Tạo không gian an toàn cho con trẻ, chứ đừng tước đi không gian riêng tư của chúng
Mới đây, một người mẹ sau khi phát hiện con mình xem nội dung 18+ trên group chat, đã chụp ảnh màn hình của con đăng lên Facebook để cảnh báo những phụ huynh khác về “mối nguy” này và biết cách kiểm soát con. Điện thoại của đứa trẻ được cho biết là cũng đã bị đập nát.
Nhiều câu hỏi về mặt giáo dục, đạo đức, và quyền riêng tư có thể được đặt ra. Có nên cấm các bé dùng điện thoại hay không? Đâu là giới hạn giữa việc bảo vệ con và xâm phạm quyền riêng tư?...
Nhưng với tôi, vấn đề then chốt nhất cần đặt ra là bản chất của các nội dung trên truyền thông và kỹ năng sống chung với thế giới thông tin, thứ mà ngay cả người mẹ có lẽ cũng chưa nắm chắc.
Ai có thẩm quyền đánh giá nội dung nào độc hại?
Một trong những lập luận phổ biến nhất ủng hộ việc kiểm soát nội dung trẻ em tiêu thụ trên internet là đứa trẻ có thể bị bủa vây bởi những thông tin “bẩn”. Điều đó có hại cho đứa trẻ, vì thế phụ huynh có thẩm quyền tạo rào chắn giữa con và thế giới số.
Nhưng trong nhiều trường hợp, việc các bậc cha mẹ vạch lằn ranh đen-trắng giữa thông tin “sạch” và thông tin “bẩn” không đến từ tiêu chí khách quan nào cả. Họ có thể đánh giá dựa trên thị hiếu của bản thân và mong muốn rằng đứa trẻ cũng cảm nhận về thông tin giống như mình.
Bản thân bộ tiêu chí “khách quan” đánh giá giá trị của nội dung truyền thông cũng cần phải được tranh cãi. Vì bất cứ nội dung nào được sản xuất và phổ biến trong công chúng cũng đều mang ý chí của người tạo ra thông điệp, chịu ảnh hưởng từ những niềm tin chung của xã hội. Và vì xã hội liên tục thay đổi, nên một niềm tin có thể lỗi thời, nhường chỗ cho một niềm tin khác.
Khi người phụ huynh không hài lòng, hay thậm chí là căm ghét những sản phẩm truyền thông mà con mình tiêu thụ, rất có thể họ đã không đánh giá những gì mình nhìn thấy dựa trên ý chí tự do của mình, mà cũng bị lèo lái bởi các niềm tin phổ dụng trong xã hội.
Trường hợp đứa trẻ xem nội dung 18+ và bị mẹ đập điện thoại là ví dụ điển hình nhất cho tác động qua lại giữa niềm tin xã hội và tâm lý kiểm soát của phụ huynh. Việc một đứa trẻ mới lớn tìm đến dạng nội dung này để hiểu về cơ thể mình là hoàn toàn bình thường. Đặc biệt là khi nó bị đặt trong bối cảnh giáo dục giới tính không những không được đề cao, mà còn bị người lớn và các định kiến coi là cấm kị.
Sự không sẵn sàng lắng nghe và công nhận tuyệt đối phán đoán thị hiếu đúng-sai, tốt-xấu, sạch-bẩn của bản thân mình đã khiến vị phụ huynh thiếu kiềm chế, dẫn đến phản ứng cực đoan trong việc giáo dục con mình. Phản ứng đó vừa có thể gây hậu quả về tâm lý, cũng vừa khiến con trẻ và cha mẹ không tìm được tiếng nói chung.
Không có điện thoại, đứa trẻ có thể tìm tới vô vàn cách thức khác để vượt qua sự cấm đoán, dẫn đến những xung đột nghiêm trọng hơn.
Vì thế, thay vì cấm đoán và dùng biện pháp cực đoan để uốn nắn con, các bố mẹ cần cùng con tìm hiểu về bộ môn tri tạo truyền thông (media literacy), để cùng chung sống trong môi trường thông tin nhiễu tạp và đa chiều. Trong thế giới thông tin và công nghệ, khi bạn đập điện thoại của một đứa trẻ, nó có vô vàn cách để kiếm những công cụ khác phục vụ cho mình.
Đâu là giới hạn giữa quyền riêng tư của con cái và quyền can thiệp của cha mẹ?
Trong thời đại lên ngôi của các nền tảng mạng xã hội, hoạt động thu thập dữ liệu người dùng của các tập đoàn lớn thường xuyên bị lên án là phi đạo đức. Dữ liệu này không chỉ bao gồm thông tin nhân khẩu học cơ bản như độ tuổi, giới tính, nơi sinh sống, nó còn bao gồm thói quen, hành vi hàng ngày của người dùng.
Rõ ràng không ai trong số chúng ta muốn bị theo dõi từng li từng tí hoạt động trong nhà riêng của mình, dù người theo dõi có nói “tôi đang nhìn bạn đó” hoặc không. Các nghiên cứu về hành vi vì thế cũng được thực hiện ở những nơi chuyên biệt, và đối tượng nghiên cứu được trả lương rất cao cho việc “chia sẻ” lát cắt đời sống riêng tư của mình.
Như vậy càng ít người hơn nữa đồng ý với việc bị chụp lại màn hình điện thoại và đăng lên mạng bêu rếu. Dù mục đích của người đăng là giáo dục thì cũng rất khó để chấp nhận.
Có thể nói, smartphone là tinh tuý đáng chú ý nhất của lối sống hiện đại. Nó là thứ tài sản riêng tư nhất của mỗi con người, vì bề ngoài của nó thể hiện cá tính của ta, còn những dữ liệu bên trong nó quyết định cuộc đời ta. Danh bạ và tin nhắn nói lên việc ta thân quen với ai, hình ảnh thể hiện gu thẩm mỹ và kỷ niệm, tài khoản ngân hàng chỉ ra mức sống của ta, thậm chí các app theo dõi sức khoẻ còn ẩn chứa thông tin sức khoẻ…
Lớn lên trong thời đại thông tin và công nghệ, đứa trẻ cần được giáo dục về quyền riêng tư và cách bảo vệ bản thân mình. Nó cũng cần biết đâu là ranh giới giữa việc tương tác với người khác và xâm phạm đời sống riêng tư của họ. Tổn thất lớn được gây ra bởi người khác vừa có khía cạnh thể chất, tinh thần, và đập điện thoại thể hiện cả hai khía cạnh này.
Để giáo dục con sử dụng công nghệ và mạng xã hội đúng cách, bậc làm cha mẹ đầu tiên phải thể hiện sự tôn trọng tuyệt đối của họ với quyền riêng tư của con. Có rất nhiều điều thế hệ đi trước sẽ không thể chấp nhận được ở thế hệ sau, khi họ “đột kích” vào đời sống cá nhân của người nhỏ tuổi hơn. Nhưng bản chất của sự khoảng cách thế hệ là vậy. Và để rút ngắn khoảng cách, cần có sự thấu cảm và hàn gắn, chứ không cần sự cực đoan và bạo lực.
Phụ huynh có thể quan sát diễn biến tâm lý và hành vi của con mình, vừa như một người giám hộ, vừa như một người ngoài, thấu hiểu rằng có những nút thắt nội tâm kín đáo đến nỗi họ không thể cởi tháo. Truy cập vào điện thoại của con mình giống như đi đường tắt qua một ngọn núi, với khả năng trượt chân không hề thấp.
Muốn con tránh xa cái xấu trên mạng, hãy khiến con tin gia đình là nơi an toàn để về
Con người ai cũng cần chốn thuộc về. Đó là nơi họ cảm thấy mình được lắng nghe, chia sẻ, cảm thông và được che chở. Không gian thuộc về không nhất thiết phải là gia đình, mà có thể là vòng tròn bạn bè, nhà trường, và thậm chí là mạng xã hội.
Gia đình và mái ấm là nơi chốn đầu tiên con người xác lập nên sự an toàn. Nhưng theo quan sát của tôi, có quá nhiều người xung quanh mình không còn tin tưởng vào sự chở che của mái ấm chỉ vì sự thiếu thấu cảm giữa cha mẹ và con cái.
Mất đi chốn thuộc về căn bản là gia đình, đứa trẻ buộc phải đi tìm chốn thuộc về khác, để chúng cảm thấy sự tồn tại của mình trong xã hội là có ý nghĩa. Ngày nay, internet, với số lượng thành viên khổng lồ, là nơi duy nhất để người ta đặt câu hỏi “tôi thuộc về đâu?” và thử gò mình vào những cách sống mới, truy tìm sự phù hợp.
Và nếu như ngay cả không gian thuộc về “thay thế” ấy cũng bị gián đoạn, thậm chí là cắt đứt, thì đứa trẻ rất dễ lạc lõng. Đứa trẻ sẽ thấy mình mãi mãi là “người lạ” đối với thế giới này. Trong tình huống cực đoan, những vết thương tâm lý sẽ không còn vô hình nữa.
Cha mẹ là mấu nối quá đỗi quan trọng trong quá trình lớn lên của đứa trẻ. Theo nhà nhân học Fleur Gabriel, xã hội coi người lớn là hình ảnh lý tưởng mà đứa trẻ sau này sẽ trở thành. Mặt khác, người lớn cũng cảm thấy bị đe dọa khi đứa trẻ trở thành ai đó không giống mình.
Không ai có thể kiểm soát cuộc đời người khác. Nhưng để cùng chung sống trong tình yêu và vượt qua cách trở thế hệ, phụ huynh cần phải biến gia đình thành chốn neo đậu an toàn để đứa trẻ trở về.
Trẻ con dù ít kinh nghiệm, nhưng đủ thông minh để biết điều gì có hại cho mình. Nếu gia đình có đủ sự thấu cảm và lắng nghe, chúng sẽ sẵn sàng chia sẻ những gì chúng trải qua, và xin sự hỗ trợ từ cha mẹ nếu cần thiết.
Khi đứa trẻ không tìm thấy sự an toàn ở gia đình, và liên tục coi chiếc smartphone là áo giáp che chắn mình khỏi ánh nhìn của phụ huynh, thì liệu bậc cha mẹ có đủ tự tin rằng một ngày nào đó, họ sẽ không đánh mất con mình?
Kết
Cổ vũ điều tốt và gạn lọc điều xấu là quá trình liên tục diễn ra khi ta sống ở đời. Và khi cuộc sống luôn thay đổi, phụ huynh và con cái nên là người đồng hành của nhau và đặt niềm tin ở nhau, thay vì ở hai vị thế chênh lệch, một bên nói, một bên nghe.
Có vậy thì việc học cách sống chung với truyền thông mới hiệu quả. Nhà nghiên cứu truyền thông Marshall McLuhan có câu: “Chúng ta không biết ai phát minh ra nước, nhưng đó chắc chắn không phải con cá” để ám chỉ việc giống như cá, con người sống bên trong truyền thông và liên tục bị chi phối bởi nó.
Trong bài viết này, người mẹ và người con đều là cá sống trong nước. Sự tin tưởng, thấu hiểu và sẵn sàng lắng nghe ở nhau, chứ không phải bạo lực, là chìa khoá để cả hai cùng có đời sống lành mạnh, gạn đục khơi trong môi trường thông tin quanh mình.