Tại sao cơ hội tốt vẫn luôn né tránh bạn?
Hay, câu hỏi đúng phải là:
Bạn có đang né tránh cơ hội?
Nghe ngược đời phải không? Nhưng, có khi bạn đang “vô thức” chạy trốn cơ hội đấy.
Hãy điểm qua một vài ví dụ.
- Một vị trí bạn mong ước từ lâu đang đăng tuyển, nhưng trong bản JD (job description – mô tả công việc) lại có một vài kĩ năng bạn chưa biết. Bạn ngậm ngùi tặc lưỡi bỏ qua và đợi một bản JD khác vừa sức hơn.
- Bạn có một ý tưởng và thực sự tin nó sẽ giúp bạn chứng tỏ tài năng. Nhưng, khi bắt tay vào làm lại có quá nhiều trở ngại. Bạn buồn rầu gác lại kế hoạch và chờ đến lúc mọi chuyện dễ dàng hơn.
Nếu những điều trên khiến bạn đôi chút “giật mình” thì… có lẽ, câu hỏi ở trên cũng không hoàn toàn phi lý.
Đâu là điểm khác biệt giữa bạn và nhiều người thành công ngoài kia?
Nếu nhìn sâu vào câu chuyện vươn tới thành công của người nổi tiếng, bạn sẽ thấy những hành trình đầy trắc trở:
- Trước khi trở thành một tỷ phú giàu có, Jack Ma từng 2 lần trượt đại học, 10 lần bị Harvard từ chối và 30 lần xin việc thất bại. Ngay cả đến khi ý tưởng về Alibaba thành hình, ông cùng các đồng sự cũng phải mất đến hơn 4 năm mới có được thành phẩm ưng ý, thêm 3 năm chật vật, lao đao vì lỗ vốn liên tục.
- Park Jin Young, trước khi trở thành ông trùm truyền thông với tập đoàn giải trí JYP cũng đã phải nếm trải thất bại cay đắng. Ông bị đế chế giải trí SM từ chối thẳng thừng. Thậm chí, còn không có cơ hội để trở thành thực tập sinh.
Rõ ràng, các vĩ nhân không trở nên thành công sau một đêm. Điều duy nhất họ làm mà bạn vẫn chưa là: không bỏ cuộc.
Khi hành động, vận may của họ xuất hiện.
Bạn không thể trông chờ điều gì đó xảy ra nếu bạn không làm khác đi. Vì thế, hãy thay đổi suy nghĩ và bắt tay ngay vào hành động để dọn đường cho những cơ hội sắp tới.
Nếu chưa biết bắt đầu từ đâu, đây là một số gợi ý.
Chờ cơ hội đến? Hãy cho nó biết nên tìm bạn ở đâu!
Hãy mạnh dạn chia sẻ thật nhiều tài năng của bạn đến thế giới:
- Tích cực đăng những tác phẩm tâm đắc hoặc quy trình sáng tạo lên mạng xã hội, diễn đàn hay các trang hỗ trợ tạo portfolio (tổng hợp sản phẩm đã làm) online.
- Gửi CV đến những công ty hay ngành bạn muốn gia nhập.
- Tìm kiếm người hướng dẫn (mentor) trong lĩnh vực mong muốn, bạn có thể gửi mail, thậm chí nhắn tin trực tiếp tới các trang mạng xã hội của họ.
- Tham gia các sự kiện liên quan đến định hướng bạn tìm kiếm và thường xuyên trò chuyện, thảo luận về những dự án của bạn hay những người đồng tham gia.
- Thường xuyên bình luận, chia sẻ quan điểm và kiến thức của mình trên các nhóm mạng xã hội, website của các chuyên gia trong ngành muốn hướng tới.
- …
Càng được nhiều người biết tới, phần trăm cơ hội đến với bạn càng nhiều. Càng mạnh dạn mở lòng với thế giới, càng có nhiều người đáp lời bạn.
Cơ hội tốt sắp đến, nhưng liệu bạn đã đủ “tốt” để chớp lấy?
Quay trở lại câu hỏi đầu bài, khi bạn do dự chẳng dám ứng tuyển vì sợ hãi trước những kĩ năng mình không có. Bạn có chắc chắn tình trạng ấy sẽ không quay trở lại?
Để “kịch bản” đau lòng trên không xảy ra, hãy bắt tay vào công cuộc học hỏi ngay lập tức. Mọi kĩ năng đều có thể học được, miễn là bạn có quyết tâm.
Đăng ký học những điều mình chưa biết, cần mẫn nghiên cứu và thực hành, đặt ra các mục tiêu thực tế để theo dõi quá trình tiến bộ của bản thân. Cứ miệt mài như vậy, chắc chắn sẽ có lúc bạn đủ “tốt” để đoạt lấy cơ hội mình mong muốn.
Cơ hội đã đến, làm sao đủ dũng khí bắt lấy?
Hiển nhiên với những quyết định to lớn, sẽ vô cùng khó khăn để bảo bản thân tóm ngay lấy. Thế nên hãy bắt đầu từ những quyết định nhỏ và dần dần nới rộng vùng an toàn của bạn.
Một gợi ý là:
- Thiết lập những thói quen mới và cam kết thực hiện chúng đều đặn.
- Ghi chú lại những thành tựu hay “vùng an toàn” nho nhỏ bạn phá vỡ mỗi ngày.
- Trao thưởng cho bản thân khi hoàn thành những mục tiêu trên.
Khi thực hiện thường xuyên, những hành động này có thể biến thành thói quen. Và những thói quen có thể định hình cá tính. Đến khi bất giác nhìn lại, bạn đã là con người rất khác so với ban đầu. Vùng an toàn của bạn cũng nới rộng ra, tương tự với vận may của bạn.
Còn nếu những cảm xúc lo ngại vẫn cứ bủa vây và ngăn cản bạn đạt được bất kì điều gì? Hãy đơn giản là không cho chúng đủ thời gian tác động đến bạn. Cụ thể là hãy thực hiện ngay việc bạn muốn làm trong 5 giây đầu tiên, như cách diễn giả Mel Robbins đã chia sẻ.
Bài viết được thực hiện bởi Quang Anh.
Xem thêm:
[Bài viết] Trì hoãn có lợi cho công việc của bạn thế nào?
[Bài viết] Tin vui: Bạn trì hoãn không phải do lười biếng