Táo: Mình không viết nhạc lúc vui
Táo, tên thật là Võ Hồ Thanh Vi, là nghệ sĩ độc lập được biết đến với tư cách một rapper. Trước đây Táo theo đuổi một trường phái rất lạ của rap gọi là horrorcore rap, lấy nỗi sợ làm màu chủ đạo (tiêu biểu: Tâm Thần Phân Liệt).
Đi cùng với phát triển trong nghệ thuật của Táo là những thay đổi trong màu nhạc. Tuy vẫn thuộc một tông màu tối hơn so với thị trường, càng về sau, các tác phẩm càng giảm đi nỗi sợ và tập trung hơn vào nỗi buồn và sự cô đơn. Đánh dấu sự chuyển biến này là tác phẩm 2 5 (hai năm).
Sau thành công nhất định từ ca khúc Blue Tequila, vừa qua Táo cùng đội ngũ đã ra mắt MV cho Tương Tư, một tác phẩm thuộc EP [Y?] với ý tưởng nhen nhóm từ năm 2018. EP [Y?] được anh xem là bước chuyển mình từ “rapper Táo” thành “người làm nhạc Táo”.
Thế mạnh nổi bật của Táo là lời nhạc với nhiều tầng ý nghĩa, phù hợp với người nghe chuộng sự sâu lắng và thích phân tích câu chuyện của một nhạc phẩm. Với kiểu âm nhạc chất chứa nhiều thông điệp, phần lớn các khán giả tìm đến nhạc của Táo để thấu hiểu những cảm xúc khó đối mặt của chính mình. Điều này dần hình thành một kiểu “thương hiệu” cho Táo - người viết về nỗi buồn.
Mình không u sầu, mình chỉ không viết nhạc lúc vui
“Nghe nhạc mình người ta dễ nghĩ rằng chắc lúc nào mình cũng u sầu, “emo”, nhưng thật ra không phải lúc nào mình cũng buồn. Như những người khác, buồn chỉ là một trong rất nhiều những cảm giác khác nhau mà mình trải qua trong cuộc sống. Mình coi tất cả các cảm xúc là ngang bằng nhau, vui không hoàn toàn là tốt, mà buồn thì cũng không hẳn là xấu. Chỉ có điều, mình khai thác nỗi buồn thành âm nhạc tốt hơn những cảm xúc khác.”
Người ta cứ nghĩ buồn là tiêu cực. Thật ra thì buồn chỉ là một cảm giác tất yếu của cuộc sống. Như mọi loại cảm giác khác, nó có quyền được tồn tại và phát biểu. Và có những người lắng nghe và học hỏi được nhiều từ nỗi buồn hơn những người khác. Do đó cũng dễ hiểu khi có nhiều khán giả bị thu hút bởi nhạc buồn của Táo.
“Nếu như một người kế toán thì làm việc cùng những con số, thì việc của nghệ sĩ là làm việc với cảm xúc. Mình là một người nhạy cảm, vì vậy với tư cách một nghệ sĩ mình sẽ sắp xếp cuộc sống của mình để có nhiều khoảng lặng mà chú ý và lắng nghe cảm xúc. Đó không chỉ là cảm xúc của riêng mình, mà còn cả những người xung quanh nữa.
Khán giả nghe nhạc mình xong cũng có tìm đến để chia sẻ câu chuyện riêng, rồi mình sẽ lắng nghe và cùng họ trao đổi. Mình nghĩ đây là một dạng đặc ân, một siêu năng lực thu hút các luồng cảm xúc của người nghệ sĩ. Dần dà việc để ý và góp nhặt cảm hứng sáng tác trở thành một kỹ năng có thể luyện tập được.”
Dù sẽ sẵn sàng làm nhạc vui nếu có thể, trong giai đoạn này, Táo là người đại diện viết lên những tâm tư của nỗi buồn.
Có ý tưởng là phải làm liền, vì mình không làm thì người khác cũng sẽ làm
Táo không gọi sản phẩm của mình là nghệ thuật. Anh gọi nó là “nghệ thuật của mình”. Có lẽ vì ý tưởng không của riêng ai, nó mượn thân xác của bạn để cư ngụ, nếu bạn không cho nó cơ hội để sống, để biến nó thành “nghệ thuật của mình”, thì nó sẽ tìm đến một vật chủ khác. Những người làm công việc sáng tạo là những người chấp nhận chiều chuộng những ý tưởng như thể khách quý, hay một món quà.
Táo không muốn danh xưng rapper giới hạn những ý tưởng của mình, nên EP [Y?], Blue Tequila và Tương Tư ra đời.
“Mình nghĩ nếu cần thiết phải chia ra thể loại nhạc thì hãy để người nghe chia thôi. Chia ra để họ dễ nhận biết được sở thích riêng và tìm được những tác phẩm hợp gu. Còn với một nghệ sĩ, thì hãy cứ làm nhạc, đừng để những định nghĩa giới hạn mình. Mình thì không muốn bị dính vào chính cái bóng của mình để rồi không dám thử những yếu tố mới trong âm nhạc.
Thực ra mình cũng không có nhiều tiền để triển khai một dự án sản xuất MV. Thế nhưng mình không thể chỉ vì thiếu tiền mà để một ý tưởng chết đi. Nếu mình không thi hành ý tưởng này, thì một là sẽ có người khác thể hiện, hai là nó sẽ mãi mãi nằm ở đó và trở nên lỗi thời.
Do đó mình đã tìm được những người anh em cùng hỗ trợ để đem tới giải pháp hiệu quả nhất cho việc truyền tải ý tưởng. Đồng thời cũng cam kết chia đều lợi ích và kết quả mà sản phẩm đem lại cho mọi người. Rất may đây là một hướng đi đã chứng tỏ được hiệu quả qua Blue Tequila.”
Những người tin tưởng và cùng chung chí hướng với Táo trong MV Tương Tư lần này có thể kể đến nhóm sản xuất âm nhạc Astronormous, ekip quay phim của đạo diễn The Tripod Guy, và hiệu ứng thị giác từ Fustic. Studio.
Tương Tư và cơn bão cát của sự cô đơn
“Cuối năm 2018, khi hoàn thành album Đĩa Than là mình đã muốn làm một cái gì đó mới hơn. Mình cũng có đôi chút bận tâm khi bị nói là làm nhạc thường buồn và chỉ có một màu. Nhưng mình vẫn muốn làm ra những thứ là-mình-nhất. Nên mình vẫn sẽ “buồn”, nhưng bằng một cách rất khác. Thay vì đổi hoàn toàn cái màu đó, mình đã nghiên cứu những kỹ thuật mới để tạo ra những sắc thái mới cho nỗi buồn. Và đó là khi Tương Tư và Blue Tequila cùng lúc ra đời.”
Blue Tequila với giai điệu jazz pha chút giao hưởng, tiết tấu du dương đưa người ta đến sự khởi đầu với đầy những rung cảm. Còn Tương Tư với guitar, đàn nhị và nhạc trap lại day dứt và dữ dội như tâm thế của một người vừa thức dậy và đối mặt hiện tại sau một giấc mơ rất dài .
Xem MV Tương Tư có thể cảm nhận đây là một bài hát về sự cô đơn và những câu hỏi chưa được trả lời, những dở dang chưa kịp gói ghém trước khi cái kết xảy ra. Một mình nhân vật chính cứ bần thần chờ đợi, đứng nhìn và tìm kiếm trong vô định.
Anh như lạc lõng giữa những không gian rộng lớn đến vô cùng như biển cả, sa mạc, đảo hoang, hay đó chính là tâm tư của một người đang chới với trong chính biển cảm xúc của mình.
Về âm nhạc, Tương Tư nói riêng hay EP [Y?] nói chung là một sự thử nghiệm của Táo và ekip với concept “Nhạc - Trang - Thi - Họa” (âm nhạc, thời trang, thơ văn và hội họa) khi tất cả những yếu tố trên được sáng tạo và kết hợp để cũng phục vụ mục đích khắc họa nội tâm trong bài hát.
Cùng thưởng thức Tương Tư và đón chờ những đổi mới tiếp theo từ Táo với EP [Y?].