She-Hulk: Cái bẫy hoàn hảo của nữ quyền

Được viết, sản xuất và đạo diễn bởi một đội ngũ những nhà làm phim nữ tài năng, có lẽ She-Hulk đã giăng nên một cái bẫy hoàn hảo cho tư tưởng phản nữ quyền (anti-feminist).
Zack Lê
Nguồn: Disney+

Nguồn: Disney+

Ngày 8/9/2022, Marvel chính thức ra mắt tập đầu tiên của She-Hulk. Series này ngay lập tức trở thành “TV series Marvel bị ghét nhất bởi cộng đồng mạng.” Ngoài số điểm khán giả cực kì thấp như 5.1/10 tại IMDb và “cà chua thối” 50% trên Rotten Tomatoes, She-Hulk còn là “nguồn cảm hứng” cho hàng loạt video/bài viết/bình luận phân tích, chê bai và tức giận trên mạng.

Được dẫn dắt bởi một đội ngũ nhà làm phim nữ (đạo diễn, biên kịch, dựng phim,...), She-Hulk là một series chứa đầy những miếng hài và nội dung “cà khịa” văn hóa phản nữ quyền (anti-feminist) vốn đã luôn tồn tại trong văn hóa truyền thông và thông tin đại chúng. “Cái tát” thẳng thừng vào văn hóa độc hại này, qua She-Hulk, đã trở thành một cái bẫy cực kì hiệu quả dành riêng cho những khán giả ủng hộ lối suy nghĩ ấy.

Hulk = Những người chỉ muốn “giúp đỡ”

She-Hulk là danh xưng siêu anh hùng của Jennifer Walters, một luật sư. Sau một tai nạn xe, Jen dính phải máu của Bruce Banner (Smart Hulk) anh họ của cô và sở hữu siêu năng lực của Hulk.

Một trong những chỉ trích lớn nhất mà khán giả có cho She-Hulk là cách mà bộ phim tiếp cận mối quan hệ giữa Jen và Bruce. Họ cho rằng người viết nên kịch bản của She-Hulk đang hạ thấp, thậm chí sỉ nhục nhân vật Bruce Banner và những gì mà nhân vật này đã trải qua trong các bộ phim trước đó.

Jessica Gao, biên kịch chính của bộ phim, miêu tả She-Hulk là một mẫu siêu anh hùng Marvel điển hình, “những con người bình thường bị nguyền rủa bởi siêu năng lực của họ.” Jen chưa bao giờ muốn sử dụng năng lực của cô để trở thành một siêu anh hùng, cô xem nó như một điều cản trở cô tiếp tục cuộc sống và sự nghiệp luật sư của mình.

Tuy nhiên, vào tập 1 của bộ phim, Bruce Banner lại không đồng ý với lối suy nghĩ này. Anh cho rằng với siêu năng lực này, Jen có nghĩa vụ phải hi sinh cuộc sống cá nhân để bảo vệ Trái Đất. Mâu thuẫn của hai nhân vật Jen và Bruce bắt nguồn từ đây.

Đối với những khán giả chỉ trích bộ phim, cách mà Jen phản bác và chống cự lại với lời khuyên của Bruce thể hiện việc cô (và người viết nên kịch bản) không tôn trọng và hạ thấp giá trị “siêu anh hùng” của nhân vật Hulk. Họ đưa ra các hi sinh, lẫn chiến tích của Hulk nhằm phản bác lại với luận điểm “Xem những gì mà Hulk đã làm cho Trái Đất này, Jen nên tôn trọng và nghe theo Bruce.”

Đây chính xác là cái bẫy đầu tiên được đặt ra bởi TV series này.

She-Hulk chưa bao giờ hạ thấp những hi sinh mà Bruce phải trải qua để bảo vệ Trái Đất, thay vào đó, bộ phim giải thích đơn giản cho khán giả rằng “trải nghiệm mỗi người với cuộc sống là khác nhau.” Dù cho Bruce có tin vào giá trị “siêu anh hùng” của mình đến mấy, dù cho mục đích anh muốn hướng tới có tốt đẹp đến mấy, Jen mới là người duy nhất có quyền quyết định cuộc sống của cô ấy.

Giúp đỡ chỉ mang nghĩa “ép người khác làm những gì ta cho là tốt nhất” khi chúng ta cho rằng trải nghiệm cuộc sống của ta là đúng và đầy đủ hơn trải nghiệm của người mà chúng ta đang “giúp đỡ.” Một khi chúng ta đang đặt bản thân lên một vị trí cao hơn, quyền lực hơn người đối diện, đó chính là phân biệt đối xử.

Thay vào đó, chúng ta cần phải học cách tin tưởng rằng người đối diện có đủ khả năng lựa chọn những gì tốt nhất cho họ. Chúng ta hoàn toàn có quyền không ủng hộ và hỗ trợ họ thực hiện quyết định ấy, nhưng điều ít nhất mà chúng ta có thể làm là tôn trọng chúng.

She-Hulk = Vai trò đến từ ngoại hình mà xã hội đặt lên phụ nữ

Jen chưa bao giờ muốn trở thành một siêu anh hùng, càng không muốn mang một cái tên như “She-Hulk.” Khi cô và Bruce giảng hòa, cô trở về với công việc luật sư và bất đắc dĩ phải sử dụng siêu năng lực để ngăn chặn một ác nhân. Mạng xã hội và các trang tin phát cuồng bởi điều này và đặt cho cô cái tên “She-Hulk,” gắn liền cô với cái tên của một siêu anh hùng khác.

Sau đó, Jen được mời trở thành luật sư đảm nhiệm cho bộ phận luật chuyên về những cá nhân có siêu năng lực tại một công ty luật danh tiếng. Sau khi được sếp yêu cầu phải ở trong dạng She-Hulk toàn thời gian khi đang làm việc, Jen nhận ra cô được mời về công ty vì cô là She-Hulk, chứ không phải vì năng lực luật sư của cô.

“Ủa trời, không lẽ đây là lí do họ thuê tôi hả? Tôi hoàn toàn đủ khả năng luật sư (để phụ trách công việc này nhưng tất cả mọi người ở đây sẽ nghĩ lí do duy nhất mà tôi được nhận vào làm là vì tôi là She-Hulk. Thật là không công bằng,” She-Hulk phá vỡ bức tường thứ 4 và nói với khán giả.

Đặt vào ngữ cảnh của bộ phim, ta có thể thay thế cụm “là She-Hulk” với cụm “có ngoại hình” và nhận ra mâu thuẫn chính của bộ phim. She-Hulk được sử dụng như một phép hoán dụ khá rõ ràng để nêu bật lên những trăn trở có thể đã xảy ra với không ít phụ nữ.

She-Hulk không phải vật lộn với cách kiểm soát bản ngã Hulk như Bruce Banner, cô cũng chưa gặp phải bất cứ ác nhân “hủy diệt Trái Đất” nào vì hành trình của nhân vật của cô không đòi hỏi những trở ngại như trên. Thay vào đó, hành trình của Jen là học cách sử dụng siêu năng lực của cô để chứng minh giá trị của bản thân như một luật sư.

Những cuộc đấu tranh cho bình đẳng không bao giờ, và chưa bao giờ nên hướng đến việc tạo cân bằng về điều kiện phát triển (equality of oppoturnity). Thay vào đó, ta cần nhận ra rằng mỗi giới tính, mỗi cá nhân đều sở hữu những điểm mạnh, điểm yếu rất khác nhau. Vì thế nhu cầu để phát triển tốt nhất của từng người chắc chắn sẽ khác nhau. Thứ mà chúng ta, xã hội nên hướng tới là đấu tranh cho công bình (equity) nơi từng người được trao cho điều kiện tốt nhất nhằm phát triển và đạt đến một trạng thái bình đẳng về kết quả (equality of outcome)

Yếu tố tôn vinh và trao quyền cho phụ nữ của She-Hulk có lẽ không có bất kì điều gì liên quan tới đàn ông. Jen là một luật sư, nhận ra siêu năng lực của bản thân và tận dụng điều đó để tự cho mình quyền được lựa chọn cách mà cô sử dụng chúng: phát triển sự nghiệp của bản thân và bảo vệ những giá trị mà cô tin tưởng, mặc kệ những lời chỉ trích của cư dân mạng.

Phim không hay không phải vì nữ quyền

Trong một hệ thống truyền thông và điện ảnh vốn đã luôn được thống trị bởi góc nhìn nam giới, bởi đàn ông, cho đàn ông suốt hàng thập kỉ, một bộ phim chỉ trích và “cà khịa” thẳng vào văn hóa này, có lẽ sẽ khó được nuốt trôi bởi những khán giả vốn đã quá quen với những Fight Club, Joker,...

She-Hulk tốt hay tệ, tất nhiên tùy thuộc hoàn toàn vào ý kiến của từng cá nhân.

Tuy nhiên, có lẽ ta cần làm rõ rằng nữ quyền không khiến một bộ phim hay hơn hay dở đi. Nữ quyền là một cuộc đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ. Nữ quyền sẽ không trở thành “một chủ đề lỗi mốt trong 2022 và những nhà làm phim nên nói về những chủ đề khác,” vì nữ quyền vốn chưa bao giờ chỉ là một chủ đề phim cả.

Một bộ phim nói về nữ quyền trở nên tốt hay tệ, tùy thuộc vào cách mà nhà làm phim hiểu và thể hiện cuộc đấu tranh bình đẳng này. Tất nhiên, để có thể bắt đầu đánh giá một bộ phim dựa trên cách mà bộ phim thể hiện nữ quyền, có lẽ việc đầu tiên mà khán giả nên làm là hiểu về chúng trước.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục