“Sống thật” với cảm xúc - Mấu chốt giúp bạn thực sự “sống tốt”
Bạn nghĩ gì khi nghe về một người “sống quá cảm xúc”?
- “Sao mày nhạy cảm thế?”
- “Tính em hơi nghệ sĩ, làm chung với anh không hợp đâu”
- “Lý trí lên!”
Trong xã hội hiện đại, những người đa sầu đa cảm thường dễ bị dán nhãn nhẹ dạ yếu đuối, người càng ít bộc lộ cảm xúc, lại càng được trọng dụng và ưa chuộng hơn.
Niềm tin này từ đó sản sinh ra một thế hệ sợ “sống thật” với cảm xúc của mình: Một nhân viên không dám nghỉ làm ở môi trường độc hại vì sợ bị chê tinh thần yếu, một người không dám chia tay người yêu vì nghĩ lỗi tại mình nhạy cảm.
Giữa nhiều mâu thuẫn nội tại, ta dần không hiểu mình muốn gì, chẳng biết mình là ai, và ranh giới giữa sống thật - sống giả bắt đầu mờ dần đi.
Theo thầy Minh Niệm trong Podcast Bạn Thân Bản Thân, đây là vấn đề của phần lớn người trẻ hiện đại, khi ta mất kết nối với chính mình và cam chịu đóng vai một ai đó suốt phần đời còn lại.
Điều tệ nhất có thể xảy ra là gì? Hãy ngồi lại, thong thả cùng bài viết này bóc tách từng lớp “vỏ bọc” của bản thân, hy vọng giúp bạn phần nào trả lời được câu hỏi “Mình là ai giữa cuộc đời?”.
Vì sao chúng ta ngại phơi bày cảm xúc thật?
Ai cũng biết mình tỏa sáng nhất khi là chính mình. Nhưng nói thì dễ, làm thì không.
Thực tế cuộc sống còn chứng minh ngược lại: Một số người thực sự thấy hài lòng thoải mái hơn khi họ… không là chính mình. Vì rủi ro của việc sống thật là quá lớn. Sợ mọi người quay lưng, sợ gia đình thất vọng, sợ các mối quan hệ tan vỡ,... ti tỉ thứ trên đời có thể khiến bạn chùn bước không dám bộc lộ suy nghĩ thật.
Bạn trông có vẻ ổn thỏa với lựa chọn gồng mình, phần vì nó giúp bạn hòa nhập và yên ổn với kỳ vọng của mọi người, phần vì việc quay ngược dòng để sống thật, sẽ tốn quá nhiều sự hy sinh và công sức. Được là chính mình thôi, sao nghe thật xa xỉ.
Bỏ bê cảm xúc bên trong: Tiền đề cho những đau khổ bên ngoài
Bạn có quen miệng nói “tôi ổn” dù bên trong vụn vỡ?
Bỏ bê cảm xúc quá lâu khiến bạn dần mất luôn khả năng xử lý cảm xúc nếu chúng bộc phát. Chính bạn còn loay hoay không biết xử sự thế nào khi bị tổn thương. Điều này giải thích vì sao bạn cam chịu ở lại trong những mối quan hệ độc hại, hay phớt lờ cách đối xử tệ của người khác với mình.
Vì cảm xúc bạn đã bị kìm nén đến tê liệt, bạn biết có gì đó không ổn, nhưng lại không thể thoát ra. Bạn không công nhận những nỗi đau bên trong mình, nên cũng lúng túng không biết hành xử bên ngoài ra sao để bảo vệ mình khi bị thương tổn.
Đây có thể là giai đoạn khó khăn nơi bạn tiến không được, lùi không xong, và cảm thấy mất kiểm soát với gần như mọi mặt cuộc sống. Tất cả xuất phát từ sự mất kiểm soát với chính mình.
Làm sao để hàn gắn lại kết nối với bản thân đây?
Trở về với bản thân, bắt đầu từ 2 chữ “chấp nhận”
Chấp nhận mình, cả những điều đẹp đẽ và xấu xí
Theo thầy Minh Niệm, quá trình tìm về bên trong đơn giản chỉ bắt đầu bằng 2 chữ: Chấp nhận.
Chấp nhận là nhận biết, nhận diện, tỉnh ra, và gọi tên “điều gì đang xảy ra bên trong bạn?”. Chấp nhận là bước đầu tiên quan trọng trong tiến trình trị liệu, cũng là bước khó khăn nhất của tất cả mọi người.
Bạn có dám chấp nhận mình gặp vấn đề tâm lý? Rằng mình luôn bất ổn? Và mình cần trị liệu?
Đôi khi lòng tự trọng hay sĩ diện không cho phép bạn thể hiện khía cạnh mềm yếu. Ngay cả khi được bác sĩ tâm lý chẩn đoán mắc trầm cảm hay rối loạn lo âu, một số người vẫn xem nhẹ, phớt lờ, và cho rằng “sự nghiệp quan trọng hơn” để lao theo.
Chấp nhận tương tự như giương cánh tay ra hiệu “tôi cần giúp đỡ” để tiến trình trị liệu được diễn ra. Hành động này không hề yếu đuối như nhiều người vẫn nghĩ, trái lại nó là cử chỉ mạnh mẽ nhất mà một người có thể tự cứu lấy chính mình.
Một kỹ sư trẻ bạn tôi ở Mỹ với thu nhập gần 9000 đô mỗi tháng vẫn đi trị liệu tâm lý sau thời gian xa xứ. Nghe cậu ấy thú thật về việc mình đi trị liệu, tôi nhận ra bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể gặp vấn đề tâm lý. Và việc thành thật rằng bản thân mình bất ổn, mới là đích đến cao nhất trong sự phát triển nhận thức con người.
Ngược lại, che đậy, đánh tráo, né tránh việc mình đang gặp vấn đề, sẽ là tảng đá chặn đứng quá trình hồi phục của chúng ta.
Chấp nhận mọi rủi ro xảy đến, khi mình là chính mình
Bên cạnh việc an tĩnh với khu vườn bên trong, bạn cần thêm chút bản lĩnh để vượt qua những xáo động bên ngoài sau khi bạn thay đổi.
Hầu hết chúng ta đều đang sắm nhiều vai trò khác nhau trong cuộc sống, và việc bứt khỏi vòng lặp này để sống thật với bản thân, cần nhiều chút thông minh và bản lĩnh.
Thầy Minh Niệm thật lòng chia sẻ rằng, nhiều người vẫn gọi thầy là “Thiền sư showbiz” với tần suất hoạt động nhiều trước công chúng. Thầy xem đó là điều phải chấp nhận. Chấp nhận để thầy được tiếp cận gần hơn với những ai cần giúp đỡ, chấp nhận để thầy được truyền tải nhiều giá trị hơn đến cộng đồng.
Thầy biết trước cái giá phải trả, và việc chấp nhận này giúp thầy nhẹ lòng hơn khi là chính mình. Đó là lý do, bản lĩnh là cần thiết trong giai đoạn này.
Cuộc đời bên ngoài thay đổi như thế nào, khi ta “sống thật” từ bên trong?
24 tiếng một ngày, thực ra không lúc nào là ta sống không cảm xúc.
Diễn biến cảm xúc xảy ra gần như mọi lúc mọi nơi: Ta vui vì dậy sớm, bật cười vì 1 dòng tin nhắn, hay bất ngờ khi được sếp khen thưởng. Ta có nhiều cảm xúc hơn mình nghĩ. Và nắm bắt được cách vận hành cảm xúc, ta gần như đã “nhảy cóc” được một quy luật then chốt trong cuộc đời.
Đức Phật đã nói, thực ra những gì tồn tại bên trong mới là thứ quyết định cách ta hạnh phúc và khổ đau bên ngoài. Nếu bạn thấy cuộc sống mình vẫn nhiều ảm đạm hơn tươi sáng, liên tục bất mãn người này chuyện kia, rất có thể “khu vườn tâm trí” bên trong bạn đã bị quên lãng từ lâu.
Hãy dừng lại, chăm sóc khu vườn ấy, trước khi bấu víu vào khu vườn của người khác nơi bạn không hề kiểm soát được gì. Bạn có thể tập viết lách, nghe podcast, sống chậm lại để thực sự lắng nghe mình từ bên trong. Dành ít thời gian cuối ngày ngồi lại với bản thân, ngẫm nghĩ xem mình có đang thật sự hạnh phúc.
Xa hơn khi mỗi người đều đã làm chủ được khu vườn cảm xúc của riêng mình, ta có thể hiểu cách người khác “vận hành” để tập sống chung với họ trong mọi mối quan hệ xã hội: đồng nghiệp, bạn bè, người yêu,... Bạn sẽ biết ai hợp và không hợp, để đồng hành cùng bạn đường dài.
Không phải tự nhiên mà một số người có kỹ năng làm việc nhóm tốt, họ đều phải trải qua một quá trình dài trở về bên trong hiểu rõ chính mình, hết “học” về bản thân rồi lại “học” về người khác, rồi mới hòa hợp tốt hơn với xã hội.
“Hãy cứ thong thả tự sửa mình”. Đây là câu tôi tâm đắc nhất trong Tập 2 Podcast Bạn Thân Bản Thân.
Thong thả, vì hành trình này không thể nóng vội. Thong thả, vì chỉ khi bình yên lòng không chút gợn sóng, bạn mới bắt đầu thực sự sống cuộc đời mà mình mong.
Không dễ để giải mã bài toán “Mình là ai giữa cuộc đời?”. Bước đầu tiên trên hành trình tìm mình, chính là chấp-nhận cảm xúc mình. Nhưng ta cần chấp nhận như thế nào, và điều chỉnh cảm xúc ra sao để không đi quá giới hạn?
Tập 2 của Podcast Bạn Thân Bản Thân - Được là chính mình - đã sẵn sàng cùng bạn bóc tách từng lớp vỏ bọc của bản thân. Cùng ngồi lại, thưởng một tách trà, lắng nghe podcast và gặp gỡ host Thùy Minh, thầy Minh Niệm nhé.