Tại sao con gái hay nói “ăn gì cũng được”?

Giải mã “ăn gì cũng được" (nhưng thật ra không phải 'ăn gì cũng được') của các bạn gái và chia sẻ một số giải pháp cho các bạn nam.

Hà Phạm
Tại sao con gái hay nói “ăn gì cũng được”?

Khi hỏi con gái muốn ăn gì và trao quyền lựa chọn cho họ, các bạn nam cứ tưởng chuyện sẽ dễ dàng hơn, nhưng không ngờ lại tự khiến mình mắc kẹt ở đáp án: “Ăn gì cũng được.”

“Ăn gì cũng được” (nhưng thật ra không phải ‘ăn gì cũng được’) trở thành vấn đề muôn thuở của các cặp đôi, thậm chí gây lúng túng nếu là buổi hẹn đầu tiên. Tại sao một câu trả lời nghe thì đơn giản nhưng thật ra lại phức tạp thế? Đừng vội trách con gái, họ cũng có nhiều nỗi niềm lắm, mà cụ thể là…

1. Vì không muốn tỏ ra đòi hỏi kén chọn

Chế độ ăn uống của con gái là một chủ đề rất phức tạp. Việc giải thích chi tiết vừa mất thời gian lại vừa dễ mất thiện cảm. Đây là một phần nguyên nhân con gái tìm đến phương án an toàn: “Em sao cũng được, tùy anh.”

Dù sự thật thì không hẳn là “sao cũng được.” Quyết định cuối cùng vẫn phải tùy theo chế độ ăn và sở thích của họ. Chính vì thế mới nảy sinh tình huống trớ trêu: không phải gợi ý nào họ cũng đồng ý ngay, dù đã nói “ăn gì cũng được”.

Thật ra con gái hoàn toàn có thể đưa ra lựa chọn, họ chỉ không muốn thể hiện rằng mình cầu kỳ kén chọn thôi. Thế nên, họ sẽ chờ tới khi bạn đưa ra một địa điểm thú vị, đủ để tạm gác lại sở thích hoặc chế độ ăn thường ngày.

2. Vì muốn giấu sở thích ăn uống kì lạ của bản thân

“Cho em một phần bún đậu thập cẩm, nhiều đậu ít bún, không gan, gấp đôi chả cốm, mắm tôm cho nhiều ớt nha chị!”

Ai cũng có một hai sở thích ăn uống kỳ lạ. Điều đó có thể vô tình bị đánh giá nếu tiết lộ ra bên ngoài. Đối với con gái, câu trả lời “ăn gì cũng được” trong trường hợp này là một tấm màn che hoàn hảo để bảo vệ hình tượng.

Đừng lo, khi cả hai bên đã thân thiết đến một mức độ nhất định, sớm muộn gì họ cũng sẽ cởi mở hơn về sở thích ăn uống của mình thôi.

3. Vì không muốn thể hiện mình là người ăn uống thả phanh (mặc dù đây có thể là sự thật)

Nếu không vì lo chuyện “nhất dáng, nhì da” hay ví tiền eo hẹp thì các chị em đã không ngại mở tiệc linh đình, thậm chí quay video mukbang mỗi ngày rồi. Nhất là khi sống tại các thành phố lớn, cứ vài bước lại có một quán ăn, xung quanh là ẩm thực đa vùng miền đa văn hoá, việc ăn uống thả phanh lại càng khó cưỡng.

Đi ăn với người thương thì khác. Không như ăn một mình có thể tùy hứng mà không lo bị phán xét, tâm lý con người sẽ cảm thấy xấu hổ khi để người khác biết về sở thích ăn uống thiếu lành mạnh của mình.

Vì vậy, nước cờ cuối cùng của con gái để thể hiện mình ăn uống “có chừng mực” chính là… triệt tiêu mọi lựa chọn có khả năng tiết lộ điều ngược lại.

4. Vì muốn tôn trọng lựa chọn của các bạn nam

Các bạn nam muốn bạn gái được tự do lựa chọn địa điểm mình thích, các bạn nữ cũng vậy thôi. Đặc biệt là với những cặp đôi chỉ mới trong giai đoạn đầu hẹn hò, hay chỉ vừa tìm hiểu, đương nhiên sẽ khó biết đối phương thích gì và không thích gì.

Hơn nữa, trong nhiều trường hợp, bữa ăn là do bên nam mời. Con gái không thể biết chi phí giới hạn là bao nhiêu, hỏi thẳng thì lại thiếu tinh tế. Cho nên, cách tốt nhất là trao quyền cho đối phương tự loại trừ trước những gì bản thân không thích, hoặc vượt quá khả năng chi trả.

5. Vì không biết ăn gì thật

Điều này xảy ra rất thường xuyên là đằng khác. Thứ duy nhất mà con gái biết là họ không muốn ăn gì, nhưng chỉ sau khi bạn đã đưa ra gợi ý. Thế nên mới có những cuộc đối thoại như sau:

“Tối nay mình ăn món Tây nhé?” — “Thôi, nhiều tinh bột lắm.”
“Hay là món Hoa?” — “Thôi, nhiều dầu lắm.”
“Vậy thì món Hàn?” — “Thôi, em mới ăn hôm trước rồi.”

“Thế em muốn ăn món gì?” — “Ăn gì cũng được, trừ mấy món đó nha anh.”

Có thể các bạn nam sẽ nghĩ con gái sao mà khó hiểu khó chiều, nhưng thật ra đây chỉ là một quá trình loại trừ thôi.

Một thế giới lý tưởng là khi con trai đưa ra món ăn hấp dẫn nào, các bạn gái cũng sẽ gật đầu ngay lập tức. Nhưng đáng tiếc, trên đời vẫn còn một yếu tố mang tên ‘calories’, chính nó mới là thế lực đứng sau thao túng quyết định ăn uống của các bạn gái. Đúng là họ ăn gì cũng được, vấn đề là có “được ăn” hay không thôi.

Tóm lại, có cách nào để “vẹn cả đôi đường” không?

Tin vui là có. Dưới đây là một số cách bạn có thể tham khảo:

Xây dựng một “bộ lọc” cho câu hỏi để thu hẹp phạm vi lựa chọn. Ví dụ: món thuộc vùng miền nào (Bắc, Trung, Nam) hay quốc gia nào (Việt, Hàn, Trung, Nhật,…); ăn ở đâu (quận nào, gần quán cà phê nào sẽ đi sau đó, hoặc địa điểm tiện đường cho cả hai,…), hoặc không gian quán như thế nào (yên tĩnh vắng khách, hay đông vui và có nhạc nhẹ,…).

Mỗi bên (hoặc tự mình) liệt kê một danh sách khoảng 5 địa điểm để đôi bên dễ dàng loại trừ dần.

Những quán cà phê kết hợp nhà hàng là một sự lựa chọn không tồi. Cả hai bạn sẽ tiết kiệm được khá nhiều công sức và thời gian để “brainstorm” địa điểm đấy.

Còn nếu bạn cảm thấy ‘đuối sức’ trước ma trận lựa chọn, hãy thử chọn sushi. Ngoại trừ những trường hợp đặc biệt như bị dị ứng hoặc không thể ăn đồ sống, sushi là một ứng viên sáng giá, bởi vì nó giải quyết hầu hết mọi vấn đề:

  • Cách ăn đơn giản, gọn gàng và sạch sẽ, không sợ mất điểm hình tượng.
  • Giá cả tầm trung, không quá đắt đỏ khiến bạn lúng túng.
  • Dinh dưỡng, đủ no, nhưng vẫn thân thiện với tiêu chí giữ dáng.
  • Đem lại sự dễ chịu sau bữa ăn, không bị “căng da bụng chùng da mắt” nếu sau đó cả hai còn có hẹn cà phê hoặc xem phim.

Bài viết được thực hiện bởi Hà Phạm, được truyền cảm hứng từ Ashley Fern tại Elite Daily.

Xem thêm:
[Bài viết] Editor nhà Vietcetera gợi ý những quán cà phê nên ghé tại Sài Gòn[Bài viết] Top 4 nhà hàng lý tưởng dành cho tiệc tối riêng tư tại Sài Gòn


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục