Những điều thú vị về Quốc tế Phụ nữ 8/3 mà chắc chắn bạn chưa biết
Trước khi bắt đầu bài viết, chúng tôi xin được chúc các nữ độc giả của Vietcetera nhiều sức khỏe và niềm vui trong ngày 8/3. Còn nếu người đang đọc những dòng này là nam giới, chúng tôi mong rằng bạn đã bày tỏ tình cảm và sự tri ân tới những người phụ nữ thân thương trong cuộc đời mình.
Từ lâu, ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 đã trở thành ngày để toàn thế giới tôn vinh phái đẹp. Nhiều hoạt động diễn ra không chỉ tại Việt Nam, mà còn ở nhiều quốc gia khác nhằm bày tỏ tình cảm và sự tôn trọng tới những người phụ nữ xung quanh chúng ta.
Giữa hàng vạn lời chúc và bó hoa được trao đi, xung quanh biết bao nhiêu chiến dịch truyền thông của các nhãn hàng, bạn có bao giờ tự hỏi về nguồn gốc của ngày Quốc tế Phụ nữ tại Việt Nam? Những thế hệ đi trước đã tri ân phái nữ thế nào nhân dịp ngày lễ này, và thế giới mừng ngày phụ nữ ra sao?
Hãy cùng Vietcetera tìm hiểu về khởi nguyên của ngày kỉ niệm phụ nữ tại Việt Nam, và cùng xem xét liệu ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 có thực sự “quốc tế” như tên gọi của nó không nhé.
Hai Bà Trưng và ngày Quốc tế Phụ nữ phiên bản… quốc nội
Dựa trên thông tin từ Ban Tư liệu - Văn kiện của Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng tôi đã nhận ra một chi tiết thú vị: tiền thân của ngày Quốc tế Phụ nữ tại Việt Nam hóa ra lại là ngày giỗ của Hai Bà Trưng.
Theo đó, kể từ năm 1950, ngày 6/2 âm lịch là ngày một ngày kỷ niệm, và cũng là ngày phụ nữ Việt Nam. Giở lại báo cũ tại Thư viện Quốc gia, chúng tôi không tìm thấy nguồn thông tin nào nói về sự kiện kỷ niệm 6/2 âm lịch vào năm 1950 hay 1951.
Tuy nhiên, những tờ báo xuất bản vào tháng 3/1952 của cả chính phủ Việt Minh lẫn chính thể tạm thời của cựu hoàng Bảo Đại đều đưa tin về những hoạt động kỷ niệm ngày phụ nữ và ngày giỗ của Hai Bà Trưng.
Cụ thể, báo Tia Sáng số 1169 ngày 2/3/1952 đăng lại toàn văn bài phát biểu của Nam Phương Hoàng Hậu gửi tới phụ nữ Việt Nam nhân ngày giỗ của Hai Bà Trưng. Từ bài viết này, ta biết được rằng ngày 1/3/1952 là “ngày đầu tiên làm lễ Đại hội của Phụ Nữ Việt Nam” và chính phủ Bảo Đại đã “lựa chọn ngày kỷ niệm hai Bà để đặt làm ngày Hội của Phụ Nữ Việt Nam…”
Một ngày sau, Tia Sáng số 1170 tiếp tục đưa tin với tiêu đề: “Ngày Phụ nữ tại sân vận động Việt Nam đường Nguyễn Thái Học Hà Nội.” Bài báo đưa tin chi tiết về các hoạt động mừng ngày Phụ nữ, có vẻ cũng không quá khác những buổi lễ chào mừng ngày 8/3 hay 20/10 vào thời hiện đại với những bài diễn văn, những buổi diễu hành, và các hoạt động văn nghệ.
Hai số báo tiếp sau đó còn tường thuật lại một cuộc triển lãm về phụ nữ Việt Nam xưa và nay tại Hà Nội.
Cũng trong khoảng thời gian đó, Chính phủ Việt Minh đã có một số hoạt động để lần đầu tiên kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ tại Việt Nam. Từ ngày 4/3/1952, báo Cứu Quốc số 2026 in ở ngay trang nhất bài viết có tựa đề: “Kỷ niệm ngày Phụ nữ Quốc tế 8-3 sắp tới: Lời hiệu triệu của bà Vay-ăng Cu-tuya-bi-ê Tổng thư ký Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế gửi phụ nữ toàn thế giới.”
Tới ngày 7/3, báo Cứu Quốc có bài viết: “Ý nghĩa ngày 8-3: Ngày phụ nữ quốc tế bảo vệ hòa bình và kỷ niệm Hai Bà Trưng.” Và liên tục trong hai ngày 9-10/3, báo này đều đăng lại bức thư của chủ tịch Hồ Chí Minh gửi phụ nữ nhân dịp 8/3.
Bức thư này sau đó cũng xuất hiện trên báo Nhân Dân số 49 ngày 13/3/1952 với nhan đề: “Thư Hồ Chủ Tịch gửi phụ nữ nhân dịp kỷ niệm Hai Bà Trưng và ngày quốc tế phụ nữ 8-3-1952."
Khi ngày Quốc tế Phụ nữ không “quốc tế” như ta tưởng
Sự chia cắt của hai miền vào năm 1954 không khiến cho các hoạt động tri ân phụ nữ vào tháng 3 hằng năm mờ nhạt đi. Tuy nhiên, khi xem xét tư liệu, chúng tôi tìm thấy một điểm thú vị.
Kể từ năm 1953, dường như chính phủ Hà Nội đã bỏ yếu tố “kỷ niệm ngày lễ Hai Bà Trưng” ra ngoài ngày Quốc tế Phụ nữ. Ngược lại, chính quyền Sài Gòn thì lại chỉ gọi là Ngày Phụ nữ và ngày kỷ niệm Hai Bà Trưng, chứ không có cụm “quốc tế phụ nữ” trong những văn bản kỷ niệm hay diễn văn phát biểu.
Như vậy, ta có thể hiểu rằng ngày Quốc tế Phụ nữ đã trở thành một ngày lễ riêng biệt tại miền Bắc, một ngày lễ mà miền Nam thời còn chia cắt không có khái niệm về. Sự khác biệt này bắt nguồn từ chính nguồn gốc của ngày Quốc tế Phụ nữ, và sự phổ biến dần dần của ngày lễ này ra thế giới - hay nói chính xác hơn là ra một số nước trên thế giới.
Quá trình "quốc tế hóa" ngày 8/3
Ý tưởng về một ngày kỷ niệm dành riêng cho phái nữ khởi nguồn từ Mỹ trong những năm đầu của thế kỷ trước, gắn liền với những phong trào chính trị đòi quyền lợi cho nữ giới.
Vào tháng 10/1910, tại Hội nghị Quốc tế Phụ nữ Xã hội (International Socialist Women’s Conference) tại Đan Mạch, các đại biểu đã thống nhất sẽ có một ngày lễ cho nữ giới để thúc đẩy quyền bình đẳng giới.
Tuy nhiên, ngày kỷ niệm Quốc tế Phụ nữ đầu tiên lại được tổ chức vào ngày 19/3 năm 1911 tại một số nước châu Âu, chứ không phải ngày 8/3.
Cột mốc 8/3 chỉ trở nên quan trọng vào năm 1917, khi phụ nữ tại Nga biểu tình chống Nga Hoàng - cuộc biểu tình mà sau đó đã trở thành Cách mạng Tháng 2, một trong hai cuộc cách mạng làm cấu thành nên nước Nga hiện đại và Liên bang Xô Viết.
Từ năm 1917, chính phủ Liên Xô đã biến ngày 8/3 trở thành một ngày lễ chính thức để kỷ niệm sự cống hiến của những người phụ nữ Xô Viết trong cuộc cách mạng năm nào. Và khi Liên Xô mở rộng tầm ảnh hưởng của mình, thì ngày lễ này cũng lan rộng. Năm 1952 chính là thời điểm nó đặt chân tới Việt Nam.
Những nước nào mừng ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3?
Như vậy, sự phổ biến của ngày lễ 8/3 có dấu ấn đậm nét của nhà nước Xô Viết cũ. Cũng vì thế nên những quốc gia hưởng ứng ngày này cũng là những nước từng thuộc Xô Viết hoặc từng có quan hệ ngoại giao với chính thể này.
Điều này lý giải tại sao trước năm 1975, chỉ có chính quyền Hà Nội đón mừng ngày này. Bản thân cách gọi “ngày Quốc tế Phụ nữ” mới chỉ xuất hiện từ năm 1975, khi Liên Hợp Quốc chính thức công nhận ngày 8/3 là ngày kỷ niệm quốc tế.
Ngày nay, một số quốc gia trên thế giới coi ngày 8/3 là ngày lễ chính thức. Một số quốc gia khác thì coi đây là một ngày lễ không chính thức và vẫn có những hoạt động chào mừng.
Tuy nhiên, có một sự thật vừa thú vị, vừa trớ trêu: Mỹ và hầu hết các nước Tây Âu - nơi khởi nguồn của ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 - không ăn mừng ngày này. Một trường hợp đặc biệt là Đức, nơi mà ngày 8/3 mới chỉ được công nhận là ngày lễ chính thức từ năm 2019, nhưng không ở mức độ quốc gia, mà chỉ tại thủ đô Berlin và khu vực Mecklenburg-Vorpommern.
Nhiều quốc gia khác trên thế giới không ăn mừng ngày 8/3, nhưng cũng có những ngày lễ tương đương để bày tỏ sự trân trọng phái nữ. Điều này cho thấy rằng, dù có cùng ngày kỷ niệm hay không, thì việc tri ân những người phụ nữ xung quanh ta là một hành động được hưởng ứng rộng rãi.