Tại sao chúng ta cứ ngại khi nói về tình dục?

Một bản năng rất đỗi con người sao lại khó nói đến thế?

Nguyên Đoàn
Tại sao chúng ta cứ ngại khi nói về tình dục?

Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

"Bố ơi, quan hệ tình dục là gì ạ?"

"Là khi dương vật của đàn ông gắn với âm đạo của phụ nữ. Điều đó cho họ khoái cảm, và sự kết hợp giữa tinh trùng đàn ông và trứng của phụ nữ có thể tạo ra em bé và tiếp tục sự phát triển của loài người."

Đây là lời giải thích của ông bố cho đứa con gái 8 tuổi của mình trong bộ phim Captain Fantastic (2016) khi cô bé hỏi đầy tò mò. Tuy dễ khiến người nghe đỏ mặt nhưng câu trả lời này lại mang đầy tính giáo dục, thỏa đáng, và thẳng thắn. Và chắc hẳn hiếm có bậc phụ huynh nào ở Việt Nam lại đủ dũng cảm để đưa ra một câu trả lời như vậy.

Không phải ngẫu nhiên mà theo thống kê của Google Trends, lượt tìm kiếm về ‘sex’ tại Việt Nam luôn đứng đầu các nước Đông Nam Á và xếp thứ 5 thế giới trong nhiều năm liền. Hay tại sao các diễn đàn mạng xã hội luôn xôn xao mỗi khi có người nổi tiếng nào đó bị phát tán clip ‘nóng’, trong khi đó là bản năng rất đỗi con người?

Thật đáng buồn là những lời phán xét, dè bỉu dưới bình luận, có lẽ là nơi duy nhất mà chúng ta thấy mọi người thoải mái khi bàn tán về tình dục, bởi vì khi đó không ai biết bạn là ai.

Ẩn ức tình dục là gì?

Ẩn ức ở đây có thể hiểu là những suy nghĩ, ý niệm hay cảm xúc bị kìm nén trong một khoảng thời gian dài, không được bộc bạch hay giải quyết. Hiện tượng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và hành vi của bạn trước vấn đề bị buộc phải dồn nén quá lâu — trong trường hợp này là tình dục.

Khái niệm này đã luôn là đề tài của nhiều tác phẩm văn học và điện ảnh từ xưa đến nay, có người tung hô chúng là nghệ thuật, nhưng cũng không thiếu những lời chê bai chỉ trích. Sự phân luồng này phần nào nói lên rằng: tình dục sẽ luôn là một chủ đề gây chia rẽ chừng nào ta chưa nhìn nhận thẳng vào vấn đề.

Nguyên nhân và hệ lụy

Từ bé, đa số chúng ta đã quen với thái độ lảng tránh của người lớn khi nhắc về quan hệ tình dục. Việc này vô tình khiến ta dần nghĩ rằng tình dục là một phạm trù riêng tư, cấm kỵ và có phần xấu xa. 

Ta thấy khó xử khi tivi chiếu những cảnh nóng bỏng khi đang xem cùng bố mẹ, bối rối trước những thay đổi của cơ thể khi dậy thì, không ngừng thắc mắc về các chủ đề giới tính nhưng lại không dám hỏi ai ở gia đình lẫn trường học vì sợ bị đánh giá, phán xét. 

Thế nhưng sự thiếu thốn tri thức luôn là thứ thúc đẩy trí tò mò và ham muốn tìm hiểu của con người. Một khi càng bị cấm đoán thì sẽ càng muốn biết, muốn làm.

Thay vì được giáo dục kỹ lưỡng, ta lại phải tự "học" bằng đủ mọi nguồn có thể. Tuy nhiên, ở độ tuổi ấy, việc thiếu kỹ năng chọn lọc lại khiến chúng ta dễ đi sai hướng và gánh chịu hậu quả đáng tiếc. 

Theo WHO, Việt Nam là nước có tỉ lệ nạo phá thai cao nhất Châu Á với trung bình 250,000 đến 300,000 ca mỗi năm (Nguồn: vnexpress.net). Dữ liệu cũng chỉ ra rằng lứa tuổi 13-19 chiếm đến 70% con số này. 

Sự việc đứa bé sơ sinh bị bỏ rơi giữa gờ tường bởi "người mẹ" là sinh viên 20 tuổi tại Hà Nội gây xôn xao các trang báo những ngày gần đây. Thật đáng buồn khi đó lại là một hồi chuông cảnh tỉnh, gióng lên trong vô vọng về những hệ lụy của ẩn ức tình dục không hồi kết tại Việt Nam nói riêng và các nước Á Đông nói chung. 

Chúng ta rồi sẽ ổn?

Từ trước đến nay, chủ đề giới tính luôn được nhà trường lồng ghép vào các bộ môn khác như sinh học hay sức khỏe. Điều này không những không mang đến hiệu quả truyền đạt cao mà còn khiến thông tin bị chồng chéo, nửa vời. Việc nên hay không nên đưa giáo dục giới tính vào chương trình giảng dạy đã được khuyến nghị trong nhiều năm, thế nhưng đến giờ vẫn chưa có định hướng nào rõ ràng, trong khi thế hệ trẻ thì ngày càng phát triển nhanh hơn về sinh lí, thể chất lẫn khả năng nhận thức tình dục.

Trong bối cảnh này, sự phổ biến của Internet đã giúp giải quyết phần nào vấn đề, dù không thể phủ nhận rằng đây là một con dao hai lưỡi. Nhờ nó mà người trẻ nước ta đã dần cởi mở hơn với tình dục bằng sự ảnh hưởng của văn hóa phương Tây. Nhiều chương trình, hội thảo và tổ chức giáo dục giới tính đã giúp giảm đi những định kiến sai lệch về tình dục.

Một khi trí tò mò không còn bị ức chế, các quyết định lệch lạc ở thanh thiếu niên cũng sẽ ít đi.

Tuy nhiên, nếu muốn thay đổi hoàn toàn một hệ quả đã kéo dài hàng chục năm thì không thể trông cậy vào cách nào khác hơn ngoài sự đổi mới từ chính xã hội và môi trường xung quanh. Hy vọng rằng trong tương lai, Việt Nam sẽ có những cha mẹ dũng cảm như ông bố ở đoạn trích dẫn trên — khéo léo và khai phóng con mình đúng cách.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục