Sáng tạo không phải lúc nào cũng “cao siêu”

Mọi thứ đều là sáng tạo, chúng chỉ khác nhau về “nồng độ”.
Hoàng Nguyễn
Nguồn: Gül Işık/ Pexels

Nguồn: Gül Işık/ Pexels

Sản phẩm sáng tạo vẫn thường được tin rằng phải là một thứ gì đó độc đáo, mới lạ và nguyên bản. Trong đó “sự nguyên bản” thường xuyên là một chủ đề gây tranh cãi.

Nhưng cá nhân mình thì tin rằng không có thứ gì là “nguyên bản” theo nghĩa: nó là phiên bản đầu tiên, duy nhất tự hình thành. Bởi ngay cả bản thân chúng ta, dù đều “là duy nhất”, cũng không hoàn toàn là nguyên bản.

Nếu nói dưới góc nhìn khoa học, chúng ta được thừa hưởng gen từ bố mẹ, ông bà mà tạo nên năng lực nhất định về thể chất và tâm trí. Giải thích dưới góc nhìn của Phật giáo thì những gì chúng ta có được ở kiếp này là quả đến từ nhân được gieo trồng qua nhiều tiền kiếp, khi gặp đủ duyên các ý tưởng sẽ nảy mầm.

Nói như vậy nghĩa là ngay cả bản thân chúng ta, thứ thường được cho là “nguyên bản” nhất cũng không đến từ hư vô, mà là tổng hợp của nhiều thứ chúng ta bị động và chủ động chọn lấy trong cuộc sống này.

Vì thế, mình cho rằng sáng tạo tồn tại trong mọi khía cạnh khi chúng ta tương tác với thế giới xung quanh. Chúng chỉ khác nhau về “nồng độ”.

Sản phẩm cá nhân phục vụ cho cuộc sống thường ngày thường có nồng độ sáng tạo thấp nhất

Trong các hoạt động hằng ngày, chúng ta thường ít khi nhận ra rằng mình đang sáng tạo, vì kết quả của sự sáng tạo lúc này không cần tính mới, tính thay đổi quá rõ ràng. Trong đó, “tính mới” nghĩa là không cần phải tạo ra một thứ gì đó trước giờ chưa từng có ai làm. Nó chỉ cần mới với riêng bạn, bằng cách bạn làm những việc chưa từng làm, dùng những thứ chưa từng dùng. “Tính thay đổi” nghĩa là hành động bạn làm xong phải tạo ra sự thay đổi nào đó.

Bạn có thể chỉ cần làm theo đúng một công thức có sẵn nào đó (và chỉnh sửa đôi chút) là đã có thể thu về được một kết quả vừa đủ tốt, nghĩa là nó phù hợp với nguồn lực và hoàn cảnh của bạn, cũng như đáp ứng được giá trị mà cá nhân bạn tìm kiếm.

Ví dụ, khi nấu ăn, chúng ta có thể học theo một công thức trên mạng nhưng thay đổi một vài nguyên liệu cho phù hợp với khẩu vị của bản thân. Hay mỗi tháng chúng ta lại sắp xếp lại đồ đạc trong nhà theo một bố cục mới tham khảo từ trang tạp chí nào đó, để thay đổi sinh khí cho căn nhà cũng là biểu hiện của sáng tạo.

Tương tự, với các status trên mạng xã hội hay tin nhắn trao đổi hàng ngày, tinh thần sáng tạo cũng có thể hiện diện trong cách chúng ta lựa chọn từ ngữ, emoji, hay những chiếc meme không quá mới nhưng đủ để truyền tải thông điệp mình mong muốn một cách trọn vẹn nhất.

Ở mức trung bình là những công việc không thuộc “ngành sáng tạo”

Những công việc thuộc nhóm này thường được cho là không cần tới sáng tạo, nhưng thực tế, sự sáng tạo vẫn là một phần không thể thiếu.

Chẳng hạn một nhân viên kế toán có thể sáng tạo trong cách trình bày dữ liệu sao cho rõ ràng và dễ hiểu hơn, hoặc tìm kiếm các phương pháp mới để tối ưu hóa quá trình làm việc, giảm thiểu sai sót. Hay một người làm nhân sự cần nghĩ ra các phương pháp tuyển dụng mới, các chương trình đào tạo, hoặc ý tưởng có thể ứng dụng trong văn phòng để tăng động lực làm việc cho nhân viên.

Sản phẩm sáng tạo ở đây bắt đầu cần tính thay đổi cao hơn cho phù hợp với tổ chức và môi trường riêng biệt mà bạn ứng dụng vào. Sự thay đổi bạn tạo ra lúc này không chỉ ảnh hưởng đến bạn, mà có thể tác động đến nhiều người hơn như nhân viên, công ty, khách hàng.

Các sản phẩm có nồng độ sáng tạo đậm đặc nhất thường đến từ “ngành sáng tạo”, vì sao?

Trong những lĩnh vực như thiết kế, quảng cáo, làm phim, sáng tạo nội dung, thời trang, điện ảnh hay kiến trúc nội thất,… việc sáng tạo không còn là một yếu tố giúp gia tăng tính hiệu quả mà là một yêu cầu cốt lõi. Để có thể thu hút và tạo dấu ấn trong lòng khán giả, khách hàng, người làm việc trong lĩnh vực này phải luôn trau dồi kỹ năng sáng tạo của mình.

Ví dụ như, khi cắm hoa là một sở thích hằng ngày của bạn, bạn có thể không cần quá quan tâm đến việc phải cắm mỗi ngày một bình hoa với phong cách mới hoàn toàn, hay phải thể hiện được một thông điệp gì cụ thể, truyền tải được một giá trị văn hoá nào đó. Bạn chỉ cần cắm tự do, miễn là sản phẩm cuối cùng có vẻ vừa mắt.

Nhưng một khi bạn có ý thức liên tục đẩy nồng độ sáng tạo của mình lên cao, bạn để ý hơn tới tính mới, tính phù hợp, tính thay đổi, tính giá trị thì bạn có thể bắt đầu mở cửa hàng hoa và hành nghề cắm hoa, hoặc thậm chí trở thành một nghệ nhân cắm hoa. Trong đó, “tính giá trị” nghĩa là sự thay đổi bạn tạo ra phải mang đến tính tích cực, giải quyết được vấn đề để tạo ra các giá trị thực tế.

Ở những công việc này, sản phẩm tạo ra cần đáp ứng được đầy đủ các đặc tính sáng tạo ở nồng độ cao nhất có thể, vì như vậy “ngành sáng tạo” mới xứng đáng với tên gọi của nó.

Tuy nhiên, đây là lúc một hiểu lầm khác xảy ra. Có thể nhiều bạn sẽ nghĩ: Vậy các sản phẩm sáng tạo đậm đặc nhất hẳn phải là các tác phẩm nghệ thuật?

Không hẳn là vậy.

>>> Phần tiếp theo: Khi nào nghệ thuật không phải là sáng tạo, và ngược lại?

Nội dung bài viết được trích từ tựa sách “CÓ CÁCH - Nuôi dưỡng sự sáng tạo từ niềm tin có cách” mới phát hành của tác giả Hoàng Nguyễn. Cuốn sách giúp bạn tối ưu cuộc sống để “dễ thở” hơn nhờ kỹ năng và tư duy sáng tạo, hoặc giúp bạn sáng tạo tốt hơn nhờ tìm thấy “đúng cách”. Bạn có thể mua sách tại Tiki | Shopee.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục