Đối diện với nỗi sợ từ quá khứ qua phim kinh dị
Khi khán giả tìm đến những tác phẩm kinh dị để có được khoái cảm từ nỗi sợ và tiếng la hét, Mike Flanagan lại mang tới cho họ những giọt nước mắt nhân văn.
Khi khán giả tìm đến những tác phẩm kinh dị để có được sự khoái cảm từ nỗi sợ và tiếng la hét, Mike Flanagan lại mang tới cho họ những giọt nước mắt nhân văn, những số phận bi ai ẩn sau linh hồn chịu nhiều thương tổn và thể xác mục rã.
Theo nghiên cứu của Bo McCready, chuyên gia dữ liệu của Apple, một trong những thể loại có xu hướng đi lên nhất từ năm 1910 đến 2019 chính là “horror". Phim kinh dị càng ngày càng có chỗ đứng không chỉ trong lòng khán giả mà còn trong ngành công nghiệp phim của Hollywood, bởi đây là một trong những thể loại “làm ít, ăn nhiều". Các studio không cần bỏ quá nhiều kinh phí mà vẫn có thể thu lại được một con số khổng lồ bởi tiềm năng “thương hiệu hoá" (franchising) của thể loại này là vô cùng lớn. Hậu truyện (sequel) liên tục được tạo ra, thậm chí là việc hình thành cả một vũ trụ như cách mà James Wan đã làm với The Conjuring. Nếu đã chán với hậu truyện, các nhà sản xuất sẽ bắt tay vào làm tiền truyện (prequel).
Như cách Martin Scorsese đã nói về phim thương hiệu, “tất cả đều là phần tiếp theo về tên gọi nhưng lại là phim làm lại về cốt lõi", các công thức chơi đùa với nỗi sợ được tận dụng nhiều cho mỗi bộ phim, dẫn đến sự nhàm chán tất vốn sẽ xảy ra.
Giữa bối cảnh đó, một thế hệ đạo diễn mới ra đời. Chọn thể loại kinh dị, họ chinh phục khán giả cả thế giới với những thước phim đầu tay và cũng định hình một phong cách rất riêng cho mình. Ari Aster với Hereditary (2018), Midsommar (2019); Robert Eggers với The Witch (2015), The Lighthouse (2019); Jordan Peele với Get Out (2017), Us (2019).
Tuy nhiên, có một cái tên mà đối với tôi vẫn chưa có được sự công nhận thích đáng, một người đã làm nên những tác phẩm kinh dị thành công, nhất quán về chất lượng và rõ ràng về phong cách. Đó chính là đạo diễn Mike Flanagan. Với khán giả, có lẽ họ sẽ biết đến anh nhiều nhất dưới vai trò đạo diễn và biên kịch của The Haunting of Hill House (2018), một series phim kinh dị được đánh giá rất cao của Netflix.
Còn với fan của phim kinh dị, Mike Flanagan là người đã biến thể loại này thành những bữa tiệc tâm lý nhân vật, tạo nên những tác phẩm không chỉ có đầy đủ những yếu tố của horror mà còn thấm đẫm cái lý, cái tình của drama (tâm lý xã hội).
“Kinh” và “Dị”: Tiếng nói của một làn sóng mới ở dòng phim horror
Tâm lý con người luôn là một thế giới bí ẩn và đầy tiềm năng, đặc biệt đối với thể loại kinh dị, một thể loại đã trải qua một thời gian dài bị công thức hoá để trở thành các sản phẩm hù doạ dễ dãi như tiệc Halloween. Tiểu thuyết gia kinh dị huyền thoại Stephen King có chỉ ra 3 mức độ của kinh dị theo thứ tự tăng dần gồm có the grossed-out (tởm), the horror (sốc) và the terror (kinh hoàng).
Với Flanagan, Aster, Eggers hay Peele, khai thác tâm lý con người khi đối diện với nỗi kinh hoàng tột đỉnh cũng chính là khát khao chinh phục mức độ kinh dị thứ 3. Họ vẫn bám vào nền tảng của mức độ 1 và 2, nhưng thoát ra khỏi những rập khuôn sáo rỗng (cliché) thường thấy: jumpscare, nhạc rùng rợn liên tục vang lên để dự báo, những lựa chọn ngu ngốc của nhân vật, cô gái tóc vàng luôn chết trước,... Phim của những đạo diễn này, dù là thế lực siêu nhiên, tự nhiên hay con người, đều bóc trần những ngóc ngách rất nhân văn của tâm lý con người.
Aster “mê" nỗi đau đớn khi đối diện với việc mất mát người thân trong gia đình, với những tiếng gào thét than khóc kinh khủng hơn bất cứ hiệu ứng âm thanh nào. Eggers bị ám ảnh bởi những truyền thuyết, truyện cổ dân gian, với ngôn ngữ xưa và miền tự sự miên man như những giấc mơ điên dại, khiến con người hoá điên và soi chiếu bản ngã của mình. Peele lại luôn dệt nên những câu chuyện đậm màu “urban legend" để chạm đến những vấn đề xã hội, đặc biệt là vấn đề về phân biệt sắc tộc. Một cách nào đó, 3 đạo diễn trên đều đang là người tiên phong cho một làn sóng phim kinh dị mới.
Mike Flanagan không tạo ra những thứ tiên phong, thời thượng đó. Các tác phẩm của anh vẫn mang những đề tài quen thuộc của phim kinh dị và đặc biệt vẫn rất thích khai thác motif “căn nhà ma ám". Trong phim của Flanagan, khán giả vẫn bắt gặp những tuýp nhân vật quen thuộc, những nỗi sợ nguyên thuỷ hay những tạo hình không có quá nhiều sự nghịch dị.
Song, anh luôn gieo vào mỗi bộ phim của mình một thông điệp đầy nỗi niềm mà khi xem lại, ngẫm lại, khán giả sẽ luôn có cảm giác hoang hoải và dần thấm được những nỗi đau nhân văn của các nhân vật. Có lẽ lý do lớn nhất cho hiện tượng này là bởi Flanagan luôn khai thác đề tài bi kịch gia đình, những sang chấn ấu thơ và cách con người lớn lên cùng với nó.
Kiến trúc sư của những căn nhà chất chứa nỗi đau
Trong nghệ thuật, căn nhà luôn là biểu tượng của “gia đình", “tổ ấm", một không gian mang đến cảm giác an toàn cho tất cả những ai sống trong đó. Ở mức độ vĩ mô hơn, khái niệm “nhà" có thể xem là một thực thể trong xã hội, vì từng căn nhà đều có lịch sử, có hơi thở của những niên đại đã đi qua và ẩn chứa trong mỗi viên gạch, mỗi bức tường là bí mật của thời gian.
Với rất nhiều phim của mình, Flanagan luôn đặt ra một câu hỏi, rằng sẽ ra sao nếu những nhân vật của ông không sống trong căn nhà của họ, mà chính căn nhà đó sẽ sống trong đầu họ, như một mầm bệnh, một khối u đau đớn, ám ảnh day dứt khôn nguôi? Vì mỗi chúng ta đều có bí mật của riêng mình, tương tự như mỗi gia đình đều có những góc khuất. Hiện tại không bao giờ để cho quá khứ ngủ yên, còn những góc khuất này luôn chực chờ để sống dậy và ăn mòn dần chủ thể, chờ đợi một ngày họ gục ngã và tìm hướng giải thoát để thiêu đốt căn nhà trong đầu họ mãi mãi.
Nếu hỏi tôi thích tác phẩm nào nhất của Mike Flanagan, thì tôi sẽ không do dự đưa ra cái tên The Haunting of Hill House, một series gốc của Netflix. Gọi là phim supernatural horror (kinh dị siêu nhiên), nhưng thật ra đây là là một phim tâm lý rất nặng đô với lớp vỏ ngoài kinh dị xoay quanh một gia đình và cách từng thành viên đối diện với căn nhà ma đã ám cả tuổi thơ của họ.
Ngày từ poster phim, concept của phim đã được nêu rõ: khi căn nhà sống trong bạn, len lỏi vào từng ngóc ngách của tuổi thơ, định hình con người bạn của tương lai với đầy những thương tổn câm lặng của hiện tại. Nhà Hill không đơn giản là một căn nhà bị ma ám. Nó là một thực thể sống, còn những hồn ma như một loại khuẩn tiêu hóa, giúp căn nhà nuốt trọn được từng thành viên trong gia đình Crain.
Xuyên suốt 10 tập series, khán giả dần được tiết lộ bi kịch của gia đình và quá trình trưởng thành của những thành viên khi phải lớn lên và tìm cách quên đi cú sốc đó. Đan xen vào câu chuyện về sang chấn tâm lý này là những vấn đề cá nhân từng thành viên mắc phải như trầm cảm, nghiện ngập, sự cáu gắt hay cả sự ám ảnh về cái chết.
Một căn nhà khác mà Flanagan kiến tạo nên là căn nhà trong Ouija: Origin of Evil (2016), tiền truyện kinh dị của hãng Universal cho phim Ouija (2014). Có lẽ lịch sử điện ảnh chưa có trường hợp nào như phim này: phần 1 thành công về doanh thu nhưng bị chê tơi tả về kịch bản lười biếng, những trò hù dọa rẻ tiền và chỉ đạt số điểm 6% trên Rotten Tomatoes, còn phần 2 thì lại đạt 82% điểm tươi và được đánh giá rất cao. Thậm chí có nhà phê bình còn cho rằng phim “hay quá mức cần thiết”.
Không chỉ vực dậy một thương hiệu kém chất lượng, Flanagan nâng tầm tác phẩm lên một cấp độ khác khi kể câu chuyện gia đình về mất mát và hiện tượng quỷ nhập hồn. Vẫn khai thác mô típ quen thuộc về một món đồ bị ma ám, đạo diễn khám phá nỗi đau của một gia đình trước những đổ vỡ trong cuộc sống: cái chết của người thân, căn nhà sắp bị thu hồi và tình cảm giữa các thành viên không toàn vẹn.
Giữa những bi kịch ấy, Flanagan luôn đẩy thế lực hắc ám vào để thử thách con người, thử thách sức mạnh của tình thương, sự bền chặt của gia đình và trên hết là tương lai của chính họ. Ouija: Origin of Evil được đánh giá là quá tăm tối và đau buồn dù khán giả đã biết trước kết cục nhờ phần phim trước đó. Sự hoang hoải ở kết thúc luôn là đặc sản ở phim của Flanagan, như một thông điệp về nỗi đau ngự trị sẽ không bao giờ rời bỏ con người.
“Thiên tài" trong mắt Stephen King
Ông hoàng của tiểu thuyết kinh dị Stephen King đã từng tấm tắc khen ngợi The Haunting of Hill House: “Thường tôi không quan tâm những dạng phim phục chế như thế này, nhưng bộ phim này gần như là tác phẩm của một thiên tài". Có lẽ như một mối duyên lớn giữa hai tâm hồn mê những thứ cổ quái, họ đã kết hợp với nhau trong 2 tác phẩm Gerald's Game (2017) và Doctor Sleep (2019).
Gerald’s Game của Netflix là bộ phim đã mang cho Flanagan danh hiệu cục cưng của Stephen King và cộng đồng fan của ông. Thậm chí còn có câu nói: hãy thuê Mike Flanagan nếu muốn chuyển thể một tác phẩm của King. Dựa trên tiểu thuyết cùng tên ra mắt năm 1992, Gerald’s Game được đánh giá là tác phẩm không thể điện ảnh hóa (unfilmable) vì tính chủ đề của nó, cũng như sức nặng về tâm lý mà nhân vật phải trải qua.
Kỳ nghỉ của đôi vợ chồng trung niên bỗng trở nên kinh hoàng với cô vợ khi người chồng bị đau tim chết ngay lúc vừa còng hai tay cô vào giường để thoả mãn sở thích bạo dâm của ông. Căng cơ, máu bầm, cơn khát cùng một con chó hoang đang đói cái xác bên cạnh giường là những gì cô phải trải qua trong suốt hơn 1 tiếng phim.
Song trong cơn khốn cùng ấy, cô vợ dần đối diện với những bóng ma trong quá khứ của mình, những ẩn ức bị cô đè nén suốt nhiều chục năm, hình thành nên con người của cô ngày hôm nay. Một lần nữa, hình ảnh “căn nhà" của Flanagan lại xuất hiện. Căn nhà nghỉ dưỡng bên hồ với lớp vỏ êm ấm, thoải mái và sang trọng gợi nhớ cho cô một căn nhà của quá khứ, cũng bên một bờ hồ, nơi cô phải chôn giấu tất cả những bí mật kinh khủng nhất của tuổi thơ dưới nhật thực đỏ như màu máu. Những bí mật trỗi dậy, ám ảnh cô như một hình hài của ánh trăng trong đêm tối, mà cô gọi là “The Moonlight Man”.
Dưới tài năng của mình, Flanagan đã chinh phục cả King lẫn fan của ông và người yêu điện ảnh thế giới khi làm ra một tác phẩm có chiều sâu nhưng không kém những pha gây sốc cùng thông điệp vang vọng về việc chấp nhận quá khứ để trở thành một phiên bản hoàn hảo hơn của bản thân.
Phim điện ảnh gần đây nhất của Flanagan là Doctor Sleep, hậu truyện của The Shining (1980). Dẫu không thể so sánh với tác phẩm kinh điển của bậc thầy Stanley Kubrick, Doctor Sleep nhận được nhiều lời khen của người hâm mộ The Shining và cả Stephen King.
Dù The Shining là một kiệt tác điện ảnh, Stephen King lại không hề thích chuyển thể của Kubrick vì nó “không có chiều sâu và sự ấm áp". Mang trên vai áp lực từ chính thần tượng của mình, Flanagan tiếp tục khai thác góc khuất của nhân vật khi phải vượt qua những sang chấn tâm lý, ở đây là Danny Torrance, cậu bé có năng lực “thấu thị" ở phần trước.
Hiểu được ý muốn của King và những gì King thích về The Haunting of Hill House, Flanagan xây dựng hình tượng Danny có phần tương đồng với những đứa trẻ nhà Crain: họ đối mặt với một nơi ở quỷ quyệt trong tâm trí, họ đối diện với cú sốc về sự đổ vỡ của chính gia đình mình mà bản thân vẫn chưa có một lời giải.
Và để chống chọi với nó, họ chọn rượu, họ rơi vào những cơn trầm cảm thường xuyên và luôn chạy trốn bản thân mình. Doctor Sleep dù có vẻ ngoài khá siêu anh hùng với tuyến chính diện phản diện rõ ràng, nhưng Stephen King luôn muốn hướng về tâm lý của những người trải qua sang chấn tâm lý như Danny Torrance, những kẻ lấy rượu làm niềm vui để che chắn bản thân mình khỏi nỗi kinh hoàng của quá khứ.
Một điều vô cùng đáng nể phục nữa của Mike Flanagan đó là việc ông luôn là biên kịch cho mọi bộ phim của mình. Đây cũng là một điểm chung giữa những đạo diễn thành công ở thể loại kinh dị như James Wan, Guillermo Del Toro, hay ngay cả Aster, Peele và Eggers.
Thể loại horror chắc chắn sẽ không thể thoái trào nếu thế giới còn có những đạo diễn như Mike Flanagan, một người đã biến những cơn ác mộng trong tiềm thức của chúng ta thành những nỗi buồn nhân văn, khiến chúng ta nhận ra rằng đôi khi thứ đáng sợ nhất không phải những thế lực siêu nhiên mà chính là cảm giác bị mắc kẹt trong quá khứ.