Điểm tên 5 kỹ thuật thiền phổ biến: Bạn phù hợp với dạng nào?
Bạn muốn bắt đầu học cách tập thiền nhưng thông tin thì mênh mông. Đâu mới là kỹ thuật thiền có thể gắn bó lâu dài với bạn nhất?
Cuộc sống càng bận rộn, chúng ta lại càng mong mỏi tìm kiếm một phương pháp cân bằng, và một trong số những phương pháp được khuyến khích nhiều nhất là thiền định.
Cứ hỏi bất cứ ai đã thử thiền, bạn sẽ nhận được vô vàn lợi ích cả về sức khoẻ tinh thần lẫn thể chất: tăng khả năng tập trung, giảm suy nghĩ tiêu cực, tìm được sự vững vàng trong nhận thức, hoặc là cải thiện các triệu chứng áp lực, rối loạn cảm xúc, giảm nguy cơ mắc các bệnh như bệnh tim, cao huyết áp,...
Bạn muốn bắt đầu thiền nhưng phương hướng thì mênh mông, và đương nhiên không phải kỹ thuật nào cũng phù hợp. Sau đây là những đặc điểm của 5 kỹ thuật thiền phổ biến nhất, cùng thử xem đâu mới là cái tên có tiềm năng gắn bó lâu dài với bạn.
1. Kỹ thuật cơ bản
Gọi là cơ bản bởi vì bạn chỉ cần chọn một tư thế ngồi thoải mái, nhắm mắt lại, sau đó bắt đầu bằng cách hít sâu, thở đều và hướng sự tập trung vào hơi thở. Nếu bạn thấy tâm trí mình như đang lạc sang những luồng suy nghĩ khác hoặc cảm thấy khó tập trung, bạn chỉ cần từ từ chuyển sự chú ý của mình vào nhịp thở nhẹ đều.
Phù hợp với: Những người mới bắt đầu, những người thường xuyên căng thẳng và bận rộn.
2. Kỹ thuật chánh niệm
Chánh niệm giúp bạn tập trung quan sát, suy ngẫm và chấp nhận hoàn cảnh mà không phán xét.
Chánh niệm là một khái niệm chỉ chung cho tất cả những kỹ thuật giúp chúng ta thay đổi nhận thức và làm chủ cuộc chiến nội tâm. Cơ bản nhất trong kỹ thuật này là mô hình R.A.I.N, cũng là mô hình thường được dùng trong trị liệu nhận thức:
- R (Recognize what is happening): nhận ra những gì đang tiếp diễn
- A (Accept it all): chấp nhận nó
- I (Investigate where it's coming from): tìm hiểu nguồn gốc của nó
- N (Non-identification): tách rời khỏi nó
Tất cả những gì bạn cần làm là tĩnh tâm tập trung, quan sát, suy ngẫm và chấp nhận mọi thứ trôi qua mà không phán xét. Nhờ tách rời khỏi vấn đề mà bạn sẽ tìm được góc nhìn khách quan hơn, từ đó giúp bạn kiểm soát cuộc sống ở hiện tại thay vì luôn hoài niệm về quá khứ.
Phù hợp với: Những người mới tập thiền vì nó rất dễ tự luyện tập. Đặc biệt có hiệu quả chữa trị cho những người bị trầm cảm hoặc lo âu.
Một ưu điểm khác là đã có rất nhiều nghiên cứu tâm lý và thần kinh học về chánh niệm. Với nhiều người không thường tìm hiểu về khía cạnh tâm linh, chỉ khi biết rõ các bước thực hành sẽ hoạt động trong não bộ và ảnh hưởng đến tâm lý ra sao thì họ mới dễ nắm bắt cách thực hiện.
3. Kỹ thuật tập trung
Đây là kỹ thuật thiền tập trung vào một điều duy nhất với toàn bộ tâm trí mình nhưng không gắn bất cứ suy nghĩ nào trong đầu. Bạn có thể chọn một bức tượng, hơi thở của chính mình, hay cả tiếng chuông, tiếng sóng biển, tiếng gió thổi để 'neo' sự chú ý trong chu kỳ thiền.
Phù hợp với: Những người không thể ép mình không nghĩ về bất cứ thứ gì. Việc tập trung vào một thứ nào đó sẽ dễ hơn.
Những dạng tiêu biểu của kỹ thuật thiền này:
Thiền Chakra
'Chakra' có nghĩa là tâm điểm của năng lượng tâm linh, và chúng ta có 7 điểm này trên khắp cơ thể. Khi tập thiền Chakra, bạn sử dụng âm thanh, một số động tác tay và các chuyển động để kết nối các điểm năng lượng với nhau, giúp hồi phục những vấn đề cơ thể hoặc cảm xúc mà bạn đang gặp phải.
Kỹ thuật Chakra lẫn lý thuyết về 7 luân xa trên cơ thể cũng bổ trợ rất nhiều cho các kỹ thuật thiền khác.
Thiền Kundalini
Thiền Kundalini là một phần trong Kundalini yoga, có khả năng đánh thức và luân chuyển nguồn năng lượng từ cột sống. Nguồn năng lượng từ luân xa gốc tại cột sống sẽ luân chuyển trong cơ thể và thoát ra ngoài qua luân xa trên đỉnh đầu. Quá trình này nhằm tạo ra một hệ thống 'giao tiếp' giữa cơ thể và tâm trí, từ đó giải toả các vấn đề về tinh thần, thể chất.
Đôi khi chúng ta cứ hoạt động hoặc phản ứng với xung quanh mà không thật sự nhận thức, hoặc vô tình bỏ qua suy nghĩ và hành vi của mình. Thực hành Kundalini giúp chúng ta thoát khỏi "trạng thái lái tự động" như vậy và đạt được một nhận thức cao độ hơn trong cuộc sống.
Thiền Zen
Đây là kỹ thuật thiền Nhật Bản được khá nhiều người biết đến với tư thế ngồi thiền tĩnh tâm. Thiền Zen xuất phát từ đạo Phật, với lợi ích điều chỉnh sự tập trung.
Bạn cần ngồi thẳng lưng, chân xếp bằng và tay đặt tại vị trí gần eo. Sau đó, hãy dành toàn bộ sự tập trung vào hơi thở, quan sát những suy nghĩ và trải nghiệm thoáng qua trong tâm trí, và để chúng nhẹ nhàng trôi qua.
4. Kỹ thuật vận động
Kỹ thuật vận động là sự kết hợp giữa thiền và các hoạt động mà bạn ưa thích, hoặc những hoạt động giúp bạn sống trong hiện tại nhiều hơn. Bạn nên chọn những hoạt động có tính chất lặp lại hoặc dễ giúp bạn vào “mạch” tĩnh tâm, chẳng hạn như đi bộ và yoga.
Yoga là các bài tập nhẹ nhàng, đòi hỏi nhiều kỹ thuật từ cơ bản đến nâng cao giúp cho cơ thể rắn chắc và dẻo dai. Đi bộ tuy là một hoạt động đơn giản, nhưng tính chất lặp của nó sẽ giúp tâm trí bạn lắng lại. Ngoài ra, bạn có thể chọn làm vườn, đi dạo hoặc tập các bài khí công.
Phù hợp với: Những ai khó ngồi yên một chỗ, cảm thấy việc thiền đối lập với trạng thái cơ thể lẫn tâm trí luôn phải hoạt động của mình. Tận dụng lợi ích của thiền để kết hợp với các hoạt động đơn giản sẽ là phương pháp hiệu quả hơn.
5. Kỹ thuật tâm linh
Tuy rằng thiền không thuộc về bất kỳ một tôn giáo nào nhưng cũng có thể được tính là một hoạt động tâm linh (spiritual). Cốt lõi của thiền tâm linh là để kết nối với một điều vĩ đại hơn, sâu sắc hơn chỉ một cá nhân, và con đường dẫn tới kết nối đó là quá trình tự soi chiếu một cách trung thực. Mỗi tôn giáo có cách thiền khác nhau, nhưng đều hướng đến một tác dụng lan toả: nhận thức cho bản thân từng người và mong muốn mang lại lợi ích cho người khác.
Mantra (Chân ngôn): là một ứng dụng tiêu biểu của thiền tâm linh, giúp người thực hành cảm thấy tỉnh táo, nhạy bén và hoà hợp với cuộc sống thực tại hơn. Điểm đặc trưng của kỹ thuật này là lặp lại một từ hoặc cụm từ, hoặc nhẩm đọc một bài kinh. Âm thanh được sử dụng phổ biến nhất của kỹ thuật này là "Om" hoặc "Aum".
Có 2 cách lý giải về việc sử dụng hai từ này. Thứ nhất, độ rung khi phát ra hai từ này là 432 Hz, gần với rất nhiều âm thanh trong tự nhiên, nhờ vậy chúng ta cảm thấy gắn kết với thiên nhiên hơn. Ngoài ra, âm nhạc ở tần số 432 Hz từng được chứng minh là tốt cho tinh thần, được dùng để hỗ trợ y học và giấc ngủ.
Còn khi phát âm "Aum", chúng ta đang nhấn nhá tại 3 trạng thái phát ra âm thanh: 'a' khi mở to miệng, 'u' khi khép môi và 'm' khi đóng miệng; đồng thời kích hoạt toàn bộ thanh quản: 'a' phát ra từ bụng và ngực, 'u' từ ngực và cổ họng, 'm' từ khoang mũi, hộp sọ và não. Nhẩm đi nhẩm lại từ này nghĩa là chúng ta đang lưu chuyển năng lượng từ bụng lên não.
Phù hợp với: Bất cứ ai, không giới hạn tổ chức hay tôn giáo, đặc biệt là những ai tìm kiếm sự phát triển về mặt tâm linh, qua đó có được nhận thức mới về mình và cuộc sống.