OCD là gì? Có phải cứ thích dọn dẹp là bị OCD? | Vietcetera
Billboard banner

OCD là gì? Có phải cứ thích dọn dẹp là bị OCD?

OCD không đơn giản là ưa sạch sẽ, thích dọn dẹp, muốn mọi thứ phải hoàn hảo. Vậy OCD nghĩa là gì? Hãy cùng Vietcetera tìm hiểu về chứng rối loạn này.
OCD là gì? Có phải cứ thích dọn dẹp là bị OCD?

OCD không chỉ là gọn gàng quá mức. | Nguồn: Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

1. OCD là gì?

OCD (danh từ) là viết tắt của obsessive-compulsive disorder trong tiếng Anh, tiếng Việt dịch ra là rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Đây là một dạng của rối loạn lo âu (anxiety disorder).

Người mắc OCD bị chi phối bởi những suy nghĩ, thôi thúc, hình ảnh tái diễn liên tiếp khiến họ trở nên lo âu quá mức (obsessive). Từ đó, họ buộc phải thực hiện những hành vi lặp đi lặp lại nhằm giảm thiểu mức độ lo âu (compulsive). (Nguồn: mayoclinic.org)

Chẳng hạn, một người bị ám ảnh bởi vi khuẩn khi chạm vào những đồ vật mà người khác đã chạm vào, vì vậy mà họ phải liên tục rửa tay. Tuy nhiên, việc rửa tay chỉ mang tác dụng giải tỏa tạm thời và không hề vui vẻ đối với họ.

Chứng bệnh này gây ra những trở ngại đáng kể trong đời sống hằng ngày của bệnh nhân. Những người mắc OCD nhận thức được hành động của họ là không bình thường, nhưng không thể nào kiểm soát được nó.

2. Nguồn gốc của OCD?

Mặc dù cái tên OCD mới được sử dụng phổ biến vào thế kỷ 20, nhưng những ghi chép về các triệu chứng có nét tương đồng với khái niệm OCD mà chúng ta biết ngày nay đã xuất hiện từ khoảng thế kỷ 14.

Từ thế kỷ 14-18, phần lớn ghi chép mô tả OCD nằm trong các tài liệu tôn giáo, thay vì y học - khi nỗi sợ và ám ảnh xung quanh tôn giáo là điều phổ biến ở thời điểm ấy.

Năm 1691, giám mục John Moore đã thuyết trình về OCD lần đầu trước Nữ hoàng Mary II. Tại thời điểm này, OCD được mô tả như “nỗi buồn tôn giáo”, khi những người mộ đạo bị giày vò bởi “suy nghĩ nghịch ngợm và phạm thượng” bất chấp mọi nỗ lực của họ để kiềm chế và đàn áp chúng.

Năm 1877, nhà tâm thần học người Đức Karl Friedrich Otto Westphal cho rằng OCD có liên quan đến rối loạn chức năng trí tuệ. Ông đã dùng thuật ngữ tiếng Đức “Zwangsvorstellung” để mô tả chứng này. Zwangsvorstellung khi được dịch qua tiếng Anh-Anh có nghĩa là ám ảnh (obsession) và tiếng Anh-Mỹ là cưỡng chế (compulsion). Thuật ngữ rối loạn ám ảnh cưỡng chế bắt nguồn từ đây.

3. Cách dùng OCD?

Tiếng Anh

I have had numerous OCD symptoms since my early adult years.

Tiếng Việt

Tôi bắt đầu có những triệu chứng của OCD từ khi vừa bước vào tuổi trưởng thành.

4. Các thuật ngữ liên quan đến OCD?

Anxiety disorder (danh từ): rối loạn lo âu. Khác với lo âu thông thường, khi được gọi là rối loạn, người mắc thường ở trong trạng thái lo âu kéo dài và không kiểm soát. Tình trạng này sẽ không dễ dàng biến mất mà có thể tồi tệ hơn theo thời gian nếu không sớm được điều trị. OCD là một dạng của anxiety disorder.

Intrusive thoughts (danh từ): là những suy nghĩ luôn mắc kẹt trong tâm trí mà một người không cách nào kiểm soát. Nó khiến người mắc khổ sở vì bản chất những suy nghĩ này thường không bình thường hoặc trái với lương tâm, đạo đức. Ví dụ như suy nghĩ liên tục về ảo giác, bạo lực, tình dục. (Nguồn: healthline.com)

Psychotherapy (danh từ): tâm lý trị liệu. Phương pháp nhằm giúp người gặp vấn đề về tâm lý loại bỏ hoặc kiểm soát các triệu chứng, từ đó cải thiện sức khỏe và đời sống tinh thần.

5. Đọc thêm về OCD tại Vietcetera

4 Hiểu lầm thường gặp về người bệnh OCD

Từ OCD được dùng phổ biến hiện nay, nhưng không phải ai cũng hiểu tường tận ý nghĩa của nó, dễ dẫn đến những hiểu lầm không đáng có. Bài viết đưa ra những thông tin xác thực về OCD, tránh trường hợp những lời nói vô tình có thể gây tổn thương đến người mắc căn bệnh này.

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) không đơn giản như những câu đùa thường gặp

Từ OCD đang được ưa chuộng trong văn hóa đại chúng, nhưng cũng xảy ra trường hợp người nói xem nhẹ từ này như một thói quen hay tật xấu. Việc tìm hiểu sâu về OCD là rất cần thiết để xây dựng nền văn hóa ứng xử trong cộng đồng.