06 Thg 01, 2022Sáng TạoÂm Nhạc

Táo: “Âm nhạc của mình cũng như một bức tranh được lồng kính.”

Táo làm nhạc để kể về cuộc đời mình, để khắc hoạ cuộc đời của một nhạc sĩ viết lên những nỗi buồn của họ.
Tài Thy
Nguồn: Tín Phùng cho Vietcetera

Nguồn: Tín Phùng cho Vietcetera

Táo, tên thật là Võ Hồ Thanh Vi, là nghệ sĩ độc lập được biết đến nhiều nhất với tư cách là một rapper. Chơi rap từ năm 16 tuổi, Táo bắt đầu từ việc nghe nhạc của đàn anh chị, thử bắt chước rap theo beat có sẵn, rồi tìm thấy tính nguyên bản cho mình.

Màu nhạc của Táo là những sự biến chuyển không ngừng trong thể loại, giúp cái tên Táo tách biệt nhiều so với các nghệ sĩ khác. Nếu không còn lạ với Táo, bạn hẳn đã biết đến những nỗi sợ trong Tâm Thần Phân Liệt, giai điệu cô đơn của 2 5, hay dấu chấm lửng của Blue Tequila.

Trong tập đầu tiên của Back Seat, cùng nghe Táo trò chuyện về cái mác “buồn” trong âm nhạc, những định danh mà khán giả dành cho Táo, và những tâm tư của anh khi làm nghệ thuật.

Không khoanh vùng để được thử nghiệm

Táo chọn rap bởi nó tôn thờ tính bản năng. Với Táo, rap không có tiêu chuẩn, khuôn khổ và giới hạn. Đây vừa là khó khăn bởi ta sẽ không biết bắt đầu từ đâu, cũng vừa là điểm đặc biệt vì ta bắt đầu từ đâu cũng được.

Trong suốt sự nghiệp của mình, Táo không ngại thử những thể loại khác nhau như horrorcore, nhạc kịch, đương đại, hay cổ điển. Nhưng đi theo đó cũng là các định danh khác nhau. Với Táo, việc này cô tình khiến khán giả đặt lên người nghệ sĩ nhiều kỳ vọng và thành kiến.

“Đôi lúc mình nghe mọi người sao làm rapper mà lại đi hát, sao chỉ biết rap về tình yêu… trước đây cũng có nhiều mặc định rapper là phải biết chơi bóng rổ, phải biết trượt ván, phải biết beatbox. Vậy nếu ở thời điểm đó mình chỉ tập trung làm một thứ mình giỏi nhất thì sao?”

Hiện tại, Táo chỉ đơn thuần gọi mình là một người làm nhạc. Là một người vẫn còn muốn thử nghiệm nhiều, Táo không muốn tự khoanh vùng mình. Táo chỉ có một quan điểm giữ vững từ ngày đầu là không bao giờ làm ra hai bài hát giống nhau, dù có khai thác cùng một chủ đề.

Những bản thể không cần thiết

Hồi đó, cũng có vài lần Táo thử Google tên mình. Kết quả top đầu dường như lúc nào cũng gắn với chữ “buồn”: muốn buồn hãy nghe nhạc của Táo, kẻ thống trị nỗi buồn, danh sách những bài hát chua cay nhất, buồn nhất của Táo…

Việc liên tục bị gắn với nỗi buồn cũng làm Táo khó chịu. Nó khiến việc trò chuyện cùng người khác đôi lúc gặp khó khăn, bởi họ chỉ biết Táo qua những lời tự sự man mác trong âm nhạc. Táo kể rằng, có một khoảng thời gian anh thường xuyên nhận được những tin nhắn kể chuyện về những nỗi buồn khác nhau. Điều đó làm khoảng thời gian ấy rất nặng nề, bởi anh phải thụ động nhận sự tiêu cực từ người khác.

“Võ Hồ Thanh Vi đã tạo ra Táo ở thời gian đầu. Sau này Táo lại đang ảnh hưởng trực tiếp đến Võ Hồ Thanh Vi ở thời gian sau.”

“Mình được cho quá nhiều bản thể mà mình không cần, và mình muốn mọi người hiểu rằng mình không có những tư cách đó. Mình không có tư cách quyết định rằng bạn có nên quen tiếp người này hay không, hay có nên bỏ nhà đi theo đam mê khi bị ba mẹ cấm cản. Không ai có tư cách đó ngoài bạn. Và thật ra trong thâm tâm mọi người đã có câu trả lời rồi.”

Đối với Táo, câu chuyện nào kể ra cũng đều được đi qua lớp lọc của người kể. Nếu không phải người trong cuộc, chắc chắn bạn không thể biết hết mọi ngóc ngách của vấn đề. Vì vậy, khuyên răng một người chỉ quen qua vài dòng tin nhắn là một việc làm rất sáo rỗng. Táo sẽ không khuyên bảo hay khích lệ ai. Táo chỉ tin rằng, mỗi người sẽ luôn chọn làm điều tốt nhất cho mình, và anh sẽ không phản đối.

Cảm hứng đến ngay từ việc sống

Với Táo, làm nghệ thuật vừa nhàn vừa mệt vì ta sẽ nhìn thấy cảm hứng ở khắp nơi, ngay từ việc ta sống. Người nghệ sĩ rất khó “nghỉ phép” bởi việc của họ là liên tục thể hiện cuộc sống của mình. Giữa những bộn bề và áp lực bên ngoài, Táo tận hưởng cuộc sống bằng cách vận dụng các giác quan của mình một cách triệt để hơn.

Khi bị mắc kẹt trong một giác quan này, Táo sẽ tìm đến một giác quan khác: mở nhạc để nghe, chụp ảnh để nhìn, hay uống rượu để nếm. Riêng việc đi uống sẽ mang lại cho anh nhiều sự riêng tư nhất; người ta sẽ dễ xin chụp hình và bắt chuyện ở một quán cà phê hơn một quán rượu.

Tìm kiếm một khoảng lặng khác “nghệ” hơn cũng là điều nên làm, nhưng Táo vẫn luôn đặt ra cho mình những giới hạn riêng. “Không quá 2 người, không quá 3 ly” — đó là châm ngôn của Táo mỗi khi đi uống. Không nơi nào an toàn bằng ở nhà, vì vậy khi đã bước ra khỏi nhà thì phải luôn tỉnh táo.

Với Táo, chỉ cần uống đủ men để chạm đến những cung bậc cảm xúc, nhưng vẫn tỉnh táo để cảm nhận được sắc màu tuyệt đẹp của nó. Đây thực sự là “công thức” khó, và chỉ những người đủ bản lĩnh mới dám đặt ra tiêu chí này.

Khi cuộc sống và nghệ thuật đã đan xen nhau, Táo tìm cách dung nạp cảm hứng từ mọi thứ, ở mọi nơi. Nhưng để “xả” hết ra để sáng tác thì không nơi nào bằng phòng ngủ, cũng là nơi an toàn nhất của anh. Sáng tác trong phòng ngủ giúp Táo thấy mình có “địa thế,” có thể nhìn mọi thứ bằng lăng kính và quan điểm thật nhất của mình. Tại đây, anh sẽ không bị bàn ra hay phải cọ xát với ai, mà chỉ cần đẩy hết tâm tư ra để làm nhạc.

“Mình làm nhạc không phải để chữa lành”

Khó chịu là vậy, Táo vẫn rất mang ơn những câu chuyện buồn mà anh nhận được từ người khác. Thả mình vào những nỗi buồn khác nhau khiến anh nhận ra rằng mình không độc bản, và cũng có nhiều người cảm thấy như anh. Giữa những lời chia sẻ ấy, Táo không còn cảm thấy không cô đơn, và có thể đối chiếu hành trình của họ để tìm giải pháp cho câu chuyện của mình.

Dường như, điều này cũng nói lên rất nhiều về âm nhạc của Táo. Táo nói mình không làm nhạc để chữa lành mọi người. Đó là cái gánh quá nặng để đặt lên đứa con tinh thần của mình. Táo làm nhạc để kể về cuộc đời mình, để khắc hoạ cuộc đời của một nhạc sĩ viết lên những nỗi buồn của họ.

Nhưng Táo khiêm tốn là vậy thôi, những sáng tác của anh vẫn là một người bạn đồng điệu, người bạn dễ tâm sự và sẻ chia của rất nhiều những tâm hồn đơn độc. Khi không biết chia sẻ cùng ai, người bạn trong lời ca ý nhạc này lại xuất hiện để thấu cảm và chia sẻ cùng ta. “Anh ấy” kiên nhẫn lắng nghe, giữ cho ta tỉnh táo, xoa dịu và đánh thức bản lĩnh tiềm ẩn sâu bên trong mình trổi dậy để tiếp tục tiến bước.

“Âm nhạc của mình cũng như một bức tranh được lồng kính. Khi nhìn vào tranh, phần kính phía trước cũng sẽ là thứ phản chiếu người nghe. Khi đã nhìn thấy mình trong tranh, họ sẽ thấy đồng cảm và hiểu rằng họ không cô độc, và cũng có những người như họ ngoài kia.”

Người làm nhạc có thể vừa cứu sống cuộc đời người khác, vừa giết dần cuộc đời của mình. Chính sự bào mòn này là thứ khiến Táo rất sợ, bởi người nghe nhạc của Táo cũng là những người nuôi sống anh. Nhưng là người có trách nhiệm, có bản lĩnh, Táo vẫn tiếp tục tiến bước.

Khi bị gửi gắm quá nhiều tư cách, Táo sợ sẽ làm mọi người thất vọng nếu không làm tốt việc của mình. Sau cùng, anh cũng chỉ là một người làm nhạc, không phải người làm người khác hạnh phúc hơn. “Nếu ai cảm thấy được chia sẻ qua các bài hát của mình thì mình rất mừng. Nếu không thì mình xin chia buồn, nhưng mình không thể xin lỗi vì đó là những gì mình làm hết sức.”

“Mình hi vọng mọi người hãy tách bạch hai điều này, vì khi bước ra khỏi phòng thu, bước xuống sân khấu, mình sẽ quay lại làm một người bình thường. Mình không mong khán giả sẽ đưa mình đến một vị trí nào cao hơn; vì vậy khi thất vọng, mình cũng không muốn rơi xuống vị trí thấp hơn.”

Vietcetera hân hạnh đồng hành cùng chiến dịch “Keep Walking Responsibly” trong Series Back Seat với mong muốn mang lại ý thức trách nhiệm cho giới trẻ không chỉ trong việc sử dụng thức uống có cồn mà còn ở cả nhiều khía cạnh khác trong đời sống.

Chiến dịch Keep Walking Responsibly đã truyền cảm hứng thành công tại 20 quốc gia trên thế giới với mong muốn giúp người trẻ Việt hiểu rõ hơn về vai trò của thức uống có cồn trong đời sống hiện đại, giúp bạn trải nghiệm những khoảnh khắc vui trọn vẹn bằng bản lĩnh và trách nhiệm.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục