Queenam: Từ điều kỳ diệu của nhà máy socola đến một thương hiệu "hướng nội"

Từ socola vị hoa hồng đến socola ớt bột, tảo biển, Queenam đang từng bước trở thành người bạn hợp cạ với những tín đồ hảo ngọt tại Việt Nam.
Rachel Võ
Nguồn: Queenam

Nguồn: Queenam

Khi chiêm ngưỡng những thác socola khổng lồ, hay hệ thống tách hạt cacao bằng hàng nghìn chú sóc trong Charlie Và Nhà Máy socola, bạn có bao giờ thắc mắc ở ngoài đời, quy trình thực tế để tạo nên một thanh socola là như thế nào?

Không cần đến những nhân viên tí hon và ông chủ nhà máy kỳ quặc Willy Wonka, bản thân nhà máy socola đã là điều kỳ diệu. Nơi đây chứng kiến hành trình trưởng thành của hàng triệu hạt cacao thô, bắt đầu với giai đoạn làm sạch, qua máy ép để trở thành cacao lỏng, lại đi qua một lần trộn với hỗn hợp đường, sữa rồi phải trải qua 3 “kiếp nạn” làm nóng, làm lạnh rồi lại làm nóng để “phá kén” thành một thỏi socola hoàn chỉnh, đưa đến tay người dùng.

Nếu bạn muốn xem một câu chuyện nhà máy socola thần kỳ ở đời thực, hãy thưởng thức hành trình ra đời của Queenam.

Dòng socola tạo nên điều kỳ diệu cho nhà máy

Queenam được ra đời tại nhà máy của Fancy Foods, nơi sản xuất gần 50 dòng sản phẩm socola, trải dài từ socola nguyên liệu như siro, socola chip, socola viên ngọc trai… đến các loại socola thành phẩm. Sản phẩm của Fancy Foods đã được xuất khẩu đến 16 quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, mọi hoạt động “xuất ngoại” của nhà máy Fancy Foods đã bị đóng băng trong thời điểm Covid-19.

Không sản xuất được nhưng nhà máy cũng không thể ngừng hoạt động, bởi socola lại có đặc tính lỏng và nhớt, nếu không liên tục sản xuất 24/7, socola sẽ bị đông cứng lại, gây tắc nghẽn đường ống. Việc tắt toàn bộ hệ thống máy để vệ sinh dường như là không khả thi trong thời điểm hiện tại, vì quy trình này đòi hỏi nhiều nhân lực và chi phí.

Đứng trước tình thế tiến không được, lùi không xong, bà Vũ Thị Hoài Sơn, giám đốc Fancy Foods đã tìm ra giải pháp tạm thời, đó là tạo ra một thương hiệu socola mới để không làm gián đoạn dây chuyền sản xuất. Nhưng bà cùng đội ngũ cũng cảm nhận được, rằng đây là thời cơ để ra mắt một thương hiệu socola dành cho thị trường Việt.

Và đó là cách Queenam ra đời.

Một thương hiệu socola “hướng nội”

Không chỉ chữa cháy tạm thời cho doanh nghiệp, Queenam còn có một trọng trách dài hơi là truyền tải thông điệp tạo ra một thương hiệu socola nội địa có chất lượng và hương vị đạt tiêu chuẩn quốc tế, chinh phục người tiêu dùng trong nước. Mục tiêu này hoàn toàn khả thi, bởi sau đại dịch, người Việt đã chuyển sang ưu tiên dùng hàng Việt.

Trong năm 2024, 76% người Việt lựa chọn các thương hiệu trong nước, từ thời trang, thực phẩm, phương tiện giao thông… Thương hiệu thuần Việt đang lấp đầy ⅔ quầy hàng siêu thị, có mặt trên mọi nẻo đường, và socola cũng không ngoại lệ.

Những tín đồ sành ăn sẵn sàng chi tiền để thưởng thức, biếu tặng những hộp socola lên đến hàng triệu đồng. Trước gia tăng thêm 4 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu ở Việt Nam, mọi người ngày càng chịu chi cho những trải nghiệm ăn uống, du lịch và những thực phẩm, dịch vụ tốt cho sức khỏe.

Hương vị, kết cấu và mùi vị là những thuộc tính chính ảnh hưởng đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Theo báo cáo Global Chocolate Market 2018-2030, người châu Á có sự yêu thích đặc biệt hơn với các loại socola kết hợp với các loại hạt, hạt giòn và trái cây.

Trước những thay đổi này, socola giờ đây không chỉ đơn thuần là món ăn vặt cho đỡ buồn miệng, mà còn phải đảm bảo các yếu tố: Được làm từ cacao nguyên chất, nhiều hương vị độc - lạ, ít calo…

Queenam đã chinh phục khách hàng như thế nào?

Tập trung vào sản phẩm chủ lực, socola bọc hạt, mỗi viên chocolate của Queenam được chia làm 2 tầng vị. Lớp vỏ ngoài là socola nguyên chất, được nghiền và sấy thăng hoa ở nhiệt độ lạnh cùng với dâu, sầu riêng, hay cả những vị độc lạ như sữa chua, tảo biển và ớt bột...

Phương pháp này sẽ giúp tạo ra viên socola có độ ngọt thấp và tan thật nhanh trong miệng. Chưa dừng lại ở đó, đằng sau lớp chocolate lại là một loại hạt khác nhau, từ macca - “nữ hoàng của các loại hạt” đến hạt điều và hạnh nhân.

Ở đất nước có tỷ lệ mua hàng trực tuyến cao nhất Đông Nam Á, việc xuất hiện trên các sàn thương mại điện tử là một điều tất yếu. Queenam phủ sóng toàn bộ mọi mặt trận,từ Shopee, TikTok Shop đến Facebook và website. Những quầy trưng bày luôn hiện diện rực rỡ ở những tụ điểm đông đúc, như MUJI hay Trung tâm thương mại Takashimaya.

Giá của một túi socola nguyên chất bọc hạt với khối lượng 75 và 150gr trên thị trường đang dao động từ 80 - 300 nghìn. Queenam cũng ở tầm giá tương tự, nhưng khi mua trên các sàn thương mại điện tử, giá chỉ khoảng 50-100 nghìn mỗi túi. Ở các kênh bán offline, tuy giá nhỉnh hơn, từ 79 - 148 nghìn, nhưng thương hiệu thường xuyên có chương trình khuyến mãi mua 2 tặng 1, giảm 15% tổng bill nhân ngày lễ lớn…

Những dòng socola của Fancy Foods đều đã đạt chứng nhận FSSC, chứng nhận cho phép xuất khẩu socola sang các ông lớn Nhật Bản hay Mỹ. Dự đoán trong tương lai, Queenam có thể trở thành một trong những thương hiệu Việt được bày bán trong các chuỗi siêu thị và cửa hàng bán lẻ trên thế giới, từng bước chứng minh chất lượng của socola Việt có thể cạnh tranh với các thủ phủ của socola.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục