Sau 13 năm Avatar vẫn là một “kỳ quan" của điện ảnh
Chỉ đạo diễn đúng 7 bộ phim truyện dài trong suốt 5 thập niên, nhưng James Cameron vẫn được công nhận là ông vua của Hollywood. Ông là kẻ có khả năng tạo ra những “kỳ quan” và những cuộc cách mạng của điện ảnh, với Terminator 1 & 2 (1984-1991), Titanic (1997) và Avatar (2009).
Sau khi tạo nên một cơn “địa chấn” vào năm 2009 và giữ vững ngôi vị số 1 tại phòng vé toàn cầu trong suốt 13 năm qua, Avatar vừa được tái phát hành với phiên bản 4K để “hâm nóng” lại tình yêu điện ảnh của fan hâm mộ.
Đặc biệt là trước khi James Cameron tung ra phần tiếp theo vào ngày 16/12 năm nay và 3 phần sequel nữa. Chúng sẽ được trình chiếu 2 năm mỗi phần cho đến năm 2028.
Đây là một chiến lược khôn ngoan của James để thử phản ứng của khán giả. Có lẽ, ông muốn thử xem họ có còn yêu mến hành tinh Pandora với chủng người Na’vi da xanh cao 3m và những con linh thú, khu rừng nhiệt đới tươi đẹp của họ hay không.
Sự hồi đáp của khán giả sau 13 năm – với kết quả số một phòng vé toàn cầu sau tuần tái phát hành vừa rồi, hẳn phải khiến James Cameron tự hào về “kỳ quan” điện ảnh của mình.
Avatar và hiện tượng giải trí điện ảnh mang tính toàn cầu
Hơn một thập kỷ với nhiều cuộc thay đổi khốc liệt diễn ra tại phòng vé, đặc biệt là sự lên ngôi của dòng phim siêu anh hùng, Avatar vẫn giữ vững ở ngôi vị bộ phim ăn khách nhất mọi thời đại với doanh thu được dự đoán chạm mốc 3 tỷ USD.
Với phiên bản tái phát hành này, James sẽ đưa khán giả trở lại hành tinh Pandora với nhiều cải tiến, nhất là chất lượng hình ảnh, âm thanh mà họ chưa được trải nghiệm ở phiên bản chiếu rạp lần trước.
Các khán giả nhỏ tuổi chưa từng xem Avatar ở màn ảnh rộng trước đây, phiên bản 3D ở định dạng 4K với độ phân giải cao, tốc độ 48 khung hình/giây trên màn hình IMAX có lẽ là trải nghiệm hoàn hảo nhất với bộ phim này.
Avatar có cốt truyện không mới và nó vẫn lộ một vài điểm hạn chế của những bộ phim siêu phẩm – như hầu hết các bom tấn khác. Điểm khác biệt chính là khả năng gây sửng sốt, vì giúp khán giả được chứng kiến một kỳ quan di động trước mắt mình. Thậm chí còn khiến họ có cảm giác chạm vào được, nhất là khi được thưởng thức với kính 3D.
Bối cảnh tương lai của bộ phim diễn ra vào năm 2154. Hành tinh trái đất lúc đó đã cạn kiệt năng lượng, loài người tìm cách giải quyết khủng hoảng an ninh năng lượng bằng cách xâm chiếm một hành tinh xa xôi là Pandora. Để từ đó khai thác một loại khoáng chất mới có tên là “unobtanium.”
Và cũng từ đây, James Cameron dẫn dắt khán giả bước vào một cuộc phiêu lưu vô tiền khoáng hậu của trí tưởng tượng. Nó được dệt nên bằng một cuộc cách mạng điện ảnh và tạo ra chúng bằng CGI.
Khán giả luôn phải choáng ngợp trước trí tưởng tượng và khả năng biến chúng thành hình ảnh sống động và sắc nét đến từng chi tiết của ông. Ví dụ là những phân cảnh mô tả hình dáng của người Na’vi da xanh với chiều cao 3m, rồi ánh mắt vô cùng linh hoạt và biểu lộ cảm xúc tinh tế.
Ngoài ra còn là những loài động vật hoang dã đầy mạnh mẽ, như loài rồng bay banshee, núi đá treo lơ lửng giữa không trung, cây thần khổng lồ, hạt giống của cây linh hồn (tree of souls)…
Có khi chỉ riêng hình ảnh Jake Sully (Sam Worthington) chinh phục được con rồng banshee, loài linh thú hung dữ chỉ được cưỡi bởi người Na’vi và bay lên không trung cũng đủ để khiến khán giả thỏa mãn, mà không cần phải quá quan tâm đến câu chuyện.
Tất nhiên, James Cameron chưa bao giờ là một người kể chuyện dở! Như đứng trước một kỳ quan của thế giới và chiêm ngưỡng sự vĩ đại của nó mà không cần phải quá quan tâm đến chi tiết, Avatar có lẽ đã chinh phục khán giả toàn cầu theo cách đó.
Đó là lý do mà người ta gọi bộ phim là một cuộc cách mạng điện ảnh, một kỳ quan điện ảnh. Nó gây sốt trên toàn thế giới, thu hút cả những khán giả chưa một lần đến rạp chiếu phim. Đặc biệt, nó khiến trên các mặt báo sôi động (hồi đó thì mạng xã hội còn chưa phổ biến như bây giờ) và tạo nên một làn sóng word-of mouth khiến ai cũng phải nói về.
Nói một cách ngắn gọn, Avatar là một "global phenomenon" - hiện tượng giải trí điện ảnh mang tính toàn cầu, mà Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Bộ phim xô đổ mọi kỷ lục trước đó và thiết lập nên những kỷ lục mới tại phòng chiếu - trên từng quốc gia ở phạm vi toàn cầu. Và nó kết thúc chặng hành trình chinh phục các rạp chiếu toàn cầu, bằng con số chưa có bất cứ một bộ phim nào có thể chạm được trước đó: hơn 2,8 tỷ đô la Mỹ.
Kỷ lục mới này đã chính thức hạ bệ một kỷ lục toàn cầu giữ vững như bàn thạch 12 năm trước đó, một "kỳ quan điện ảnh" khác của James Cameron: Titanic (1997).
James Cameron - “Tôi là vua của thế giới"
25 năm kể từ Titanic đến nay, tôi ngạc nhiên khi biết rằng James Cameron - kẻ tự nhận mình "I'm the king of the world" khi nhận tổng cộng 11 giải Oscar cho Titanic - chỉ làm đúng 2 bộ phim truyện.
Nhưng cả hai phim: Titanic và Avatar đều thay nhau thiết lập 2 kỷ lục ăn khách nhất trên toàn thế giới. Titanic giữ kỷ lục trong suốt 12 năm, rồi bị hạ bởi Avatar của chính cha đẻ ra nó. Avatar giữ kỷ lục trong suốt 13 năm sau đó (có một thời gian ngắn bị Avenger: Endgame vượt qua, nhưng nhanh chóng bị Avatar giành lại vị trí số một khi tái phát hành ở thị trường Trung Quốc).
Nghĩa là trong 1/4 thế kỷ qua, James Cameron vẫn là "vua của thế giới." Tất nhiên, nên hiểu câu nói có vẻ "ngạo mạn" này ở khía cạnh phòng vé.
Thực ra, khi James Cameron cầm tượng Oscar đưa lên ngang đầu và nói câu đó, ông ta muốn mượn lại lời của chàng Jack (Leonardo DiCaprio) trong Titanic. Đó là khi chàng ta đứng ở mũi con tàu lớn nhất thế giới ở thời điểm đó, trong cơn hưng phấn tột độ, phát ngôn ra câu nói "bốc giời" đó.
Điều đó cho thấy, dù là chủ nhân của những bom tấn có khả năng khuynh đảo phòng vé khắp thế giới, James Cameron lại là một đạo diễn làm rất ít phim, do tính cầu toàn và thích “chơi lớn” của ông.
Khác với Steven Spielberg hay Martin Scorsese, hai đạo diễn bậc thầy xuất hiện trước ông. Họ có số lượng phim lên đến con số vài chục từ thập niên 70 tới nay, James Cameron chỉ làm tổng cộng 7 bộ phim truyện từ đầu thập niên 80.
James Cameron (sinh năm 1954 tại Canada) khởi nghiệp với vai trò giám đốc nghệ thuật (Art Director) và bước vào ngành điện ảnh vào đầu thập niên 80. Do những đóng góp của ông trong quá trình sáng tạo, James được đôn lên vai trò đồng đạo diễn trong bộ phim Piranha II: The Spawning (1981) – một “thảm họa” mà ông chưa bao giờ thừa nhận nó.
James chỉ thực sự công nhận Terminator (Kẻ hủy diệt) ra mắt năm 1984 là bộ phim đầu tay của mình. Do không mấy tin tưởng vào thành công của nó, cộng với tên tuổi chưa được bảo chứng, bộ phim chỉ được đầu tư 6,4 triệu USD để sản xuất vào năm 1984. Cuối cùng, nó lại về đích với doanh thu gần 80 triệu USD, vượt qua mọi sự kỳ vọng của cả James Cameron lẫn hãng phim.
Ngay từ khi mới khởi nghiệp ở độ tuổi ngoài 30, James Cameron đã cho thấy ông có một trí tưởng tượng đi trước thời đại và khả năng biến chúng thành tác phẩm.
Phần tiếp theo ra mắt vào năm 1991 với tên gọi Terminator: Judgment Day mới thực sự biến bộ phim này trở thành kinh điển, với doanh thu lên đến hơn 500 triệu USD. Đồng thời biến nó thành một thương hiệu điện ảnh với nhiều tập phim điện ảnh, loạt phim truyền hình, truyện tranh, tiểu thuyết và trò chơi điện tử.
James Cameron đặc biệt yêu thích thể loại khoa học giả tưởng kết hợp với hành động hoặc kinh dị, thích đưa trí tưởng tượng của mình bay xa với những hành tinh khác, những cuộc chiến với các thế giới khác hay dưới lòng những đại dương sâu thẳm.
Aliens (Quái vật không gian) hay Abyss (Vực thẳm) – hai bộ phim được ông làm trong nửa cuối thập niên 80 tiếp tục thành công và khẳng định vị thế đạo diễn hàng đầu của ông.
James có khả năng tạo ra những bộ phim khiến tim khán giả vừa đập thình thịch trong lồng ngực ở một cảnh quay này, rồi lại ngừng đập ở một cảnh phim khác. Ông khiến adrenaline của họ dâng cao và khiến họ phải ngồi dán chặt vào ghế để thưởng thức cả bộ phim.
Từ những năm 80, nhà phê bình John Ferguson của tờ Radio Times đã gọi James Cameron là "vua của thể loại phim khoa học giả tưởng kết hợp với thể loại kinh dị khiến khán giả choáng ngợp."
Với tham vọng đó, ông đồng thời cũng tạo nên những cơn ác mộng cho những người cộng sự, từ các nhà sản xuất cho đến các diễn viên hợp tác với James. Các hãng phim sợ những bộ phim luôn vượt quá ngân sách đầu tư cộng với sự quyết liệt và tính cách “độc tài” trên trường quay.
Một số người còn cho rằng ông là kẻ tự cao tự đại, luôn bị ám ảnh bởi tầm nhìn và trí tưởng tượng của mình, nhưng không thể phủ nhận được đó là một “tầm nhìn đi trước thời đại.”
Nhà soạn nhạc James Horner lừng danh cũng từng bị James Cameron “tra tấn” với những đòi hỏi khắt khe khi hợp tác với ông để soạn nhạc nền cho bộ phim Aliens (1986). Đó hẳn là một trải nghiệm không mấy tốt đẹp khiến ông phải từ chối làm việc với Cameron trong suốt một thập niên sau đó.
Đến năm 1996, cả hai hàn gắn lại tình bạn và James Horner tiếp tục cộng tác để viết nhạc phim cho cả Titanic và Avatar vì chất “epic” của cả hai rất phù hợp với phong cách soạn nhạc của James Horner.
Kate Winslet cũng bày tỏ trải nghiệm “không vui vẻ gì” khi cộng tác với James Cameron khi làm Titanic vì những lần bị “tra tấn” trong các bể bơi khổng lồ suốt hàng giờ liền đến tím tái cả người để quay phim. Kate vừa “sợ hãi vừa ngưỡng mộ” James và từng nói rằng sẽ không bao giờ làm việc với ông nữa trừ khi được “trả nhiều tiền.”
Năm 2020, Kate Winslet được xác nhận tham gia Avatar 2 và lần này cô phải nín thở tới 7 phút để quay những cảnh dưới nước. Không cần phải nói ra, hẳn cô phải nhận được một khoản cát xê hậu hĩnh cho sự tái hợp này.
Jame Cameron và kẻ kiến tạo
Sau thập niên 80 khẳng định tên tuổi, thập niên 90 tiếp tục là giai đoạn đỉnh cao trong sự nghiệp và đưa James Cameron lên một tầm cao hơn, với 3 bộ phim lần lượt đạt được những cột mốc lớn hơn, bắt đầu với Terminator 2: Ngày phán xét (1991), sớm trở thành một bộ phim hành động, khoa học giả tưởng kinh điển.
Sau đó, ông giúp mua vui khán giả với bộ phim hành động hài vui nhộn True Lies (Lời nói dối chân thật) để rồi kết thúc thập niên này với bom tấn Titanic lập một loạt kỷ lục và vươn lên dẫn đầu phòng vé toàn cầu trong suốt 12 năm trời. Nó chỉ thực sự kết thúc triều đại vinh quang của mình khi bị xô đổ bởi một bom tấn khác của chính James Cameron: Avatar (2009).
Chỉ đạo diễn đúng 7 bộ phim trong suốt 5 thập niên, nhưng James Cameron đã tạo nên một sự ảnh hưởng lớn trong ngành công nghiệp điện ảnh ở Hollywood. Hầu hết các đạo diễn thương mại, đặc biệt là dòng phim bom tấn đều được truyền cảm hứng, đặc biệt là cách tiếp cận của ông với các phân cảnh hành động hay những đại cảnh khiến khán giả phải choáng ngợp.
Joss Whedon khi đạo diễn The Avenger (2012) thừa nhận vẫn bị cơn sốt của Avatar hay những bộ phim trước đó của Cameron “ám”, đặc biệt là cách xây dựng các nhân vật nữ anh hùng. Các bộ phim siêu anh hùng khác trong vũ trụ của Marvel hay DC cũng ảnh hưởng từ Avatar nhiều khi muốn xây dựng một thế giới khác biệt, một bộ tộc với sức mạnh tinh thần mà Black Panther, Aquaman và Wonder Woman… là những ví dụ.
Michael Bay luôn thừa nhận James Cameron là thần tượng của mình và được quyền cảm hứng để sử dụng máy quay 3D khi làm bộ phim Transformers: Dark of the Moon (2011). Ngay cả Baz Luhrmann cũng bị ảnh hưởng nhiều khi làm bộ phim The Great Gatsby (2013).
Con số đạo diễn thừa nhận ảnh hưởng bởi Cameron còn rất nhiều, như Peter Jackson, Neill Blomkamp và Xavier Dolan…
Một bí quyết khiến phim của James Cameron luôn chinh phục được khán giả là cho dù trí tưởng tượng và tầm nhìn của ông có đi xa và đi trước thời đại đến đâu, ông cũng luôn tìm cách để kéo chúng trở lại gần với người xem.
Phim của ông thường khai thác các chủ đề về các cuộc xung đột giữa con người và công nghệ, giữa con người với thiên nhiên, hay lòng tham, sự ngạo mạn của con người trước hiểm họa và từ đó đưa ra cái nhìn mang tính phản tỉnh, hoặc khiến họ phải soi chiếu lại bản thân.
Loạt phim Kẻ hủy diệt khuếch đại công nghệ như một kẻ thù có thể dẫn đến sự tàn phá của nhân loại. Titanic là một bộ phim thảm họa do con người quá chủ quan và tự tin trước những phát kiến công nghệ của mình.
Avatar cũng cho thấy, khi con người làm chủ công nghệ trong tay, họ trở nên ngạo mạn và xâm chiếm hành tinh khác, để rồi cuối cùng phải thua cuộc nhục nhã trước một bộ tộc sinh sống như thời nguyên thủy…
Một điều thú vị nữa là ông luôn tôn vinh các nhân vật nữ trong các bộ phim của mình và biến họ thành những người hùng thực sự.
Trong những phim đầu, ông đặc biệt yêu thích các nhân vật nữ mạnh mẽ và cơ bắp, như những chiến binh hành động mà Sigourney Weaver vai tiến sĩ Ellen Ripley (Aliens), Linda Hamilton vai Sarah Connor trong Terminator, Jamie Lee Curtis trong True Lies… là những ví dụ tiêu biểu.
Hai nhân vật nữ sau này là Kate Winslet vai Rose trong Titanic hay Zoe Saldana vai công chúa Neytiri của tộc người Na’vi trong Avatar, dù mềm mại nữ tính hơn, nhưng vẫn sở hữu những phẩm chất mạnh mẽ trong những hoàn cảnh khốn cùng…
Và điều cuối cùng khiến những bộ phim của James Cameron luôn chinh phục được người xem là vì ông luôn đề cao tình yêu và sự lãng mạn của con người. Hai yếu tố này làm nên sức hấp dẫn cho những bộ phim thiên về hành động, giả tưởng hay thảm họa. Titanic và Avatar, cơ bản đều là hai bộ phim về tình yêu và sức mạnh của tình yêu.
James Cameron cũng thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn: “Tất cả các bộ phim của tôi đều là những câu chuyện tình yêu.”