Suy ngẫm về lòng tốt: Vì sao ta tội lỗi khi “không thể giúp được nhiều”?

Lòng tốt luôn cần thiết trong xã hội, nhưng đôi khi nó trở thành gánh nặng cá nhân không đáng có. Nên tự nhắc bản thân thế nào để tránh khỏi trường hợp này?
Hoàng Nguyễn
Nguồn: Pexels

Nguồn: Pexels

Giữa những tranh luận xoay quanh việc từ thiện và sao kê trên mạng, mình đọc được một góc nhìn khá thú vị của một bạn trên Facebook. Bạn ấy đã thử tra cụm từ "xin lỗi" và nhận thấy rằng: ở phần lời nhắn khi chuyển khoản, có rất nhiều người áy náy vì họ chỉ có thể đóng góp một phần nhỏ. Bạn có thể đọc thêm phân tích về khía cạnh xã hội của vấn đề này trên trang cá nhân của bạn ấy.

Còn ở bài này mình muốn mở rộng thêm cách tiếp cận đi từ tâm lý bên trong của mỗi cá nhân.

Tại sao chúng ta cảm thấy có trách nhiệm và thậm chí tội lỗi khi không thể làm được nhiều hơn? Và nên tự nhắc bản thân thế nào để tránh khỏi trường hợp này?

1. Chúng ta bị đóng khung bởi tiêu chuẩn xã hội

Mình từng nhắc đến khái niệm “culturescape” trong tập podcast về 4 cấp độ nhận thức trên kênh @hoangthoughts.

Nói ngắn gọn thì nếu động vật sinh tồn trong khung cảnh tự nhiên (landscape), thì con người lại sống trong bối cảnh văn hóa (culturescape) của xã hội, nơi các kỳ vọng, áp lực và tiêu chuẩn đặt ra giới hạn cho chúng ta.

Chính trong bối cảnh này, như nhà tâm lý học Carol Gilligan đã chỉ ra trong nghiên cứu về đạo đức chăm sóc, con người thường phải đối mặt với sự đấu tranh giữa mong muốn đáp ứng kỳ vọng của xã hội và khả năng thực tế của bản thân. Khi không thể đáp ứng kỳ vọng xã hội, chúng ta dễ cảm thấy tội lỗi.

Lời tự nhắc: Đừng đốt cháy bản thân để sưởi ấm người khác.

2. Chọn sai giá trị cá nhân, hoặc thậm chí chưa có

Albert Ellis, cha đẻ của Liệu pháp Hành vi Cảm xúc, nói rằng chúng ta dễ rơi vào những niềm tin phi lý, như: "Tôi phải luôn giúp đỡ người khác" hay "Nếu không giúp được, tôi thật ích kỷ."

Nếu không nhận thức rõ về năng lực và các loại tài sản (kinh tế, con người, xã hội) của mình, chúng ta sẽ dễ rơi vào vòng xoáy so sánh với xã hội, có thể dẫn đến việc tự hoài nghi, hay thậm chí là tự chỉ trích. Sẽ càng tệ hơn khi xã hội đang đề cao các giá trị tài sản vượt xa khả năng của chúng ta.

Đây là mầm mống của sự hoài nghi và tự chỉ trích bản thân.

Lời tự nhắc (từ lời dạy của Bác): "Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình."

3. Gánh vác trách nhiệm không phải của mình

Từ nhỏ chúng ta đã được dạy rằng giúp đỡ người khác là một giá trị tốt đẹp.

Thậm chí, nhà tâm lý học Erik Erikson, trong mô hình phát triển tâm lý xã hội của mình, còn chỉ ra khái niệm “generativity” – nghĩa là chúng ta còn khao khát muốn đóng góp cho nhiều thế hệ sau. Và khi chúng ta cảm thấy không đủ khả năng để làm điều đó, cảm giác thất bại có thể xuất hiện.

Nhìn chung, chúng ta có xu hướng hay ôm đồm những trách nhiệm không phải của mình.

Giống như khi bạn chỉ cần nấu ăn, nhưng lại cố sửa điện dù không có kỹ năng. Sẽ càng nghiêm trọng hơn với những người mắc hội chứng “hy sinh mù quáng”. Nó thường xuất hiện ở những người có xu hướng lòng vị tha quá mức (over-altruism) hoặc hội chứng cứu thế (savior syndrome), nơi mà họ cảm thấy bắt buộc phải sửa chữa, cứu giúp người khác ngay cả khi điều đó gây tổn hại đến chính mình.

Lời tự nhắc: Chúng ta không thể cho đi những gì chúng ta không có.

4. Mặt tối của sự đồng cảm

Empathic guilt là thuật ngữ tâm lý chỉ cảm giác tội lỗi do sự đồng cảm gây ra. Khi mức độ đồng cảm của bạn ở mức cao, não bộ gần như trải qua cảm giác tương tự như tình huống của người bạn đang quan sát.

Ví dụ như chảy nước miếng khi thấy người khác ăn chanh, nhăn mặt khi thấy người bị thương,... Ở mức độ cao hơn, cảm giác này có thể trở nên mạnh mẽ đến mức thôi thúc bạn phải ra tay giúp đỡ, nhưng nếu hoàn cảnh không cho phép, bạn sẽ cảm thấy nội tâm bị dày vò.

Mặc dù sự đồng cảm giúp cải thiện các mối quan hệ xã hội, nhưng nếu môi trường xung quanh đang có quá nhiều tiêu cực, mặt tối của đồng cảm có thể gây ra nhiều rắc rối.

Lời tự nhắc: Chỉ khi chăm sóc tốt cho bản thân, bạn mới có thể giúp người khác.

Suy nghĩ cuối

Ở một xã hội quá đề cao giá trị vật chất, lòng tốt của bạn giống một ngọn đèn nhỏ le lói giữa những cơn gió lớn. Tuy mỏng manh, nhưng lại là một nguồn sáng tốt lành soi rọi.

Mình hy vọng bạn có thể bảo vệ được ngọn đèn của mình trước gió, để “truyền lửa”, thắp sáng thêm nhiều ngọn đèn khác.

Và bảo vệ, không chỉ là để nó không tắt, mà còn là để mình không bị bỏng.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục