Phương Vũ và những nguyên tắc cho người trẻ làm sáng tạo
Lắng nghe và đăng ký theo dõi các tập podcast "M.A.D" tại: Spotify | YouTube.
Trong tập đầu, cùng gặp gỡ Phương Vũ — Đạo diễn và nhiếp ảnh gia tại Antiantiart, đồng thời là Giám đốc Nghệ thuật tại thương hiệu Nirvana Streetwear — và nghe anh chia sẻ những câu chuyện và nguyên tắc làm sáng tạo mà bạn trẻ nào cũng nên có.
Antiantiart (A.A.A) ra đời vào năm 2018 với xuất phát điểm là một nhóm làm phim. Tuy gặp nhiều giới hạn về kinh phí, các video của A.A.A vẫn luôn mang màu sắc khác biệt và đậm chất riêng. Chất liệu quý giá nhất của A.A.A chính là sự sáng tạo tự do và linh hoạt của từng thành viên, giúp tạo ra sự độc đáo không theo một quy chuẩn nào.
Với những dự án đầu tiên cùng Dentsu Redder, đến nay Antiantiart là một cái tên then chốt trong ngành sáng tạo, cùng nhiều dự án như "Hà Nội một mảnh tôi", "Thủ Đô Cypher", và rất nhiều video ấn tượng.
Hành trình của Phương luôn là những cuộc thám hiểm và tìm tòi những điều mới. Anh làm sáng với một tâm thế hết mình, và luôn không ngừng tự cải thiện.
Làm thế nào để tìm thấy đam mê sáng tạo?
Phương không tự nhiên một ngày thức dậy và biết mình thích làm việc với hình ảnh. Lần đầu anh tiếp xúc với nhiếp ảnh là vào năm 2015, khi còn kinh doanh quần áo secondhand. Chiếc máy đầu cũng là đi mượn của Quốc Tít, thầy dạy nhảy của anh.
Sau này anh được tặng chiếc máy luôn, vì theo Quốc Tít thì “nó ở với mày ý nghĩa hơn đó". Cảm giác lúc đó như được người ta trao ước mơ cho mình, vì vậy Phương thấy mình phải hoàn thiện nó. 5 năm theo nhiếp ảnh và 2 năm làm video, đến bây giờ Phương vẫn đam mê với hình ảnh nhất.
"Việt Nam đang có một thế hệ người trẻ đầy hoài bão, và mỗi người đều có một thế mạnh riêng. Với cộng đồng sáng tạo, mỗi người lại có những cái tôi và góc nhìn nghệ thuật rất khác nhau. Bạn chỉ cần tìm thấy thế mạnh riêng của mình rồi phát triển nó.
Nhưng quan trọng nhất là đừng nghĩ quá nhiều. Đừng nghĩ nhiều vì mỗi ngày sẽ xảy ra những điều mới, khiến cuộc đời bạn khác đi. Đừng nghĩ nhiều vì nó sẽ khiến bạn mãi đứng một chỗ. Đừng nghĩ nhiều vì nó mất thời gian." — Phương nói.
Bạn không cần làm gì quá cao siêu, chỉ cần làm những gì mình thích, và làm hết mình. Khi đã làm hết mình, bạn sẽ không nhìn lại và nuối tiếc về những gì đã qua. Chúng ta còn trẻ, hãy làm và thử sức với mọi thứ. Có thể, chúng sẽ dẫn bạn đến những điều hay ho hơn. Miễn là hãy có trách nhiệm với những gì mình làm.
"Hãy lựa chọn theo cảm tính, và làm việc có trách nhiệm."
Không ngừng tìm hiểu những thứ bạn muốn tạo ra
Mỗi người chúng ta đều sẽ có một góc nhìn và khuôn mẫu khác nhau. Mắt thường sẽ chỉ thấy được 40% sự thật; 60% còn lại là do não tự hình thành. Phương nói làm việc với hình ảnh thú vị ở chỗ chúng ta có thể biến những suy nghĩ và ý tưởng của não thành những thứ có hình dáng và màu sắc, dù là ở định dạng nào.
"Mọi thứ xung quanh ta đều có thể là nghệ thuật. Một ly cà phê được pha đúng cách thì đó sẽ là nghệ thuật. Vì vậy, ta phải học cách nhìn và cảm nhận mọi thứ."
Phương nói anh muốn hiểu cảm giác bỏng vì lửa, cảm giác đứng trong sương mù để có thể tạo ra những hình ảnh ấy. Càng có nhiều trải nghiệm, ta sẽ càng nhìn thấu được bản chất của sự việc, sự vật mà ta đang cố gắng tạo ra.
Phải bắt tay vào làm thì mới tốt lên!
Mỗi khi nhận được đề bài (brief), việc đầu tiên mà A.A.A làm là phân tích brief để biết sản phẩm mà khách hàng mong muốn cần những yếu tố, chất liệu nào. Sau khi đã thống nhất với khách hàng ý tưởng thô, đó mới là lúc anh thêm tính cá nhân của mình vào để tạo dấu ấn trong sản phẩm.
Phương không xem việc làm hình ảnh là bay bổng. Dù cũng là làm sáng tạo, nhưng công việc thì lúc nào trước nhất cũng cần trách nhiệm và cách làm việc khoa học. "Một sản phẩm dù là cá nhân hay thương mại cũng sẽ có những bài toán riêng cho nó. Đã làm rồi thì tìm cách giải quyết cho tốt thôi."
Song, dự án nào với anh cũng là một cơ hội để học. Với những dự án cá nhân, Phương được thử nghiệm nhiều thứ hơn, trong khi với dự án thương mại, anh được thử nghiệm các thiết bị mới, thử làm việc với những áp lực lớn hơn, thử việc giải thích và thuyết phục ý tưởng của mình cho nhiều người.
"Cá nhân hay thương mại đều cần thiết; một thứ sẽ cho bạn khoảng trời để bay bổng, thứ còn lại sẽ giúp bạn vào đúng trục quay của mình."
Làm việc nhóm trong ngành sáng tạo
A.A.A xuất phát là một nhóm làm phim và chia đều lợi nhuận, vì vậy Phương chưa bao giờ xem mình là người dẫn đầu. Ở các buổi brainstorm, cả nhóm đều ngồi lại, đưa ra ý kiến rồi cùng bầu chọn ý tưởng khả thi nhất. Nếu không được nữa thì… “uỳ” (oẳn tù xì)!
Phương nói, có lẽ lòng trung thành, sự tin tưởng và mở lòng với nhau là “chất keo" giữ chân cả bọn. Mỗi người đều hiểu sự hiện diện của mình và tôn trọng sự hiện diện của các thành viên khác. Vì vậy, dù có cãi vã nhiều đến đâu thì sau cùng mọi người vẫn cùng tìm ra giải pháp.
Để trở thành thành viên của A.A.A không khó. Tất cả những gì bạn cần là trở thành một người bạn với mọi người: nói chuyện được, chia sẻ công việc và có trách nhiệm với nhau, và tôn trọng lẫn nhau. Kỹ năng không phải là ưu tiên vì như đã nói ở trên, ai cũng có thể giỏi lên nếu họ biết điểm mạnh của mình.
Làm sáng tạo cũng giống như... đang yêu
Phương nói, công việc sáng tạo mang cho anh những cảm giác khá giống với tình yêu. Trước khi bắt tay vào một dự án, tim anh cũng đập nhanh vì hồi hộp. Anh cũng lo lắng vì không biết điều gì đang chờ mình phía trước. Anh cũng hạnh phúc khi nhìn thấy ánh mắt của những đứa trẻ ở Thái; chúng nhìn anh với lòng biết ơn vì anh đã đem đến niềm vui cho mình.
Cách chúng ta trân trọng công việc đang làm cũng là một loại tình yêu. Hệt như khi nhìn thấy người bạn đời của mình, tình yêu sẽ xảy ra khi bạn nhìn công việc của mình và có một cảm giác chắc chắn. Tình yêu, với Phương, giống một cảm giác hơn là một khái niệm.
"Tình yêu định nghĩa rồi thì không còn gì thú vị nữa. Bạn không thể ép buộc, hãy để nó tự đến. Chúng ta sẽ cảm nhận được nó theo thời gian."
M.A.D. là series về Marketing, Advertising và Design, với sự tham gia của khách mời làm trong ngành sáng tạo.