Raya and The Last Dragon: Thế giới đổ nát là do chính chúng ta?

Một câu chuyện sâu sắc với thông điệp hiện đại: Hãy mở lòng mình, trao đi niềm tin, và thế giới sẽ bớt nhiều toan tính.
Lucas Luân Nguyễn
Raya And The Last Dragon Featured Image

Raya And The Last Dragon Featured Image

Đã qua rồi hình ảnh những công chúa Disney trong bộ đầm lộng lẫy và cái kết viên mãn lấy được hoàng tử của đời mình. Thập kỷ vừa qua đã chứng minh rằng Disney đang ngày càng thoát ra khỏi những rập khuôn về giới cũ kỹ mà chúng ta vẫn thường gán nhãn cho các nàng công chúa. Bắt đầu thập kỷ mới, Disney ra mắt bộ phim Raya and The Last Dragon (Raya và Rồng Thần Cuối Cùng), giới thiệu một công chúa mới, đồng thời cũng mang tính đặc thù văn hoá khi đây là nàng công chúa Đông Nam Á đầu tiên của bộ sậu "Disney Princess."

Vượt lên trên một thước phim giải trí dành cho thiếu nhi và gia đình hay một sự tri ân văn hoá Đông Nam Á, Raya và Rồng Thần Cuối Cùng mang nhiều thông điệp nhân văn về niềm tin của con người trong những thời khắc tăm tối, đặc biệt là qua hành trình của nhân vật Raya và những bài học cô nhận được ở cuối hành trình đó.

Disney và sự ra đời của hình ảnh “công chúa bá đạo”

Lịch sử của các công chúa Disney đã cho thấy rằng có sự thay đổi nhiều về cách chúng ta nhìn nhận nhân vật nữ chính trong phim hoạt hình. Từ những ngày đầu, vốn dĩ các công chúa là những cô gái đẹp với những vấn đề cá nhân cần được giải quyết. Và như chính bộ phim Ralph Breaks The Internet (2018) đã tự trào, những vấn đề đó luôn được giải quyết bởi một hoàng tử. Bạch Tuyết, Lọ Lem và Công chúa ngủ trong rừng Aurora, 3 công chúa thời đầu là ví dụ điển hình cho những người đẹp không có tính chủ động trong câu chuyện của mình. Họ luôn khóc lóc vì hoàn cảnh, bị thế lực xấu nhắm vào và cuối cùng được một hoàng tử cứu nguy.

Ngày đó, bài học duy nhất có lẽ là niềm tin vào lẽ phải, vào cái thiện, nhưng lại vô tình cấy vào đầu các em nhỏ một suy nghĩ về giới khá phổ biến còn tồn tại đến ngày nay: công chúa nào cũng cần một hoàng tử của mình.

Yếu tố “hoàng tử”, hay người tình của công chúa xuất hiện trong tất cả những phim công chúa Disney từ 1937 đến 2010. Năm 2012, Pixar đã đánh dấu một bước ngoặt lớn khi ra mắt Brave, giới thiệu công chúa tóc xù Merida. Vượt lên truyền thống gả chồng của gia tộc, Merida chứng minh mình là cô gái quả cảm, tự do như mây trời trên yên ngựa và cung tên. Cô tự mình gây ra những biến cố, và cũng tự mình giải quyết lấy những rắc rối trong một bộ phim mà những nhân vật nam chỉ là phụ.

Tính nữ quyền từ đó đậm đà hơn và đã đến lúc chúng ta cần một thế hệ những nàng công chúa mới không chỉ có sắc đẹp, mà còn phải sẵn sàng gánh những trọng trách lớn và tự mình đẩy bộ phim đi về phía trước.

Sự ra đời của Merida dù không được quá nhiều sự chú ý, nhưng lại được tiếp nối bởi một hiện tượng toàn cầu, một nhân vật chúng ta không gọi là “công chúa”, mà đã gọi là “nữ hoàng”: Elsa trong Frozen (2013). Nụ hôn chân tình giữa nam và nữ bị dẹp bỏ hoàn toàn khi Disney không những trao sức mạnh và phép thuật cho nhân vật nữ chính, mà còn định nghĩa “chân tình” (true love) có thể đến từ tình cảm của những người trong gia đình.

Frozen không những là hiện tượng phòng vé mà còn là sự khởi đầu chính thống của những nàng “công chúa bá đạo” (badass princess) nhà Chuột, dù họ là những công chúa hoàn toàn mới như Moana (2016) hay những công chúa được “hoàn thiện lại” như Jasmine (2019) và Mulan (2020).

Và công chúa Raya trong tác phẩm mới nhất của Disney, Raya và Rồng Thần Cuối Cùng tiếp tục là một “công chúa bá đạo” khác, nếu không muốn nói là “bá đạo” nhất.

Hành trình của Raya hay của chủ nghĩa anh hùng?

Trong phim, Raya sống ở xứ Kumandra, một nơi bị chia cắt thành 5 bộ tộc bởi sự thù hằn, niềm tin mù quáng và cả sự ích kỷ. Ngay cảnh mở đầu phim, người xem biết rõ Raya đang trên một hành trình trong bộ trang phục đậm chất nữ hiệp: bụi đường, áo choàng đỏ, nón rộng vành và một thanh kiếm.

Cô phải tìm được Sisu, rồng thần cuối cùng và thu thập lại 4 mảnh ngọc đã bị 4 bộ tộc khác chiếm giữ để đẩy lùi một hiểm hoạ đe doạ cả xứ sở. Hành trình này của Raya không giống với bất kì hành trình nào trước đây của các công chúa Disney ở nhiểu điểm, thậm chí với những nàng cá tính như Elsa, Moana hay Hoa Mộc Lan.

Dễ thấy nhất là xuất thân. Khác với Elsa vốn là một người kế thừa ngai vị nữ hoàng xứ Arendelle, hay Moana vốn là cô bé được đại dương chọn để trả lại trái tim cho nữ thần Te Fiti, không có thế lực nào đưa đẩy để Raya khăn gói lên đường, mà chính cô đã chọn cho mình hành trình đó.

Cô trở thành một nữ anh hùng có trách nhiệm và lý tưởng, không phải vì cô có xuất thân cao quý của một công chúa, mà chỉ đơn giản vì cô là một người con xứ Kumandra và của bố mình, tộc trưởng Benja. Điều này khá giống Hoa Mộc Lan, nhưng nếu Mộc Lan bước vào hành trình trái với nguyện vọng của cha, Raya lại có được sự phù độ từ người cha mà cô vô cùng yêu mến.

Hình ảnh người cha Benja cũng là một nét rất mới. Nếu hình ảnh người cha của các công chúa trước đây khá cứng nhắc, bảo thủ và cấm đoán vì lòng thương con hết mình, thì Benja lại là một ông bố Đông Á luôn truyền dạy những kiến thức về thế giới cho cô con gái nhỏ. Benja vị tha và khơi dậy trong Raya niềm tin vào sự đoàn kết. Ngay cả khi bị 4 bộ tộc khác phản bội, đối diện với bi kịch, lời cuối của ông dành cho con gái mình vẫn đậm đà tính nhân văn: “Đừng từ bỏ họ.”

Từ những nét trên, bức chân dung của Raya được khắc hoạ rất độc nhất. Võ thuật học từ cha, mang thanh gươm và cả ước mơ của cha, cô là hiện thân của chủ nghĩa anh hùng trong thời loạn lạc, là khát khao về những ngày tươi sáng hơn của con người. Nói như Benja, để thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn, ai đó phải “dũng cảm tiên phong.” Raya chính là người đó.

Tuy vậy, cô lại thiếu mảnh ghép quan trọng nhất từ chính cha mình. Không hành trình nào là không mang lại bài học cho người lữ khách. Đó là bài học Raya phải lĩnh hội ở cuối chặng đường, đồng thời cũng là thông điệp ý nghĩa mà Disney gửi tới khán giả: Hãy mở lòng mình, trao đi niềm tin, và thế giới sẽ bớt nhiều toan tính.

Khi sự hoài nghi và lạc quan song hành

Bi kịch của xứ sở và của gia đình đem đến cho Raya mọi động lực để trở thành một anh hùng, nhưng là một anh hùng độc hành. Nếu Benja tin tưởng vào sự tốt đẹp của con người, Raya lại mất đi niềm tin đó khi chính nó đã dẫn đến sự đổ nát của bộ tộc cô. Dấu vết sâu đậm của phản bội biến Raya thành một người theo chủ nghĩa hoài nghi (cynicism), luôn tin rằng mọi tập tính của con người đều xuất phát từ ham muốn cá nhân. “Thế giới là một đống đổ nát, ta không thể tin bất cứ ai” là tuyên ngôn của cô khi lên đường để tìm niềm tin tối thượng của mình: rồng thần Sisu.

Là rồng thần cuối cùng của Kumandra, Sisu còn là hiện thân của tín ngưỡng, của niềm tin bất diệt trong lòng Raya từ những ngày thơ ấu. Thế nhưng tình tiết bất ngờ xảy ra ở nửa đầu bộ phim: Sisu mà Raya tìm thấy không hề vĩ đại như truyền thuyết đã ca tụng.

Và đúng như một hiện thân của tín ngưỡng, Sisu tin vào những điều tốt đẹp của con người. Nếu Raya nhìn thế giới qua lăng kính hoài nghi, ai cũng có thể hãm hại mình, không ai là chân thật thì Sisu lại nhìn thế giới có phần màu hồng và luôn thấy được phẩm chất tốt đẹp của con người. “Có lẽ nào thế giới này đổ nát là vì cô không tin bất cứ ai?” — đây có lẽ là câu hỏi thú vị nhất mà Sisu đặt cho Raya. Câu hỏi phản ánh rất rõ chủ nghĩa lạc quan (optimism) của rồng thần dành cho nhân loại.

Sự bắt cặp mang tính đối lập giữa bên tín ngưỡng và bên được tín ngưỡng tạo ra một xung đột sâu sắc và mạnh mẽ của phim. Raya, vốn là người trải đời hơn, giờ đây phải chăm sóc cho rồng thần còn ngây ngô với thế giới. Rồng thần tưởng chừng không có sức mạnh gì trong tay nhưng lại dạy cho Raya sức mạnh lớn nhất để cứu lấy tất cả: niềm tin vào con người.

Từ đó phim dẫn dắt câu chuyện đến một khủng hoảng thú vị, dễ dàng đẩy đến hồi 3 đầy cao trào: Chuyện gì sẽ xảy ra khi tất cả những gì chúng ta tin tưởng nhất đã ra đi mãi mãi, buộc ta phải trao niềm tin cho những người ta từng nghĩ là kẻ thù? Chúng ta có thật là kẻ thù của nhau hay chúng ta được dạy rằng mình là kẻ thù của nhau?

Để trả lời cho câu hỏi trên, những nhà làm phim đã gieo một hình ảnh biểu tượng thú vị trải dài hành trình của Raya: ẩm thực. Văn hoá ẩm thực Đông Nam Á trải dài từ những thước phim đầu khi tộc trưởng Benja dạy Raya cách đối xử tử tế với con người qua việc thiết đãi họ những món ăn, rằng những món ngon nhất thật ra lại được tạo tác từ những gia vị tưởng chừng khó hoà hợp nhất.

Benja nấu ra một món ăn tuyệt hảo bằng 5 loại gia vị từ 5 tộc khác nhau, còn hành trình của Raya cũng bao gồm những người đến từ các tộc khác nhau. Họ đều là nạn nhân của thế giới đổ nát, sống lay lắt trong đơn độc và mỗi ngày phải tự lèo lái để cứu lấy bản thân mình. Họ được dạy là kẻ thù của nhau, song lại tìm thấy sự đồng điệu trên bàn ăn. Sự đoàn kết của họ quyện với sự giao thoa của ẩm thực tạo nên một bức tranh độc đáo về lòng tử tế, rất chân thật và không hề giáo điều.

Raya và Rồng Thần Cuối Cùng là một câu chuyện dễ thấm, dễ xem. Đâu đó trong phim là những mảng miếng, tình tiết chúng ta đã gặp ở thể loại phiêu lưu, hành động, nhưng với một kịch bản chắc tay, hình ảnh mê hồn pha lẫn với âm nhạc đậm sự kết hợp Đông - Tây, phim đã kể nên một hành trình đậm tính sử thi, đầy tham vọng của Disney.

Không chỉ thành công ở việc xây dựng nên một thế giới đậm màu sắc Đông Nam Á, phim còn đưa vào hình ảnh nữ anh hùng nguyên bản, mang đậm thần khí và cốt cách của thế giới trong phim, tạo cho người xem một niềm tin tuyệt đối vào hành trình của cô.

Hơn nữa, phim còn mang lại một thông điệp thức thời, khi thế lực mang đến thảm hoạ cho xứ Kumandra cũng được ví như “một đại dịch”: chúng ta có thể đổ lỗi cho nhau, xâu xé lẫn nhau để trở thành kẻ sống sót cuối cùng. Hoặc, chúng ta có thể cùng nhau đẩy lùi bóng tối vì một tương lai tốt đẹp hơn.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục