13 Thg 08, 2021Sáng TạoÂm Nhạc

Sample hay là "mỏ vàng" để nghệ sĩ khai thác?

Sample có một lịch sử vô cùng thú vị, nhưng người nghệ sĩ cũng nên cân nhắc khi sử dụng nó vào tác phẩm của mình sao cho phù hợp.
Thinh Hoang
Timbaland, Nujabes và Kanye West | Nguồn: Masterclass, Bandcamp, CentralSauce

Timbaland, Nujabes và Kanye West | Nguồn: Masterclass, Bandcamp, CentralSauce

10 năm trước, đã có một cuộc tranh cãi xảy ra giữa cộng đồng người hâm mộ của Coldplay và Hà Trần. Nhiều người đã tố rằng Princess Of China (nằm trong album Mylo Xyloto, phát hành năm 2011) đạo nhái ca khúc Ra Ngõ Tụng Kinh (nằm trong album Trần Tiến, phát hành năm 2008)

Bên cạnh rất nhiều tranh luận qua lại, một số người đã đặt giả thuyết rằng cả hai ca khúc này đều sử dụng cùng một sample. Có người thì cho rằng cả 2 bên đều sử dụng sample từ bản nhạc đốn củi của thổ dân Tomahawk.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng Hà Trần đã lấy mẫu từ một bản nhạc khác nhưng không ghi rõ, còn Coldplay cũng lấy mẫu từ bản nhạc đó nhưng có ghi thông tin cụ thể ở phần giới thiệu album: "Ca khúc được viết bởi các thành viên trong band, với phần sáng tác bổ sung của Brian Eno và bản mẫu từ 'Takk ...' do Sigur Rós thể hiện".

Bài viết lần này sẽ chia sẻ và cung cấp cho người đọc một số thông tin về sample, việc sử dụng sample và tính pháp lý của nó.

Trong âm nhạc, sample là gì?

Trong giới âm nhạc, sample có thể hiểu là mẫu âm thanh. Sampling (lấy mẫu) là một hình thức nghệ thuật "chắp vá" khi nghệ nhân lấy đi một đoạn nhạc có sẵn, lặp lại, và biến âm thanh đó thành một bản nhạc mới.

Nhiều năm gần đây, các nghệ sĩ quốc tế cũng như Việt Nam thường chia sẻ album sampler của họ trước khi phát hành. Sample ở trong trường hợp này là những đoạn nhạc ngắn, để khán giả có dịp nghe thử toàn bộ album.

Nguồn gốc sử dụng sample từ đâu?

Nhạc jazz từ New Orleans

Bản chất của việc sử dụng mẫu âm thanh là sự vay mượn. Mãi đến đầu thế kỉ 20, nhận thức của con người về sự vay mượn trong âm nhạc dần được hình thành rõ ràng hơn khi dòng nhạc jazz từ New Orleans (Mỹ) xuất hiện. Các nhạc công thường "lấy mẫu" những giai điệu (melody), âm giai (scale), đoạn tiết tấu (lick và riffs) cho phần trình diễn trực tiếp.

Tất nhiên, họ luôn giữ thái độ kính trọng đối với tác giả khi chơi nhạc. Đồng thời cũng tạo ra sự kết nối giữa khán giả và nhạc công khi họ chơi những âm điệu quen thuộc. Từ đấy, việc "vay mượn âm nhạc" được trở nên phổ biến và tạo cảm hứng cho các dòng nhạc sau này như Rock, Blue, Electro, House, Hip-Hop, v.v.

Vào những năm 40, nhà soạn nhạc người Pháp Pierre Schaeffer đã tình cờ phát minh ra phương thức lấy mẫu âm thanh sơ khai khi ông đang miệt mài vọc với những thiết bị âm thanh điện tử với các âm thanh được thu sẵn từ đĩa than và băng. Sau đấy, ông cắt chúng thành từng mảnh nhỏ rồi ghép ngẫu nhiên lại thành musique concrète (tạm dịch: khối âm thanh).

Tham khảo phim tài liệu dưới đây của đài BBC về musique concrète mang tên The New Sound of Music (tạm dịch: Âm Thanh Mới).

Và từ ngày sinh nhật của Hip-Hop

Theo tư liệu từ Netflix Series Hip-Hop EvolutionRed Bull Music, vào ngày 11/8/1973, tại buổi tiệc Back To School Jam ở phòng sinh hoạt của chung cư 1520 Sedgwick Avenue - nơi khai sinh ra Hip-Hop đã có một cuộc cách mạng âm nhạc xảy ra.

Khi đó DJ (Disc Jockey) Kool Herc đã là người đầu tiên trình diễn bộ sưu tập đĩa than trên hai turntable cùng một lúc. Thay vì chơi thứ âm nhạc được thịnh hành vào thời điểm bấy giờ là Disco, thì ông lại chơi âm thanh quen thuộc với người Mỹ da màu thời đó, chính là dòng nhạc Soul.

Đó là những bản nhạc như Give It Up Or Turnit A Loose của James Brown, It's Just Begun của Jimmy Castor và Melting Pot của Booker T. & M.G. Cùng ngày hôm đó, DJ Kool Herc đã phát minh ra Merry-Go-Round (tạm dịch là vòng lặp - một kỹ thuật DJ trong đó phần loop (lặp lại) của 2 bản thu âm trên cả hai turntable để tạo ra một nhịp điệu vĩnh cửu (eternal funky rhythm)).

Mẫu âm thanh mà ông sử dụng là đoạn trống và bass của đĩa than, được gọi là breakbeat. Có thể nói DJ Kool Herc là người đầu tiên khởi xướng phong trào sampling sau buổi trình diễn lịch sử đó.

Mẫu âm thanh được sử dụng như thế nào?

Có thể hiểu lấy mẫu âm thanh qua trường hợp như thế này:

Người sản xuất âm nhạc (music producer/beatmaker/người sáng tác) đang có ý tưởng cho bài nhạc nhưng lại bị hạn chế về việc thu âm, nhạc công, ca sĩ, hoặc chất lượng âm thanh. Việc dễ nhất để biến ý tưởng này thành hiện thực là lấy mẫu âm thanh từ những bản thu âm có sẵn, từ các thiết bị điện tử như (đĩa than, cát xét, CD, điện thoại, internet, v.v.). Sau đấy bạn cắt ghép những âm thanh đó thành một bài nhạc mới hoàn chỉnh khác.

Việc sử dụng sample cũng có thể hiểu như là nghệ thuật tái chế vậy. Trong quá trình đấy bao gồm những kỹ thuật sản xuất âm nhạc được biết sau này như splice (cắt), looped (lặp lại), pitch-shifted (chỉnh cao độ), speed-up or slowed-down (tăng hoặc giảm nhịp độ).

Vậy còn bản quyền và tính pháp lý thì sao?

Hiểu đơn giản, khi mình sử dụng mẫu âm thanh từ giá trị trí tuệ của tác giả cho mục đích thương mại hóa tác phẩm của mình thì việc xin phép bản quyền là việc không thể tránh khỏi.

Trong đó có một thuật ngữ gọi là sample clearing (tạm dịch: mẫu âm thanh đã được duyệt bản quyền). Để xin được bản quyền cho sử dụng một bài nhạc bạn phải liên hệ 2 người sau:

  • Người nắm giữ bản quyền tác giả
  • Người nắm giữ bản quyền của bản thu âm

Việc sử dụng mẫu âm với mục đích thương mại hóa chỉ hợp pháp khi bạn trả phí đầy đủ cho nó. Vậy còn đối với những sản phẩm sáng tạo không có mục đích thương mại? Điều này còn tùy thuộc vào quyết định của chủ nhân bản quyền tác phẩm. Nhưng hầu hết việc mà người sử dụng có thể làm là thể hiện sự tôn trọng đối qua cách ghi rõ nguồn gốc của tác phẩm đó.

Trên thế giới, việc sử dụng sample phổ biến như thế nào?

Trang WhoSampled (một trang web và cơ sở dữ liệu cung cấp thông tin về các mẫu âm thanh, các bản nhạc dựa trên mẫu âm thanh, các bài hát cover và bản phối lại) đã thống kê 10 ca khúc được sử dụng mẫu âm thanh nhiều nhất trên thế giới:

Trong đó, Amen, Brother của ban nhạc The Winston trở thành ca khúc được sử dụng sample nhiều nhất trong lịch sử âm nhạc - xuất hiện trong 5,359 ca khúc. Đặc biệt là phần solo trống được các nghệ sĩ dòng drum & bass, Hip-Hop rất ưa chuộng, sau này được gọi tắt là the "Amen Breaks". Bên cạnh đó, The Winston cũng trở thành nghệ sĩ thứ 2 được sử dụng mẫu âm thanh nhiều nhất, sau James Brown.

Một cái tên không thể bỏ qua trong việc sử dụng sample tinh tế là Nujabes. Ông là một nhà sản xuất âm nhạc/DJ người Nhật Bản. Đáng tiếc, Nujabes đã qua đời vào tháng 2/2010 trong một tai nạn xe hơi. Trong quãng thời gian hoạt động với âm nhạc của ông, có hai ca khúc đặc biệt mà giới Hip-Hop không ai không biết: Aruarian DanceFeather.

Aruarian Dance được Nujabes lấy mẫu âm thanh từ bản nhạc gốc là Pavane for a Dead Princess của Maurice Ravel. Vào năm 1969 - 70 năm sau khi Pavane for a Dead Princess ra đời, một nghệ sỹ guitar người Brazil tên là Laurindo Almeida đã thu âm phiên bản guitar phối lại. Nujabes đã sử dụng phiên bản đó cho tác phẩm của mình.

Còn đối với Feather, ông đã sử dụng mẫu âm thanh từ ca khúc Love Theme, được sáng tác bởi Newman vào năm 1953. Bản phối bởi Yusef Lateef ra đời vào năm 1961. Nujabes chỉ lấy 6 giây từ bản phối của Yusef Lateef để sử dụng trong Feather.

Sẽ còn rất nhiều ví dụ thú vị và những câu chuyện xoay quanh việc sử dụng mẫu âm thanh. Qua câu chuyện của Nujabes, chúng ta có thể thấy được họ đã dành thời gian và công sức nghiên cứu kỹ lưỡng, đầu tư cho một tác phẩm như thế nào.

Còn Việt Nam thì sao?

Nhạc sĩ Trí Minh vào năm 2011 đã ra mắt Hanoi Love Stories - một album nhạc điện tử về Hà Nội. Hầu như toàn bộ album là nhạc không lời, ca khúc có lời duy nhất là Một Thế Giới Không Biệt Ly. Bên cạnh đó, hai bài sử dụng sample trong Hanoi Love Stories là Âm Hưởng Việt NamBay Lên Mặt Trăng Việt Nam.

Năm 2012, rapper Nah phát hành mixtape . Điều đặc biệt ở đây là hầu hết các ca khúc trong mixtape sử dụng sample các bài hát nổi tiếng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, như Một Cõi Đi Về, Cát Bụi, Ngẫu Nhiên, Chiều Một Mình Qua Phố.

Ngoài âm nhạc của Trịnh Công Sơn, có vẻ như Lê Cát Trọng Lý hay những giọng ca nữ cũng được khá nhiều rapper Việt Nam yêu thích và sử dụng chất liệu nước nhà vào ca khúc của mình. Có thể kể đến:

  • Đen - Chuyến Xe (sample từ ca khúc cùng tên của Lê Cát Trọng Lý)
  • Cam - Chuyến Xe (sample từ ca khúc cùng tên của Lê Cát Trọng Lý)
  • S.D Records - Đôi Bờ (sample từ ca khúc nhạc ngoại lời Việt, được thể hiện bởi Lê Cát Trọng Lý)
  • DSK - Vần 2 (sample từ tác phẩm Thét Nhạc của cố nghệ sĩ ca trù Quách Thị Hồ)
  • DSK - Ai (sample từ ca khúc cùng tên của Nhạc của Trang)

Tháng 1/2020, một nhóm các beatmaker/producer Việt Nam gồm Black Po, DUSTIN NGO 春風 chjuljnh, Soulju., và DJ Style D đã tạo nên sự kiện [loading...]. Tổ chức này đã kết nối các cá nhân có cùng sở thích trong cộng đồng và truyền tải cho khán giả Việt Nam hiểu được cội nguồn cảm xúc của nền văn hóa Hip-Hop, cách sử dụng mẫu âm thanh, cũng như có cái nhìn đúng đắn hơn về khái niệm nhạc lo-fi.

Bên cạnh các beatmaker, các DJ/Producer khác ở Việt Nam cũng thường xuyên sử dụng sample cho các sản phẩm của mình.

Như DJ Jase, trong bài Về Với Em Đi anh đã sử dụng sample bài Bắt Đền được thu âm trước 1975 của cặp đôi ca sĩ Hùng Cường - Mai Lệ Huyền. Những ca khúc của DJ Jase thường xuyên lấy sample nhạc Việt Nam, tạo ra một vibe rất riêng của anh cũng như chuỗi sự kiện nhạc underground BASS REPUBLIC tại TP.HCM.

Hay như Teddy Chilla, trong bài Conspiracy của mình, anh đã sử dụng sample là tiếng đàn tranh Việt Nam cùng với giọng nói của cố giáo sư Trần Văn Khê. Teddy chia sẻ: "Thực ra câu từ thầy Khê nói trong bài nhạc không phải là thầy nói liền một mạch, mà mình đã phải nghe đi nghe lại bài phỏng vấn gần 2 tiếng của thầy, cắt, ghép từng chữ lại rất nhiều lần để có được thành phẩm cuối cùng là đoạn lyrics như mọi người nghe thấy trong bài."

Một ví dụ khác là Larria. - DJ/producer trẻ hiện đang hoạt động tại TP.HCM. Anh được biết đến với cách sử dụng sample nhạc thập niên 90-2000. Larria. lấy cảm hứng từ Soul, R&B, Funk, City Pop,… và bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu về nguồn gốc và thử nghiệm sử dụng trên các thể loại như Trap, Phonk, Boombap, Vaporwave.

Có thể kể đến một số tác phẩm quen thuộc của anh như Cho Nhau Tình Yêu (sample từ ca khúc cùng tên của Ngọc Lan) hay Tóc Ngắn (sample từ ca khúc cùng tên của Mỹ Linh).

Tạm kết

Sample và văn hóa sampling đã, đang và sẽ là một phần quan trọng của sự phát triển của âm nhạc thế giới. Việc thực hành nó cũng là một cách để các nghệ sĩ thời nay bày tỏ sự tôn kính của mình với thành quả xây dựng và nền móng của các thế hệ đi trước.

Trong tương lai, sample có lẽ sẽ được biến thể theo nhiều cách trong các tác phẩm nghệ thuật khác nhau. Thứ "phụ gia" này đôi khi sẽ biến một bài hát bình thường trở thành "mĩ vị", một tác phẩm tuyệt vời.

* Bài viết được đóng góp tư liệu bởi Lê Thành Trung (Black Po), Nguyễn Trường Di (Larria.), Nguyễn Đức Trung Tuấn (Teddy Chilla) và Huỳnh Phương Duy (CHARLES).


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục