm bài rồi đợi Thầy thi thoảng vào kiểm tra. Nghĩ lại thì rất đẹp, nhưng với một đứa trẻ lúc bấy giờ, mình sợ nhiều hơn. Mình sợ Thầy như sợ Ông Kẹ vậy.
Học được một năm, mình “giở trò" xin nghỉ học Thầy để qua học dì Cả. Nhà dì Cả tự do hơn nhà mình. Dì không bắt mình học nhiều, cũng không ra đề khó như Thầy.
Thế nhưng “chạy trời không khỏi nắng”. Được một lúc, dì trả mình về nhà vì không còn gì để dạy. Mình lại phải xách dép đến nhà Thầy. Lúc đó, Thầy chỉ chống nạnh nhìn mình cười: “Con chạy đâu cho thoát!”
1 năm, 2 năm, rồi mình ngừng đếm tiếp mấy năm sau đó. Mình chỉ nhớ, ở nhà mình có ba, ở trường và lớp học thêm, mình có Thầy.
Câu chuyện này chẳng có đoạn gì cao trào cả. Chỉ là đến khi đủ lớn để ý thức được tầm quan trọng của các mối quan hệ xung quanh, mình nhận ra bản thân quá đỗi may mắn vì có ba mẹ, và có cả Thầy ở những năm tháng vỡ lòng.
Họ “điêu khắc” ra một con người có sự gắn bó an toàn (đã test!) với tất cả các mối quan hệ trong đời là mình ngày hôm nay. Họ đã cho mình hiểu thế nào là yêu thương và kiên nhẫn vô điều kiện.
Trưởng thành và luôn có người dõi theo là một món quà.
Gạch ngang và xoá là hai thứ khác nhau
Bích Hồ — Editorial Intern mục Tin Tức
Học chuyên khối xã hội nên các môn học ban tự nhiên luôn là một nỗi ám ảnh đối với mình thời cấp 3. Hoá học xếp hạng nhất trong số đó. Bây giờ, mình không thể nào nhớ nổi ký hiệu của hơn 10 nguyên tố hoá học. Nhưng có một thói quen của thầy Dũng mà mình không thể nào quên.
Thầy nhiều lần cố ý viết đáp án sai trên bảng và không bao giờ xoá. Thầy chỉ gạch ngang qua rồi viết tiếp.
“Gạch ngang và xoá là khác nhau đấy! Các bạn nhớ nhé!” — Thầy nói to trước lớp.
Khi lần đầu nghe, cả lớp chỉ cười khì vì cho rằng điều thầy nói quá hiển nhiên và chẳng có gì để nhớ cả. Cũng vì tâm tính “vở sạch chữ đẹp” mà chẳng mấy ai dám để lại cái sai của mình. Phải đến vài năm sau, mình mới nhận ra lời thầy dặn còn có một tầng nghĩa khác.
Bài học của thầy không nằm ở bộ môn Hoá. Chúng nằm ở sự thật rằng: tất cả những sai lầm ta tạo ra đều không thể xóa bỏ; nó luôn ở đó để được quyết định nhìn lại hoặc không. Nhìn lại để sửa sai. Không nhìn lại để bước tiếp.
Có lẽ thầy không còn nhớ mình là ai, và hai thầy trò có lẽ sẽ không còn gặp lại nhau. Nhưng hình ảnh, lời nói và bài học không-phải-về-Hoá của thầy sẽ mãi được mình mang theo.