Tán gẫu với đồng nghiệp giúp gì cho công việc của bạn?

Nếu một ngày nào đó chúng ta không phải đến văn phòng nữa, liệu bạn có nhớ những cuộc tán gẫu cùng đồng nghiệp?
Trân Lê
Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

“Làm ở nhà lâu ngày có nhớ văn phòng không?”

Đây là câu mà tôi thường hỏi những đứa bạn mà 1-2 năm trở lại đây đã không còn biết đến khái niệm văn phòng. Thành thật mà nói, nếu buộc phải trở lại với phong cách đi làm truyền thống, có lẽ các bạn tôi đều sẽ do dự. Tuy nhiên, văn phòng cũng có cái khiến họ luyến tiếc.

“Giống như học sinh nghỉ học lâu ngày, thèm được tương tác với bạn bè ”. - Người bạn làm freelancer đã được 2 năm của tôi cảm thán.

Dù các ứng dụng liên lạc có ưu việt cỡ nào nó cũng khó lòng tái hiện hoàn toàn những tương tác mặt đối mặt (chí ít là cho đến thời điểm hiện tại). Những cuộc trò chuyện khi vô tình đụng mặt ở cây lấy nước, những miếng hài ngẫu hứng từ đồng nghiệp, những lần gom order đồ ăn trưa là “đặc sản” mà có lẽ chỉ văn phòng mới có.

Với tôi, người vẫn lên văn phòng hằng ngày, những cuộc trò chuyện có phần vô thưởng vô phạt là lúc mà tôi thấy được phiên bản “người” nhất của đồng nghiệp. Bên cạnh công việc, họ cũng có những sở thích, thú vui, mối bận tâm khiến cho tôi cảm thấy bản thân được khai sáng.

Dưới đây là chia sẻ từ những người đi làm văn phòng - họ đã học/nhận được gì từ đồng nghiệp bên cạnh công việc:

Đồng nghiệp đã khai sáng cho bạn điều gì bên cạnh công việc?

“Nghe có vẻ hơi kì lạ nhưng mình rất thích được nhìn đồng nghiệp mặc đồ đẹp. Phần vì cảm thấy văn phòng có sức sống hơn, phần là để… hỏi chỗ mua. Hóa ra đồng nghiệp của mình toàn những “ông hoàng Shopee”, “bà chúa săn deal”. Mọi người còn có một hội “share link Shopee” để rủ nhau mua đồ chung. Từ một người chỉ chuộng mua đồ offline, giờ mình có thể tự tin khẳng định mình là “chuyên gia Shopee” rồi.” - Linh, 26 tuổi.

“Chắc là công thức nấu ăn. Giờ ăn trưa là lúc mình trầm trồ trước mấy món ăn nhà làm của đồng nghiệp. Hồi xưa mình ngại nấu lắm vì sợ mất thời gian. Nhưng từ lúc được mọi người truyền cảm hứng (và cả bí kiếp) mình cũng có động lực hơn. Nhờ vậy mà tiết kiệm được khối tiền.” - Hà, 24 tuổi.

“Mình đã khám phá ra đồng nghiệp cũng là “mọt sách” như mình do tuần nào cũng thấy bạn ấy đặt sách online. Bây giờ trao đổi sách là hoạt động hàng tuần của tụi mình. Mình biết thêm được nhiều tác giả hay mà trước đó mình chưa bao giờ nghĩ là sẽ đọc” - Minh, 24 tuổi.

“Mình thuộc dạng sống “trên núi” không theo dõi tin tức. Tuy nhiên, mình không lo bị FOMO đâu. Không cần phải xem báo, chỉ cần 15 phút đầu ngày là mình được đồng nghiệp cập nhật đầy đủ các thể loại tin tức rồi, từ Á sang Âu, từ giải trí đến chính trị, từ showbiz Mỹ đến giá xăng dầu.” - Ngọc, 30 tuổi.

“Không chỉ học không đâu, mình còn “phất lên” nhờ đồng nghiệp nữa. Số là ngoài công việc chính ở văn phòng, mình cũng có nghề tay trái là coi Tarot. Lúc đầu mình cũng giấu nghề vì ngại. Nhưng có một hôm thấy tâm trạng chị đồng nghiệp không tốt lắm nên mình mới đề nghị xem cho chị. Thế là mình phát hiện ra văn phòng của mình toàn người “hệ tâm linh”. Nhờ mọi người giới thiệu mà mình có khách cũng đều đặn. Biết thế đã làm sớm hơn.” - Đức, 27 tuổi.

Không nói chuyện đi làm thì giúp gì cho chuyện đi làm?

Chúng ta thích công việc hơn khi làm việc với người mình thích

Khác với trong cuộc họp căng thẳng, mọi người thường cởi mở hơn trong những cuộc trò chuyện bên lề. Đây là lúc chúng ta “xả vai” để biết thêm về sở thích, đời sống cá nhân hoặc cả những trăn trở mà nhiều khả năng là cả hai dễ tìm được điểm tương đồng.

Điều này tưởng không lợi mà hóa ra lại lợi không tưởng. Nghiên cứu được đăng tải trên Journal of Vocational Behavior vào năm 2010 chỉ ra rằng nếu bạn thích đồng nghiệp, bạn không những thích công việc hơn mà còn thích cuộc sống hơn. Điều này dễ hiểu khi công việc chiếm đến tận một phần ba quãng thời gian sống trong ngày của chúng ta. Đó là lý do mà công ty luôn có những hoạt động kết nối ngoài công việc như company trip, team bonding, happy hours,...

Chúng ta thường sáng tạo hơn khi không phải gồng mình sáng tạo

Tôi thường rơi vào tình trạng “đứng não” trong mỗi cuộc họp tìm ý tưởng. Nhiều lúc càng cố nghĩ thì lại càng bí. Nghịch lý ở chỗ, khi tán gẫu thì ý tưởng lại tuôn trào. Và tôi không phải người duy nhất. Các bài viết trên Vietcetera, nhiều trong số đó đến từ những cuộc phiếm chuyện ngoài công việc.

Não chúng ta chuyển đổi linh hoạt giữa hai trạng thái: tập trung (focused mode) và phân tán (disfused mode). Ở focused mode não sẽ tập trung phân tích vấn đề. Trong khi đó, khi thư giãn não sẽ chuyển qua disfused mode, giúp bạn liên kết kiến thức từ focused mode, từ đó nhìn rõ vấn đề hơn. Theo giáo sư Barbara Oakley, tác giả của cuốn sách A Mind for Numbers: How to Excel at Math and Science (Even If You Flunked Algebra), hóa ra chế độ phân tán lại là thứ bạn cần để giải quyết một vấn đề khó nhăn và mới mẻ.

Chúng ta cảm thấy có “life” trong “work”

Khi nhắc đến work-life balance chúng ta thường nghĩ đến những hoạt đông bên ngoài công việc như đi ăn, đi du lịch, đăng ký các khóa học chữa lành để bù đắp cho khoảng thời gian tất bật ở công sở. Thật ra, work-life balance không ở xa đến vậy. Mỗi ngày chúng ta đều vô thức tìm kiếm nó thông qua những cuộc trò chuyện. Khi văn phòng còn là những chiếc bàn vách ngăn, chúng ta tận dụng những lúc đi lấy nước để tán gẫu cùng nhau, tạo nên văn hóa watercooler chat. Đến khi máy pha cà phê phổ biến, chúng ta lại có coffee break. Những khoảng nghỉ trò chuyện khiến chúng ta cảm thấy “người” hơn chứ không chỉ như những chú rô bốt chỉ biết lầm lũi đi làm rồi lại đi về.

Từ phạm vi cây lấy nước, văn hóa giao tiếp đã được doanh nghiệp mở rộng thành các mô hình văn phòng mở khi giờ đây các vách ngăn được lược bỏ. Thậm chí ở một số nơi, người ta còn bố trí bếp và phòng sinh hoạt chung để tạo nhiều điều kiện hơn cho hoạt động tương tác.

Kết

Các cuộc trò chuyện bên lề cùng đồng nghiệp quan trọng không kém so với công việc. Đó là khi chúng ta đến được với phiên bản “thả lỏng” nhất của nhau. Và điều này một cách gián tiếp, khiến cho công việc thêm phần trôi chảy. Vì vậy các công ty nếu ngân sách và điều kiện cho phép đều muốn nhân viên của mình đến công sở (ít nhất là hybrid), dù việc bỏ hoàn toàn văn phòng có tiết kiệm chi phí tới đâu.

Và ở góc độ cá nhân, việc tán gẫu giúp chúng ta có một ngày đi làm nhẹ nhàng hơn, cũng như biết thêm những điều mới mẻ bên ngoài công việc.

Bạn thì sao, đồng nghiệp đã khai sáng cho bạn những kiến thức gì?


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục