Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) không đơn giản như những câu đùa thường gặp
Từ các tác phẩm truyền thông đại chúng, chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế, tiếng Anh là Obsessive-Compulsive Disorder (OCD), thường xuyên bị nhìn nhận một cách sai lệch. Vậy đâu là nguyên nhân khiến OCD bị xem nhẹ và hậu quả của nó là gì?
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là gì?
OCD là một kiểu rối loạn xuất phát từ những suy nghĩ và thói quen mang tính ám ảnh và lặp đi lặp lại, từ đó thôi thúc thực hiện một hành động dai dẳng, có khi kéo dài nhiều giờ đồng hồ.
Những hành động này giúp giảm bớt những nỗi sợ gây ra bởi những ý nghĩ ám ảnh một cách tạm thời. Thế nhưng, chúng có thể chiếm rất nhiều thời gian và ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống.
OCD đang bị hiểu lầm và hiểu sai ngữ cảnh
Từ những câu đùa trên TV series, phim ảnh đến những bài trắc nghiệm đùa vui, những câu chơi chữ (punchlines), văn hoá đại chúng đã khiến chứng OCD bị nhìn nhận một cách sai lệch.
Trên các mạng xã hội tràn ngập những bài viết như “33 bí quyết dọn dẹp cho người bị OCD”. Khi tìm kiếm từ khoá “OCD”, bạn sẽ nhận được một số kết quả theo ý tích cực như #ObsessiveChristmasDisorder hay #ObsessiveCrossFitDisorder.
Theo nhà tâm lý học văn hoá Yulia Chentsova-Dutton, điều này bắt nguồn từ hiện tượng “cultural script” — cách chúng ta sử dụng một thuật ngữ có ảnh hưởng đến cách thuật ngữ đó được nhìn nhận. OCD thường được gắn liền với những tính từ tốt như “sạch sẽ", “gọn gàng”,... Điều này vô tình khiến nhiều người nghĩ rằng nó nên được khuyến khích và không có gì nghiêm trọng. (Nguồn: theatlantic.com)
Khi tiếp cận chứng rối loạn này, họ chỉ chú ý đến từ "obsessive" (ám ảnh) mà vô tình quên đi "compulsive"(cưỡng chế) và "disorder" (rối loạn), dẫn đến bất cứ điều gì khiến họ ám ảnh đều bị lầm tưởng là rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
Chẳng hạn OCD có thể bao gồm ám ảnh việc giữ mọi thứ ngăn nắp, hài hòa tuyệt đối, nhưng không có nghĩa những người chỉ đơn thuần thích sự ngăn nắp đều bị ám ảnh cưỡng chế.
Chẳng hạn như những video xu hướng "oddly satisfying" (tạm dịch: đã mắt một cách kỳ lạ) với tiêu đề "kích thích sự OCD trong bạn" hoặc "dành cho những ai bị OCD". Với nội dung là những vật thể được nhào nặn nhuần nhuyễn, cắt tỉa chuẩn xác hoặc sắp xếp gọn gàng, những video đó trông thích mắt và kích thích sự thỏa mãn của bất cứ ai, chứ không riêng người bị ám ảnh cưỡng chế.
Nguyên nhân là vì nó nhấn mạnh vào sự hoàn hảo trong thế giới hỗn loạn, từ đó kích thích dopamine và serotonin trong não khiến người xem cảm thấy hạnh phúc và tích cực (Theo lemonade.com). Tuy nhiên, các tác dụng tâm lý của những video này không thể phản ánh tình trạng thật sự của những người bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
Đâu là dấu hiệu cho thấy một người thật sự bị OCD?
Các hành vi cưỡng chế (compulsions) thường gặp theo một bài đăng trên trang Verywellmind là:
- Thường xuyên kiểm tra cửa đã khóa chưa.
- Lau chùi nhà cửa, giặt quần áo, tắm rửa quá nhiều lần.
- Đếm đồ vật, ký tự chữ cái, hay bất cứ vật gì.
- Lặp lại những hoạt động thường ngày như đứng lên hay đi lên, xuống cầu thang.
- Cần sự trấn an từ gia đình (“Con cần rửa tay thêm lần nữa đúng không?”)
- Lặp lại những cụm từ hoặc câu văn thường xuyên, cả đọc thầm và đọc thành tiếng.
- Sắp xếp đồ vật gọn gàng.
- Làm một việc nhiều lần (như tắt, bật đèn 5 lần liên tục).
Nguyên nhân dẫn đến OCD
Nguyên nhân dẫn đến OCD là những suy nghĩ ám ảnh (obsessions). Chúng xuất hiện thường xuyên và dai dẳng, có tính xâm nhập và không mong muốn, dẫn đến sự lo lắng và đau khổ rõ rệt cho cá nhân.
Những suy nghĩ ám ảnh thường gặp là:
- Sợ ô nhiễm, dơ bẩn.
- Sợ mất kiểm soát bản thân (sợ làm hại người khác, trộm cắp, bạo lực,...)
- Sợ làm tổn thương người khác vì đã làm hoặc quên làm một điều gì đó. (Ví dụ: không lau sàn và sợ làm người khác té ngã)
- Suy nghĩ ám ảnh về tình dục.
- Sợ quên đi hoặc đánh mất một điều quan trọng.
- Sợ mắc một chứng bệnh cụ thể.
- Sắp xếp có trật tự, hài hoà, đối xứng.
- Không thể quyết định về việc giữ hay bỏ một thứ gì đó.
(Nguồn: nomorepanic.co.uk)
Nhưng lằn ranh giữa thói quen hằng ngày và ám ảnh cưỡng chế là vô cùng mong manh.
Chẳng hạn, bạn hút bụi cho căn nhà mỗi ngày, nhưng nếu hôm nào không thể thực hiện thì cũng không sao, vậy thì đây chỉ đơn thuần là thói quen, vì bạn muốn chăm chút cho ngôi nhà, hoặc vì bạn yêu sự sạch sẽ, gọn gàng.
Nhưng nếu sau một vài tiếng hay ngay khi thấy một đốm bụi nhỏ, bạn cảm thấy cực kỳ bồn chồn và phải hút bụi lại ngay lập tức, nếu không bạn cứ mãi nghĩ về nó, thì đây có thể là dấu hiệu của việc bị ám ảnh.
Ai cũng có những suy nghĩ thôi thúc trong đầu, nhưng những trải nghiệm đó với người đang phải vật lộn với chứng OCD còn nặng nề và bế tắc gấp nhiều lần.
Sự ám ảnh và cưỡng chế của OCD là một điều không mong muốn. Bởi xuất phát từ nỗi sợ hoặc sự lo lắng, người mắc chứng rối loạn này không có cách nào khác ngoài việc phải thực hiện sự cưỡng chế để giảm nhẹ tạm thời.
"Cuộc đời bạn rơi vào vòng luẩn quẩn giữa việc bị nỗi sợ vùi lấp và suy nghĩ muốn thoát ra khỏi chúng," Alison Dotson, tác giả của cuốn sách "Being Me With OCD" chia sẻ, "Và đáng sợ là bạn cảm thấy không thể điều khiển suy nghĩ của bản thân nữa."
Nhiều người nổi tiếng từng chia sẻ mình đang sống cùng chứng OCD. Lele Pons, một ngôi sao trên mạng xã hội, cũng là một trong số đó. Lele luôn phải chạm vào và kiểm tra tất cả mọi thứ 3 lần với nỗi sợ rằng nếu cô không thực hiện đủ 3 lần, một điều tồi tệ sẽ xảy ra.
“Dù tôi biết sẽ chẳng có điều gì xấu xảy ra cả, cảm giác lo lắng vẫn ở đó, và tôi buộc phải thực hiện điều ấy." Lele Pons chia sẻ.
Kết
Những biểu hiện của OCD không phải lúc nào cũng hiển lộ ra bên ngoài. Chính vì thế, người xung quanh thường không dễ nhận biết những người mắc chứng OCD đang bị “dày vò" bên trong như thế nào, cho đến khi tình hình tồi tệ hơn. (Nguồn: psychcentral.com)
Trước sức ảnh hưởng to lớn của văn hoá đại chúng, OCD cần được hiểu và trao đổi một cách đúng đắn hơn. Điều này sẽ hạn chế việc một chứng bệnh dần bị xem nhẹ thành một thói quen hay tật xấu, và ngược lại, việc đôi khi chỉ là một thói quen nhưng lại bị đùa cợt quá mức và xem thành một chứng bệnh.
Hình vẽ trong bài được thực hiện bởi Trà Nhữ.