Tạ Quốc Kỳ Nam: Được gì sau khi bỏ... sáu múi?
Hơn 10 năm đồng hành cùng Nhã Nam trong nghề thiết kế bìa sách, là content creator (người sáng tạo nội dung) với nhiều status chục nghìn ‘lai’, là production design, là diễn viên… Tạ Quốc Kỳ Nam biến hóa đủ vai trò, mà vai nào cũng thành công.
Hài hước, dí dỏm và đầy lạc quan là những năng lượng khiến tôi đặt Facebook của anh Nam trong mục “See first”.
Tôi luôn tin rằng những người lúc nào cũng lạc quan có một sự mạnh mẽ đáng gờm trong việc vượt qua những khó khăn cuộc đời quẳng lên vai họ. Và anh Kỳ Nam, với tôi, là một người như vậy.
(Xem thêm cuộc trò chuyện của Tạ Quốc Kỳ Nam tại đây)
Chữ bỏ gần đây nhất của anh?
Bỏ… một bo-đì sáu múi. Ngày xưa còn trẻ nên sung lắm, cái gì cũng cố làm, cái gì cũng quá nhiều. Thế là làm việc thì thức khuya. Đi gym thì phải trên 2 tiếng. Hoàn toàn không cho mình thời gian để hồi phục.
Cơ thể cũng có báo động bằng những đợt mỏi người. Nhưng anh không nghe. Tại sao phải nghe, khi mình còn khỏe, còn trẻ và còn rất vui.
Thế rồi một ngày cơn mỏi biến thành cơn đau, rồi mình không ngồi dậy được nữa. Mình biết đến khái niệm “đau cột sống” từ đó. Mình không tham gia những hoạt động nặng, cũng không ngồi một chỗ quá lâu. Lúc nào đi sự kiện cũng phải ‘nhá’ trước câu: “Em ngồi, đứng hay nằm gì, mọi người cũng cứ kệ em nha!”.
Chữ bỏ thứ hai sẽ liên quan đến điều gì?
Bỏ lối sống cũ.
Không ai tự dưng đang trẻ, đang ngày làm tới 9-10 giờ đêm tối đi quẩy tới 2 giờ sáng xong dậy lúc 6 giờ ngồi vào bàn làm việc vẫn ‘chạy’ trơn tru nghĩ tới chuyện chăm lo cho sức khỏe mình hết trơn. Hồi xưa suy nghĩ của anh lúc nào cũng vui vẻ, hạnh phúc, luôn nghĩ cuộc đời này rải đầy hoa hồng.
Rồi căn bệnh này xuất hiện và thay đổi anh 100%.
Cuộc sống này luôn vận hành theo cách công bằng nhất, vậy nên sau mỗi lần bỏ, thứ anh gặt hái được là…
Được một múi!
Được một kho tàng các kiến thức về sức khỏe, kinh nghiệm cuộc sống và công việc mà mình sẵn sàng chia sẻ cho người muốn nghe. Và cũng biết được rằng có những giây phút mình chỉ nên lắng nghe, chứ không đưa ra bất kỳ lời khuyên nào cả.
Được những mối quan hệ quan trọng, bên mình sau bao nhiêu bão to bão nhỏ.
Đôi lúc anh cũng ước mình được mãi trẻ trung và ngu ngốc như hồi xưa. Nhưng mà nghĩ lại, nếu mình cứ trẻ trung và ngu ngốc hoài, thì liệu mình có trưởng thành được không.
Nhiều người biết đến Kỳ Nam qua các content viral trên Facebook, nhưng ít người biết xuất thân của Nam là… thiết kế bìa sách. Anh đến với nghề này như thế nào?
Lúc chân ướt chân ráo vào ngành này, anh là người… không biết thiết kế. Email của anh khi gửi NXB Nhã Nam rất ngắn, bày tỏ việc dù học Báo Chí & Truyền Thông nhưng cũng rất muốn thử sức trong lĩnh vực thiết kế. Xong người ta đưa anh một chiếc bìa để thử sức thật.
Anh nghĩ thứ đầu tiên khiến người ta chịu cho anh cơ hội là bởi thấy sự chân thật trong email xin việc của anh. Còn cái thứ hai là do... thiếu người.
Mười mấy năm trong ngành khiến anh nhận ra rằng bằng cấp hay khả năng cũng không quan trọng bằng một chữ lì. Chữ lì đó đưa anh đến những giới hạn sáng tạo mới, như chiếc bìa Máu Lạnh - bìa đầu tiên tại Việt Nam không có tựa đề trên bìa (và cũng là tác phẩm cuối cùng được phép xuất bản mà không có tựa sách ngoài bìa).
Chặng đường từ một sinh viên Báo Chí & Truyền Thông bình thường tới danh hiệu “content creator” của anh ra sao?
Thử hết tất cả các thể loại. Dài có, ngắn có, chỉ một hai câu cũng có.
Nội dung thú vị vẫn có thể hút hồn người ta, dù nó chỉ được thể hiện trong vòng… 10 chữ. Đó là những gì anh trải nghiệm với Hoy đi nha. Hai nhân vật vẽ đúng một lần, quay trái quay phải, content đơn giản: “Ê mày”, “Gì mày”, “Hong có gì. Hoy đi nha”.
Nhiều lúc cũng không hiểu vậy có phải là giỏi, là tài không. Giỏi, tài gì mà có mười chữ. Vậy mà viral lên Táo Quân luôn.
Một trong những điều 'khó chịu' của các nội dung trên mạng là nó dễ bị đánh cắp. Anh đã từng đối mặt với việc này chưa?
Va chạm đầu tiên với việc không tôn trọng chất xám của anh là Hoy đi nha. Người ta in lên sổ, làm banner, poster… đủ thứ, nhưng không hề xin phép anh.
Thời điểm ấy cứ nghĩ mình bị thua thiệt gì ghê lắm. Nhưng giờ ngẫm lại, thấy nó nằm ngoài khả năng kiểm soát của mình. Mình không sinh hai nhân vật đó ra để kiếm tiền. Hai nhân vật ấy chỉ là cú hích đưa mình tới những nơi khác.
Mà sản phẩm của mình cũng chẳng thể thành công nếu không được sử dụng nhiều đến vậy.
Là người dùng con chữ làm (một trong số những) nghề, anh nghĩ hiện tượng "chơi chữ" nở rộ gần đây nói điều gì về cộng đồng mạng?
Anh nghĩ thời điểm nào thì người ta cũng “đói” caption và có nhu cầu được thấy mình dí dỏm. Ngày xưa mấy lời bài hát hay được copy làm status, giờ tiến hóa hơn thì dùng mấy câu chơi chữ để thả thính, để than thở.
Nhưng có lẽ bởi vì đặc điểm thuận tiện, nên sáng tạo content phải cực kỳ nhanh, câu phải dễ hiểu. Tại nhanh và dễ hot như vậy, nên thách thức của người làm content cũng là phải làm sao để tạo ra trend, chứ không phải vì theo trend mà đánh mất mình.
Năm 2021, Tạ Quốc Kỳ Nam sẽ khiến người theo dõi bất ngờ với những sản phẩm gì?
Thật ra anh là người sống không có kế hoạch. Có lẽ cũng bởi anh đã trải nghiệm đủ để biết mấy kế hoạch ít khi thành công (anh đâu có lên mục tiêu… bị đau cột sống đâu).
Chỉ có một hy vọng, là mình sẽ luôn khỏe. Là mình sẽ tiếp tục lắng nghe cơ thể mình. Tại anh nhận ra một điều mà tuổi trẻ của anh đã chưa kịp nhận ra, rằng trước khi mình làm bất kỳ điều gì, vẫn phải yêu mình trước.