Phụ nữ có quyền tự quyết khi chọn váy cưới cho mình?
Hành trình chọn váy cưới: Make you or break you?
Cách đây ít lâu, trên diễn đàn Quora, câu hỏi “Vì sao chiếc váy cưới lại quan trọng đến vậy?” từng thu hút đến hàng chục ngàn câu trả lời. Trong đó có một câu trả lời khá ấn tượng. “The dress is what makes or breaks you” (Tạm dịch: chiếc váy cưới có thể tạo nên hoặc làm "tổn hại" một cô dâu mới). Nhưng vì sao nó lại quan trọng đến vậy?
Nếu người đọc bài này là con gái, hoặc sắp là… một cô dâu mới, thì có phải bạn đã chấm được một chiếc váy cưới “hết sẩy” trước cả thời điểm tìm thấy nửa kia?
Nếu tình yêu vẫn còn là ẩn số, thì diện mạo chiếc váy cưới trong mơ có khi dễ hình dung hơn. Nhiều cô dâu đã chuẩn bị tươm tất cho váy cưới của mình trước khi hôn lễ diễn ra, có người 3 tháng, có người 1 năm, và có người đôi khi đã xong phần ý tưởng trước khi biết được chân dung “người ấy là ai”.
Nhưng, phàm là điều đặc biệt, sẽ thu hút nhiều sự quan tâm và thể hiện tiếng nói về chuyện đó. Chiếc váy cưới cũng vậy. Dù người diện chiếc áo là cô dâu, nhưng chưa chắc quyết định cuối cùng là của chính cô ấy. Váy cưới không chỉ đại diện cho ngày trọng đại, hành trình đi chọn áo còn có thể nói lên nhiều điều về quyền tự quyết của cô dâu. Và rất có thể phần nào dự đoán chất lượng của cuộc hôn nhân sau này.
Vậy làm sao để cô dâu mới có thêm quyền tự quyết với chính chiếc váy quan trọng nhất cuộc đời mình? Dưới đây là 3 cách giúp chiếc váy cưới là của bạn đồng thời vượt qua những vấn đề phổ biến trong quá trình chọn váy.
Giảm áp lực “bộ mặt đôi bên” lên váy cưới
Khi nói đến việc lựa chọn váy cưới, các chuẩn mực xã hội (nhất là ở các nước Châu Á) có thể có tác động đáng kể đến quá trình ra quyết định. Năm 2022, diễn viên Gong Hyo Jin được biết đến là người hiếm hoi trong Kbiz chọn hanbok cách tân cho ngày trọng đại. Cô cũng chọn đi giày thể thao thay vì giày cao gót. Rõ ràng, chiếc váy cưới của nữ diễn viên Khi hoa trà nở không đúng với khuôn khổ xã hội Hàn Quốc lắm, nhưng để nó xuất hiện hẳn phải qua sự đồng thuận của hai bên gia đình. Tuy nhiên, không phải cô dâu nào cũng có thể “cân” nhu cầu thể hiện của đôi bên.
Tại Việt Nam, lễ cưới có vai trò trong việc đảm bảo “bộ mặt” gia đình. Một chủ tiệm áo cưới chia sẻ: “Thông thường, người lớn sẽ thích những chiếc váy cưới… có tùng váy xoè rộng vì ngày xưa váy cô dâu như thế. Nhiều yếu tố đính kết, lấp lánh càng tốt. Điều này xuất phát từ thiện ý muốn cô dâu trông lộng lẫy nhất, và cũng chứng minh cho điều kiện gia đình đôi bên. Nhưng không phải cô dâu nào cũng thích hợp với một chiếc váy cồng kềnh như vậy”.
Nhiều cô dâu yêu thích váy cưới đơn giản sẽ gặp khó trong việc mặc một chiếc váy hoành tráng. Tuy nhiên, bạn không nhất thiết phải có một cuộc “cô dâu đại chiến” để xem chiếc váy nào sẽ chiến thắng. Thay vào đó, cô dâu nên quan tâm đến hiệu ứng tâm lý Gió Nam (South Wind Law). Hiệu ứng này cho rằng để đạt được mục đích, hãy thuận theo những nhu cầu, mong muốn của con người. Sự cố chấp và quyết liệt chỉ mang lại những phản ứng ngược.
Cô dâu không cần phản ứng mạnh, hãy thử đồng tình với người lớn trước sau đó từ từ chỉ ra những điểm bất hợp lý để thu nhỏ phạm vi lựa chọn. Đơn cử như váy cưới với dáng nhỏ sẽ an toàn khi di chuyển, tôn dáng cô dâu. Bạn có thể mang ảnh váy cưới đơn giản (và sang) của người nổi tiếng như Son Ye Jin hay gần đây là váy cưới của Thanh Hằng ra làm mẫu. Hoặc bạn chủ động gợi ý cách thể hiện “bộ mặt” theo hướng khác để giảm tải cho váy cưới như chọn trang sức cao cấp, đầu tư background chụp ảnh to đẹp, quà tặng khách mời chất lượng…
“Người lạ thân quen” đi chọn váy cùng bạn
Có những người thật sự sắp thành người thân của cô dâu như mẹ chồng, chị chồng, các cô dì chú bác… Nhưng liệu trước đám cưới họ có đủ thân để chọn “giúp” bạn một chiếc váy cưới hay không là chuyện đáng bàn. Tuy nhiên điểm chung là cô dâu rất khó để từ chối lời đề nghị đi xem váy cùng của những người này.
Có không ít cô dâu đã chia sẻ việc mẹ chồng đòi đi chọn váy cùng. Và những chuyện dở khóc dở cưới như mẹ chồng kỵ màu trắng nên bắt con dâu chọn váy cưới màu… vàng. Hay có cô dâu có chồng theo đạo, đến khi chọn váy cưới thì chị chồng nhất quyết chọn áo phải kín cổng cao tường đến tận cổ rất ngột ngạt…
Trong tình huống này, chắc chắn cô dâu sẽ cảm thấy khó chịu vì sự can thiệp quá mức. Tuy vậy, chúng ta vẫn có cách hóa giải chuyện này bằng phương pháp “chuyên gia”. Bạn có thể đi xem váy cưới trước và chọn một mẫu ưng ý. Đồng thời bàn bạc với chuyên viên tư vấn để nói về lợi thế của mẫu bạn chọn.
Đơn cử như màu trắng tôn da, kiểu kín cổng cao tường có thể làm cổ cô dâu bị ngắn nên cần thay đổi… Với ý kiến khách quan từ bên thứ ba là chuyên gia, những nhân vật “đính kèm” như mẹ chồng, chị chồng cũng không thể áp quan điểm cá nhân của họ vào chiếc váy của bạn được.
Phụ nữ tôn trọng quyền tự quyết của phụ nữ
Quay lại câu hỏi đầu bài là một chiếc váy cưới sẽ “makes you” hay “breaks you”. Mặc dù việc mua váy cưới thường là một trong những việc thú vị nhất trong danh sách việc cần làm của cô dâu nhưng nó cũng có thể là một trong những việc căng thẳng nhất. Trong quá trình chọn váy, việc quyền tự quyết của cô dâu nhiều lần bị can thiệp có thể tạo nên cảm giác không thoải mái cho chính cuộc hôn nhân đó. Theo trang Brides, những biểu hiện lo lắng, buồn bã vì cảm thấy mắc kẹt cùng chiếc váy cưới được gọi là “wedding dress shopping anxiety” (lo lắng khi mua sắm váy cưới).
Tuy nhiên, Landis Bejar là cố vấn sức khỏe tâm thần khuyên rằng cô dâu nên tập trung vào những gì bạn có thể kiểm soát, chẳng hạn như chuẩn bị tinh thần cho trải nghiệm mua váy. Hãy thử tập thể dục hoặc thiền trước khi mua sắm để cảm thấy thư giãn hơn.
Kế đến, một điều tích cực đó là quyền tự quyết của bạn vẫn luôn còn đó. Vera Wang, nhà thiết kế váy cưới nổi tiếng nói với tờ People rằng: “Sai lầm lớn nhất là cô dâu không cảm thấy thoải mái khi mặc bộ trang phục đó”. Theo bà, sự không thoải mái không chỉ ở khía cạnh vừa vặn mà còn là cảm giác tâm lý khi mặc. Lời khuyên của Vera Wang chính là bạn đừng nên cố gắng thay đổi con người mình trong ngày cưới. Bạn cần là một cô dâu có phong cách riêng và chuẩn bị sẵn tâm lý để “chiến đấu” cho chiếc váy quan trọng của cuộc đời mình.
Mở rộng ra, chiếc váy cưới cũng tượng trưng cho sự thấu hiểu giữa các thế hệ phụ nữ. Vì ngoài chú rể, có mấy người thân nam giới quan tâm đến váy cưới cô dâu hơn chính những người thân (hoặc sắp thân) là nữ của cô dâu? Thay vì mâu thuẫn, hãy hướng về sự đồng thuận và thấu hiểu. Bên cạnh đó, hiểu quyền tự quyết của bản thân và lắng nghe ý kiến từ các thế hệ khác nhau khi chọn váy cưới là cách cô dâu khám phá các quan niệm, xu hướng phản ứng trong gia đình.
Điều này giúp cô dâu mới có tiền đề cho việc “gỡ rối” những khác biệt, cũng là cách để tạo sự tin tưởng lẫn nhau. Khi đó, không chỉ hôn nhân được bắt đầu với niềm vui, mà phụ nữ còn cảm thấy mình có đồng minh, có những người ở bên ủng hộ họ. Đó chẳng phải là sức mạnh thật sự của phụ nữ hay sao?