Những tình huống mà content writer không thể đỡ nổi

Sau đây là những đút kết vui nhộn mà N., một content writer 2 năm kinh nghiệm, có được trong chặng đường 2 năm làm content writer của mình.

Vietcetera
Những tình huống mà content writer không thể đỡ nổi

Những tình huống mà content writer không thể đỡ nổi

N. là một mầm non content writer 2 năm tuổi nghề. Cô bén duyên với nghiệp viết qua lời mời gia nhập công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực truyền thông từ chính sếp của cô. Tốt nghiệp từ ngành không hề liên quan đến viết lách, N. cũng chật vật một khoảng thời gian để học những bài học vỡ lòng về nội dung.

Hai năm là khoảng thời gian vừa đủ để cô nhận ra những cái vui mà chỉ có ngành này mang lại. Đối với N., truyền thông mang lại cho cô những góc nhìn đa chiều hơn trong một vấn đề. Truyền thông mang cô tới những chân trời kiến thức mới mà cô chưa bao giờ nghĩ là nó tồn tại. Truyền thông cũng mang đến cho cô cơ hội gặp được những nhân vật, những cá tính hết sức đặc biệt. Mỗi người trong số họ, dù ít hay nhiều, cũng góp phần tạo nên con người cô hôm nay.

Tuy nhiên, thỉnh thoảng, N. cũng nhận được một vài câu hỏi hóc búa hoặc những tình huống nan giải không giống ai. Cô kể với chúng tôi về những chuyện chỉ người trong nghề mới biết.

Sự khác biệt “tinh tế” giữa content writer và copywriter

Biết N. làm nghề viết, không ít lần bạn bè và người thân nhờ cô viết hoặc dịch nhanh những câu tagline, slogan (khẩu hiệu). “Nhưng mình làm content writer chứ có phải copywriter đâu,” N. nhún vai.

Copywriter là những người lên ý tưởng và đưa ra những thông điệp chính thức, tagline,… cho các chiến dịch, các nhãn hàng. Bạn sẽ bắt gặp tác phẩm của họ qua các chiến dịch quảng cáo, những hình thức marketing trực tiếp, brochure,… Nói tóm lại, công việc của copywriter là tạo ra ấn tượng tức thời và kêu gọi hành động từ người đọc.

Còn đối với content writer, công việc của họ là tạo ra những nội dung hữu ích nhằm mang đến giá trị lâu dài cho người đọc. Tác phẩm của họ thường là những bài viết trên blog hay website của thương hiệu. Trong một số trường hợp, nội dung được sử dụng để xây dựng nhận thức cho sản phẩm và dịch vụ, thu hút khách hàng tiềm năng.

N. đã quen với việc từ chối những lời nhờ vả “mì ăn liền” thiếu ngữ cảnh, mục đích sử dụng, tính năng của sản phẩm, dịch vụ.. Cô cho rằng, dù là copywriter hay content writer thì cũng không nên sử dụng con chữ một cách hời hợt.

Sự khác biệt “tinh tế” giữa nội dung tự tạo và nội dung “sưu tầm”

Trên thế giới có 2 loại nội dung: nội dung tự tạo và nội dung được “sưu tầm”. Trong một thế giới hoàn hảo, sẽ không ai “sưu tầm” (thật ra là sao chép và đăng tải) nội dung từ nguồn khác mà không có sự cho phép của tác giả.

Tuy nhiên, tại nhiều xưởng content, content writer viết dưới áp lực thời gian, chạy theo chỉ tiêu gắt gao. N. chia sẻ, “Dòng chảy sáng tạo thì không phải là bất tận, nên nhiều content writer đành đi “sưu tầm” cho đủ số lượng nội dung yêu cầu. Buồn là đôi khi người sưu tầm “quên” không xin phép tác giả, cũng chẳng ghi nguồn bài.”

Bị sao chép là một trong những khó khăn của người làm content. Thường thì N. mất vài ngày để tìm hiểu một vấn đề rồi hì hụi tìm hướng đi riêng cho bài viết của mình. Hoặc cô mất vài tuần, thậm chí vài tháng, để thuyết phục một nhân vật tham gia bài viết của cô. Thế nhưng sau khi bài viết ra mắt, cô thấy nó nằm nhan nhản trên những website khác. Tên cô hiển nhiên không được đề cập tới, tên của tờ báo gốc cũng tuyệt nhiên nằm bé tẹo dưới cùng bài viết, không một đường dẫn về nguồn bài.

Từ những ngày đầu làm nghề viết, N. đã sống trong môi trường nơi mọi người tôn trọng chất lượng nội dung, nên mọi câu cô viết ra đều “chính chủ”. Cô nhận ra nhiều độc giả tìm đến một nguồn tin không chỉ đơn giản vì nội dung, mà còn vì uy tín, những giá trị và tiếng nói mà nguồn tin đó xây dựng.

Để làm nghề viết, bạn phải học cách vượt qua bản thân mình

N. học kinh doanh thời trang, ra trường lại làm content writer cho một tờ báo điện tử. Những ngày đầu cô chỉ viết về thời trang. Dần dần, trải nghiệm công việc đưa cô đến với nhiều lĩnh vực khác nhau. Từ thời trang, cô viết sang kinh doanh, khởi nghiệp, sáng tạo.

Trong quá trình truyền tải kiến thức đến người đọc, N. được “lăn lộn” với đủ mọi chuyên ngành và tiếp xúc với các chuyên gia ở những nhiều lĩnh vực. Khó khăn nhất với N. có lẽ là tiếp chuyện những vị này khi cô không có chuyên môn trong lĩnh vực của họ. Từng bước một, N. vượt qua sự rụt rè của bản thân, học cách đặt đúng câu hỏi, và dẫn dắt cuộc đối thoại.

N. giải thích, “Mình thường tiếp cận vấn đề một cách cơ bản nhất rồi từ từ đi lên. Mình nhận ra có nhiều cách để đặt câu hỏi cơ bản nhưng vẫn khiến người đối diện cảm thấy thú vị. Ví dụ, thay vì hỏi một nhà nghiên cứu AI (“artificial intelligence” – trí tuệ nhân tạo), “AI là gì?”, bạn có thể hỏi một cách sáng tạo và hài hước hơn, “Chị có thể giải thích AI cho một đứa bé 5 tuổi được không?”

Giờ đây thế giới quan của N được mở rộng một cách rõ rệt. Cùng một chủ đề, cô được nghe quan điểm của nhiều cá nhân khác nhau. Cô biết được những doanh nghiệp khởi nghiệp đầy cảm hứng. Và những kiến thức cơ bản về cuộc cách mạng 4.0 và ứng dụng của công nghệ vào các ngành nghề khác nhau.

“Viết lách như này có đủ sống không?”

N. chia sẻ, bạn sẽ không ngừng nhận được câu hỏi này trong suốt sự nghiệp viết lách của mình, kèm theo sự nghi ngờ của những người xung quanh. Nhưng, “Làm nghề nào cũng sẽ có khó khăn. Mọi con đường sự nghiệp đều cần có chiến lược để đi được lâu dài. Chỉ cần bạn đối xử với con chữ một cách nghiêm túc, nhất định sẽ có vô vàn cách để đi đến cùng với nó,” N. trả lời.

Hình ảnh được thực hiện bởi Trà Nhữ.

Xem thêm:

[Bài viết] Office Gossip: Nhận diện ‘sếp xấu tính’ và ‘sếp khó tính’

[Bài viết] Office Gossip: 7 Điều chỉ những người làm việc trong môi trường song ngữ mới hiểu


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục