Phim ngắn “First Generation" - Thân phận Việt kiều dưới góc nhìn của những người trẻ

“First Generation" là bộ phim tâm lý về Mỹ Linh và cuộc đấu tranh tư tưởng giữa việc theo đuổi tiêu chuẩn nét đẹp phương Tây hay giữ lại nét truyền thống vốn có của một cô gái Việt, được xây dựng dựa trên chính những trải nghiệm của hai nhà làm phim - Andrew Yuyi Truong và Jeannie Nguyen.
Bret Hamilton
Phim ngắn “First Generation" - Thân phận Việt kiều dưới góc nhìn của những người trẻ

Phim ngắn “First Generation" - Thân phận Việt kiều dưới góc nhìn của những người trẻ

“First Generation” (tạm dịch: Thế hệ đầu tiên) là phim ngắn mở màn cho một series phim gồm bốn phần, được thực hiện bởi hai nhà làm phim người Mỹ gốc Việt đến từ Los Angeles – Andrew Yuyi TruongJeannie Nguyen. Bộ phim kể về Mỹ Linh, một cô gái trẻ đang trải qua cuộc khủng hoảng danh tính. Xuyên suốt 9 phút của bộ phim là những phân đoạn Mỹ Linh đấu tranh tư tưởng giữa việc theo đuổi nét đẹp phương Tây hay giữ lại nét truyền thống vốn có của một cô gái Việt.

Có thể nói, AndrewJeannie đã rất thành công trong việc xây dựng một kịch bản phim vừa mang tính thực nghiệm xã hội lại vừa khéo léo lồng ghép các tình tiết hài hước phù hợp với lứa tuổi và tâm lý người xem. Tuy nhiên, ít ai biết rằng kịch bản của “First Generation” được lấy cảm hứng từ chính những trải nghiệm mà hai nhà làm phim đã trải qua trong suốt quá trình trưởng thành tại Mỹ.

Hãy cùng chúng tôi trò chuyện với hai nhà làm phim trẻ tài năng Andrew và Jeannie để biết thêm về câu chuyện hậu trường đằng sau bộ phim cũng như cuộc sống của những thế hệ người Mỹ gốc Việt đầu tiên.

Nếu phải miêu tả phim của mình cho những người chưa xem bao giờ qua, các bạn sẽ nói gì?

Andrew: Phim ngắn “First Generation” xoay quanh chủ đề về nhận thức song hành. Giải thích đơn giản thì đó quá trình một người ngụp lặn trong bể thông tin, kiến thức đa chiều, đôi khi còn sai lệch nhằm tìm ra được định hướng đúng đắn cho bản thân.

Credit: Andrew Yuyi TruongLiệu có phải những kinh nghiệm, cảm giác từng trải chính là nguồn cảm hứng để các bạn thực hiện bộ phim này không?

Andrew: Sinh ra và lớn lên trong một cộng đồng người châu Á nhỏ, thật khó để mình có thể tìm được một hình mẫu lý tưởng để noi theo, cũng ít có ai nói cho mình nghe rằng mình phải đi đứng, cư xử như thế nào. Ở đất nước Mỹ rộng lớn và đa chủng tộc, mình thật sự không thể nào cắt nghĩa được nguồn gốc của bản thân. Ngày trước mạng Internet cũng đâu có phổ biến như bây giờ để có thể tìm được những cộng đồng và những người bạn đồng điệu như bây giờ.

Jeannie: Ở Mỹ, mình lớn lên cùng với sự lạc lõng kéo dài bởi không thể kết thân với bất kỳ ai. Những lần hiếm hoi thấy được người châu Á trên TV thì cũng chỉ là các vai phụ mờ nhạt. Vốn sống ở San Joe, một thành phố có khá đông người ngoại quốc sinh sống, trong đó có cả người Việt, mình luôn có một niềm tự hào dân tộc nhất định. Nhưng mình lại không dám mang món thịt kho hột vịt của mẹ đến trường ăn. Như người đứng giữa hai ranh giới, không biết mình thật sự thuộc về nơi nào.

Credit: Ralph HsiaoTại sao êkip lại chọn thế hệ người Mỹ gốc Việt hồi những năm 90 làm chủ đề để khai thác trong bộ phim này?

Andrew: Những năm 90 của thế kỷ trước là thời điểm thế hệ người Mỹ gốc Việt trẻ bắt đầu xây dựng phong cách riêng cho mình – tóc bạch kim vuốt keo, đi dép Fila, tham gia GeoCities, cưỡi Honda Civic và la cả khắp các hàng quán trà sữa ở khu phố người châu Á. Đó là cách mà họ lên tiếng cho thân phận của mình.

Jeannie: Qua trải nghiệm của bản thân, mình nhớ những năm 90 là thời kỳ nổi loạn của thế hệ thanh niên người Mỹ gốc Việt đầu tiên. Để tồn tại và nuôi sống gia đình trong một xã hội xa lạ, các ông bố bà mẹ luôn phải lao động cật lực. Đó là lý do họ luôn nghiêm khắc với con cái của mình. Nhưng càng nghiêm khắc, những đứa trẻ càng trở nên nổi loạn, tụ tập đua xe và tiệc tùng nhiều hơn.

Có khi nào các bạn cảm thấy bị giằng xé vì thân phận nửa Mỹ, nửa Việt của mình không? Nếu có, các bạn đã làm thế nào để vượt qua mặc cảm đó?

Andrew: Thật sự là mình đã lớn lên với nỗi mặc cảm đó. Ở Sacramento, nơi mình sinh sống, hiếm khi mình bắt gặp một người châu Á. Lớn lên một chút, mình chuyển đến San Joe học trung học. Ở trường có rất nhiều học sinh đến từ các quốc gia châu Á khác nhau. Nhưng mà điều đó cũng chẳng tạo nên điều gì khác biệt cả bởi chúng mình luôn bị truyền thông đánh lạc hướng. Ai cũng muốn trở thành một công dân Mỹ thực thụ. Mặc cảm đó đi theo mình đến tận bây giờ. Đôi lúc mình vẫn tự hỏi vậy rốt cuộc nguồn gốc của mình là đâu.

Credit: Andrew Yuyi TruongJeannie: Chỉ mới gần đây thôi kể từ lúc mình thật sự hiểu được thế nào là một người Mỹ gốc Việt. Ngày còn bé, mình cứ nghĩ mình chỉ được lựa chọn một trong hai, hoặc là người Mỹ, hoặc là người Việt. Chỉ có như vậy mình mới có chỗ đứng nhất định trong xã hội này. Nhưng sau tất cả, điều đó cũng chẳng có gì là quan trọng bởi nói thế nào đi nữa, mình cũng là một người Việt sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ. Đơn giản chỉ có vậy.

Trong phim, nhân vật Mỹ Linh có nói: “Đôi khi chúng ta cần thay đổi ngoại hình để được sống với chính mình.” Liệu đó có phải là một lời khuyên dành cho những người đang vật lộn với định hướng cá nhân của mình?

Jeannie: Mỹ Linh nói ra điều đó là vì cô vẫn không thể hoàn toàn tự tin vào bản thân mình. Đó là lời biện hộ cho những thay đổi mà chính cô cũng không muốn. Hầu hết các bạn nữ, kể cả mình, đều đã từng ít nhất một lần trải qua cảm giác đó. Với những chuẩn mực mà truyền thông tạo ra, người ta luôn cảm thấy mình chưa đủ cao, chưa đủ gầy và xinh. Đó thật sự là quan niệm sai lệch mà các nhãn hàng cố tạo ra nhằm bán được sản phẩm của mình. Đôi khi những quan niệm đó không chỉ ngớ ngẩn mà còn dẫn đến những ảnh hưởng rất tiêu cực. Để không bị lệch lạc suy nghĩ, mình nghĩ cách tốt nhất là đừng xem tivi, chọn lọc những người bạn theo dõi trên Instagram. Thay vào đó, hãy đọc sách, kết thân với những người mang lại nguồn năng lượng tích cực và tìm cho mình những đam mê và hoài bão riêng.

Các bạn có nhận thấy rằng truyền thông đã cố gắng thay đổi cách phác họa các nhân vật châu Á trong những năm gần đây không?

Andrew: Hình ảnh người Mỹ gốc Việt bắt đầu được phác họa đúng đắn hơn, chứ không phải chỉ là những nhân vật hài hước, ngớ ngẩn nữa. Ví dụ như chiến dịch quảng cáo của nhãn hiệu thời trang Kenzo do Ana Lily Amirpour chỉ đạo với sự góp mặt của người mẫu toàn bộ đến từ châu Á. Hay những bộ phim điện ảnh của Vương Gia Vệ – đó là lần đầu tiên mình nhìn thấy hình ảnh một người châu Á thực thụ, hết sức đời thường mà vẫn rất tuyệt vời.

Jeannie: Tuy đã được cải thiện đáng kể nhưng có vẻ như vẫn còn nhiều thiếu sót. Ví dụ như bộ phim hài nhiều tập “Fresh Off The Boat” (tạm dịch: Dân nhập cư). Theo mình, hình ảnh người Mỹ gốc Việt trong phim vẫn chưa được khắc họa rõ nét. Nhiều tình huống trong phim vẫn chưa sát với thực tế.

Credit: Andrew Yuyi TruongĐược biết gần đây bạn đang thực hiện một bộ phim tại Sài Gòn. Trước khi đến Việt Nam, các bạn đã mong đợi những gì? Thành phố này đã mang đến bất ngờ gì cho bạn?

Andrew: Hồi tháng 9 2017, mình đã có dịp cộng tác với Tuấn Andrew Nguyễn để sản xuất một bộ phim nghệ thuật tại Việt Nam. Quay phim tại Việt Nam thì vui hơn nhiều so với Los Angeles do sự chào đón và giúp đỡ nồng hậu từ người dân ở đây trong suốt quá trình quay.

Credit: Andrew Yuyi TruongJeannie: Trước khi về, mẹ sợ mình bị lừa và ăn hiếp nên dặn dò là không được tin tưởng bất kỳ ai. Nhưng khi đặt chân đến Việt Nam, mình cảm thấy bất ngờ trước sự ấm áp và tốt bụng của người Việt. Không những vậy, họ còn rất vui tính và chăm chỉ nữa. Mỗi lần trở về mình lại thấy gần gũi hơn. Đó là cảm giác mình chưa bao giờ có thể tưởng tượng ra.

Các bạn có thể giới thiệu cho chúng mình một nghệ sĩ Việt kiều mà cả hai cùng yêu thích được không?

Andrew: Nếu có dịp, hãy trò chuyện cùng Tuấn Andrew Nguyễn. Hiện Tuấn đang ở Sài Gòn và vừa ra mắt triển lãm cá nhân tại Trung tâm Nghệ Thuật Đương Đại The Factory.

Vietcetera chân thành cảm ơn Andrew và Jeannie đã tham gia vào cuộc trò chuyện này. Chúc hai bạn luôn thành công với những dự định sắp tới!

Bài viết này được dịch bởi Vy Lam.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục