Tại sao bạn tiêu tiền nhiều hơn khi không giao dịch với tiền mặt?
Hậu COVID, xã hội không tiền mặt lên ngôi để giảm các tiếp xúc không cần thiết giữa người với người. Mọi người dần trở nên quen thuộc với thói quen này, vì nó tiện lợi và đỡ "cồng kềnh".
Tất cả những gì bạn cần khi ra ngoài là một chiếc thẻ, hay đơn giản chỉ là chiếc điện thoại có ví điện tử. Chi tiêu với những thao tác nhanh gọn như quẹt thẻ, quét mã khiến tiền ngày một "bay màu" nhanh chóng mà chúng ta không hay biết.
Vậy thì, vì sao chúng ta đang "vung tay quá trán" trong những giao dịch hàng ngày của mình, khi không thấy tiền được hiện hữu trong tay?
Lòng đỡ phiền khi chi tiêu không tiền mặt
Cashless effect (Hiệu ứng không tiền mặt) nói về việc bạn có xu hướng chi tiêu nhiều hơn nếu không dùng tiền mặt. Giao dịch tiền mặt lúc này được tinh giản hơn, chuyển thành các hình thức như ví điện tử, chuyển khoản hay sử dụng thẻ.
Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện dựa trên hiện tượng này. Ví dụ, người ta có xu hướng tiêu nhiều tiền hơn cho các dịch vụ giặt sử dụng thẻ thay vì tiền xu.
Ngoài ra, một nghiên cứu tương tự của đại học MIT cũng cho thấy trong số người mua vé thể thao, nhóm thanh toán bằng thẻ thường trả cao hơn so với nhóm người thanh toán tiền mặt.
Tâm lý này đã được các trang thương mại điện tử áp dụng rất thành công khi tặng bạn mã giảm giá, qua đó thuyết phục bạn thanh toán trực tuyến. Vậy tại sao không sử dụng tiền mặt lại ảnh hưởng tới quyết định chi tiêu của chúng ta?
Mắt không thấy thì tim không đau
Nỗi đau tiêu tiền (pain of payment) trở nên vô hình khi bạn không cầm nắm hay cảm nhận trực tiếp sự ra đi của đồng tiền. Việc cảm nhận sự ra đi của tiền bạc thường đem lại nhiều cảm xúc tiêu cực. Đây chính là một dạng thiên kiến mang tên loss aversion (lo ngại mất mát).
Cảm xúc tiêu cực này mất hoàn toàn với hiệu ứng không tiền mặt. Khi không trực tiếp chạm vào tờ tiền, bạn khó hình dung được giá trị thực sự của nó. Điều này dẫn tới việc tiêu dùng quá độ.
Nó trở nên tệ hơn nếu bạn sử dụng thẻ ghi nợ, vì lúc này bạn sẽ có tâm lý đây không phải tiền của mình. Về lâu về dài, thói quen chi tiêu này dễ khiến bạn rơi vào cảnh nợ nần.
Không cảm nhận được sự vơi đi của tiền
Khi mua sắm với thẻ ghi nợ hay ví điện tử, chúng ta không cảm nhận được ngay là tiền đã vơi đi như khi sử dụng tiền mặt. Nếu bạn sử dụng thẻ ghi nợ thì cảm giác này còn rõ ràng hơn, vì tài khoản không bị trừ tiền ngay.
Cảm xúc chi phối hành vi rất nhiều, một khi bạn cảm thấy tiền mình vẫn như cũ, bạn quyết định mua tiếp! Đây là một dạng projection bias (tạm dịch: thiên kiến dự báo). Nó khiến ta đưa ra quyết định dựa trên một tầm nhìn ngắn hạn của hiện tại, thay vì nhìn sâu vào tương lai.
Bạn tin rằng tình trạng “có tiền" của mình vẫn sẽ kéo dài mãi trong tương lai, trong khi thực tế tiền đã vơi đi, chỉ là bạn không nhận thức được điều đó.
Xã hội khuyến khích chúng ta không dùng tiền mặt
Trong những năm vừa qua chúng ta dần phát triển thói quen mới với giao dịch điện tử. Sự bùng nổ của tiền mã hóa cũng khuyến khích xã hội chuyển mình trở thành cashless economy (nền kinh tế không tiền mặt). Và một khi cả xã hội đều khuyến khích thói quen này, hiệu ứng không tiền mặt càng được khuếch đại hơn.
Công nghệ khiến mọi thứ trở nên dễ dàng. Việc thanh toán và mua sắm có thể thực hiện chỉ trong vòng một thao tác. Các ứng dụng đăng ký (subscription) đều tự động trừ tiền mỗi tháng. Nếu không có tiền chúng ta vẫn có thể sử dụng dịch vụ mua trước trả sau.
Tất cả những điều này khiến thanh toán không tiền mặt khuyến khích chúng ta mở ví nhiều hơn. Đây là lý do mà người dân ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ hay Singapore lâm vào cảnh nợ nần nhiều hơn.
Chúng ta có thể làm gì?
Sử dụng tiền mặt cho những khoản chi tiêu lớn
Khi mua sắm những sản phẩm hay dịch vụ có giá trị lớn, thay vì lập tức thực hiện giao dịch điện tử, hãy thử quy đổi nó ra tiền mặt. Lúc trực tiếp đưa cho người bán khoản tiền mặt, chắc chắn bạn sẽ cảm nhận rõ hơn giá trị của số tiền cũng như những gì mình sắp cho đi.
Bên cạnh đó, bạn có thể rút tiền mặt cho những khoản chi tiêu mỗi tuần theo kế hoạch của mình. Việc cam kết chỉ sử dụng đủ một số lượng tiền mặt sẽ giúp bạn không “vui tay chốt đơn" nhiều hơn dự tính.
Áp dụng các phương thức tránh chi tiêu cảm tính
Có thể thấy, một trong những lý do chính khiến chúng ta bị ảnh hưởng bởi "cashless effect" chính là đưa ra quyết định dựa trên cảm xúc. Vậy nên, các bí kíp để tránh mua hàng quá độ cũng có thể được áp dụng trong trường hợp này.
Phổ biến nhất chính là thay vì ngay lập tức mua sắm, chúng ta có thể dành 72 tiếng để cân nhắc về việc có mua hay không. Bên cạnh đó chúng ta có thể hạn chế việc mua hàng online và nhận ra các bẫy mua sắm.
Nhận ra bức tranh tổng quan về tài chính của bản thân
Lên kế hoạch tài chính là bước đầu tiên giúp bạn dần thay đổi thói quen chi tiêu không lành mạnh của mình. Việc nhận ra sự mất cân bằng trong số tiền bạn làm ra và số tiền bạn tiêu sẽ tạo ra đủ động lực để thay đổi.
Bên cạnh đó, việc có được cái nhìn tổng quan về tình hình tài chính giúp bạn kỷ luật hơn trong các quyết định của bản thân.
Cách đơn giản nhất là tận dụng các phương thức theo dõi lịch sử thu - chi của ở các ứng dụng giao dịch điện tử. Đồng thời, cài đặt các thông báo về trừ tiền và nợ để giúp bạn luôn nhận thức được số tiền bản thân đang có. Bằng cách này, bạn sẽ dần lấy lại được sự tự chủ tài chính.