Các ứng dụng quản lý tài chính có thực sự giúp bạn chi tiêu tốt hơn?

Sau 1 năm sử dụng ứng dụng để quản lý tài chính, mình đạt được điều gì?

Hải Phong
Các ứng dụng quản lý tài chính

Các ứng dụng quản lý tài chính

1. Vì sao mình bắt đầu dùng ứng dụng quản lý tài chính? 

Các vấn đề mình gặp trong việc quản lý tài chính

Khó theo dõi các khoản thu chi: Các nguồn tiền của mình phân bổ ở khá nhiều nơi như tiền mặt, các tài khoản ngân hàng, quỹ đầu tư và cả cổ phiếu. Vì vậy, mình thường gặp khó khăn trong việc theo dõi và thống kê các khoản thu nhập, lợi nhuận và chi tiêu. 

Không có kế hoạch cụ thể: Hầu hết các công việc của mình là freelance (làm tự do) nên nguồn thu nhập thường không ổn định. Do đó mình cũng thường không có một kế hoạch hay ngân sách chi tiêu cụ thể.  

Chi tiêu quá tay: Mình thường chi mà không nghĩ ngợi nhiều khi đi gặp bạn bè do những lúc đó tâm trạng vui vẻ. Tuy nhiên việc này lại khiến mình quen dần với việc chi tiêu không nghĩ ngợi và đôi lúc “vung tiền quá đà".

Mục tiêu cần đạt được sau khi sử dụng

Có được bảng thống kê chi tiêu định kỳ hàng tháng: Điều này sẽ giúp mình nhìn lại những gì đã chi tiêu trong tháng trước, từ đó biết điều chỉnh hợp lý hơn cho những tháng tiếp theo. 

Đặt ra được ngân sách cụ thể cho việc chi tiêu: Ngân sách mặc dù không thể thật sự ngăn mình chi tiêu quá tay nhưng sẽ là một cách hiệu quả để cảnh báo về những khoản chi vượt quá khả năng.

2. Những ứng dụng quản lý tài chính cá nhân mình đã từng trải nghiệm

Money Lover

Money Lover là một ứng dụng quản lý tài chính cá nhân khá nổi bật trong thời gian gần đây. Điểm đặc biệt là ứng dụng này được phát triển bởi người Việt Nam nên có phiên bản tiếng Việt hoàn chỉnh. Với đầy đủ những tính năng cần thiết cho việc quản lý tài chính cá nhân, mình sử dụng Money Lover với mong muốn có thể giải quyết toàn bộ vấn đề của bản thân. 

Điều mình thích nhất ở Money Lover là nó cho phép liên kết “ví” với một số tài khoản ngân hàng nội địa và quốc tế. Bất cứ giao dịch nào xảy ra trên tài khoản ngân hàng cũng sẽ được tự động cập nhật trên ứng dụng.

Ngoài ra, những tính năng như bảng thống kê tài chính tới ngân sách chi tiêu đều được ứng dụng cung cấp đầy đủ.

Buddy

Buddy là một ứng dụng quản lý tài chính cá nhân với điểm mạnh là tính năng phân bổ ngân sách chi tiêu (budget). Mình sử dụng ứng dụng chủ yếu là để trải nghiệm cách lập một kế hoạch chi tiêu cụ thể. 

Ứng dụng cung cấp đầy đủ những tính năng cần thiết để có thể tạo ra một ngân sách định kỳ. Buddy cũng cho mình biết số tiền còn lại mình có thể dùng để tự bản thân cân đối chi tiêu.

Tuy nhiên mình rất khó làm quen với giao diện của ứng dụng cũng như cách điều khiển một số tính năng. Mình cũng mất khá nhiều thời gian để hiểu cách vận hành của tính năng tạo ngân sách. 

Bobby

Bobby là một ứng dụng chuyên về quản lý các khoản đăng ký thanh toán định kỳ (subscription) điển hình là Netflix và Spotify. 

Ngoài hai ứng dụng này, bản thân mình còn sử dụng một số ứng dụng phải thanh toán định kỳ khác. Vì vậy, mình sử dụng Bobby để có thể tổng hợp toàn bộ các khoản chi này vào một nơi.

Sau thời gian sử dụng Bobby, thì hai nhu cầu của mình là: thống kê tổng số tiền cần trả mỗi tháng và thông báo khi đến hạn thanh toán đều được giải quyết. 

Điểm yếu của ứng dụng này theo mình là nó khá đơn điệu, chỉ có một tính năng duy nhất. Điều này làm cho ứng dụng trở nên không cần thiết nếu bạn không có quá nhiều khoản thanh toán định kỳ khác nhau.  

3. Điều gì xảy ra sau 1 năm sử dụng ứng dụng quản lý tài chính?

Các mục tiêu tài chính dần được giải quyết

Sau thời gian 1 năm trải nghiệm, những ứng dụng này đã giúp mình đạt được phần lớn của những mục tiêu đề ra. 

Nhờ cập nhật thường xuyên các giao dịch mà cứ mỗi tháng mình sẽ có một bản thống kê chi tiêu rất đầy đủ. Mình sẽ có những thông tin như mình đã chi bao nhiêu tiền, chênh lệch của thu nhập và chi tiêu trong tháng và những khoản mà mình đã chi tiêu nhiều nhất. 

Đây là nguồn thông tin hữu ích để mình có thể tự điều chỉnh tài chính cá nhân của bản thân.

Tuy nhiên, ứng dụng chỉ là công cụ hỗ trợ và các công việc khác như cập nhật giao dịch, phân bổ ngân sách,... phải làm thủ công. Chính vì vậy đôi lúc mình sẽ quên mất mình cần phải làm những việc này dẫn đến làm gián đoạn mục tiêu. 

Những ứng dụng mình vẫn đang sử dụng

Hiện tại mình đang sử dụng cùng lúc hai ứng dụng là Money Lover và Bobby.

Do Bobby và Money Lover không liên kết với nhau nên mình đã phải tìm cách khác để theo dõi được cả các khoản chi cho việc đăng ký định kỳ, bên cạnh các chi tiêu thông thường.

Mình tập hợp toàn bộ khoản đăng ký định kỳ của mình trên Bobby để có thể theo dõi xem một tháng mình phải chi hết bao nhiêu cho những dịch vụ này. Còn Money Lover sẽ liên kết với ngân hàng để tự động cập nhật các giao dịch khi tài khoản mình bị trừ tiền bởi các đăng ký này.

Cách này dĩ nhiên vẫn chưa tối ưu vì mình vẫn phải so sánh hay lọc lại cả trên Bobby và Money Lover mới biết được khoản nào đã được thanh toán, khoản nào chưa và số tiền bao nhiêu.

4. Cách để tận dụng tối đa các chức năng của ứng dụng

Tạo thói quen quản lý tài chính cá nhân

Tạo dựng thói quen cập nhật chi tiêu sẽ giúp bạn có một thống kê chi tiêu định kỳ đầy đủ nhất. 

Thông thường, với những khoản tiền nhỏ lẻ như tiền gửi xe, phí ngân hàng… mình sẽ quên không thêm vào ứng dụng. Nếu để quá lâu thì mình sẽ quên hẳn luôn khiến cho nguồn tiền thực tế và số liệu trong ứng dụng chênh lệch nhau. 

Vì vậy, mình tự tạo cho bản thân một thói quen là cập nhật giao dịch ngay sau khi thực hiện hoặc kiểm tra toàn bộ giao dịch vào cuối mỗi ngày.    

Chọn lựa ứng dụng đúng nhu cầu và mong muốn

Các ứng dụng thường sẽ có đầy đủ những tính năng cần thiết. Tuy nhiên, tuỳ vào từng ứng dụng mà cũng sẽ có một vài tính năng nổi trội hơn như phân tích tài chính, phân bổ chi tiêu,... 

Cũng có những nền tảng chuyên dụng cho những mục đích khác nhau như quản lý các khoản đăng ký định kỳ, quản lý thẻ tín dụng và điểm tín dụng,... 

Vì vậy, khi muốn tải một ứng dụng quản lý tài chính cá nhân, bạn cần xác định rõ mục đích sử dụng của bản thân và tìm hiểu qua về các ứng dụng nổi bật. 

Áp dụng những phương pháp quản lý tài chính cá nhân

Những quy tắc và phương pháp quản lý tài chính cá nhân sẽ giúp bạn có kế hoạch cụ thể và biết cách chi tiêu hợp lý. 

Phương pháp mà mình vẫn đang áp dụng cho bản thân là nguyên tắc 50/30/20. Với quy tắc này, mình sẽ chia mọi khoản thu nhập của mình thành 3 phần, 50% cho nhu cầu thiết yếu (thuê nhà, ăn uống, xăng xe,...), 30% cho những mong muốn của bản thân (mua sắm, du lịch,...), và 20% sẽ dành để tiết kiệm nhưng mình thường sẽ đem đi đầu tư.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục