Quá khứ đau thương đang lặp lại tại Israel-Palestine
1. Chuyện gì đang xảy ra?
Rạng sáng ngày 7/10, lực lượng quân sự Hamas của Palestine phát động tấn công quy mô lớn vào lãnh thổ Israel trên cả đường bộ và đường hàng không.
Thủ tướng Israel - ông Benjamin Netanyahu - đã ban bố tình trạng chiến tranh. Các lực lượng Israel đang phòng thủ những khu vực bị tấn công, đồng thời không kích Palestine tại dải Gaza.
Đây là lần đầu tiên có một cuộc tấn công quy mô lớn trực tiếp vào lãnh thổ Israel kể từ năm 1973. Sự kiện này đối với Israel gây ra hiệu ứng tâm lý như vụ tấn công 11/9 với nước Mỹ.
Tới thời điểm này, cuộc chiến đã cướp đi mạng sống của hơn 1000 người từ cả hai phía. Và ngoài số người bị thương, còn có nhiều người bị bắt làm tù nhân hay con tin.
2. Những quốc gia và lực lượng nào có liên quan tới xung đột này?
Đầu tiên phải kể tới lực lượng đã phát động cuộc chiến - tổ chức Hamas của Palestine. Đối với người Palestine, tổ chức này có vị trí quan trọng trong nhà nước của họ. Đối với Israel và nhiều nước phương Tây, Hamas là một tổ chức khủng bố.
Nhân tố tiếp theo là nhà nước Israel - một cường quốc tại Trung Đông với phần lớn dân số là người Do Thái. Quốc gia này có lịch sử tranh chấp, căng thẳng lâu dài với Palestine nói riêng, và với những người “hàng xóm” Ả Rập nói chung.
Hai quốc gia có liên quan trực tiếp tới tình hình chính trị trong khu vực này là Iran và Ả Rập Saudi - hai cực đối nghịch của thế giới Hồi giáo. Ả Rập Saudi là “anh cả” của khối Ả Rập, đồng minh chủ chốt của Mỹ tại Trung Đông. Trong khi đó, Iran là một cường quốc Hồi giáo khác, cũng là quốc gia bảo trợ cho Hamas.
3. Tại sao Hamas lại tấn công?
Những ai hay theo dõi tình hình Trung Đông sẽ biết rằng đụng độ quân sự giữa Israel và Palestine chưa bao giờ nguôi trong hai thập kỷ gần đây. Vì thế, sự kiện lần này dù có quy mô rất lớn, nhưng không phải là không thể ngờ tới. Câu hỏi đặt ra là, tại sao Hamas lại dồn lực tấn công vào thời điểm này?
Nguyên nhân đầu tiên tới từ sự bất ổn trong nội bộ Israel và những mâu thuẫn giữa các lãnh đạo của quốc gia này. Ông Netanyahu gặp phải sự phản đối của nhiều chính trị gia trong nước. Ngoài ra, từ đầu năm nay, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra tại Israel do những vấn đề tư pháp của nước này.
Nguyên nhân thứ hai tới từ việc Ả Rập Saudi đang có ý định “làm lành” với Israel. Họ làm điều này thông qua đồng minh chung của hai nước là Hoa Kỳ. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực tới lợi ích của Palestine, và rộng ra là cả lợi ích của Iran.
Nguyên nhân thứ ba có tính thời điểm: Hamas tấn công vào ngày lễ Simchat Torah của người Do Thái. Ngoài ra, thời điểm tấn công - 7/10/2023 - gần như trùng khớp với ngày kỷ niệm cuộc chiến Yom Kippur, bắt đầu diễn ra vào ngày 6/10/1973.
Cuộc chiến Yom Kippur, còn được biết tới với cái tên Chiến tranh Ả Rập - Israel lần thứ tư, là một ký ức đau thương của người Israel, cho dù họ là bên thắng cuộc sau cùng.
4. Lịch sử sẽ lặp lại tới đâu?
Hình ảnh những chiến binh Ả Rập tiến thẳng vào Israel từ phía nam tương đồng với những gì đã diễn ra trong cuộc chiến Yom Kippur. Lịch sử đã lặp lại một phần, vậy có lặp lại hoàn toàn quá khứ của nhiều chục năm trước không?
Israel từng chiếm đóng dải Gaza sau một cuộc đụng độ vào năm 1967. Về lý thuyết, nước này đã rút hết quân và dân khỏi đây vào năm 2005, trao trả nơi này cho người Palestine.
Từ đó tới nay, các thế hệ lãnh đạo Israel không chủ trương tái chiếm Gaza bằng vũ lực. Nhưng khi lịch sử đã lặp lại phần đầu thì việc Israel tiến công quy mô lớn vào dải Gaza hoàn toàn có thể diễn ra một lần nữa.
Một yếu tố khác cũng lặp lại: sự bất lực của các tiến trình hòa bình. Sau mỗi cuộc chiến tại đây, các tổ chức và quốc gia đều đứng ra làm trung gian hòa giải. Hiệp ước hòa bình được ký kết không vì hòa bình, mà để trì hoãn cho tới cuộc chiến tiếp theo.
Tưởng như mối quan hệ giữa Israel và thế giới Ả Rập đã tốt lên với Hiệp định hòa bình Abraham từ năm 2022. Cuộc chiến lần này cho thấy những nỗ lực hòa bình gần đây của Mỹ và châu Âu không hiệu quả như họ tưởng.
5. Điều gì sắp tới?
Thủ tướng Netanyahu đã thề sẽ tiến hành “cuộc chiến lâu dài và khó khăn chống lại Hamas.” Với sức mạnh quân sự vượt trội và chiến lược răn đe, sự phản công và đòn trả đũa của Israel chắc chắn sẽ kéo dài xung đột.
Ngoài Hamas và Israel, cuộc chiến sẽ có sự tham gia của các thế lực khác. Mỹ đã khẳng định viện trợ cho Israel đang tới. Trong khi đó, đồng minh của Palestine là tổ chức Hezbollah của Lebanon (phía bắc Israel) đã tấn công vào một số đồn gác tại biên giới với nhà nước Do Thái.
Dù kết quả thắng thua ra sao thì có lẽ Iran là quốc gia duy nhất hưởng lợi. Họ vừa làm suy yếu một kẻ thù trên trường quốc tế là Israel, vừa ngăn chặn một đối trọng khác là Ả Rập Saudi tiến tới hòa bình với Israel và lập liên minh với Mỹ.
Cuộc xung đột này ảnh hưởng tới những người bình thường như tôi và bạn thông qua các biến động kinh tế, tiêu dùng, và vận tải trong đời sống của chúng ta. Để biết các biến động ấy sẽ diễn ra thế nào, ta buộc phải chờ đợi những diễn biến tiếp theo.