Penn Policarpio: “Tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân là việc nên làm mỗi ngày.”
Penn Policarpio chia sẻ về hành trình sự nghiệp, vai trò của người phụ nữ tại nơi làm việc, và quan điểm của chị về tự chăm sóc sức khỏe bản thân (self-care).
Penn Policarpio sinh ra và lớn lên tại Philippines. Sau khi khởi đầu chặng đường sự nghiệp tại quê nhà Philippines, Penn đã tiếp tục phát triển sự nghiệp tại 4 quốc gia khác nhau. Chị cùng gia đình đi từ Singapore, Pháp (Paris), đến Việt Nam (Thành phố Hồ Chí Minh), và sắp tới là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất – UAE (Dubai).
Penn đã và đang đảm nhiệm nhiều vị trí với các cấp bậc khác nhau tại công ty dược phẩm đa quốc gia Sanofi. Gần đây nhất, chị đã đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc, Khối Ngành hàng Chăm sóc Sức Khỏe Người Tiêu dùng (CHC) tại Việt Nam và Campuchia từ năm 2019; trước khi bắt đầu một hành trình mới tại UAE với cương vị Zone Head (Trưởng khu vực), CHC, phụ trách nhóm thị trường Thổ Nhĩ Kỳ và khu vực Trung Đông.
Sau khi tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc (Cum Laude) tại Đại học Philippines, Penn làm việc tại Citibank một thời gian trước khi gia nhập ngành dược phẩm với vai trò Product Manager (Quản lý Sản phẩm). Đến nay, chị đã gắn bó với Sanofi hơn 20 năm.
Trước khi Penn cùng gia đình khởi hành tới Dubai, chúng tôi đã có dịp trò chuyện cùng chị về những hành trình chị đã đi qua, cũng như về vai trò của người phụ nữ tại nơi làm việc.
Thuở nhỏ, chị ước mơ mình sẽ làm công việc gì?
Sinh ra và lớn lên tại Philippines, ít nhiều tôi cũng chịu ảnh hưởng bởi văn hóa quê hương và từng ước mơ sau này sẽ trở thành bác sĩ. Tôi mong có thể cứu chữa người bệnh và giúp cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn, cho nên đây chính là ngành nghề phù hợp nhất.
Dù giấc mơ thời thơ ấu không thành hiện thực, nhưng với công việc hiện tại, những đóng góp của tôi vẫn có thể giúp mọi người chăm sóc sức khỏe cho bản thân tốt hơn.
Cơ duyên nào đã đưa chị đến với ngành dược phẩm?
Trong hành trình sự nghiệp này, bố chính là “trợ thủ đắc lực” của tôi.
Thời đi học, có lần tôi nhờ bố giúp hoàn thành bài tập “vẽ phiên bản người lớn của chính mình”. Bố tôi khi đó đang là Giám đốc Khu vực tại hãng dược GlaxoSmithKline (GSK).
Bố đã hướng dẫn tôi vẽ một người phụ nữ đang ngồi làm việc bên bàn máy tính, nói với tôi rằng đó là một Product Manager (người Quản lý Sản phẩm). Có lẽ bởi vì ở thời điểm đó, rất khó tưởng tượng một người phụ nữ Philippines có thể đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám Đốc (General Manager).
Bố cũng chính là người giúp tôi gửi hồ sơ xin việc tới một công ty dược phẩm, với hy vọng tôi có được một công việc ổn định với chế độ phúc lợi tốt. Sau tầm 2 năm làm việc tại đó, tôi đã chính thức gia nhập đội ngũ Sanofi.
Làm việc trong lĩnh vực dược phẩm, một người phụ nữ phải đối mặt với những thử thách nào?
Thời đi học, tôi để ý thấy Tổng Giám Đốc của các công ty quốc tế tại Philippines hầu hết đều là nam giới, là người da trắng hoặc người nước ngoài. Đây gần như là một điều mặc định. Bố tôi từng hy vọng con gái trở thành Quản lý Sản phẩm, chứ cũng chưa từng nghĩ tới vị trí Tổng Giám đốc, một phần cũng vì không có nhiều phụ nữ đảm nhiệm chức vụ cao như vậy.
Một thử thách khác mà tôi phải vượt qua chính là phá bỏ định kiến giới đối với phụ nữ tại nơi làm việc. Chẳng hạn như khi tôi trở lại làm việc sau khi sinh con thứ hai. Trong một buổi dùng bữa tối cùng đồng nghiệp, sau khi nghe Trưởng Khu vực đề cập đến một vị trí mới còn bỏ ngỏ tại Singapore, tôi bày tỏ mình khá quan tâm tới vị trí này.
Trưởng Khu vực thấy vậy thì vô cùng ngạc nhiên, và cho rằng tôi sẽ gặp khó khăn khi phải tới nước ngoài công tác khi con còn quá nhỏ, mà chồng thì vẫn đang làm việc tại Philippines. Bản thân tôi biết mình có thể sắp xếp ổn thỏa, nhưng nếu trong hoàn cảnh này tôi là nam giới, thì có lẽ ngài Trưởng Khu vực cũng không trăn trở nhiều đến thế.
Thông thường, những thử thách lớn nhất chủ yếu xoay quanh các vấn đề về vai trò của phụ nữ, về phá bỏ định kiến, về tính đa dạng và sự hòa nhập. Tuy nhiên, Sanofi hiện đang triển khai chương trình đẩy mạnh tính đa dạng và hòa nhập, cho thấy một tín hiệu đáng mừng trong chặng đường xây dựng môi trường làm việc bình đẳng và thân thiện hơn.
Sự hiện diện của phụ nữ ở các vị trí có tầm ảnh hưởng đóng vai trò ra sao?
Điều này đặc biệt quan trọng và tác động đến cả một thế hệ, bởi họ chính là những tấm gương để người trẻ ngưỡng mộ và noi theo. Ở thời của tôi thì không nhiều, nhưng ngày nay có rất nhiều người phụ nữ mang tầm ảnh hưởng lớn như Kamala Harris, Ruth Bader Ginsburg, hay Sheryl Sandberg.
Có người để ngưỡng mộ, các bạn trẻ có thể cố gắng vươn tới những ước mơ lớn lao hơn. Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đã từng phát biểu tại lễ nhậm chức: “Có thể tôi là người đầu tiên, nhưng chắc chắn tôi sẽ không là người cuối cùng”. Câu nói ấy đã chạm đến trái tim của không chỉ tôi, mà còn hàng triệu người phụ nữ khác trên thế giới.
Là một người mẹ thành công trong công việc, chị nghĩ mình có ảnh hưởng thế nào đến các con?
Tôi luôn cố gắng để các con hiểu rằng sau này khi kết hôn và lập gia đình, người vợ hoàn toàn có thể giữ vai trò trụ cột. Điều đó cũng nên được xem là bình thường.
Cậu con trai 19 tuổi của tôi vừa chuyển đến Vancouver để học tiếp năm hai đại học. Mỗi khi cùng trao đổi với con về chuyện lần đầu tiên xa nhà, tôi đều đưa ra 3 lời khuyên chủ chốt: Đừng hoảng sợ, luôn lạc quan, và hãy sống thật tử tế. Nếu chẳng may mọi chuyện không như ý, hãy thử nghĩ xem mẹ sẽ đưa ra lời khuyên gì trong hoàn cảnh ấy.
Chị có điều gì muốn nhắn nhủ với bản thân năm 18 tuổi?
Bản thân tôi năm 18 tuổi khá chững chạc so với bạn bè đồng trang lứa. Thời sinh viên, tôi chính là người phải đóng vai trò của bố mẹ để chăm sóc cho hai em của mình, vì bố mẹ chúng tôi đã qua Mỹ công tác từ khi tôi mới 15.
Tôi từng dự các buổi họp phụ huynh ở trường các em, quán xuyến chuyện tiền nong trong nhà, và cả những nghĩa vụ khác nữa. Vì thế, bản thân tôi khi đó đã khá bản lĩnh và quen đối mặt với thử thách.
Nhưng tôi vẫn muốn nhắn nhủ với bản thân rằng, hãy cố gắng mạnh dạn hơn nữa. Dù không nuối tiếc, nhưng nếu có có thể, tôi vẫn muốn đi nước ngoài sớm hơn. Được đi nhiều nơi và trở thành công dân toàn cầu mang đến cho tôi rất nhiều kinh nghiệm và cơ hội quý báu, giá mà tôi nhận ra điều đó sớm hơn một chút.
Một ngày làm việc của chị như thế nào?
Công việc thì không ngày nào giống ngày nào cả. Mỗi ngày tôi đều dành nhiều thời gian quản lý các đầu việc trước mắt, từ kinh doanh đến giải quyết các vấn đề “nóng”. Sau đó sẽ cùng đội ngũ thảo luận chiến lược, đặt nền móng cho tương lai của công ty, đồng thời cố gắng xây dựng một môi trường làm việc hiệu quả.
Càng nói nhiều về tương lai, chúng ta càng phải nhấn mạnh về nhân lực và xây dựng văn hóa, bởi nhân lực chính là tài sản quý giá nhất của một doanh nghiệp. Ở cương vị Zone Head tại Sanofi, tôi muốn tập trung tạo ra một văn hóa tập thể trong phạm vị ảnh hưởng của mình, nơi mọi người có thể cùng kết nối trong công việc mà không bị ảnh hưởng bởi giới hạn của lãnh thổ hay khu vực địa lý.
Quan điểm của chị về con người và sức khỏe cộng đồng thay đổi ra sao tại mỗi nơi chị từng sống và làm việc?
Mỗi thị trường đều có cơ sở hạ tầng và hệ thống chăm sóc sức khỏe khác nhau. Chẳng hạn như tại Singapore, chất lượng bảo hiểm nhìn chung rất tốt. Ngoài nhà thuốc truyền thống, người dân cũng dễ dàng tiếp cận được nguồn thuốc thông qua sàn giao dịch điện tử và các kênh khác. Đây là điều mà thị trường Việt Nam và Campuchia chưa đạt được. Châu Âu và Hoa Kỳ hiện nay cũng có tốc độ triển khai vắc xin nhanh hơn hẳn các khu vực khác trên thế giới.
Tuy nhiên, các chính phủ nhìn chung đều đang cố gắng hết sức để cải thiện mức độ tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, cũng như dịch vụ chăm sóc bệnh nhân và người tiêu dùng, đặc biệt trong thời điểm ai cũng lo lắng về sức khỏe và sự an toàn của bản thân.
Để đảm bảo mọi người được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, bản thân tôi cũng như Sanofi cần phải nhạy bén hơn với những vấn đề kinh tế xã hội, quy định và địa chính trị đang diễn ra hằng ngày.
Các doanh nghiệp dược phẩm có thể cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe trên phạm vi rộng bằng cách nào?
Tại Sanofi, dịch vụ chăm sóc sức khỏe không chỉ là đảm bảo chất lượng của các sản phẩm được sản xuất và phân phối, mà chúng tôi còn chú trọng đến nhu cầu của người tiêu dùng trong tương lai thông qua việc nghiên cứu và phát triển các loại thuốc “blockbuster”*.
*Blockbuster drugs: là các loại thuốc mới, tiên tiến được các công ty dược đầu tư nghiên cứu và phát triển. Đây là các loại thuốc chất lượng cao, có cơ chế tác dụng chữa bệnh mang tính cách mạng.
Để tạo ra thay đổi ở quy mô lớn, chúng ta cần có sự góp sức của cả hệ sinh thái. Ngành dược phẩm cần phối hợp với chính phủ, các đơn vị chăm sóc sức khỏe, cũng như những doanh nghiệp đa quốc gia để tạo ra tầm ảnh hưởng tới những chính sách về sức khỏe và y tế tại mỗi quốc gia. Bởi lẽ, một đất nước chỉ có thể giàu mạnh khi người dân luôn khỏe mạnh.
Theo chị, khái niệm self-care - “tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân” - nên được hiểu như thế nào?
Theo tôi, tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân bao gồm cả việc chăm sóc sức khỏe tinh thần lẫn thể chất. Một người cần cố gắng tìm sự cân bằng, an yên trong cuộc sống thường nhật. Sống trong một xã hội đa nhiệm với tốc độ phát triển nhanh chóng, ta cần tạo ra cho mình những khoảng nghỉ để lấy lại sự tĩnh tâm và tỉnh táo cho bản thân.
Dù là tập yoga, đọc sách, hay ngủ trưa một giấc, mỗi hành động dù nhỏ cũng có thể giúp bạn đạt được trạng thái an yên cho mình.
Vậy một công ty dược làm cách nào để khuyến khích mọi người tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân?
Tự chăm sóc sức khỏe vốn là công việc mà mỗi cá nhân nên có trách nhiệm thực hiện hằng ngày, dù là về tinh thần hay thể chất. Nhờ khuyến khích mọi người tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân qua nhiều kênh thông tin và truyền thông khác nhau, chúng tôi tin rằng chúng tôi có thể giúp tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn.
Sứ mệnh của Khối Ngành hàng Chăm sóc Sức Khỏe Người Tiêu dùng tại Sanofi chính là “mang lại cuộc sống khỏe mạnh hơn, trọn vẹn hơn” (“to serve healthier, fuller lives”). Chúng tôi luôn nỗ lực mang đến những sản phẩm có khả năng tạo tác động tích cực cho người dùng, từ phòng bệnh đến chữa bệnh.
Lấy ví dụ, một vị phụ huynh buộc phải nghỉ làm để chăm con ốm, luôn cảm thấy căng thẳng và lo lắng vì sức khỏe của con. Vậy nên khi con được điều trị khỏi bệnh thì phụ huynh sẽ an tâm và nhẹ gánh lo hơn.
Ngày Quốc tế Tự Chăm sóc Sức khỏe 24/07 vừa diễn ra vào thời điểm nhiều tỉnh thành Việt Nam đang gồng mình chống dịch. Chị có thể chia sẻ vài lời khuyên về việc tự chăm sóc sức khỏe trong giai đoạn này không?
Đừng đánh mất hy vọng vào một tương lai tươi sáng, hãy luôn kiên nhẫn và giữ bản thân an toàn. Đó là điều đầu tiên tôi muốn nói.
Nhìn chung, người Việt Nam không phản ứng quá tiêu cực với đại dịch, và tình hình chung ở đây vẫn tốt hơn nhiều so với nhiều nơi khác trên thế giới. Không chỉ chính phủ đang làm tốt trong công tác hạn chế sự lây lan, mà người dân cũng nghiêm túc tuân thủ các hướng dẫn, chỉ thị để bảo vệ bản thân và những người xung quanh. Tuy việc triển khai tiêm vắc xin diễn ra chưa nhanh chóng như kỳ vọng, nhưng công tác này vẫn đang được mở rộng và sẽ sớm đạt hiệu quả.
Để tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân tốt hơn, hãy cố gắng dành thời gian riêng cho mình. Mỗi ngày, bạn nên có vài phút tạm nghỉ để tự hỏi bản thân: “Trạng thái tinh thần và thể chất của mình hôm nay thế nào? Nên cải thiện ra sao?”, và hành động để trả lời các câu hỏi đó.
Bạn có thể tập thể dục tại nhà, hỏi han và trò chuyện với bạn bè, hoặc tìm cách thư giãn để cảm thấy thoải mái. Không nên chỉ thực hiện vào ngày 24/07, hãy đặt hạnh phúc của bản thân lên hàng đầu và chăm sóc bản thân ngay từ bây giờ.
Biên dịch bởi L A M