Nhật Ký: Mình vẽ những câu chuyện từ thế giới trầm cảm
Mình từng vẽ tranh minh họa cho sách nhiều rồi. Thông thường, người chịu trách nhiệm nội dung gửi mình một trích đoạn cụ thể họ muốn thể hiện, nhưng với cuốn Đại dương đen: Những câu chuyện từ thế giới trầm cảm, mình đọc và được thoải mái vẽ phân cảnh mà mình thấy có nhiều rung cảm nhất. Đây vừa là cái dễ, vừa là thách thức.
Thế giới trong sách phủ kín bởi cảm xúc của người mắc chứng trầm cảm, như lo âu, rối ren hoặc mặc cảm. Không dễ để mình hình tượng hóa theo cảm nhận riêng, có bức vẽ nhanh, có bức mình chật vật trong thời gian dài, có lúc mình nhầm lẫn, vẽ tận 2 bức cho cùng một chuyện, vì mỗi lần đọc mình lại cảm nhận câu chuyện theo cách khác.
Bức khó nhất với mình là bức minh họa những vết thương bị nứt toác của một người đàn ông, chúng là những kẽ hở cảm xúc đang dần to ra bên trong nhân vật. Người đàn ông đứng đó nhìn ra, xung quanh là bàn tay chỉ trỏ, ánh nhìn chằm chặp, đại diện cho những phán xét, áp đặt mà nhân vật cảm thấy.
Lúc đọc và cả trong lúc vẽ nữa, cảm xúc của nhân vật cứ quẩn quanh, bám riết lấy mình. Rồi đến bao giờ vết thương khép miệng? Đến bao giờ sự áp đặt sẽ ngừng lại? Mình tự hỏi sau khi đọc câu chuyện đó đến lần thứ ba.
Thế giới của người trầm cảm có nhiều mất mát, nhưng mình tin trong đêm đen luôn có hy vọng. Để thể hiện tinh thần này, mình chọn cam đất, một tông màu ấm nóng làm nét điểm xuyết, vì vốn 12 tranh đã được bao phủ bởi rất nhiều gam màu tối rồi.
Bức mình ưng nhất là tấm cô gái đứng giữa rừng cây trơ trụi, xơ xác, nếu tinh ý sẽ nhận ra cái cây đứng gần cô nhất đang bắt đầu đâm chồi vài chiếc lá non, minh chứng cho sự sống và niềm tin vẫn còn đó, dù nhỏ nhoi.
Mình nghĩ ai cũng đều trải qua lo âu và bất an trong đời, như mình cũng có khoảng thời gian sức khỏe tinh thần không được ổn, phải làm nhiều cách khác nhau để trấn an bản thân. Đôi khi mình thiền, đôi khi mình vẽ để giải phóng năng lượng tiêu cực, cân bằng cảm xúc. Như dự án vừa rồi, hoàn thiện xong 12 tranh là mình hết căng thẳng, cảm xúc của nhân vật cũng không còn đeo bám nữa.
Khi đối diện với nỗi đau tinh thần, có người may mắn thoát ra được, có người bị nỗi đau ấy kiểm soát, nuốt chửng. Đó là lý do người mắc chứng trầm cảm cần rất nhiều sự thấu hiểu, chở che và bao dung từ người xung quanh. Mong rằng những tia sáng mình âm thầm đặt vào mỗi bức ảnh có thể phần nào thắp lên niềm tin cho họ.