Những "trào lưu" vì môi trường có thật sự mang lại kết quả?

Mãi nghi hoặc về kết quả của những "trào lưu" vì môi trường khiến hiệu quả tuyên truyền gián tiếp giảm đi, vậy thì càng không thể cải thiện được vấn đề.

Lạc Minh
Những "trào lưu" vì môi trường có thật sự mang lại kết quả?

Vài năm gần đây, hàng loạt những hoạt động, chiến dịch bảo vệ môi trường được đông đảo cộng đồng hưởng ứng đã tạo nên một làn sóng rộng khắp. Nhưng cũng bởi diễn ra cùng một lúc và quá “ồ ạt” khiến nhiều người cho đó chỉ là những phong trào nhất thời. Họ không khỏi hoài nghi, đến lúc phong trào này lắng xuống, việc bảo vệ môi trường chỉ còn là những lời thoáng qua.

Liệu có đúng như những gì người ta nghi ngờ? Các hoạt động đó không còn được nhắc tới nhiều nữa vì đã đến thời điểm thoái trào? Cuối cùng nó sẽ qua đi mà chẳng để lại một chút nhận thức hay sự thay đổi nào có ích?

Thời hoàng kim của những hoạt động vì môi trường

Cùng một lúc đã có rất nhiều hoạt động kêu gọi “sống xanh” trên các trang mạng xã hội và các kênh truyền thông. Từ những chiến dịch quy mô như dọn rác, trồng cây, đến những hành động nhỏ như kêu gọi nhau giảm thiểu vật dụng bằng nhựa sử dụng một lần; sử dụng đồ dùng hữu cơ,… Ngay cả nền tảng online cũng được các bạn trẻ tận dụng một cách đầy sáng tạo.

Khoảng từ đầu năm 2019, những hình ảnh đẹp đẽ và ý nghĩa này không ngừng được lan truyền rộng rãi, khiến người trẻ càng thêm tự hào và hăng hái trong các hoạt động tương tự.

Tuy nhiên, qua một thời gian, những hoạt động như vậy dần vắng bóng trên các kênh truyền thông và mạng xã hội. Số lượng những chiến dịch bảo vệ môi trường trong khoảng cuối năm cũng không còn rầm rộ như trước. Thế nên bây giờ, khi nhìn lại thời hoàng kim của nó, mọi người lập tức gắn mác đó chỉ là một trào lưu.

Những “trào lưu” vì môi trường có thật sự tạo được tác động?

“Bảo vệ môi trường” không còn là cụm từ mới mẻ, nhưng vẫn chưa hoàn toàn hoà nhập vào đời sống thường ngày. Đây là cơ sở để cho mối nghi ngờ rằng, các “trào lưu” này chỉ thu hút được sự quan tâm trong một thời gian ngắn ngủi. Liệu những hoạt động trước đó thật sự xuất phát từ mong muốn cải thiện, hay chỉ vì hiệu ứng đám đông nhất thời?

Từ những hoài nghi này, người ta thôi không ủng hộ những hoạt động này nữa, vì “cuối cùng rồi đâu cũng lại về đấy cả thôi.”

”Lời nói” ít đi, bởi “hành động” đã nhiều hơn

AIDA là một mô hình cơ bản và phổ biến trong marketing và truyền thông. Mô hình cho biết, để thuyết phục khách hàng đi từ nhận thức tới quyết định mua sắm, một thông điệp cần phải đi qua bốn bước liên tiếp: Awareness (Nhận thức), Interest (Quan tâm), Desire (Mong muốn) và Action (Hành động).

Việc tuyên truyền bảo vệ môi trường cũng vậy. Những hoạt động, chiến dịch vì môi trường nêu trên đã thu hút đông đảo sự quan tâm, tạo thành làn sóng nhận biết rộng rãi. Khắp các mạng xã hội, kênh truyền thông, hàng loạt chương trình và hashtag đều hướng về môi trường. Như vậy, “trào lưu” này đã làm tốt bước khởi đầu, đó là nâng cao và lan tỏa nhận thức.

Không thể phủ nhận rằng tại Việt Nam điều kiện thuận tiện cho sống xanh còn hạn chế, tạo thành những rào cản trong việc biến nhận thức thành hành động vì môi trường. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các phong trào kêu gọi không mang lại kết quả khả quan nào.

Sau những “trào lưu” đó, rất nhiều quán cà phê, trà sữa sử dụng ly thủy tinh phục vụ tại bàn, ống hút giấy, ống hút inox,… góp phần thay đổi thói quen của khách sử dụng. Một bộ phận khách hàng cũng ưu tiên chọn lựa những địa chỉ với yếu tố thân thiện với môi trường, thậm chí chủ động mang theo bình, ly đựng riêng.

Ghé vào những cửa hàng tiện lợi, không hiếm trường hợp khách hàng từ chối túi nhựa. Tại các khu chợ hoặc siêu thị, hình ảnh khách hàng thay thế túi ni-lông bằng túi vải, túi sinh học đang dần tăng lên.

Đồng thời, người trẻ còn chủ động tìm hiểu những phương pháp sống xanh khác ngoài giảm nhựa, chẳng hạn như chế độ ănxử lý rác hữu cơ. Họ cũng đã chú ý hơn đến những sản phẩm độc hại, chẳng hạn như pin, và có những chiến dịch tuyên truyền cũng như thu gom xử lý riêng.

Đúng là chúng ta dần thấy chủ đề về môi trường ít được bàn tán hơn. Bởi vì mọi người đang tự nhắc nhở nhau, cùng bắt tay vào thay đổi lối sống từ từng điều nhỏ nhặt hằng ngày, dùng hành động thay cho lời nói. Thay vì dừng lại và hoài nghi liệu những “trào lưu” sống xanh có thật sự tạo ra tác động, chúng ta cần nhìn nhận cởi mở hơn. Hãy tiếp tục đồng hành cùng những nỗ lực ban đầu này, cuối cùng biến nó thành một ý thức chung của thế hệ tương lai.

Kết

Các hoạt động kêu gọi bảo vệ môi trường thời gian qua đã giúp mọi người nhận biết được sự cấp thiết. Tuy nhiên, vẫn còn đó những hoài nghi của cộng đồng về một cái kết có hậu, gián tiếp làm giảm hiệu quả tuyên truyền.

Dù có là “trào lưu” thì nó cũng đã thực hiện được mục đích nâng cao nhận thức. Và nếu như có nhiều trào lưu cùng được thực hiện nối tiếp nhau, dần dần sẽ tạo được sự cộng hưởng lớn, đủ sức tác động để thay đổi ý thức và hành động của cộng đồng.

Bài viết được thực hiện bởi Lạc Minh.

Xem thêm:

[Bài viết] Ngoài giảm nhựa, chúng ta còn cách nào để sống xanh?

[Bài viết] 5 Nỗi khổ chỉ những người (cố gắng) sống xanh mới hiểu


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục