Quyền phá thai có thể bị huỷ bỏ tại Mỹ, đâu là những điều cần quan tâm?

Trong cuộc tranh luận về phá thai, chính trị đảng phái được xem trọng hơn quyền con người.
Sơn Hoàng
Phá thai tiếp tục trở thành chủ đề chia rẽ nước Mỹ. | Nguồn: Reuters

Phá thai tiếp tục trở thành chủ đề chia rẽ nước Mỹ. | Nguồn: Reuters

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Tối ngày 02/05 theo giờ Mỹ, tòa báo Politico công bố bản thảo ý kiến của Tòa án Tối cao Mỹ về việc chống phá thai. Bản thảo dài 98 trang do Thẩm phán Samuel Alito soạn thảo lập luận rằng các nhà lập pháp nên bỏ đạo luật ủng hộ việc phá thai tại Mỹ.

Bản thảo ý kiến này là văn bản nội bộ của Tòa án Tối cao Mỹ và mới chỉ dừng ở mức độ thảo luận, tức đây chưa phải là quyết định cuối cùng. Hiện chưa rõ ai hay tổ chức nào là người đã đưa văn bản này cho báo giới Mỹ.

Vụ việc nhận được sự quan tâm lớn, không chỉ từ công chúng Mỹ, mà từ người dân tại nhiều nước trong đó có Việt Nam - một trong những nước có tỉ lệ phá thai cao nhất thế giới.

2. Luật phá thai tại Mỹ hình thành như thế nào?

Luật pháp Mỹ cho phép phụ nữ phá thai trong một số giai đoạn nhất định của thai kỳ. Cụ thể, phụ nữ tại Mỹ có thể bỏ thai nếu như thai chưa đạt 24 tuần tuổi. Đằng sau điều luật này là cả một lịch sử đấu tranh của phụ nữ và các nhà lập pháp Hoa Kỳ.

Trước năm 1971, việc phá thai tại Mỹ là bất hợp pháp ở tất cả các bang. Tuy nhiên, các quy chế pháp lý về việc phá thai đã thay đổi chóng mặt sau vụ kiện “Roe v. Wade” vào năm 1973, trong đó một người phụ nữ tại bang Texas đã kiện chính bang này vì ngăn cản cô phá thai.

Tòa án Tối cao Mỹ bác đơn kháng cáo của bang Texas và đi tới phán quyết cuối cùng rằng quyền phá thai đã được quy định trong hiến pháp Mỹ và luật cấm phá thai là vi hiến (unconstitutional). Cụ thể, phán quyết đồng ý rằng quyền phá thai nằm trong quyền riêng tư (right to privacy) và được quy định ở nhiều điều khoản trong hiến pháp.

Tòa án cũng chia thai kỳ ra làm ba giai đoạn (trimester), mỗi giai đoạn tương đương với ba tháng phát triển thai kỳ, và quy định phụ nữ được phép tự do phá thai cho tới hết giai đoạn thứ hai của thai kỳ. Điều này có nghĩa là phán quyết Roe v. Wade vẫn cho phép các tiểu bang đặt hạn chế với việc phá thai.

Vụ kiện Roe v. Wade đã trở thành án lệ cho nhiều vụ kiện khác về quyền sinh đẻ của phụ nữ. Một trong số đó là vụ kiện Casey, trong đó một người phụ nữ dựa vào phán quyết của vụ Roe để kiện bang Pennsylvania với cáo buộc rằng luật phá thai của bang này đang vi hiến.

Tòa án Tối cao xét xử vụ Casey đưa ra phán quyết rằng luật phá thai là sẽ là vi hiến nếu luật này đặt một “gánh nặng quá sức chịu đựng” (undue burden) lên người có nhu cầu phá thai. Đây chính là điểm gây tranh cãi bởi khái niệm “undue burden” chưa được định nghĩa cụ thể.

Tòa cũng bãi bỏ cách chia tam đoạn của vụ Roe và đưa ra ngưỡng phá thai dựa vào khả năng sống sót của thai nhi ở bên ngoài tử cung (fetal viability) - mốc 24 tuần tuổi.

3. Có gì trong 98 trang bản thảo của Thẩm phán Samuel Alito?

Thẩm phán Alito tuyên bố thẳng thừng rằng cả hai vụ kiện của Roe và Casey “phải được lật lại” vì chúng không những không giải quyết vấn đề, mà còn gây ra sự chia rẽ lớn trong xã hội Mỹ.

Ông Alito cho rằng Hiến pháp Mỹ chưa bao giờ nhắc tới quyền phá thai hay thậm chí là quyền riêng tư, vì thế tòa án trong vụ Roe không thể đưa ra kết luận rằng luật cấm phá thai là vi hiến. Ông đặt nghi vấn về hệ thống luận điểm lỏng lẻo trong án lệ này, từ đó đi tới kết luận rằng phán quyết vụ Roe đã “sai lầm nghiêm trọng ngay từ đầu.”

Đối với vụ Casey, Samuel Alito chỉ ra rằng không có cơ sở pháp lý nào cho khái niệm “gánh nặng quá sức chịu đựng.” Ông tiếp tục cho rằng vụ Casey đã sử dụng án lệ Roe một cách không hợp lý, và đặt dấu hỏi về mốc 24 tuần tuổi của phán quyết.

Trong gần 50 năm, vụ kiện Roe vs Wade là trụ cột trong việc thiết lập hành lang pháp lý ủng hộ phá thai. Bằng việc tấn công án lệ này, thẩm phán Alito đang thách thức cơ sở pháp lý của luật phá thai. Tất cả luận điểm và dẫn chứng mà ông đưa ra chỉ thuộc về phạm trù pháp luật chứ không bàn tới khía cạnh kinh tế, xã hội, giới,... của vấn đề.

4. Công chúng có quan tâm tới bản thảo 98 trang?

Ngay khi có thông tin về bản dự thảo mới, nhiều người đã tập trung tại Nhà trắng và Tòa án Tối cao Mỹ để bày tỏ sự bất bình. Làn sóng phản đối không chỉ dừng lại trong dân chúng, mà đang lan rộng tới giới lãnh đạo tại Mỹ, các tòa soạn báo, và các tổ chức quốc tế.

Vào ngày 04/05, Tổ chức Y tế Thế giới WHO lên tiếng kêu gọi duy trì quyền phá thai. Người đứng đầu WHO cho rằng việc cấm phá thai sẽ “khiến phụ nữ và trẻ em gái tìm tới những giải pháp không an toàn.” Trước đó một ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định rằng phá thai hay không là quyền lựa chọn của phụ nữ.

Tờ New York Times cho rằng dự thảo mới này có thể hạ thấp vai trò của Tòa án Tối cao trong việc duy trì trật tự xã hội và làm giảm niềm tin của người dân vào các giá trị truyền thống cũng như vào hệ thống luật pháp. Tờ này đưa ra ý kiến với các nhà lập pháp: “Hỡi các Thẩm phán, hãy thận trọng (prudent).”

Một số ý kiến cho rằng bản thảo mới này sẽ là một trong những chủ đề nổi bật để ông Biden và Đảng Dân chủ vận động cho cuộc tranh cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 năm nay. Điều này cho ta thấy cơ thể phụ nữ luôn là đối tượng để các thế lực chính trị sử dụng cho toan tính của mình.

5. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bản thảo mới được thông qua?

Phụ nữ thuộc nhóm yếu thế sẽ là người chịu ảnh hưởng trực tiếp nếu bản thảo thông qua. Việc đó cũng đồng nghĩa rằng tất cả các hình thức phá thai sẽ là bất hợp pháp, và những người có nhu cầu phá thai sẽ phải di chuyển tới nơi cho phép phá thai. Tuy nhiên, không phải ai cũng có năng lực tài chính để thực hiện những chuyến đi như vậy.

Cuộc tranh luận đã lan sang việc dỡ bỏ các phương pháp phá thai, trong đó thuốc phá thai là một vấn đề khó giải quyết. Tờ New York Times đặt câu hỏi rằng, nếu một người phụ nữ nhận thuốc phá thai ở một bang cho phép phá thai, nhưng lại dùng thuốc ở bang mà phá thai là bất hợp pháp, thì người đó có vi phạm pháp luật không?

Việc thông qua bản thảo mới có thể trở thành tiền lệ pháp lý, gây ảnh hưởng tới quan điểm và chính sách tại nhiều nước khác nhau trên thế giới. Duy trì quyền được phá thai an toàn và hợp pháp sẽ là lựa chọn có lợi cho nữ giới.

Điều này không chỉ khẳng định quyền tự quyết của phụ nữ, mà còn ngăn chặn tình trạng phá thai “chui” ở nhiều nơi trên thế giới, vốn có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của thai phụ.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục