Nữ quyền qua ngôn ngữ thời trang

Liệu đã đủ nếu chỉ xem nữ quyền như một xu hướng nhất thời trong vòng tuần hoàn của thời trang?

HA
Nữ quyền qua ngôn ngữ thời trang

Nữ quyền qua ngôn ngữ thời trang

Thời trang thế giới đã và đang chứng kiến nhiều bước ngoặt được tạo ra bởi phong trào bình đẳng giới. Trong những năm gần đây, nữ quyền ngày càng thể hiện sức ảnh hưởng mạnh mẽ, đặc biệt dễ nhận thấy nhất trong lĩnh vực thiết kế và quảng cáo. Tại Việt Nam, tuy không quá phổ biến, vẫn có nhiều thương hiệu nhanh chóng nắm bắt khái niệm này như những xu hướng khác.

Suit cho nữ được tạo ra, sử dụng hình ảnh “nam tính” hơn để quảng cáo tới khách hàng. Nhưng liệu đã đủ nếu chỉ xem nữ quyền như một xu hướng nhất thời trong vòng tuần hoàn của thời trang?

Vai trò của nữ quyền trong thời trang

Trong thời trang, nữ quyền là cách tiếp cận sáng tạo, thể hiện cách nhìn về người phụ nữ độc lập và bình đẳng. Nữ quyền được xem là quan điểm cấp tiến trong thời trang bởi trước đây, những định kiến áp đặt lên phụ nữ đã gây ra những tổn thương về cơ thể, tinh thần cũng như cản trở cuộc sống của họ.

Cụ thể, một trong những quan điểm bảo thủ tiêu biểu về phụ nữ là nhãn quan nam giới (male gaze). Theo Laura Mulvey, nhãn quan nam giới thể hiện cách nhìn của nam giới (chủ thể) đối với nữ giới (vật thể) là đối tượng có ngoại hình gợi dục, mang lại khoái cảm thể xác.

Quan niệm này đặt phụ nữ ở vị trí bị động và đàn ông ở vị trí chủ động. Và khi ở thế bị động, phụ nữ được gán những tiêu chuẩn về cái đẹp từ cụ thể, hữu hình đến trừu tượng, vô hình.

Xuất phát điểm của nữ quyền là yêu cầu quyền lợi bình đẳng mọi mặt cho phụ nữ trong một xã hội chịu ảnh hưởng nặng nề bởi chế độ phụ hệ. Theo thời gian, những người ủng hộ nữ quyền nhận ra rằng quyền lợi bình đẳng cho phụ nữ cũng đồng nghĩa với việc giải phóng nam giới khỏi những khuôn mẫu xã hội độc hại.

Dấu chân nam giới trong thời trang nữ

Một chiếc váy ôm sát cơ thể giúp tạo ra một thân hình đồng hồ cát, mặc cho người mặc phải nín thở; đôi giày cao gót chục phân tôn đôi chân dài và vòng ba quyến rũ mặc cho người mang không thể đứng vững. Hay rất nhiều hình ảnh quảng cáo trong thời trang mà mẫu nữ tạo tư thế mời gọi, chờ đợi được chinh phục…

Đằng sau những thiết kế, hình ảnh này là sự áp đặt của nhãn quan nam giới nhằm tạo ra chuẩn mực về cái đẹp của phụ nữ mà bỏ qua quan điểm hay cảm xúc từ phía họ. Một trong những ảnh hưởng sâu sắc nhất là “thuế hồng”–việc nữ giới phải trả giá tiền cao hơn nam giới cho một món đồ tương đương. (Theo money.cnn.com)

Bên cạnh nhãn quan nam giới, lĩnh vực thời trang còn bị chi phối bởi tư tưởng mặc định phụ nữ có vai trò thứ yếu. Một nghiên cứu từ The Pudding cho biết, kích thước túi quần jeans nữ ngắn hơn 48% và hẹp hơn 6.5% so với túi quần jeans nam. Christian Dior cũng từng nói: “Túi cho đàn ông để đựng đồ đạc, túi cho phụ nữ để trang trí”, ngụ ý rằng phụ nữ chủ yếu ở nhà, còn đàn ông giao thương bên ngoài nên cần túi để phục vụ công việc. (Theo The Guardian)

Điều này rõ ràng không còn hợp lý. Ngày nay trong mọi lĩnh vực nghề nghiệp, ở mọi cấp bậc đều có sự hiện diện của phụ nữ. Phụ nữ giờ đây có cả sự nghiệp và gia đình song song, và họ có toàn quyền quyết định cuộc sống của mình.

Cuộc cách mạng thẩm mỹ

Nếu thời trang tự xem mình là hiện thân của sự đổi mới không ngừng thì giờ là lúc cần đổi mới cách nhìn hơn bao giờ hết. Đổi mới để phản ánh cuộc sống một cách trung thực và hơn hết, góp phần xoá bỏ những định kiến tiêu cực trong văn hoá, định hướng tư tưởng hiện đại cho xã hội.

Thay vì vô thức chạy theo xu hướng, các thương hiệu cần xây dựng và nuôi dưỡng tư tưởng thẩm mỹ tôn trọng trí tuệ, tâm hồn cũng như hình thể của phụ nữ. Tư tưởng này đã được các thương hiệu áp dụng thông qua việc:

  • Thấu hiểu sâu sắc cuộc sống của phụ nữ, công nhận vai trò của họ trong xã hội thời đại mới.
  • Loại bỏ nhãn quan nam giới, khiến gợi cảm hay phô bày cơ thể không còn là yếu tố bắt buộc trong thiết kế.
  • Nới giãn các nguyên tắc cứng nhắc về tỉ lệ, màu sắc, phom dáng, hay những khuôn mẫu giới tính.
  • Tập trung vào sự thoải mái và tự tin về cơ thể, cảm xúc, tâm lý xã hội trong cuộc sống hàng ngày.

Một ví dụ tiêu biểu không thể bỏ qua là Phoebe Philo–một trong những người tiên phong trong việc thoát ra khỏi khuôn mẫu thời trang nữ. Phoebe, thông qua vai trò Giám đốc Sáng tạo tại Céline từ 2008 đến 2018, đã tái định nghĩa những khái niệm thẩm mỹ của thời trang nữ, và trở thành nguồn cảm hứng cho hình ảnh phụ nữ đương đại.

Không chỉ trong thiết kế, những hình ảnh quảng cáo của Céline (sau này là Celine) cũng đậm chất nữ quyền. Mọi hình ảnh và dáng mẫu đều tôn vinh người phụ nữ độc lập và không bị nam giới kiểm soát. Đây cũng trở thành một xu hướng marketing cho thời trang nữ hiện tại, khi các thương hiệu không tạo ra một hình ảnh quá khuôn mẫu cho bất kỳ giới nào.

Kết

Tóm lại, nữ quyền cần được nhìn nhận như một cuộc cách mạng tư tưởng trong thời trang, tạo nên một bức tranh cân bằng hơn về phụ nữ hiện đại.

Để phụ nữ được sống đúng với bản sắc của riêng họ.

Bài viết được thực hiện bởi HA.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục