11 Thg 03, 2024Điện ẢnhBóc Phim

Oscar bait: Có hẳn công thức cho một bộ phim tranh giải?

Oscar bait giờ đây được dùng như một thuật ngữ mang nghĩa tiêu cực. Nó có phải đã luôn như vậy?
Tuấn Anh
Nguồn: The Ringer

Nguồn: The Ringer

Đa số chúng ta đều đồng ý rằng Oscar là giải thưởng danh giá nhất trong điện ảnh. Nếu giành giải, bạn không chỉ có một bức tượng mạ vàng để trưng bày, mà kèm theo đó là sự công nhận, sự tôn trọng, địa vị long trọng tại Hollywood, và quan trọng nhất là tiền bạc.

Vì vậy mà hết năm này qua năm khác, đặc biệt là trong mùa tranh giải của các bộ phim, chúng ta vẫn thường nghe thấy cụm từ "Oscar bait" được nhắc tới, chỉ những bộ phim dường như được làm ra với mục đích duy nhất là mang về tượng vàng.

1. Oscar bait là gì?

Oscar bait, dịch đúng nghĩa là mồi câu Oscar, là thuật ngữ dùng để chỉ những bộ phim được thiết kế có chiến lược, sao cho phù hợp nhất với sở thích trao giải của các thành viên bầu chọn Oscar.

Những bộ phim này thường được xem là chỉ làm ra với mục đích tranh giải. Chúng ra mắt ngay trước thềm bình chọn Oscar, với nội dung thường xoay quanh một vài chủ đề nhất định như phê phán vấn đề trong xã hội đương đại.

Oscar bait cũng có thể là những bộ phim tiểu sử về một nhân vật nổi tiếng; hay những câu chuyện liên quan đến một sự kiện lịch sử, đặc biệt là những sự kiện bi kịch (rất nhiều bộ phim Oscar bait xoay quanh chủ đề Thế chiến II và cuộc diệt chủng người Do Thái.)

2. Oscar bait bắt nguồn từ đâu?

Thuật ngữ Oscar bait đã xuất hiện kể từ thập niên 40, nhưng chỉ thực sự bắt đầu được chú ý vào năm 1978, với bộ phim The Deer Hunter khắc họa hệ quả tâm lý của ba người bạn sau khi phải nhập ngũ để tham gia chiến tranh Việt Nam.

Sau buổi chiếu thử thất bại, hãng phim Universal đã thuê nhà sản xuất có tiếng tăm Allan Carr để tìm cách cứu vãn bộ phim này. Carr nhận ra rằng cách duy nhất để khán giả quan tâm tới một tác phẩm chứa chủ đề u ám và khốc liệt đến trầm cảm về chiến tranh, đó là bộ phim phải được đề cử Oscar.

Ngay lập tức, Carr sắp xếp một buổi chiếu thân mật, với toàn bộ khán giả là các thành viên của Viện hàn lâm. Không lâu sau, The Deer Hunter nhận được 9 đề cử Oscar. Ngay sau khi nhận tin, Carr và Universal lập tức tung phim ra chiếu rộng rãi, và dùng chính số đề cử để quảng bá bộ phim.

The Deer Hunter thu về gần 50 triệu USD, và thắng 5 giải Oscar, bao gồm giải thưởng dành cho phim xuất sắc nhất.

3. Vì sao phim Oscar bait phổ biến?

Các hãng phim lớn tại Hollywood đều muốn có được uy danh của một giải thưởng Oscar, vì vậy sẽ luôn tìm cách để tạo ra những bộ phim có khả năng thắng giải cao nhất.

Hơn nữa, như đã thấy với trường hợp của The Deer Hunter, những bộ phim vị nghệ thuật thường kén khán giả, và cần một đề cử Oscar làm bàn đạp để kiếm lời.

Vấn đề tài chính còn quan trọng hơn đối với các diễn viên. Nếu thắng giải, theo thống kê, một nam diễn viên có thể thương lượng mức cát-xê cao hơn tới 80% cho vai diễn tiếp theo.

Tuy nhiên, có nhiều bộ phim được làm ra với mục đích tranh giải Oscar lại không nhận được bất kỳ một giải thưởng nào. Khi này toàn bộ chiến lược đó có thể phản tác dụng, và khán giả có thể sẽ bỏ qua tác phẩm đó để chọn xem những bộ phim được đề cử.

Trong nhiều năm gần đây, Oscar bait đã trở thành một cụm từ mang nghĩa tiêu cực hơn. Nhiều người cho rằng những bộ phim này dần thiếu đi sự độc đáo, thay vào đó thường lựa chọn các công thức kể chuyện và chủ đề dập khuôn dễ đoán, đôi khi lôi kéo phiếu bầu quá lộ liễu.

4. Những bộ phim Oscar bait nổi tiếng

Schindler's List (1993, đạo diễn bởi Steven Spielberg)

Không thể phủ nhận Schindler's List là một bộ phim được làm ra để tranh giải. Kể về quá trình một doanh nhân Đức giải cứu hơn 1000 người Do Thái khỏi trại tập trung, bộ phim của Steven Spielberg chứa đủ các tiêu chí để chiều lòng mọi thành viên bầu chọn.

Và 7 tượng vàng Oscar cho tác phẩm này là hoàn toàn xứng đáng, khi Schindler's List vẫn luôn được coi là một trong những bộ phim hay nhất mọi thời đại.

Crash (2004, đạo diễn bởi Paul Haggis)

Chủ nhân tượng vàng tại lễ trao giải Oscar lần thứ 78, Crash cũng là một bộ phim "đậm chất" Oscar bait khi khai thác chủ đề về thành kiến sắc tộc. Tuy nhiên tới nay, bộ phim vẫn bị coi là một trong những chiến thắng khó hiểu nhất tại Oscar, khi Crash bị chê vì quá lộ liễu và thiếu tinh tế trong việc truyền tải thông điệp,

Nhiều nhà phê bình cho rằng bộ phim này đã thắng Oscar vì là lựa chọn an toàn nhất,trong khi các đối thủ từ Brokeback Mountain tới Munich đều đề cập đến những vấn đề nhạy cảm hơn như đồng tính hay khủng bố.

Collateral Beauty (2016, đạo diễn bởi David Frankel)

Collateral Beauty là một trong những bộ phim "mồi Oscar" thất bại thảm hại nhất. Với một dàn diễn viên khủng gồm những Will Smith, Kate Winslet và Keira Knightly, Collateral Beauty được quảng bá là một tác phẩm sẽ khiến mọi khán giả phải rơi nước mắt, kể câu chuyện về một người đàn ông viết thư cho Tình yêu, Thời gian và Cái chết để tìm câu trả lời về cuộc sống.

Tưởng như sẽ là ứng viên nặng ký mùa Oscar, nhưng Collateral Beauty lại bị giới phê bình chê tơi tả, và không nhận được bất cứ một đề cử nào.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục